Chủ nhật | 14/04/2024

baophutho.vnTín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là tín ngưỡng đặc biệt trong tâm thức cộng đồng người Việt, bắt nguồn từ cội rễ văn hoá truyền thống, đồng hành cùng tiến trình lịch sử dân tộc và ngày càng có giá trị to lớn trong đời sống cộng đồng. Mỗi năm một lần, Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức với nhiều hoạt động, trở thành ngày hội chung của mỗi con dân đất Việt, là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa.

Du khách thập phương hành hương về Giỗ Tổ.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng là ngày hội toàn quốc, toàn dân và trong tâm thức dân gian Việt Nam. Mỗi dịp Giỗ Tổ, hàng triệu đồng bào, du khách về dâng hương, dự hội vừa làm sâu sắc hơn truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, vừa có những đóng góp quan trọng đối với ngành du lịch của tỉnh.

Ông Lê Trường Giang - Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng cho biết: Các di tích Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, Đền Giếng, Đền Tổ Mẫu Âu Cơ, Đền Quốc Tổ Lạc Long Quân và nhiều công trình văn hóa khác được tôn tạo ngày càng khang trang và tôn nghiêm, phục vụ đồng bào cả nước về thăm viếng tổ tiên. Tỉnh đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng thêm nhiều khu chức năng phục vụ các hoạt động thăm quan, trải nghiệm của đồng bào và du khách. Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đã trở thành điểm đến nổi bật và quan trọng nhất của du lịch vùng Đất Tổ.
Để Đền Hùng xứng đáng là “công viên lịch sử” như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tỉnh Phú Thọ quyết liệt chỉ đạo xây dựng, thực hiện “lễ hội 5 không”, đưa Lễ hội Đền Hùng trở thành lễ hội mẫu mực của cả nước. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa Du lịch Đất Tổ năm Giáp Thìn 2024 tiếp tục thực hiện mục tiêu “5 không” tại Lễ hội, đó là: Không có người ăn xin, ăn mày; Không ùn tắc giao thông; Không chèo kéo khách và xảy ra tình trạng giá cả, dịch vụ mang tính “chặt chém”; Không có những hành vi phản cảm trong lễ hội và không để mất vệ sinh môi trường ở khu vực lễ hội và các khu vực công cộng khác tại Đền Hùng.

Cùng gia đình thảnh thơi vãn cảnh trong khuôn viên lễ hội, anh Trần Anh Đức (phường Lê Lợi, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) chia sẻ: Từ nhiều năm nay, mỗi năm một lần, gia đình tôi gồm nhiều thế hệ cùng nhau về chiêm bái Đền Hùng. Mỗi dịp về với Đền Hùng, tôi lại thấy có thêm nhiều điểm mới, hấp dẫn. Từ khung cảnh trang nghiêm, sạch đẹp, những điểm dừng nghỉ, khu vực bán hàng ăn, đồ lưu niệm đều được bố trí bài bản, quy củ, giá cả niêm yết theo quy định; đặc biệt không có tình trạng chèo kéo, ép giá du khách.

Học sinh tại TP Việt Trì biểu diễn Hát Xoan.

Cây có gốc, nước có nguồn, chim có tổ, người có tông... Kính ngưỡng các Vua Hùng cũng chính là ý thức về cội nguồn dân tộc; tham gia thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là đã đóng góp vào việc việc bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương, giới thiệu, quảng bá, tôn vinh những nét bản sắc văn hóa các dân tộc. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không những đã lan tỏa, có mặt ở mọi miền của Tổ quốc mà còn có ở nhiều nước trên thế giới, những nơi có cộng đồng người Việt sinh sống.

Tại các địa phương, đặc biệt là tại 345 di tích gắn liền với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, công tác chuẩn bị cho ngày Giỗ Tổ đã được chỉ đạo thực hiện đảm bảo tính thiết thực, vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả. Bên cạnh đó, những hạt nhân văn nghệ, những vận động viên ưu tú tại các câu lạc bộ Hát Xoan và Dân ca Phú Thọ, câu lạc bộ thể thao dân tộc... cũng đang ra sức luyện tập với mong muốn đóng góp những tiết mục biểu diễn hay nhất, những màn so tài kịch tính, hấp dẫn nhất đến du khách và khán giả. Qua đó tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa lễ hội với du lịch, dân tộc và hiện đại, khắc họa rõ nét bản sắc văn hóa độc đáo vùng Đất Tổ và góp phần tạo nên thành công trong chuỗi hoạt động Tuần Văn hóa - Du lịch.

Hướng về Giỗ Tổ, những người con nước Việt vì nhiều lý do khác nhau mà không thể có mặt để được cùng hàng triệu đồng bào hòa mình vào không gian lễ hội, thành tâm chiêm bái danh lam, thắng cảnh, nhớ ơn tiền nhân tại non thiêng Nghĩa Lĩnh và cũng có thể tham gia thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương từ mỗi gia đình, dòng họ thông qua việc thực hiện “bữa cơm tri ân ngày Giỗ Tổ”. Mâm cơm tri ân dâng cúng các Vua Hùng với bánh chưng, bánh giầy, cơm tẻ, sản vật địa phương... - những món ăn gần gũi với người Việt và gắn liền với những huyền tích thời đại Hùng Vương góp phần tôn vinh nét văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Lịch sử như một dòng chảy liên tục, trải mấy nghìn năm, trong tâm thức của cả dân tộc, Đền Hùng vẫn là nơi bốn phương tụ hội, nơi con cháu phụng thờ công đức Tổ tiên. Mỗi người dân “Con lạc cháu Hồng” đều có quyền tự hào về những tinh hoa văn hóa ông cha đã trao truyền và càng nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm bảo tồn, phát huy, để những giá trị ấy trường tồn.

Lê Hoàng
Dẫn nguồn: 
Bốn phương hội tụ (baophutho.vn)

Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com