Chủ nhật | 28/07/2024

Trong niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các văn nghệ sỹ tưởng nhớ Người lãnh đạo cao nhất của Đảng ta với lòng kính trọng sâu sắc và tình cảm yêu mến. Các văn nghệ sĩ nhớ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- một nhà lãnh đạo tận tụy, quan tâm đến sự nghiệp bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc, Người đã không ngừng thúc đẩy sự phát triển của văn hóa và nghệ thuật, để lại dấu ấn không thể phai mờ trong sự phát triển của văn hóa Việt Nam hiện nay và trong trái tim mọi người.

Người nghệ sĩ luôn tự đổi mới mình để đóng góp cho Nhân dân, cho đất nước những tác phẩm hay

Trong những ngày vừa qua, bằng tình cảm của mình với vị lãnh đạo yêu quý, NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã khắc họa 1 bức tượng chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Theo NSND Vương Duy Biên, Tổng Bí thư là một nhà lãnh đạo quan tâm sâu sắc đến sự nghiệp bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Sinh thời, Tổng Bí thư luôn mong mỏi "Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội" trở thành nhận thức, chủ trương, chính sách, hành động của mọi cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, nhận thức và hành động của mỗi người trong hoạt động thực tiễn ở mọi lĩnh vực khác nhau trong tổng thể xã hội, phải thống nhất để nhận diện đúng, cụ thể về văn hóa.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- một nhà lãnh đạo tận tụy, quan tâm sâu sắc đến sự nghiệp bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc - Ảnh 1.

Các văn nghệ sĩ nhớ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- một nhà lãnh đạo tận tụy, quan tâm đến sự nghiệp bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc, Người đã không ngừng thúc đẩy sự phát triển của văn hóa và nghệ thuật, để lại dấu ấn không thể phai mờ trong trái tim của mọi người.

"Tổng Bí thư chỉ rõ những yêu cầu cần phải nhận thức đúng, sâu sắc, phát huy hiệu quả vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa và sự đóng góp của văn hóa vào sự phát triển toàn thể của con người, dân tộc, đất nước. "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn...". Văn hóa phải là nền tảng tinh thần của xã hội, định hướng cho sự phát triển bền vững của xã hội. Phải làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi chủ trương, chính sách phát triển của Đảng, Nhà nước trên mọi lĩnh vực (chính trị, kinh tế, xã hội và bản thân chính sách phát triển văn hóa), điều chỉnh suy nghĩ và hành vi của mọi con người- đó là những điều mà chúng tôi, những người làm công tác văn hóa luôn ghi nhớ", NSND Vương Duy Biên chia sẻ.

Cũng theo NSND Vương Duy Biên, trong những phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với văn nghệ sĩ, Tổng Bí thư luôn căn dặn, mỗi người nghệ sĩ phải luôn luôn "tự đổi mới mình, vừa có bản lĩnh, sự tỉnh táo; vừa có trình độ, tầm nhìn, cách nghĩ và phương thức thể hiện mới trong sáng tạo nghệ thuật"; phải nuôi dưỡng "khát vọng lớn lao", "lý tưởng cao cả", "hòa nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc, lăn lộn với thực tiễn phong phú, sôi động của cuộc sống Nhân dân" để cống hiến những tác phẩm hay, làm lay động lòng người và cần thiết cho công chúng, cho xã hội"; "Người nghệ sĩ phải thường xuyên bồi dưỡng cả về phẩm chất và tài năng để đóng góp cho Nhân dân, cho đất nước những tác phẩm hay".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- một nhà lãnh đạo tận tụy, quan tâm sâu sắc đến sự nghiệp bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc - Ảnh 2.

NSND Vương Duy Biên và bức tượng điêu khắc chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang trong quá trình hoàn thiện

Và trong những lần tham dự và phát biểu chỉ đạo tại các hội nghị về văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đặt câu hỏi với văn nghệ sĩ, làm sao để có được những tác phẩm văn học nghệ thuật xứng tầm, có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật, rung động lòng người và sống mãi trong Nhân dân. Chúng tôi nhận thức rằng, đó không chỉ là câu hỏi, mà là sự trăn trở, là lời nhắc nhở, còn là một nhiệm vụ quan trọng Tổng Bí thư giao cho đội ngũ văn nghệ sĩ, bởi, để xây dựng một nền văn hóa nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cần phải có những tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc và nhiệm vụ đó đặt trên vai những văn nghệ sĩ"- Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Vương Duy Biên chia sẻ.

