Thứ 6 | 30/08/2019
Cứ mỗi độ tháng Chín về, tất cả người dân Phú Thọ lại không khỏi bồi hồi nhớ về Bác Hồ kính yêu của chúng ta - Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Trong muôn vàn tình yêu thương bao la của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã dành cho Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ những tình cảm yêu quý đặc biệt. Tư tưởng của Người mãi mãi toả sáng, là hành trang, động lực để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tiếp tục vững bước đi theo mục tiêu, lý tưởng và con đường cách mạng mà Người đã lựa chọn.
Lúc sinh thời, dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Bác Hồ vẫn dành cho Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ sự quan tâm đặc biệt. Người đã chín lần về thăm, ở và làm việc; viết nhiều bài báo, gửi nhiều thư khen, biểu dương phong trào cách mạng của địa phương. Những lần Bác về thăm Phú Thọ đều là những mốc thời gian quan trọng của cách mạng cả nước nói chung, của nhân dân Phú Thọ nói riêng, đặc biệt là chuyến thăm Đền Hùng năm 1954 và thăm Đảng bộ tỉnh Phú Thọ năm 1962.
Ngày 18, 19/9/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Đền Hùng, viếng mộ Tổ và gặp gỡ cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên Phong để giao nhiệm vụ trước khi về tiếp quản Thủ đô. Tại Đền Giếng, Bác đã nói chuyện và căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong khi vào thành phố phải giữ gìn quân phong, giữ nghiêm kỷ luật, tôn trọng và giúp đỡ nhân dân, tránh sa ngã, cám dỗ trước những “viên đạn bọc đường”, đặc biệt, Người nhấn mạnh:“Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đây là lời dặn dò tâm huyết của Bác, không chỉ đối với cán bộ, chiến sĩ về tiếp quản Thủ đô, mà còn xác định ý thức, trách nhiệm đối với quê hương, đất nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Sự khẳng định quy luật dựng nước và giữ nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền Hùng không những có ý nghĩa giáo dục lớn về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc và tinh thần đại đoàn kết, mà còn là sự tôn vinh tổ tiên, tôn vinh Quốc Tổ Hùng Vương. Lời căn dặn của Người không chỉ dành cho cán bộ Đại đoàn quân Tiên phong mà còn cho cả toàn quân; không chỉ với nhân dân Phú Thọ mà còn với nhân dân cả nước; không chỉ với thế hệ hôm nay mà còn với cả các thế hệ mai sau. 
Trong số 9 lần về Phú Thọ, lần thăm, làm việc vào 2 ngày 18 và 19 tháng 8 năm 1962 là lần thăm mang nhiều ý nghĩa khi Bác đã giành tối đa thời gian để thăm các nhà máy, xí nghiệp, công trường, hợp tác xã, đơn vị quân đội; dự, phát biểu tại cuộc gặp mặt lãnh đạo tỉnh và mít tinh của quần chúng nhân dân. Lần thăm này, càng có ý nghĩa hơn khi Phú Thọ giành được nhiều thành tích trên tất cả các mặt, nhất là về nông nghiệp; vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ thi đua khá nhất, Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Nhất về thành tích “Tỉnh dẫn đầu miền Bắc”; đúng vào dịp kỷ niệm 17 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh mồng 2 tháng 9.
Sáng ngày 19/8/1962, hơn ba vạn cán bộ, bộ đội và đồng bào các dân tộc từ khắp nơi trong tỉnh đã có mặt đầy đủ để đón Bác. Trong cuộc mít tinh tại sân vận động thị xã Phú Thọ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thăm hỏi đồng bào các dân tộc, bộ đội, công an, dân quân, anh hùng lao động và chiến sỹ thi đua toàn tỉnh, Bác khen ngợi những thành tích của Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ đã đạt được, đặc biệt là các điển hình tiên tiến trong nông nghiệp.
      Sau lễ mít tinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Thị xã Phú Thọ đến thăm HTX Nam Tiến (nay là thị trấn Lâm Thao – huyện Lâm Thao) - đơn vị điển hình tiên tiến về năng suất lúa cao của tỉnh. Tại hợp tác xã, Bác đã nói chuyện với nhân dân. Bác khen ngợi xã viên, cán bộ, đảng viên và nhắc nhở: "...Cán bộ phải làm đầy tớ phục vụ nhân dân, không phải như thời Tây làm quan đâu; phải đoàn kết cùng nhân dân xây dựng hợp tác xã...". Đồng thời Bác hỏi thăm tình hình sức khoẻ của các cụ già, chị em phụ nữ, rồi Bác nhắc nhở đến công tác thuỷ lợi, y tế, văn hoá - xã hội... Bác căn dặn bà con phải đoàn kết xây dựng HTX, đoàn kết với công nhân các nhà máy, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và góp phần vào sự nghiệp xây dựng miền Bắc XHCN, đấu tranh giải phóng miền Nam tiến tới thống nhất đất nước.
