Thứ 3 | 08/10/2024

                                                                  Nguyễn Hương, Phòng QLVH&GĐ

     Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, xây dựng nông thôn mới nhằm làm cho kinh tế nông thôn phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân tăng lên, hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, môi trường xanh, sạch, đẹp; huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, khơi dậy tinh thần, ý thức tự lực, tự cường, tự vươn lên của mọi người dân. Xây dựng môi trường sống ở nông thôn ổn định, hòa thuận và dân chủ, có đời sống văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Do vậy, chương trình này đặt ra nhiều vấn đề cần tập trung nỗ lực giải quyết, trong đó vấn đề cơ bản và lâu dài là phải xây dựng gia đình văn hóa, ấm no hạnh phúc, bởi vì hạt nhân của xã hội là gia đình, gia đình tốt thì xã hội mới tốt và nông thôn như là một xã hội thu nhỏ được tạo lập bởi nhiều gia đình. Điều này cho thấy tầm quan trọng to lớn của việc xây dựng gia đình văn hóa trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
      Xác định rõ vai trò, vị trí của gia đình đối với con người và sự phát triển nông thôn mới, tỉnh Phú Thọ tiếp tục chỉ đạo đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đi vào chiều sâu. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; đẩy lùi hủ tục, các tệ nạn cờ bạc, ma tuý, mại dâm, bạo lực, gây rối trật tự công cộng. Xây dựng, tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao từ tỉnh đến cơ sở, bảo đảm tính thiết thực và bền vững; từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân giữa thành thị và nông thôn, giữa miền núi với đồng bằng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để triển khai thực hiện mục tiêu có hiệu quả như: Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; Kế hoạch triển khai Chương trình thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2026; Hướng dẫn số 03/HD-SVHTTDL ngày 19/10/2022 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về thực hiện các tiêu chí lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch thuộc Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ…
     Do có sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, công tác xây dựng gia đình văn hóa đã đạt được những thành tựu to lớn. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa được triển khai đồng bộ với phong trào “chung sức xây dựng nông thôn mới”, bao gồm các nội dung thi đua: sản xuất, kinh doanh giỏi, xóa đói, giảm nghèo, “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “gia đình, dòng họ hiếu học”... Các gia đình thường xuyên nhắc nhở các thành viên chăm lo xây dựng gia đình hòa thuận; đoàn kết tương trợ trong cộng đồng; thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, sống kỷ cương, giao tiếp ứng xử lễ phép, gương mẫu chấp hành quy ước, hương ước của địa phương. Do đó nhiều giá trị văn hóa truyền thống được đề cao phát huy, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có chuyển biến tích cực. Việc phát động đăng ký và tổ chức bình xét danh hiệu gia đình văn hóa hàng năm diễn ra công khai, dân chủ. Số lượng và chất lượng gia đình văn hóa ngày càng được nâng lên, năm 2023 toàn tỉnh có số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa: 375.472/413.352, đạt 90,8%. Khu dân cư đạt tiêu chuẩn văn hóa: 2.169/2.328 khu dân cư, đạt 93,1%. 
      Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa được triển khai từ tỉnh đến cơ sở, tác động tích cực đến đời sống văn hoá tinh thần, động viên, khích lệ mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Phong trào văn hoá, văn nghệ phát triển mạnh mẽ; hoạt động giao lưu văn nghệ - thể thao của các câu lạc bộ văn hoá được duy trì thường xuyên. Từ đó, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sinh hoạt và lao động sản xuất, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước đổi thay, bộ mặt nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực. Chương trình xây dựng nông thôn mới được người dân đồng lòng, góp công, góp của tự nguyện hiến đất làm đường giao thông xây dựng nông thôn mới, xây dựng một số công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, như đường giao thông liên thôn, kênh mương, đường nội đồng của xã, nhà văn hóa làng, bản khu dân cư… Bằng sự đoàn kết đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân, thể hiện qua những công trình, phần việc cụ thể, đã làm thay đổi diện mạo nông thôn ngày nay. Việc đầu tư xây dựng hạ tầng như đường bê tông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa gắn với sân chơi thể thao, đã đem lại hiệu quả trong phục vụ nhu cầu về văn hóa, thể thao cho Nhân dân. 

Buổi sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc Mường – huyện Thanh Sơn.

     Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, công tác xây dựng gia đình văn hóa cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Kết cấu gia đình, sợi dây liên kết truyền thống gia đình biến đổi và rạn nứt, dẫn đến các giá trị tốt đẹp của gia đình như: hiếu nghĩa, thủy chung, kính trên, nhường dưới...đang có biểu hiện xuống cấp. Sự xung đột giữa các thế hệ về lối sống và việc chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi đang đặt ra những thách thức mới. Các tệ nạn xã hội đã và đang xâm nhập, tác động xấu vào các gia đình. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người dân về vị trí và vai trò của gia đình còn hạn chế. Công tác giáo dục đời sống gia đình, việc cung cấp các kiến thức làm cha mẹ, các kỹ năng ứng xử của các thành viên trong gia đình chưa được coi trọng. Nhiều gia đình do tập trung làm kinh tế đã xem nhẹ việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ các thành viên, đặc biệt là trẻ em. Những vấn đề trên cản trở rất lớn trong quá trình xây dựng gia đình văn hóa ở địa phương.
Trong những năm tới, để nâng cao chất lượng xây dựng gia đình văn hóa góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đòi hỏi sự phối kết hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, đoàn thể. Trước hết, tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác xây dựng gia đình văn hóa gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo những tiêu chí đã đề ra. Tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, cơ cấu lao động nâng cao năng suất và chất lượng cuộc sống trên cơ sở đó từng bước nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần cho người dân.

    Tiết mục biểu diễn của CLB VHDG dân tộc Mường- H.Tân Sơn trong buổi Bế mạc lớp tập huấn

     Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến về nội dung, tiêu chuẩn, xây dựng gia đình văn hóa, tài liệu hỏi đáp về xây dựng nông thôn mới, làm cho mỗi hộ gia đình biết rõ trách nhiệm phải làm gì, xóm mình, khu mình làm công trình nào trong năm nay, đóng góp bao nhiêu, bằng hình thức gì...Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm cho phong trào văn hóa, văn nghệ thực sự thấm sâu vào mỗi người dân, gia đình, cộng đồng dân cư.  
     Tăng cường công tác giáo dục gia đình văn hóa, cung cấp các kiến thức kỹ năng sống như: kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng ứng xử trong gia đình và ngoài xã hội, giáo dục vận động mọi người tích cực tham gia các phong trào tại địa phương trong đó có phong trào xây dựng nông thôn mới. Chú trọng các biện pháp nhằm duy trì và nâng cao chất lượng công tác xây dựng gia đình văn hóa. Công tác bình xét danh hiệu gia đình văn hóa phải tiến hành theo tiêu chí thống nhất, trên nguyên tắc công bằng, dân chủ, đáp ứng được nguyện vọng, tâm tư, tình cảm, tạo được sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân.
     Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các mô hình gia đình văn hóa trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập. Tổ chức xây dựng gia đình phát triển bền vững, phòng chống bạo lực gia đình ở cộng đồng dân cư. Thường xuyên tập huấn bồi dưỡng, nhằm trang bị kiến thức cho cán bộ chỉ đạo hướng dẫn phong trào về xây dựng văn hóa gia đình trước yêu cầu đổi mới và có định hướng, hướng dẫn nhân dân thực hiện lâu dài. Ngoài việc duy trì mô hình các câu lạc bộ có từ trước như: câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; Đội phòng, chống bạo lực gia đình; coi trọng việc xây dựng và nhân rộng các mô hình mới như: mô hình gia đình văn hóa điển hình, mẫu mực ở nông thôn; gia đình văn hóa ở nông thôn làm giàu từ sản xuất nông nghiệp hàng hóa và dịch vụ nông thôn.
     Coi trọng việc giới thiệu các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đồng thời biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Đây là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của phong trào xây dựng gia đình văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.
      Xây dựng gia đình văn hóa trong xây dựng nông thôn mới là sự vun bồi cho những giá trị tốt đẹp đã và đang tồn tại, làm cho phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, khơi gợi được tinh thần, ý thức tự giác tham gia của người dân. Đây là một quá trình lâu dài, xuất phát từ nhận thức cá nhân đồng thời với việc quan tâm của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, hướng đến lợi ích của từng gia đình gắn với lợi ích cộng đồng, lợi ích xã hội. Sự quyết tâm, đồng thuận ấy sẽ giúp phong trào xây dựng gia đình văn hóa trong xây dựng nông thôn mới ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn, mang lại một diện mạo mới cho những vùng quê ngày càng khang trang, xanh - sạch- đẹp và đời sống ấm no, hạnh phúc cho người dân./.
                                                                                        

Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com