Chủ nhật | 20/10/2024

     Chợ là nơi mà diễn ra hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ bằng tiền tệ hoặc hiện vật (hàng đổi hàng). Đây cũng là nơi diễn ra các hoạt động nghiên cứu, giới thiệu, quảng cáo, tiếp thị sản phẩm - dịch vụ. Tại chợ mọi người có thể kết nối, hợp tác, chia sẻ với nhau để đạt được các lợi ích chung, hình thành các mối quan hệ về văn hóa, xã hội & kinh tế.
      Theo nghiên cứu của các nhà sử học và văn hóa dân gian, chợ Lú được hình thành rất sớm, từ thời kỳ các Vua Hùng dựng nước. Đây chính là nơi lưu giữ tổng thể những nét văn hóa đặc sắc của làng quê Việt được tạo dựng, bảo tồn qua hàng ngàn năm lịch sử và tồn tại cho đến ngày nay. Theo dòng chảy của lịch sử, chợ Lú xưa cũng có nhiều đổi thay, từng bước mang tính chất thương mại hóa cao hơn. Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ quản lý di sản văn hóa thì chợ Lú ngày nay vẫn còn lưu giữ được khá nhiều nét đẹp cổ xưa và được thể hiện sinh động qua các yếu tố như: chức năng của chợ, thành phần tham gia buôn bán trao đổi, thời gian, địa điểm họp chợ…
     Chợ Lú hay còn gọi là chợ Nú (Nú, Lú đều là từ nói chệch của Lúa) thuộc Phường Minh Nông, thành phố Việt Trì ngày nay, ra đời từ khi con người đã sản xuất được hàng hóa nhiều hơn nhu cầu của họ, nên muốn mang nó đi trao đổi với người khác để lấy một loại hàng hóa nào khác đó mà họ đang có nhu cầu sử dụng. Nhiều tư liệu khảo cổ đã chứng minh chợ Lú ra đời từ thời các Vua Hùng dựng nước Văn Lang, đóng đô ở kinh đô Văn Lang (Việt Trì ngày nay), khi mà người dân nơi đây đã biết làm ruộng nước tạo ra nhiều lúa, gạo, hạt kê và trồng được nhiều rau, khoai lang, củ kiệu, nuôi được nhiều súc vật và gia cầm như trâu bò, gà, vịt, chó, lợn… Họ đã tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội, có của ăn, của để và hàng hóa trao đổi.
     Ban đầu, chợ chủ yếu là nơi để mọi người trao đổi sản phẩm dư thừa với nhau, dựa trên một thước đo dân dã, đó là sự thỏa thuận của hai bên theo quan hệ vật đổi vật. Về sau, cùng với sự ra đời của tiền tệ thì chợ không chỉ là nơi trao đổi mà diễn ra việc mua và bán hàng hóa - một bên là những người có sản phẩm sẽ đem ra để bán, còn một bên là khách hàng dùng tiền để mua các sản phẩm cần thiết cho mình.
     Do chức năng xã hội của nó nên chợ được hình thành và xây dựng tại nơi có đông dân cư (có nhiều thị dân), là trung tâm và là đầu mối giao thông của một vùng. Nhất cận thị, nhị cận giang (nhà gần chợ là thứ nhất, gần sông là thứ nhì). Ngày xưa chọn đất làm chợ các cụ xem phong thủy cả rồi. Không trên bến dưới thuyền thì cũng là thuận về đường sá, giao thông.
     Nhu cầu trao đổi hàng hóa dần hình thành và ngày càng phát triển. Đối với người Việt Trì, từ bao đời nay, chợ Lú không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa đơn thuần mà còn là nơi thể hiện nét đặc trưng bản sắc văn hóa dân tộc. Chợ Lú truyền thống không chỉ đơn thuần là nơi trao đổi hàng hóa, mà còn là nơi mọi người đến để gặp gỡ, trao đổi thông tin, tạo sự gắn kết với nhau. Phiên chợ Lú xưa thường họp từ sáng sớm tinh mơ đến quá giờ Ngọ (12 h trưa) thì tan. Chợ họp ở cạnh một cây cầu nhỏ, bên gốc cây đa làng, trên một bãi đất rộng và bằng phẳng. Chợ xưa mộc mạc chỉ có vài mái lều lợp lá cọ thưa, cả người bán lẫn người mua đều là người làng với nhau hoặc người ở làng kế bên, có rất ít người từ xa đến. Tại phiên chợ có đủ các mặt hàng, thường là rau quả trong vườn nhà có được hay vài chục trứng, con gà, con vịt nhà nuôi, chỗ thì bán nông cụ, chỗ thì bán những món quà vặt như xôi, chè, ngô, khoai lang  nướng hay mấy món bánh quê giản dị vừa túi tiền (bánh chưng, bánh giầy, bánh dán, bánh cuốn, bún, bánh đa, bánh đúc…), ai thấy ưng món gì thì mua về làm quà, hay cứ ngồi xuống ăn thoải mái. Đặc biệt là lúa gạo, ngô, khoai thì nhiều vô kể. Cả phiên chợ toát lên cái giản dị, dân dã của một miền quê, vùng đất kinh đô Văn Lang xưa.
