Sáng 22/12, Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa diễn ra tại trụ sở Chính phủ và được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh thành cùng các bộ ngành liên quan. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì, điều hành Hội nghị.
Sau báo cáo trung tâm của Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận về thực hiện phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì, điều hành Hội nghị
Phát huy vai trò của chủ thể sáng tạo
Mở đầu phiên thảo luận của Hiệp hội, doanh nghiệp và chuyên gia, ông Đoàn Thanh Nô- Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam cho biết: Hiện nay Công nghiệp văn hóa đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự đa dạng sáng tạo trong lĩnh vực văn học nghệ thuật , đem lại cho nhiều cơ hội mới cho văn nghệ sĩ. Lĩnh vực kiến trúc, nhiếp ảnh, điện ảnh, sân khấu âm nhạc, múa, văn nghệ dân gian, văn học nghệ thuật đã có những thành tựu xuất sắc góp phần vào sự nghiệp phát triển của văn hóa nghệ thuật nước nhà, đóng góp đáng kể vào quá trình phát triển công nghiệp văn hóa của nước ta.
Theo ông Đoàn Thanh Nô, sáng tạo tác phẩm là khâu đầu tiên, là chất liệu đầu vào quan trọng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, vì văn học nghệ thuật là kết tinh của trí tuệ sáng tạo, trở thành tài sản hữu ích khi tham gia vào công nghiệp văn hóa. Với lẽ đó, văn học nghệ thuật có rất nhiều tiềm năng lợi thế chưa được phát huy đúng mức để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt trong môi trường số, văn học nghệ thuật đang có sự tương tác mạnh mẽ và thú vị trong thời đại số, quốc gia số.
Ông Đoàn Thanh Nô cho rằng, trước hết, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của các quốc gia, cũng như sự hợp tác của các doanh nghiệp cung cấp, làm nhiệm vụ trung gian. Các nền tảng trung gian hoạt động tại Việt Nam còn nhiều lỗ hổng và bất cập, chưa hoàn toàn tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, phần nào dẫn dắt các hành vi vi phạm nghiêm trọng các các vấn đề bản quyền. Vì vậy, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam hiện nay sẽ tiếp tục tuyên truyền những chủ trương chính sách của Nhà nước về văn hóa nói chung, công nghiệp văn hóa nói riêng để các tổ chức thành viên trong hội đổi mới sáng tạo, thể hiện sự đa dạng trong các tác phẩm văn học nghệ thuật, đa dạng trong chủ đề, đề tài, nhất quán quan điểm khuyến khích các tác giả thử nghiệm các ý tưởng mới, tạo nên những tác phẩm độc đáo, mang phong cách riêng biệt.
Về phía Nhà nước, cần sớm hoàn thiện các chính sách thúc đẩy nguồn lực xã hội đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hỗ trợ tài chính cho văn học nghệ thuật, các văn nghệ sĩ ở mức cần thiết. Điều này sẽ tạo nên môi trường để sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị cao tham gia vào môi trường công nghiệp văn hóa. Cho phép tiếp cận cầu nối giữa Liên hiệp với các tổ chức thành viên trong nước và quốc tế, thúc đẩy phát triển công nghiệp sáng tạo để phát huy vai trò của các văn nghệ sĩ.
Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, có hơn 5000 làng nghề trên cả nước với hàng nghìn nghệ nhân. Làng nghề góp phần bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch, kinh tế. Làng nghề không bám vào văn hóa và không làm du lịch thì không thể hội nhập và phát triển. Làng nghề ngoài sản phẩm thì quan trọng là quảng bá du lịch, gìn giữ văn hóa. Nơi nào phát triển du lịch làng nghề thì phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam mong mỏi việc phong tặng danh hiệu Nghệ nhân được các cấp, các ngành quan tâm- bởi các nghệ nhân là chủ thể sáng tạo của làng nghề.
Quang cảnh Hội nghị tại trụ sở Chính phủ
Hoàn thiện chính sách
Mong mỏi có thể phát triển công nghiệp điện ảnh, bà Ngô Thị Bích Hạnh- Tổng Giám đốc BHD chia sẻ, chúng ta vẫn chỉ quản lý văn hóa mà chưa có quản lý công nghiệp văn hóa. Để quản lý công nghiệp văn hóa cần từ chính sách đến con người.
