Thứ 3 | 18/05/2021
PhuthoPortal - Chỉ còn ít ngày nữa, Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ diễn ra. Thời điểm này, công tác tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử trên địa bàn tỉnh nói chung và ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa nói riêng đang được tích cực triển khai. Đối với các ứng cử viên tiến hành vận động bầu cử ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số có những đặc thù khác với vùng đồng bằng. Ngoài việc phải gần gũi, thực sự thấu hiểu tâm tư nguyện vọng thì các ứng cử viên khu vực này cần chân thành, kiên trì, đồng cảm với bà con vùng khó.

Đồng bào người Dao khu Xuân Thắng, xã Cự Thắng, huyện Thanh Sơn tìm hiểu tiểu sử các ứng cử viên trước ngày bầu cử
 

Phú Thọ là tỉnh trung du miền núi có 50 dân tộc cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có gần 250.000 người, chiếm 17% dân số toàn tỉnh, phân bố chủ yếu ở địa bàn các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, Đoan Hùng, Thanh Thủy. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều quan tâm đến đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhiều chính sách dân tộc được cụ thể hóa bằng các chương trình, dự án và triển khai thực hiện có hiệu quả. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ vừa qua, thông qua các đại biểu HĐND, những ý kiến, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã được chuyển tải kịp thời tới các cấp, các ngành, từ đó có những điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế. Nhiều mong muốn, nguyện vọng của cử tri vùng dân tộc thiểu số đã được triển khai thành hiện thực; đời sống đồng bào ngày càng được cải thiện, bản sắc văn hóa được bảo tồn và phát huy, củng cố niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước.

Trước thềm cuộc bầu cử, để được cử tri, nhân dân tín nhiệm, các ứng cử viên ngoài nghiên cứu kỹ: Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND; chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; chức năng nhiệm vụ của HĐND; nhiệm vụ quyền hạn của ĐBQH, đại biểu của HĐND, của cử tri.., đối với những người ứng cử tại khu vực miền núi, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số đã tìm hiểu kỹ về tình hình kinh tế - xã hội, văn hóa đặc trưng... để có chương trình hành động vận động bầu cử sát với yêu cầu, nguyện vọng của cử tri.

Được sự tín nhiệm của cử tri nơi công tác và nơi cư trú giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại đơn vị bầu cử số 15 huyện Thanh Sơn, trong chương trình hành động vận động bầu cử của mình, ông Đặng Quang Huy - TUV, Bí thư Huyện ủy Thanh Sơn cho biết: Là huyện miền núi có hơn 60% người dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là người Mường, với vai trò là người đứng đầu huyện, thời gian tới huyện Thanh Sơn tiếp tục tập trung chỉ đạo phát triển toàn diện, trong đó chú trọng sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững. Đồng thời quan tâm bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Tuyên truyền cổ động trực quan về bầu cử tại trung tâm xã Minh Đài, huyện Tân Sơn
 

Không chỉ có năng lực, trí tuệ, mỗi ứng cử viên ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp khi vận động bầu cử ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều thể hiện sự chân tình, thấu hiểu nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Chủ tịch UBND xã Minh Đài, huyện Tân Sơn chia sẻ: Sinh sống và công tác tại địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tôi thấu hiểu những khát vọng, mong muốn của người dân địa phương. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống của bà con trên địa bàn xã Minh Đài đã được nâng lên, năm 2019, Minh Đài là xã đầu tiên của huyện đạt chuẩn nông thôn mới… Chính vì vậy, khi ứng cử đại biểu HĐND huyện, tôi đưa ra các giải pháp giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, trở thành xã nông thôn mới điển hình của huyện; đồng thời phát triển tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa với những cây, con thế mạnh của địa phương. Đặc biệt, sẽ tích cực tham gia, đóng góp ý kiến để xây dựng các chính sách ưu đãi cho người dân tộc miền núi, giúp họ có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cử tri xã Minh Đài nghiên cứu thông tin các ứng cử viên trước thềm cuộc bầu cử
 

Là xã miền núi của huyện Yên Lập, Đồng Thịnh có trên 70% người dân dộc thiểu số sinh sống trên địa bàn. Hiện nay hệ thống giao thông nông thôn, nội đồng trên địa bàn xã đã được cứng hóa; các trường học đều được xây mới, nâng cấp đạt chuẩn đáp ứng nhu cầu dạy và học, các nhà văn hóa thôn được đầu tư, mở rộng, trạm y tế đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân... Các mô hình kinh tế đang dần hình thành và phát triển, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt; thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/năm…

Bà Vũ Thị Hương Lan - Bí thư Đảng ủy xã Đồng Thịnh cho biết: Từ thực tế vận động bầu cử của mình tôi nhận thấy, các ứng cử viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải có sự đồng cảm về văn hóa, hiểu được phong tục tập quán, cách ứng xử, ngôn ngữ và đưa ra những “cam kết” chân thành gắn với thực tế tại địa phương thì sẽ thuyết phục được bà con.

“Người đại diện cho tiếng nói và nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số ngoài việc đảm bảo phẩm chất, năng lực, tâm huyết, thì chúng tôi mong muốn các ứng cử viên nếu trúng cử đại biểu HĐND các cấp sẽ gắn bó mật thiết với nhân dân và cử tri; kịp thời nắm bắt những khó khăn của đồng bào để tham mưu với các cấp, các ngành, giúp bà con có đời sống vật chất và tinh thần ngày càng nâng cao” - Cử tri Nguyễn Thị Thoa - người dân tộc Mường ở thôn Minh Tiến, xã Đồng Thịnh bày tỏ.

Vùng sâu vùng xa trong tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Mong muốn cuộc sống bớt nhọc nhằn, rút ngắn khoảng cách vùng miền được người dân nơi đây kỳ vọng vào những ứng cử viên đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ tới. Chính bởi vậy, điều mà cử tri dân tộc thiểu số mong muốn nhất chính là các ứng cử viên sau khi trúng cử sẽ thực hiện đúng như những gì đã hứa, xứng đáng với sự tin tưởng, tình cảm cũng như kỳ vọng của bà con.

Huyền Trang
D
ẫn nguồn: https://phutho.gov.vn/

Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com