Thứ 6 | 27/10/2023

     Ngày 26/10/2023, tại trụ sở của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đoàn giám sát Ban Văn hoá - Xã hội, HĐND tỉnh do đồng chí Nguyễn Thanh Tâm – Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội, HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân thành phố Việt Trì về công tác quản lý, tu bổ và tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh từ năm 2020 đến nay. Cùng tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh; Bí thư huyện ủy các huyện: Hạ Hòa, Tam Nông, Đoan Hùng; lãnh đạo, thành viên Ban Văn hoá- Xã hội HĐND tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Tài chính, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh và đại diện lãnh đạo UBND thành phố Việt Trì.

Đ/c: Nguyễn Thanh Tâm, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội, HĐND tỉnh - Trưởng Đoàn giám sát phát biểu tại hội nghị

     Theo báo cáo của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch và UBND thành phố Việt Trì,  từ năm 2020 đến nay hoạt động quản lý, tu bổ các di tích trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ngành văn hóa đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản và tổ chức nhiều hoạt động nhằm thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Hiện nay tỉnh Phú Thọ có 1.064 di tích được kiểm kê; trong đó có 324 di tích được Nhà nước xếp hạng (Khu di tích lịch sử Đền Hùng là di tích quốc gia đặc biệt, 73 di tích quốc gia và 250 di tích cấp tỉnh. Hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo theo đúng quy trình, thủ tục của pháp luật hiện hành. Chủ trương xã hội hóa công tác tu bổ di tích được triển khai sâu rộng, thu hút được nhiều nguồn lực xã hội cho hoạt động bảo vệ, tu bổ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nhiều di tích, nhất là các di tích xếp hạng cấp tỉnh được tu bổ, tôn tạo; nhiều hoạt động văn hóa truyền thống được phục hồi và tổ chức tại di tích đã góp phần thúc đẩy phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Cụ thể trong giai đoạn từ năm 2020 - 2023, UBND tỉnh đã cấp kinh phí là 9 tỷ đồng hỗ trợ cho 50 di tích tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp. Nguồn xã hội hóa và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định đạt trên 300 tỷ đồng cho gần 100 lượt di tích tu bổ. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được tiến hành thường xuyên đã kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường trong di tích.
     Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác tuyên truyền ở một số địa phương chưa được chú trọng, đội ngũ cán bộ văn hóa ở cơ sở do đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ nên còn hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực di sản. Nguồn kinh phí nhà nước hỗ trợ cho tu bổ, tôn tạo di tích còn hạn chế, nguồn vốn vận động xã hội hóa ở một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn, dàn trải, cho nên một số di tích xuống cấp nặng nề chưa được quan tâm, tu bổ. Mô hình Ban quản lý di tích chưa có sự thống nhất, đa số là kiêm nhiệm, trách nhiệm trông coi chủ yếu giao cho người cao tuổi, không có bố trí ăn nghỉ thường xuyên tại di tích nên việc bảo vệ an toàn di tích bị hạn chế…
     Tại hội nghị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thông tin làm rõ thêm một số nội dung liên quan theo yêu cầu của Đoàn giám sát như: việc tham mưu cho UBND tỉnh trong hoạt động quản lý di tích (việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất di tích; chính sách, tạo nguồn lực trong việc tu bổ, tôn tạo các di tích); công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa đối với thế hệ trẻ; việc phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong công tác quản lý các di tích tại địa phương…

Đồng chí Nguyễn Đắc Thủy - TUV, Giám đốc Sở VHTTDL báo cáo, giải trình tại hội nghị

     Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, đồng chí Nguyễn Đắc Thủy – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giải trình, làm rõ thêm các nội dung liên quan, những khó khăn, vướng mắc đối với công tác quản lý, tu bổ và tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa (nguồn lực đầu tư cho tu bổ di tích, giải pháp vận động nguồn xã hội hóa, phụ cấp người trông coi di tích…).
     Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Trưởng Đoàn giám sát đã đánh giá cao sự nỗ lực của ngành Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với kết quả đã đạt được trong những năm qua; đồng thời chia sẻ khó khăn và nhất trí với đánh giá về tồn tại hạn chế, các nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới. Đồng chí đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tích cực tham mưu cho tỉnh những giải pháp trong hoạt động quản lý di tích; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị di tích đối với thế hệ trẻ; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về quản lý, bảo vệ di tích đến với nhiều đối tượng cán bộ văn hóa xã, các ban quản lý di tích cơ sở cũng như người trực tiếp tham gia trông coi di tích, từ đó nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích; hướng dẫn kiện toàn Ban Quản lý di tích phù hợp với thực tế tại các địa phương… Đoàn giám sát tiếp nhận những đề xuất, kiến nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND thành phố Việt Trì, và sẽ có đề xuất, báo cáo các cấp có thẩm quyền theo quy định./.

Tin và ảnh: Thanh Thủy - Phòng Quản lý di sản văn hóa

Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com