      Chợ phiên đông hay chợ tết cũng chỉ chừng vài trăm người, không khí thân mật hiền hòa bởi đa phần là người quen với nhau, hay bạn bè rủ nhau ra chợ vui chơi. Hình như mọi người ai cũng thích đi chợ, không mua gì thì cứ đi ngắm, đi chơi. Đông người nhất chắc là phiên chợ Tết; ở quán nước chè, nước vối đầu chợ, người ta gặp nhau, ăn miếng trầu hay vừa uống nước chè, lại hút diếu thuốc lào, vừa hỏi thăm nhau.
     Dù còn mang nặng tính tự túc, tự cấp nhưng chợ Lú truyền thống không vì thế mà đơn điệu, lạc lõng với thế giới bên ngoài. Người mua, kẻ bán, tất thảy đều xởi lởi, vui vẻ. Đối với người “nhà quê”, những phiên chợ xưa là một phần trong đời sống văn hóa, là một cái gì đó gần gũi đến thân thương, đi vào tiềm thức của họ với những hình ảnh hết sức mộc mạc, thân quen và cũng rất tự nhiên như tâm hồn, bản tính của người Việt… Phiên chợ giản đơn ấy cứ như một nét văn hóa đặc trưng của văn hóa làng, không thể thiếu trong đời sống của người dân vùng quê Minh Nông / Kẻ Lú. Nhiều phiên chợ còn là nơi sinh hoạt văn hóa, biểu diễn nhạc cụ dân tộc mà các nghệ sĩ biểu diễn lại là chính những người nông dân chất phác hiền lành, chia sẻ niềm vui cùng những người đi chợ.
     Trải qua hàng ngàn năm hình thành và phát triển, chứng kiến bao sự đổi thay, biến thiên của lịch sử, nhưng chợ Lú xưa vẫn chứa đựng trong mình nhiều giá trị lịch sử, văn hóa làng đặc sắc. Vì thế, ngày nay đi chợ Lú là để tìm lại những hình ảnh thân thương, tảo tần của bà, của mẹ với đôi quang gánh trĩu nặng trên hai vai gầy, đi qua thời gian, qua cả dòng đời gian nan, vất vả để nuôi các thế hệ cháu con ăn học, trưởng thành và có nhiều người đã thành danh. Cuộc sống ngày càng đi lên, tại thành phố Việt Trì có nhiều trung tâm thương mại, siêu thị ra đời đang dần thay thế chợ truyền thống. Con người ta vội vã hơn, tất bật hơn với cuộc sống nên không còn dành nhiều thời gian cho việc đi chợ. Đi chợ không còn là thú vui, không là nơi để gặp gỡ, trao đổi giữa các bà, các mẹ, mà đi chợ chỉ để phục vụ nhu cầu mua sắm những đồ dùng thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy, nét đặc trưng văn hóa làng cũng dần không còn được thể hiện ở những khu siêu thị hiện đại nữa.
      Tuy nhiên, đối với những người dân thôn quê, người xuất thân từ cư dân  nông nghiệp thì trong kí ức của họ, chợ phiên vẫn là một phần không thể thiếu trong đời sống thường ngày. Nó đã trở thành một cái gì đó gần gũi, đã đi vào tiềm thức, tâm hồn bằng những hình ảnh mộc mạc, thân quen. Ngày nay, trong bộn bề, hối hả của cuộc sống, nhiều người vẫn tìm về với những phiên chợ quê truyền thống, không phải để mua, để bán mà như một cách trở về với ký ức. Bởi chợ quê vẫn luôn là nơi lưu giữ nét văn hóa làng, nơi lưu giữ hồn quê, là nơi ta tìm về nguồn cội của chính mình. Thiết nghĩ, một đóng góp không nhỏ trong việc xây dựng Việt Trì trở thành thành phố lễ hội “Về với cội nguồn dân tộc Việt Nam” là việc khôi phục và duy trì chợ quê ở các làng cổ trong các khu, điểm du lịch trên địa bàn thành phố./.
 

                                                                              Tháng 10/2024
                                                                                           Phạm Bá Khiêm   
* Địa chỉ liên hệ:  Phạm Bá Khiêm - Số nhà 79, phố Hàn Thuyên, khu Tân Tiến, phường Tân Dân, TP Việt trì, tỉnh Phú Thọ. SDĐ: 0913.351.845.

 - Ảnh tư liệu: Một góc chợ ngày xưa (Ảnh minh họa)


 

Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com