Thứ 3 | 27/08/2024

     79 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hòa mình vào dòng chảy lịch sử dân tộc, ngành Văn hóa tỉnh Phú Thọ đã phát huy vai trò xung kích trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, vị trí của ngành ngày càng được khẳng định trong chiến lược phát triển chung của đất nước.
     
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 28-8-1945, trong Tuyên cáo của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bộ Thông tin - Tuyên truyền được thành lập. Với ý nghĩa đó, năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn ngày 28-8 hằng năm là ngày truyền thống của ngành, để khắc ghi dấu mốc hình thành cơ quan Nhà nước trên lĩnh vực Văn hóa - Thông tin gắn liền với sự ra đời bộ máy chính quyền cách mạng của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Theo dòng lịch sử, tháng 02-1943, tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng xác định, phải có đường lối lãnh đạo xây dựng nền tảng văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Hội nghị đã ban hành “Đề cương về văn hóa Việt Nam” nhằm góp phần thức tỉnh, tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân và những người hoạt động văn hóa yêu nước vào Hội Văn hóa cứu quốc - một thành viên của Mặt trận Việt Minh, để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945.
Đề cương văn hóa Việt Nam nêu rõ: “Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị và văn hóa)”. Như vậy, ngay từ những bước chuẩn bị đầu tiên cho bộ máy chính quyền mới “của dân, do dân và vì dân”, Đảng ta đã hết sức coi trọng vai trò của văn hóa, hướng đến định hướng xây dựng nền văn hóa Việt Nam gắn liền với sứ mệnh cách mạng của dân tộc.
     Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công rực rỡ, ngày 28-8-1945, Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã quyết định thành lập nội các với 12 Bộ, trong đó có Bộ Thông tin, Tuyên truyền (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch). Bộ trưởng đầu tiên do đồng chí Trần Huy Liệu, đại diện cho Bộ ra mắt trước quốc dân tại Lễ Độc lập vào ngày 2-9-1945. Trải qua lịch sử 79 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Văn hóa và Thông tin hoạt động với rất nhiều lĩnh vực và đã có những tên gọi khác nhau để phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng. Theo đó, vào ngày 01- 01-1946, Bộ Thông tin, Tuyên truyền đổi tên là Bộ Tuyên truyền và Cổ động. Đến ngày 13-5-1946, Bộ Nội vụ ra Nghị định ấn định hệ thống tổ chức thông tin, tuyên truyền trong cả nước là Nha Tổng giám đốc Thông tin, Tuyên truyền, dưới quyền chỉ huy và kiểm soát trực tiếp của Bộ Nội vụ.
      Nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu kháng chiến lâu dài, ngày 27-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh 224, đổi tên Nha Tổng giám đốc Thông tin, Tuyên truyền thành Nha Thông tin. 05 năm sau đó, vào ngày 10-7-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 36, chuyển Nha Thông tin từ Bộ Nội vụ sang Thủ tướng phủ quản lý. Đồng thời sáp nhập Nha Thông tin thuộc Thủ tướng phủ và Vụ Văn học, nghệ thuật thuộc Bộ Giáo dục thành Nha Tuyên truyền và Văn nghệ thuộc Thủ tướng phủ, theo Sắc lệnh 83 ngày 24-2-1952. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, ở miền Bắc, Hội đồng Chính phủ thành lập Bộ Tuyên truyền trên nền tảng Nha Tuyên truyền và Văn nghệ, sau đó đổi tên Bộ Tuyên truyền thành Bộ Văn hóa vào ngày 20-9-1955 theo Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Song song đó, ở miền Nam, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thành lập Bộ Thông tin - Văn hóa vào ngày 06- 6-1969. Hai Bộ ở 2 miền hoạt động và lớn mạnh cho đến ngày sáp nhập sau khi đất nước thống nhất.