  

Bác hỏi chuyện chị Nguyễn Thị Tứ - xã viên Hợp tác xã Nam Tiến 
(nay là thị trấn Lâm Thao – huyện Lâm Thao). Ảnh: TL
 
     Sau khi thăm và nói chuyện với cán bộ, xã viên HTX Nam Tiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao (Nay là Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hoá Chất Lâm Thao) - một trong những cơ sở công nghiệp đầu tiên của nền công nghiệp Việt Nam, của ngành hoá chất và phân bón Việt Nam. Bác đã gặp gỡ, nói chuyện với công nhân nhà máy và nhân dân, căn dặn cán bộ, công nhân nhà máy phải thấm nhuần tinh thần làm chủ, tích cực sản xuất, hoàn thành vượt mức kế hoạch; làm tốt công tác quản lý, tích cực học tập, phải sản xuất phân bón thật tốt phục vụ nông nghiệp và đoàn kết với nông dân, thực hiện công nông liên minh, chú trọng cải thiện đời sống.
     Chia tay cán bộ, công nhân nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao, Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thăm Đền Hùng. Bác đã nhắc nhở các đồng chí lãnh đạo địa phương phải tu sửa và gìn giữ ngôi đền, gìn giữ di tích lịch sử, phải trồng cây phủ xanh đồi trọc, xây dựng công viên lịch sử đền Hùng, phải duy trì những giống cây quả quý của Phú Thọ... Tiếp đó, trên đường trở về thủ đô Hà Nội, Bác đã vào thăm cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn Pháo binh 374 đang đóng quân tại Thậm Thình xã Hy Cương, huyện Lâm Thao (Nay là cơ quan Bộ chỉ huy Quân khu II- Phường Vân Phú - TP Việt Trì). Bác đi thăm nơi ăn, chỗ ngủ của chiến sỹ, nói chuyện và động viên cán bộ, chiến sỹ.
 
Bác Hồ thăm đền Hùng ngày 19 tháng 8 năm 1962 Ảnh: TL
 
Sau 57 năm, Đảng bộ, nhân dân Phú Thọ thực hiện lời dạy của Bác và 50 năm thực hiện di chúc của Người, cách mạng nước ta đã phải trải qua muôn vàn thử thách, cùng với những biến đổi của thế giới phức tạp khôn lường; song Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ vẫn khắc sâu và quyết tâm thực hiện những lời căn dặn của Người khi về thăm tỉnh; luôn phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, năng động sáng tạo, đẩy mạnh phát triển KT - XH, xây dựng hệ thống chính trị, quyết "Mang lá cờ bách chiến, bách thắng của Hồ Chủ tịch tới đích cuối cùng".
Ghi nhớ và làm theo lời dạy của Người, toàn dân, toàn quân trong tỉnh đã nỗ lực trong cải tạo quan hệ sản xuất cũ, xây dựng quan hệ sản xuất mới, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, huy động sức người, sức của tiếp sức cho đồng bào, đồng chí ở tiền tuyến lớn; đồng thời, kề vai, sát cánh, chung sức, chung lòng cùng với đồng bào cả nước, phát huy cao độ truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần đấu tranh anh dũng đánh bại các các cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ bằng không quân vào miền Bắc.  
Khi Đế quốc Mỹ điên cuồng mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc, cùng với Hà Nội, Hải Phòng; Phú Thọ là một trọng điểm đánh phá của đế quốc Mỹ, với mục tiêu huỷ diệt khu công nghiệp non trẻ đầu tiên của miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa. Phát huy truyền thống quật cường của dân tộc và Chủ nghĩa anh hùng Cách mạng của quê hương đất Tổ, quyết tâm "đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào", quân và dân Phú Thọ đã anh dũng chiến đấu, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, góp phần cùng cả nước đánh thắng cuộc chiến tranh bằng không quân của giặc Mỹ trên toàn miền Bắc.
Trong cuộc chiến tranh vệ quốc "giữ nước" vĩ đại đó, hàng trăm ngàn con em các dân tộc trong tỉnh đã tham gi các lực lượng vũ trang và chiến đấu dũng cảm, đóng góp máu xương cho độc lập, tự do của Tổ Quốc.
Nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Phú Thọ đã vinh dự được Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, được phong tặng danh hiệu "Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân"; gần trăm đơn vị, địa phương trong tỉnh được phong tặng danh hiệu "Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân"; gần 450 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" "; nhiều tập thể, cá nhân được phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" và "Anh hùng lao động"... Những thành tích đó đã góp phần cùng dân tộc làm nên đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên CNXH; đưa chân lý "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" - ước nguyện cháy bỏng của Người thành hiện thực toàn vẹn trên đất nước Việt Nam.
