Thứ 2 | 13/05/2024

PhuthoPortal - Ngày 4/5/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 369/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch). Trong Quy hoạch, có nhiều nội dung quan trọng tác động đến sự phát triển của Phú Thọ.  

 
Phạm vi, ranh giới lập Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc bao gồm toàn bộ lãnh thổ đất liền của 14 tỉnh: Cao Bằng, Điện Biên, Bắc Giang, Bắc Kạn, Hà Giang, Hòa Bình, Lạng Sơn, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái
Phú Thọ được xác định là khu vực động lực phát triển
Theo Quy hoạch, tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội của vùng thành 3 tiểu vùng, 5 hành lang kinh tế, 3 vành đai phát triển và 1 khu vực động lực.
Khu vực động lực phát triển bao gồm 4 tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Hòa Bình. Đây được coi là trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ của vùng, với công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng.
Trong đó, tập trung phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo trình độ cao, có bước đột phá, phát triển một số ngành dịch vụ hiện đại, chất lượng cao như thương mại, logistics, tài chính, ngân hàng, du lịch, viễn thông, y tế chuyên sâu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát triển nông nghiệp hiệu quả cao, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.
Xây dựng Phú Thọ trở thành trung tâm công nghiệp điện tử
Trong định hướng phát triển các tiểu vùng xác định tiểu vùng trung tâm bao gồm 6 tỉnh: Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Lai Châu. Trong đó, tập trung xây dựng Phú Thọ trở thành trung tâm công nghiệp điện tử. Phú Thọ và Lào Cai là các cực tăng trưởng của tiểu vùng.
Theo phương hướng phát triển và phân bổ không gian phát triển cho các ngành, lĩnh vực có lợi thế của vùng, Phú Thọ cùng với Thái Nguyên, Bắc Giang được xác định phát triển thành trung tâm cơ khí, điện, điện tử có trình độ cao.
Đồng thời, Phú Thọ cũng là một trong 3 tỉnh được ưu tiên các dự án áp dụng công nghệ mới, nâng cao hiệu quả công nghiệp hóa chất sản xuất phân lân hữu cơ, vi sinh, sunfatamon, phân bón kali, các sản phẩm nhựa, sản phẩm hóa chất cơ bản, hóa dược chủ yếu.
Quy hoạch cũng nêu, phát triển vùng rừng nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến gỗ, giấy chủ yếu tại Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái. Xây dựng Phú Thọ, Tuyên Quang trở thành trung tâm chế biến gỗ, giấy của vùng. Phú Thọ là một trong những tỉnh tập trung phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp chế biến chè, giấy.
Đối với các vùng sản xuất tập trung, Phú Thọ là một trong 6 địa phương có điều kiện phù hợp để hình thành, phát triển một số khu, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Phú Thọ có tên trong 2/5 hành lang kinh tế
Theo Quy hoạch, 5 hành lang kinh tế của vùng được định hướng phát triển, trong đó Phú Thọ có tên trong 2 hành lang kinh tế, đó là: Hành lang kinh tế Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ - Hà Nội kết nối tiểu vùng trung tâm với Thủ đô Hà Nội, các cảng cửa ngõ, vùng đồng bằng sông Hồng, với thành phố Côn Minh và vùng Tây Nam Trung Quốc. 
Hành lang kinh tế Hà Giang - Tuyên Quang - Phú Thọ - Hà Nội kết nối tiểu vùng trung tâm với Thủ đô Hà Nội, các cảng cửa ngõ, vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Tây Nam Trung Quốc. Kết nối các trung tâm du lịch của vùng và quốc gia, thúc đẩy phát triển ở các khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn thuộc tiểu vùng trung tâm.
 
Thành phố Việt Trì là thành phố lễ hội và du lịch quốc gia
Theo phương hướng xây dựng hệ thống đô thị, thành phố Việt Trì được xác định là thành phố lễ hội và du lịch quốc gia, trên cơ sở đa dạng hóa sản phẩm lễ hội với cội nguồn dân tộc Việt Nam làm trọng tâm. Là điểm đến chiến lược của vùng về du lịch văn hóa lịch sử, du lịch văn hóa cộng đồng, vui chơi giải trí. Là thành phố hạt nhân, trung tâm logistics, trung tâm chế biến nông - lâm sản, trung tâm công nghiệp đa ngành và động lực của tiểu vùng trung tâm của vùng.

Thành phố Việt Trì được xác định là thành phố lễ hội và du lịch quốc gia, trên cơ sở đa dạng hóa sản phẩm lễ hội với cội nguồn dân tộc Việt Nam làm trọng tâm
Duy trì và nâng cao chất lượng Khu du lịch quốc gia Đền Hùng; khu vực Vườn quốc gia Xuân Sơn được đưa và danh sách các địa điểm tiềm năng phát triển thành Khu du lịch quốc gia.
Theo quy hoạch, từng bước chuẩn bị điều kiện để phát triển Trường Đại học Hùng Vương thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của tiểu vùng khi có điều kiện về nguồn vốn, trong đó ưu tiên đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, nghiên cứu - quảng bá - bảo tồn văn hóa, lịch sử và lối sống của cộng đồng dân tộc.
Đầu tư phát triển năng lực khám, chữa bệnh đạt trình độ cao cho các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tại các tỉnh Phú Thọ, Sơn La, Lào Cai, Bắc Giang, Tuyên Quang và Yên Bái nhằm đảm nhận vai trò là các bệnh viện tuyến cuối của tiểu vùng. 
Hương Giang
Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com