      Năm 1977, Tổng cục thông tin hợp nhất với Bộ Văn hóa thành Bộ Văn hóa và Thông tin theo Nghị quyết 99 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đến ngày 04-7-1981 đổi lại là Bộ Văn hóa theo Nghị quyết kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa VII. Kể từ đó đến nay, Bộ được nhiều lần tách, nhập và thay đổi tên như: Bộ Văn hóa, Bộ Thông tin, Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch, Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
     79 năm hình thành và phát triển song hành cùng những giai đoạn thăng trầm của đất nước, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, đội ngũ cán bộ ngành Văn hóa đã đóng góp bao công sức, tâm huyết nhằm chung tay sát cánh cùng đồng bào, đồng chí có mặt ở khắp các mặt trận suốt 2 cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc.
    PHÚ THỌ VÙNG ĐẤT TỔ CỘI NGUỒN DÂN TỘC GIÀU TIỀM NĂNG VÀ TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA
    Phú Thọ là mảnh đất cội nguồn, nơi hội tụ khí thiêng sông núi, đất phát tích của dân tộc Việt Nam. Với diện tích tự nhiên 3.532 km2, dân số hơn 1,5 triệu người, Phú Thọ nằm ở vị trí trung tâm của Vùng trung du miền núi Bắc Bộ, có nhiều tuyến giao thông quốc gia chạy qua kết nối giữa các tỉnh trong vùng, đặc biệt nằm trên hành lang kinh tế “Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải phòng - Quảng Ninh”.
    Trải qua hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã để lại những truyền thống vô cùng quý giá còn in đậm nét trong tính cách của người dân Phú Thọ hôm nay; đó là giàu sáng tạo trong lao động, giàu lòng nhân ái trong lối sống, giàu khí phách đấu tranh trống kẻ thù, giàu lòng yêu nước, yêu quê hương…Phú Thọ là Đất Tổ thiêng liêng của người Việt Nam; lưu giữ nhiều di sản văn hóa truyền thống gắn liền suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Là trung tâm Nhà nước Văn Lang cổ xưa, nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, miền đất Phú Thọ là nơi hội tụ của 34 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó: Dân tộc Kinh chiếm 82,93%; dân tộc Mường chiếm 15,2%; dân tộc Dao chiếm 1,07%; dân tộc Cao Lan chiếm 0,29%; dân tộc H’mông chiếm 0,06%, còn lại là các dân tộc khác. Mỗi dân tộc với một phong tục tập quán đa dạng cùng các loại hình văn nghệ dân gian phong phú như: Hát Xoan, Ghẹo, Trống quân, chàm thau, đâm đuống, cồng chiêng, múa mỡi, trống đu, múa chuông…, cùng với các món ăn đặc sắc như: Xôi ngũ sắc, lợn thui, cá đốt, bánh tai, bánh chưng, bánh giầy đã tạo nên những sắc thái văn hóa truyền thống đa dạng mang đặc trưng của những truyền thuyết dân gian. Di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Phú Thọ còn lưu giữ được khá đa dạng và phong phú như tiếng nói, chữ viết, kho tàng tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, lễ hội truyền thống, trang phục, công cụ lao động, nhạc cụ… 
     Trong những năm qua, Ngành Văn hóa tỉnh Phú Thọ luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa tỉnh Phú Thọ đạt được những kết quả tích cực, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường của dân tộc; tích cực tham gia phát triển kinh tế, xã hội; tham gia bảo tồn và phát huy tốt các giá trị văn hóa truyền thống trên quê hương Đất Tổ.
     Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực văn hóa được tăng cường, chất lượng hoạt động văn hóa từ tỉnh đến cơ sở có sự tiến bộ rõ rệt, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh.
     Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá vùng Đất Tổ được quan tâm, đầu tư trọng điểm gắn với phát triển du lịch văn hoá tâm linh, tín ngưỡng, góp phần giới thiệu, quảng bá văn hóa vùng Đất Tổ. Trong đó, nổi bật là hai di sản: “Hát Xoan Phú Thọ” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa, lịch sử có giá trị đã phát huy tác dụng tích cực trong đời sống xã hội. Văn hóa truyền thống của đồng bào các  dân tộc thiểu số từng bước được khôi phục, bảo tồn và phát triển.
    Phong trào"Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, chất lượng ngày càng được nâng lên. Hệ thống thiết chế văn hoá đã được đầu tư và nâng cấp tạo điều kiện cho người dân được tham gia và thụ hưởng các sản phẩm văn hoá. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh diễn ra an toàn, lành mạnh, phù hợp với bản sắc văn hóa truyền thống và văn hóa đặc trưng vùng đất cội nguồn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân tỉnh Phú Thọ.