          Thực hiện lời dặn dò ân cần của Người khi về thăm Phú Thọ: "...Bác tin rằng: Đảng bộ Phú Thọ sẽ cố gắng lãnh đạo nhân dân tỉnh ta tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, hoàn thành và hoàn thành vượt mức những nhiệm vụ Đảng đã giao phó, trở nên tỉnh tiên tiến để góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc...”; ngay sau khi đất nước thống nhất, bằng hành động cụ thể, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh; đồng thời, dốc toàn lực để vượt qua những khó khăn, thử thách khắc nghiệt của thiên tai, dịch bệnh và chính sách bao vây, cấm vận kinh tế của các thế lực thù địch...
Những năm gần đây, Đảng bộ tỉnh Phú Thọ đã tiến hành nhiều cuộc tìm tòi, thử nghiệm, phát kiến ra những mô hình mới, biện pháp mới, cách làm mới để đổi mới quan hệ sản xuất, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Vì thế, đã dần tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế và liên tục giành được những kết quả quan trọng; đã tạo được bước đột phá trong việc áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo an toàn lương thực và là trung tâm sản xuất giấy của cả nước; hình thành được vùng sản xuất nguyên liệu giấy, sản xuất chè có quy mô lớn. Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới tiếp tục được các cấp chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đến hết tháng 7 năm 2019, toàn tỉnh đã có 93 xã và 01 huyện (huyện Lâm Thao) đạt chuẩn nông thôn mới. Trong sản xuất công nghiệp, vận dụng sáng tạo các quan điểm của Đảng và Nhà nước vào hoàn cảnh đặc điểm của địa phương nên đã liên tục phát triển. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2018 toàn tỉnh tăng 8,28% so với cùng kỳ. Hoạt động thương mại, dịch vụ trong những năm qua có nhiều khởi sắc. Hàng loạt các chính sách kích cầu của Nhà nước được triển khai có hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Phát triển du lịch tiếp tục được chú trọng, các nhà đầu tư đã hoàn thành và đưa vào hoạt động như Khách sạn Sài Gòn - Phú Thọ, Khách sạn X2 Vibe Việt Trì, Trung tâm sự kiện - nhà hàng Sông Hồng Thủ Đô tại xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao... Trong đó, Khách sạn Mường Thanh Phú Thọ được Tổng cục Du lịch công nhận đạt tiêu chuẩn 5 sao;... Công tác quy hoạch khu điểm du lịch được quan tâm, đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung Khu du lịch Vườn quốc gia Xuân Sơn vào danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và các tỉnh Phông Sa Lỳ, U Đôm Xay, Luông Pha Băng (nước CHDCND Lào)... Các vấn đề xã hội như dân số, lao động, việc làm, đời sống dân cư, công tác an sinh xã hội, hoạt động y tế… đều được các cấp chính quyền quan tâm và đạt nhiều thành tựu lớn.
Thực hiện lời căn dặn của Bác "... Ngày nay, nhiệm vụ của Đảng ta là lãnh đạo quần chúng đánh thắng tình trạng nghèo nàn lạc hậu, xây dựng đời sống ấm no, sung sướng cho nhân dân. Như thế là xây dựng CNXH..."  cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế; Đảng bộ tỉnh đã quan tâm chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Chất lượng giáo dục ở các ngành học, cấp học ổn định và tiến bộ. Đoàn học sinh của Phú Thọ Thọ tham gia kỳ thi chọn HSG Quốc gia THPT năm 2018 đoạt 68 giải: 02 giải Nhất; 17 giải Nhì, 28 giải Ba và 21 giải Khuyến khích đây là kết quả cao nhất của Phú Thọ từ khi Bộ GD&ĐT tổ chức thi chọn học sinh giỏi Quốc gia đến nay, xếp thứ 3 cả nước về tỷ lệ học sinh đạt giải, tăng 15 giải so với năm 2017. Tham gia Cuộc thi KHKT cấp quốc gia khu vực phía Bắc diễn ra tại Nghệ An, kết quả có 04/06 dự án đạt giải (trong đó: đạt 2 giải Nhì, 2 giải Ba), xếp thứ 5 toàn miền Bắc về tỷ lệ học sinh đạt giải. Tham gia cuộc thi Violympic năm học 2017-2018, Phú Thọ đứng thứ 2 toàn quốc sau thành phố Hà Nội. Tham gia cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2018 do Bộ GD&ĐT tổ chức đạt thành tích xuất sắc, đứng đầu toàn quốc.