Theo bà Bích Hạnh, hiện nay, rạp chiếu phim mang thương hiệu Việt chỉ chiếm 30% thị phần (các nước 80-90%). Doanh thu phim Việt chiếm 33% (so với các nước khu vực 70-80%). Như vậy, so với các nước trong khu vực, từ tỉ lệ rạp chiếu đến doanh thu của nước ta còn thấp. Trong khi Việt Nam có doanh thu phòng vé cao nhưng thị phần thấp.
Cũng theo bà Hạnh, hiện phim Việt có doanh thu cao nhất là 475 tỉ. Trong khi đó đầu tư có 35 tỉ. Rõ ràng, công nghiệp điện ảnh, công nghiệp văn hóa có cơ hội hội phát triển.
Tuy nhiên, theo bà Hạnh, cần có chính sách để hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa. "Phải coi trọng sản phẩm văn hóa, đó là tài sản trí tuệ nhưng không thể đưa ra vay vốn ngân hàng, cũng không được bảo hộ bản quyền. Ăn trộm 1 cái xe máy bị đi tù nhưng post bộ phim lên mạng chỉ phạt hành chính"- bà Hạnh bày tỏ.
Bà Hạnh mong mỏi, sản phẩm văn hóa phải được coi trọng. Cùng với đó là chính sách ưu đãi về vay vốn. Tuy nhiên, một kịch bản phim không phải sản phẩm hữu hình nên không thể vay vốn.
"Để xây dựng công nghiệp phải xây dựng cơ sở vật chất cho công nghiệp đó. Xây dựng rạp chiếu phim, giảm tiền thuê đất, giảm tiền điện nước cho các doanh nghiệp văn hóa"- bà Hạnh bày tỏ.
Cũng theo bà Hạnh, còn có nhiều khó khăn khác như thủ tục hành chính rườm rà. "Đơn cử như để quay bộ phim ở Bờ Hồ chẳng hạn phải có 5-7 giấy phép. Nếu 1 ngày quay ở 3- 4 địa điểm thì quá phức tạp"- bà Hạnh chia sẻ.
Bà Trương Uyên Ly, Không gian sáng tạo trực tuyến Hanoi Grapevine cho rằng, không gian sáng tạo đang thể hiện ưu thế trong việc kết nối các nghệ sĩ, truyền thông và đem các tác phẩm của nghệ sĩ đến với công chúng. Các không gian sáng tạo Việt Nam đang thu hút công chúng.
Hiện nay, không gian sáng tạo đã và đang có những tác động tích cực như tạo việc làm mới, cải tạo cảnh quan của khu vực, giảm tình trạng ô nhiễm.
"Nhà máy bỏ hoang, bãi đất trống được biến thành địa điểm âm nhạc, quán café, tạo không gian cho giới trẻ. Không gian sáng tạo cũng giúp giảm bớt ô nhiễm rác thải. Những không gian ô nhiễm được cải tạo thành không gian tươi mới, sạch đẹp. Tuy nhiên, các không gian sáng tạo gặp nhiều khó khăn, cản trở sự phát triển như: thuế, hạn mức thuê… Nhiều không gian sáng tạo đang hoạt động phi lợi nhuận, nhưng thuế đóng cao"- bà Uyên Ly bày tỏ.
Theo bà Uyên Ly, thách thức lớn trong phát triển không gian sáng tạo và công nghiệp văn hóa ở Việt Nam là thiếu sự liên kết, chưa đồng bộ, nhận thức về sức mạnh công nghiệp văn hóa chưa đồng đều.
Bà Ly kiến nghị, cần có chính sách giảm thuế, miễn thuế thu nhập trong vài năm đầu cho doanh nghiệp, đồng thời kiến nghị Thủ tướng thành lập Ban hành động về công nghiệp văn hóa liên bộ ngành để đẩy mạnh sự kết nối trong thực hiện công nghiệp văn hóa.
Bà Uyên Ly cho rằng, với tiềm lực của Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể trở thành trung tâm của công nghiệp sáng tạo của khu vực./.
Hà An