Lĩnh vực văn hóa truyền thống
     Là đất phát tích, cội nguồn của dân tộc Việt Nam, Phú Thọ hiện còn lưu giữ rất nhiều di sản văn hóa, nhất là các di sản văn hóa gắn với thời đại Hùng Vương được gìn giữ và trao truyền qua nhiều thế hệ tiếp nối nhau. Cùng với các giá trị văn hóa vật chất như hệ thống di tích đình, chùa, đền, miếu và các di tích khảo cổ học, Phú Thọ còn có những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc như tín ngưỡng, lễ hội, nghệ thuật trình diễn, dân ca, truyện kể, thơ ca dân gian, mỹ thuật, nghề thủ công truyền thống... mang đậm sắc thái cội nguồn dân tộc. Những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn đã được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Công tác tu bổ, tôn tạo di tích nhận được sự quan tâm và huy động nhiều nguồn lực trong nhân dân.
     Phú Thọ hiện có 1.841 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được lưu giữ. Trong số đó có 324 di tích được Nhà nước xếp hạng; 345 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương; 30 di tích liên quan Hát Xoan; 05 bảo vật quốc gia. Di tích lịch sử Đền Hùng được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đặc biệt; 02 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại là Hát Xoan Phú Thọ, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ.
     Phú Thọ có 260 lễ hội các loại, trong đó có 223 lễ hội dân gian, 32 lễ hội lịch sử Cách mạng, 05 lễ hội tôn giáo, 01 lễ hội quy mô cấp quốc gia. Hiện tại có 92 lễ hội được bảo tồn, lưu giữ hoàn chỉnh cả phần lễ - hội - trò diễn tại các địa phương; 43 lễ hội được tổ chức thường xuyên hàng năm và trở thành nét văn hóa đặc sắc vùng Đất Tổ. Nhiều lễ hội đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh, độc đáo như: Lễ hội Đền Hùng, Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ, hội Trò Trám Tứ Xã, hội Phết Hiền quan, hội Bơi chải Bạch Hạc, hội Xoan Kim Đức, Phượng Lâu, hội rước voi Đào Xá, hội giã bánh giầy Mộ Chu Hạ, hội nấu cơm thi Gia Dụ…
Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở
     Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa được triển khai từ tỉnh đến cơ sở, tác động tích cực đến đời sống văn hoá tinh thần, động viên, khích lệ mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Phong trào văn hoá, văn nghệ phát triển mạnh mẽ; hoạt động giao lưu văn nghệ - thể thao của các câu lạc bộ văn hoá được duy trì thường xuyên. Toàn tỉnh hiện có trên 1.500 câu lạc bộ, đội văn nghệ quần chúng, trong đó, có 36 đội văn nghệ cấp tỉnh, 05 đội văn nghệ dân gian, 04 phường Xoan, 33 câu lạc bộ hát Xoan và dân ca cấp tỉnh; số còn lại là các câu lạc bộ, đội văn nghệ quần chúng cấp huyện, cấp xã và ở làng, bản, khu dân cư.


     Tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước, của tỉnh. Nhiều chương trình nghệ thuật chất lượng cao được dàn dựng công phu có tác động tích cực đến việc nâng cao nhận thức, thị hiếu, thẩm mỹ cho nhân dân, góp phần giữ gìn, quảng bá, tôn vinh những nét đặc sắc văn hóa vùng Đất Tổ. Hàng năm, tổ chức trên 200 buổi biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp và 1.900 buổi chiếu phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ đồng bào miền núi, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá tinh thần của nhân dân.
     Tính đến năm 2023, toàn tỉnh có 375.472/413.352 hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, chiếm 90,8%; 2.169/2.328 khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa, chiếm 93,7%; 50% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đảm bảo các tiêu chí cơ quan văn hoá.  
Phát triển văn học, nghệ thuật
     Hoạt động sáng tác ngày càng phát triển đa dạng, phong phú về nội dung và hình thức, các tác phẩm văn học, nghệ thuật đã phản ánh một cách chân thực, sinh động đời sống xã hội, sự nghiệp đổi mới của đất nước; xây dựng quê hương, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống vùng Đất Tổ.
