baophutho.vnThực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, cùng với việc thúc đẩy các hoạt động ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, những năm qua, Phú Thọ đã tận dụng thế mạnh của địa phương để đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao văn hóa nhằm tăng cường sự hiểu biết, quảng bá hình ảnh của tỉnh đến với bạn bè thế giới, góp phần duy trì, giữ vững và thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Phú Thọ với các địa phương ở nước ngoài.
Đoàn công tác của Hội đồng thành phố Hwaseong, Hàn Quốc thăm làng cổ Hùng Lô, thành phố Việt Trì.
Trong những năm qua, ngoại giao văn hoá của Phú Thọ đã có nhiều bước phát triển, đồng thời phát huy vai trò như một phương thức nhằm lan tỏa giá trị văn hóa, con người, quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế và tiếng nói của tỉnh trên trường quốc tế. Các hoạt động ngoại giao văn hóa đã và đang được tỉnh triển khai theo nhiều hình thức đa dạng như: Đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền đối ngoại, các hoạt động giao lưu, trao đổi văn hóa, nghệ thuật, tổ chức các sự kiện văn hóa; tham gia các tổ chức quốc tế về văn hóa; phát huy vai trò của kiều bào trong thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hóa...
Sự đa dạng về các loại hình di sản văn hóa là một trong những thế mạnh để Phú Thọ phát triển các hoạt động ngoại giao văn hoá gắn với phát triển du lịch. Trong những ngày lễ lớn của tỉnh cũng như đất nước, đặc biệt nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm, các hoạt động ngoại giao văn hoá được tăng cường, tổ chức lồng ghép. Tỉnh cũng thường xuyên tổ chức và tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa nhân dịp lễ, Tết, tuần, ngày văn hóa Việt Nam tại các nước; nhân dịp kỷ niệm năm chẵn, năm tròn, ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, ngày Quốc khánh và các sự kiện quan trọng của các nước, các địa phương kết nghĩa như: Luông Nậm Thà, Luông Pha Băng (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào), Nara (Nhật Bản), Sơn Tây (Trung Quốc), thành phố Hwaseong (Hàn Quốc)...
Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng cùng với 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Hát Xoan Phú Thọ” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” không chỉ có sức hấp dẫn với du khách trong nước mà còn có sức hấp dẫn với bạn bè quốc tế. Hàng năm đã có hàng triệu du khách cũng như kiều bào ở nước ngoài trở về tri ân công đức Tổ tiên, tham dự lễ hội Đền Hùng. Xúc động và tự hào là những cảm xúc chung của đoàn thanh thiếu niên kiều bào tham dự Trại hè Việt Nam 2024 đến thăm Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.
Lắng nghe chăm chú những lời thuyết minh tại Khu di tích, em Bùi Đức Hùng 19 tuổi hiện đang sống tại Slovakia chia sẻ: "Là một người Việt Nam sống ở nước ngoài, em luôn mong có cơ hội để tìm hiểu về lịch sử Việt Nam. Ngay từ khi còn nhỏ, em đã được bố mẹ kể về nguồn cội và đất nước Việt Nam, em cảm thấy vô cùng tự hào là con Rồng cháu Tiên, tự hào về truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc. Em mong muốn sẽ có thật nhiều chương trình ý nghĩa để các bạn trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài như em có thể trở về quê hương, tìm hiểu về cội nguồn, tự hào về dân tộc, về các Vua Hùng và về cội nguồn của mình”.
Đoàn thanh niên kiều bào thăm quan Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.
Phú Thọ, vùng đất cội nguồn giàu truyền thống lịch sử, văn hóa với 967 di tích lịch sử văn hoá, hàng trăm lễ hội dân gian đặc sắc và nhiều cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Đây là lợi thế rất lớn để tỉnh thu hút khách quốc tế, nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch.
Cùng với cơ chế chính sách và nguồn lực từ ngân sách, tỉnh luôn quan tâm thu hút các nguồn lực xã hội từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để hỗ trợ, đầu tư cho phát triển văn hóa nghệ thuật; tổ chức các hoạt động đối ngoại văn hóa, các chương trình xúc tiến du lịch, hợp tác đầu tư, thương mại ở các tỉnh, thành phố nước bạn.
Trong các chương trình, hoạt động đều có sự lồng ghép giới thiệu, quảng bá nét đẹp vùng đất và con người Đất Tổ, từ đó, tạo hiệu quả truyền thông về hình ảnh tỉnh giàu tiềm năng, nhiều cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại và du lịch hấp dẫn tới các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư, bạn bè trong và ngoài nước.
Ngoài ra trong khuôn khổ hợp tác giao lưu văn hóa với các nước, dựa trên những nét tương đồng về văn hóa và lịch sử, tỉnh đã xây dựng và triển khai chương trình xúc tiến thương mại, chính sách khuyến khích đầu tư, tham gia hội chợ, triển lãm có lồng ghép các chương trình quảng bá về tiềm năng và cơ hội đầu tư, giao lưu văn hóa, du lịch.
Lồng ghép các hoạt động ngoại giao văn hóa vào các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh như: Du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch lễ hội, du lịch làng nghề truyền thống và tổ chức các cuộc triển lãm quốc tế, tiếp thị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương, giới thiệu văn học, mỹ thuật,... của tỉnh với bạn bè quốc tế; đẩy mạnh hoạt động ngoại giao văn hóa trong hoạt động đối ngoại Nhân dân; thường xuyên phối hợp với các trường đại học của các địa phương nước ngoài thực hiện trao đổi và giao lưu văn hóa giữa học sinh, sinh viên của tỉnh với học sinh, sinh viên các nước; đẩy mạnh tuyên truyền các loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc như: Hát Xoan, chèo, ghẹo, chầu văn mà tỉnh Phú Thọ luôn quan tâm, nỗ lực bảo vệ và duy trì suốt nhiều năm qua, đồng thời xây dựng các chương trình biểu diễn nghệ thuật chất lượng cao vừa đáp ứng nhu cầu thưởng thức trong nước, vừa giới thiệu một cách hiệu quả nghệ thuật Việt Nam nói chung, Phú Thọ nói riêng đến nước bạn.
Cùng với đó, bằng những kênh truyền thông khác nhau, tỉnh tăng cường quảng bá vùng đất, văn hóa, con người Đất Tổ đến với công chúng trong nước và quốc tế, tạo điều kiện cho nhiều hãng thông tấn báo chí Trung ương, quốc tế tác nghiệp trên địa bàn tỉnh, có nhiều chuyên đề giới thiệu văn hóa đặc sắc của tỉnh.
Đồng chí Dư Văn Quảng- Giám đốc Sở Ngoại vụ cho biết: "Hợp tác cấp địa phương là một trong những điểm sáng của bức tranh ngoại giao văn hóa của tỉnh. Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng của các hoạt động ngoại giao văn hoá, Phú Thọ tiếp tục nâng cao chất lượng tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh. Đồng thời để các hoạt động ngoại giao văn hóa được thực hiện hiệu quả, hàng năm Sở Ngoại vụ thường xuyên xây dựng kế hoạch và nâng cao kiến thức về ngoại giao văn hóa cho các cán bộ làm công tác đối ngoại văn hóa của tỉnh và địa phương; tổ chức các lớp bồi dưỡng về kiến thức đối ngoại nói chung và ngoại giao văn hóa nói riêng, kiến thức về tổ chức sự kiện văn hóa có yếu tố nước ngoài tại các địa phương, góp phần thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại của tỉnh".
Thu Giang
Dẫn nguồn: Thúc đẩy ngoại giao văn hóa vẻ đẹp Đất Tổ (baophutho.vn)