NSND Vương Duy Biên cũng khẳng định, để tiếp tục có những đóng góp xứng đáng vào những thành tựu chung của đất nước, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và 74 tổ chức thành viên, cùng toàn thể đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ sẽ tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- một nhà lãnh đạo tận tụy, quan tâm sâu sắc đến sự nghiệp bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc - Ảnh 3.

NSND Vương Duy Biên đang trong quá trình hoàn thiện bức tượng điêu khắc chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

NSND Lê Chức: Tổng Bí thư là điểm tựa về niềm tin của chúng ta với những điều tốt đẹp

Kể về kỷ niệm duy nhất khi gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, NSND Lê Chức vô cùng xúc động khi được Người lãnh đạo của đất nước trân trọng giọng đọc của mình. Với giọng đọc huyền thoại này, những lời động viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giờ đã trở thành những ký ức không thể nào quên

NSND Lê Chức được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2018 tại Văn phòng Trung ương Đảng. Lần đó, ông được trò chuyện cùng nhà lãnh đạo của đất nước. "Xin thưa với Tổng Bí thư, em là người sử dụng giọng và tiếng để đọc hầu hết các phim tài liệu và chương trình có nội dung liên quan tới Đảng và hệ thống chính trị. Khi được thực hiện cùng các đồng nghiệp các chương trình như vậy, em nhận cho mình một sự vinh hạnh lớn" – NSND Lê Chức nhớ lại.

Khi NSND Lê Chức nói với Tổng Bí thư như vậy, Tổng Bí thư đã hồ hởi nói lại với nghệ sĩ rằng "À, tôi đã được nghe anh rất nhiều năm. Nay, chúng ta mới có điều kiện gặp nhau. Hôm nay, anh đã nói về ý niệm của mình trong công việc, thì tôi nói lại với anh Lê Chức thế này nhé! Anh hãy giữ giọng và tiếng của mình cho đất nước, vì độ chuẩn xác như anh nói và chúng tôi cảm nhận được trong khi nghe cùng với các hình ảnh mà anh là người thể hiện".

NSND Lê Chức rất vui trước lời căn dặn của Tổng Bí thư cho riêng mình. Theo NSND Lê Chức, cuộc đời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thuộc về Đảng và thuộc về dân tộc. "Tất cả chúng ta đau xót khi mất đi một Con Người mà Con Người ấy là điểm tựa về niềm tin của chúng ta với những điều tốt đẹp"- NSND Lê Chức khẳng định.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- một nhà lãnh đạo tận tụy, quan tâm sâu sắc đến sự nghiệp bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc - Ảnh 4.

NSND Lê Chức nguyện giữ mãi lời dặn của Tổng Bí thư cho riêng mình

"Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định lại "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn". Cần phải có những con người dẫn dắt và làm cho sang trọng những giá trị của văn hóa, giá trị của cốt cách dân tộc bằng chính mình, bằng lý tưởng mà mình theo và sự ảnh hưởng của con người đó đối với Đảng, đất nước, dân tộc và bạn bè quốc tế.

Tôi cho rằng, ở nơi Tổng Bí thư có đủ tất cả phẩm lượng, phẩm chất đó. Ngày trước tôi đã từng được gặp, được trò chuyện với Tổng Bí thư và ngày hôm nay ông đã khuất núi, thì lời dặn dò "Anh hãy giữ giọng và tiếng nói của anh cho đất nước thông qua việc anh thể hiện lời bình, những lời giới thiệu về Đảng và hệ thống chính trị", tôi nguyện giữ mãi", NSND Lê Chức cho biết./.
Hồng Hà
Dẫn nguồn: 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- nhà lãnh đạo tận tụy, quan tâm sâu sắc đến sự nghiệp bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc (bvhttdl.gov.vn)

Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com