    Trong thời gian qua, đặc biệt là 10 năm gần đây Hội Văn học – Nghệ thuật của tỉnh đã in ấn và xuất bản 406 đầu sách (trong đó 133 tập Văn xuôi, 200 tập Thơ, 41 tập Lý luận phê bình, 11 tập Âm nhạc, 05 tập Sân khấu và 14 các ấn phẩm tổng hợp); trên 400 tác phẩm Mỹ thuật, 1.500 tác phẩm Nhiếp ảnh được công bố tại các cuộc triển lãm, trưng bày trong tỉnh, khu vực và toàn quốc; 11 tập ca khúc ca ngợi Bác và quê hương Phú Thọ. Các tác phẩm sáng tác có nội dung phong phú, đa dạng về chủ đề, phản ánh chân thực, sâu sát đời sống xã hội phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng.
     Công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy di sản văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm, xuất bản nhiều tác phẩm có nội dung về các phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc để góp phần bảo tồn, phát huy các di sản VHNT các dân tộc trong tỉnh. Các xuất bản phẩm đều đảm bảo về chính trị, có giá trị nhất định về tư tưởng và nghệ thuật, tạo ảnh hưởng tốt trong dư luận xã hội.
Xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở
      Hệ thống các thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư hoàn thiện nhằm thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu luyện tập, biểu diễn và tổ chức hoạt động, góp phần  xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, thúc đẩy vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đối với cấp tỉnh, hiện nay có 01 bảo tàng có tổng diện tích là 15.732m2 ; 01 thư viện, 01 Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh; 02 nhà Văn hóa và nhà Thiếu nhi; 01 Nhà văn hóa Lao động tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh Phú Thọ còn có Rạp Chiếu phim Hòa Phong; Quảng trường Hùng Vương (diện tích 24,119 ha); Công viên Văn Lang (diện tích 116,2 ha); Công trình Nhà Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Phú Thọ hiện đang được xây dựng trên diện tích đất 17.805 m2 (dự kiến tháng 12 năm 2024 hoàn thành và đưa vào sử dụng); Đối với cấp huyện: 13/13 huyện thành, thị có Trung tâm văn hóa, thể thao (trong đó có 04/13 Trung tâm đạt chuẩn theo quy định: huyện Tam Nông; huyện Thanh Ba; huyện Lâm Thao; Thị xã Phú Thọ). 12/13 Thư viện cấp huyện đã được sáp nhập vào thiết chế Trung tâm văn hóa, thể thao; Đối với cấp xã: 100% khu dân cư có nhà văn hóa, các địa phương hiện đang huy động mọi nguồn lực từ ngân sách nhà nước, nguồn xã hội hóa để tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp các nhà văn hóa khu dân cư đảm bảo tiêu chí theo quy định.
     Hiện nay, nhiệm vụ của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày càng có nhiều khó khăn và thử thách mới, đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức, viên chức, lao động phải có sự nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết với nhiệm vụ được giao.


      Trong thời gian tới toàn ngành nỗ lực tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm mà trước hết là tăng cường quản lý nhà nước, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ công chức viên chức, người lao động, đặc biệt là đội ngũ văn nghệ sĩ nhằm tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa văn nghệ có giá trị, với mục tiêu là: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” tại Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nhằm thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc; thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030; Xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc vùng Đất Tổ, xây dựng phát triển tỉnh Phú Thọ thành trung tâm văn hóa cội nguồn của cả nước. Bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Hát Xoan Phú Thọ” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” gắn với phát triển du lịch bền vững, huy động và tranh thủ được các nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ cho sự phát triển của ngành, chuẩn bị đủ các điều kiện tham gia hội nhập sâu hơn với nền kinh tế quốc tế.                                                                                                     
     Nhân dịp kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa, là cơ hội để toàn ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch cả nước nói chung và tỉnh Phú Thọ nói riêng tự hào về truyền thống vẻ vang của ngành, từ đó có những định hướng, chiến lược phát triển xứng tầm, là một trong những ngọn cờ tiên phong trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa.

Tháng 8/2024 – Nguyễn Hương

 
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com