Hoạt động văn hoá, thể thao đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc được quan tâm chỉ đạo, xây dựng và bảo vệ thành công nhiều hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, tỉnh Phú Thọ có hai di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại – Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ. Phong trào thể dục thể thao quần chúng phát triển ở khắp các vùng miền với hình thức, nội dung ngày càng đa dạng, phong phú, thu hút nhiều tầng lớp nhân dân tham gia. Thể thao thành tích cao tiếp tục được quan tâm và phát triển. Hàng năm VĐV tỉnh Phú Thọ tham gia thi đấu 30 giải thể thao toàn quốc đạt trung bình khoảng 150 Huy chương các loại. Bên cạnh đó, VĐV tỉnh Phú Thọ còn tham gia và đạt các giải cao tại các giải thi đấu khu vực và thế giới…
Quán triệt di huấn của Người: "...Đảng ta là Đảng cách mạng. Ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác. Vì vậy, mà Đảng ta được dân tin, dân phục, dân yêu"; "...Cán bộ phải làm đầy tớ phục vụ nhân dân, không phải như thời Tây làm quan đâu..."; Đảng bộ tỉnh đã luôn bám sát những nguyên lý cơ bản của Học thuyết Mác - Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng để định hướng lãnh đạo công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn. Trong đó, tập trung xây dựng Đảng trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức, đảm bảo sự đoàn kết, thống nhất cao trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đã đổi mới việc quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Trung ương, gắn với xây dựng chương trình hành động phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Chú trọng công tác xây dựng, củng cố tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Tăng cường công tác tự phê bình và phê bình, thực hành dân chủ rộng rãi trong đảng "để củng cố và phát triển sự đoàn kết, thống nhất". Thực hiện có nền nếp việc hướng dẫn các cơ sở đảng đăng ký phấn đấu trong sạch, vững mạnh; thực hiện chặt chẽ quy trình rà soát, phân tích chất lượng, xếp loại tổ chức đảng và đảng viên. Xây dựng và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết về tăng cường phát triển đảng viên trong từng giai đoạn. Quan tâm củng cố, phát triển tổ chức đảng và đảng viên ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng công giáo và trong các doanh nghiệp.
          Đi đôi với việc phát triển tổ chức Đảng và đảng viên, Đảng bộ tỉnh thường xuyên chú trọng tới công tác quy hoạch cán bộ, gắn quy hoạch với luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, được Trung ương đánh giá cao. Đồng thời, đã tăng cường công tác kiểm tra, chú trọng kiểm tra việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiểm tra cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng khi có dấu hiệu vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đối với Đảng. 
Đặc biệt, từ năm 2007 đến nay, cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, Đảng bộ tỉnh Phú Thọ đã đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Việc triển khai thực hiện cuộc vận động đã mang lại những kết quả bước đầu, tạo được những chuyển biến quan trọng cả về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân. Qua học tập, nghiên cứu các chuyên đề, lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân, qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình đã xây dựng được chuẩn mực đạo đức, chương trình hành động cụ thể, thiết thực gắn với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của từng cá nhân, đơn vị, từng ngành, từng cấp; với việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 về "Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay" và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; quá trình thực hiện cuộc vận động đã xuất hiện nhiều điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được tôn vinh và tạo sự lan toả rộng lớn trong xã hội.       
Đã 57 năm trôi qua, kể từ mùa thu tháng 8 lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm tỉnh Phú Thọ và 50 năm thực hiện Di chúc của Bác, những lời Người dạy luôn được khắc ghi trong tâm khảm của mỗi người dân, trở thành điểm tựa tinh thần, động lực mạnh mẽ để chúng ta luôn có Bác trong mình. Những người được gặp Hồ Chủ Tịch, được nghe Người nói và cả những người chưa một lần được gặp, được nghe Người nói, đều ghi nhớ, đều cảm nhận về Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng cả tình cảm, trí tuệ của mình. Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã tạo sự lan tỏa rộng lớn, sâu sắc trong xã hội, trở thành mục tiêu, một nhu cầu văn hóa ở trong Đảng và trong toàn dân. Phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, lao động sáng tạo, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ luôn hướng về Bác kính yêu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để đưa quê hương đất Tổ phát triển nhanh, bền vững, cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đai hóa đất nước để thỏa lòng mong ước của Người.
 
Tài liệu tham khảo:
1. Diễn văn của đồng chí Nguyễn Doãn Khánh,Uỷ viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại lễ Kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ về thăm tỉnh Phú Thọ (19/8/1962 -19/8/2012), kỷ niệm 67 năm Cách mạng Tháng 8 (19/8/1945 - 19/8/2012) và Quốc khánh mồng 2 tháng 9 (2/9/1945 - 2/9/2012.
2. Tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ http://www.phutho.gov.vn/solieuthongke/Pages/TinTuc/206291/Tinh-hinh-kinh-te---xa-hoi-nam-2018-tren-dia-ban-tinh-Phu-Tho.html
 
QUÁCH THỊ SINH
SỞ VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH PHÚ THỌ
Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com