Chủ nhật | 16/06/2024

baophutho.vn Huyện Tân Sơn có 17 xã, 172 thôn bản, người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 82,5% dân số toàn huyện; trong đó chủ yếu là dân tộc Mường và một bộ phận dân tộc Dao, dân tộc Mông, còn lại là các dân tộc khác. Các DTTS trên địa bàn huyện luôn đoàn kết, tích cực tham gia lao động sản xuất, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV đề ra.

Đồng bào các xã Đồng Sơn, Lai Đồng, Kiệt Sơn phấn khởi trong ngày khánh thành cầu Suối Cái (24/5/2024).

Những năm qua, công tác dân tộc trên địa bàn huyện Tân Sơn luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và cả hệ thống chính trị quan tâm, kịp thời chỉ đạo thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc; nhất là công tác giảm nghèo, định canh, định cư và các vấn đề dân tộc khác trên địa bàn huyện.

Các Chương trình mục tiêu Quốc gia như: Xây dựng nông thôn mới (NTM); Phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi; Giảm nghèo... đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Việc triển khai thực hiện có hiệu quả các hợp phần, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, duy tu, bảo dưỡng công trình đã thiết thực góp phần giải quyết khó khăn về giao thông... Kinh tế vùng đồng bào DTTS và miền núi từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất, mô hình kinh tế gia đình có thu nhập cao.

Các hoạt động tôn giáo, quản lý đất đai, cơ sở hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo được chú trọng, giúp phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, vi phạm pháp luật.

Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, huyện đã tập trung huy động các nguồn lực để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hỗ trợ chăn nuôi, sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ người DTTS, triển khai có hiệu quả chính sách dân tộc, đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn. Nhờ đó, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố, tăng cường. Nhân dân các dân tộc trong huyện luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội qua từng năm đều tăng. Chỉ tính riêng năm 2023, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 1.316 tỷ đồng. Từ nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, 100% đường giao thông được đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và giao thương hàng hóa.

Huyện tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm như: Đường Tân Phú - Xuân Đài; đường giao thông kết nối, phát triển du lịch đồi chè Long Cốc - Vườn Quốc gia Xuân Sơn (đoạn từ Long Cốc đi Xuân Đài); các cầu vượt lũ Kiệt Sơn, Lai Đồng, Xuân Đài...

Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,7%/năm, thu nhập bình quân của người dân Tân Sơn đã đạt 36,16 triệu đồng/năm. Đời sống đồng bào DTTS và miền núi của huyện ngày càng khởi sắc, tạo tiền đề quan trọng để các DTTS có cơ hội tiếp tục phát triển ở trình độ cao hơn, rút ngắn khoảng cách về tiếp cận các điều kiện xã hội giữa vùng xuôi và vùng miền núi, vùng cao.

Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm mới và xuất khẩu lao động cho đồng bào DTTS có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều gia đình DTTS nghèo được hỗ trợ sửa chữa, xây mới xóa nhà tạm; hàng nghìn ha rừng tự nhiên được bảo vệ. Nhiều sản phẩm đặc trưng của đồng bào như: Gà nhiều cựa, chè, gỗ, cây ăn quả có múi được sản xuất theo hướng hàng hoá... Cấp ủy Đảng, chính quyền đặc biệt chú trọng quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và xây dựng đội ngũ cán bộ là người DTTS.

Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS có nhiều khởi sắc. Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học vùng cao, vùng đồng bào DTTS được đầu tư, nâng cấp. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên; nhiều học sinh người DTTS vượt lên hoàn cảnh khó khăn, phấn đấu học tập đạt nhiều thành tích cao. 100% thôn, bản có nhân viên y tế. Hàng năm, có hàng chục nghìn người DTTS thuộc các xã vùng khó khăn được cấp thẻ BHYT miễn phí và hưởng các dịch vụ y tế trong khám, chữa bệnh. Việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường và các DTTS khác trên địa bàn được gìn giữ.

Các lễ hội truyền thống được tổ chức đảm bảo tính nguyên mẫu, ý nghĩa đối với từng dân tộc như: Diễn xướng chàm đuống, hát Ví, hát Rang, nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng, lễ hội xuống đồng, Tết Doi, cơm mới của đồng bào Mường; múa chuông, sinh tiền, Lễ cấp sắc, Tết nhảy của đồng bào dân tộc Dao; múa khèn và thổi khèn, kèn lá của đồng bào Mông... Các lễ hội được tổ chức trang trọng, phù hợp với giá trị truyền thống văn hoá của địa phương; góp phần tăng cường khối đoàn kết dân tộc, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của các DTTS, đẩy lùi các tệ nạn xã hội.

Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Dao xã Đồng Sơn ngày càng nâng cao.


Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đã được nhân rộng khắp các thôn, bản với các mô hình tự quản, tự phòng... góp phần tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân trên địa bàn toàn huyện. ANCT, TTATXH trên địa bàn được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh được chú trọng, đạt kết quả toàn diện. Toàn huyện có gần 3.400 đảng viên là người DTTS, chiếm 68,4% đảng viên trong toàn huyện...
Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, huyện đã tập trung lồng ghép các nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới từng bước củng cố, hoàn thành các tiêu chí thu nhập, hạ tầng GTNT, thiết chế nhà văn hóa, xóa nhà tạm,...

Hiện xã Minh Đài tiếp tục duy trì xã đạt chuẩn NTM. Xã Long Cốc duy trì 15/19 tiêu chí; xã Văn Luông duy trì 16/19 tiêu chí; các xã khác duy trì từ 8 - 14 tiêu chí, bình quân đạt 11,5 tiêu chí/xã. Hiện tại, có 34 khu dân cư đạt chuẩn NTM. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý ở vùng đồng bào DTTS và miền núi được đổi mới, nhờ đó người dân đã nắm bắt và hiểu được các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Trong 5 năm qua, toàn huyện đã bầu chọn 1.000 lượt người có uy tín trong đồng bào DTTS. Những già làng, trưởng bản, người uy tín đã nêu cao vai trò gương mẫu trong cộng đồng dân tộc; xóa dần những tập tục lạc hậu, phát huy giá trị tốt đẹp trong đời sống, xây dựng nếp sống văn hóa mới khu dân cư...

Đồng chí Trần Khắc Thăng - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình dự án cho vùng đồng bào DTTS, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhất là nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Cùng với đó, tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng DTTS; phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS; phát huy bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc; tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người DTTS; củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Thúy Hằng
Dẫn nguồn: 
Các dân tộc huyện Tân Sơn đoàn kết để phát triển (baophutho.vn)

 
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com