Thứ 4 | 24/05/2017
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XVIII phát triển du lịch thành một trong bốn khâu đột phá phát triển kinh tế xã hội của tỉnh giai đoạn 2015 – 2020 và các văn bản triển khai thực hiện, ngành du lịch xây dựng phương hướng phát triển du lịch Phú Thọ giai đoạn 2016-2020 như sau: Tập trung khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế nguồn tài nguyên du lịch phong phú của tỉnh, đặc biệt là hai di sản văn hóa thế giới “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan Phú Thọ”, nguồn nước khoáng nóng, hệ sinh thái tự nhiên để phát triển du lịch theo hướng bền vững, hiệu quả cao, gắn với lợi ích cộng đồng dân cư tại các khu, điểm du lịch và bảo vệ môi trường. Huy động mọi nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tại 4 trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh là Việt Trì, Thanh Thủy, Tân Sơn, Hạ Hòa, trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng thành phố Việt Trì cơ bản trở thành Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam. Phấn đấu xây dựng Phú Thọ trở thành địa bàn trọng điểm du lịch của vùng và đủ điều kiện để đăng cai Năm du lịch quốc gia vào năm 2020.
Hệ thống nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để phát triển du lịch: Nâng cao vai trò tham mưu và chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch; đẩy mạnh việc huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng du lịch; xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh; rà soát, đánh giá thực trạng chất lượng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch; tăng cường công tác lãnh chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương…Bên cạnh những nhiệm vụ và giải pháp quan trọng, cần nhiều thời gian triển khai thực hiện nhằm phát triển du lịch của tỉnh, trong đó công tác xúc tiến, quảng bá cho hệ thống sản phẩm lưu niệm, sản phẩm làng nghề và sản vật, nông sản đặc trưng của tỉnh Phú Thọ tại các khu du lịch trọng điểm cần được quan tâm đầu tư và tổ chức thực hiện với quy mô rộng.
Qua điều tra nhu cầu của khách du lịch, trong một chuyến hành trình tham quan, du khách luôn mong muốn được khám phá, trải nghiệm dịch vụ du lịch, tìm hiểu văn hóa, cuộc sống cộng đồng dân cư địa phương nơi đặt chân đến, thưởng thức ẩm thực và mua sắm các sản phẩm lưu niệm, sản vật đặc trưng của vùng miền…
Những năm gần đây, Du lịch Phú Thọ đón trung bình 7,5 triệu lượt đồng bào và du khách hàng năm, trong đó tập trung là Khu DTLS Đền Hùng – TP. Việt Trì, Thanh Thủy, Tân Sơn và Hạ Hòa. Du khách tham quan chủ yếu trong ngày, mức chi tiêu bình quân thấp và chưa có nhiều điểm tham quan du lịch bổ sung, điểm mua sắm sản phẩm lưu niệm du lịch, sản phẩm làng nghề, sản vật và nông sản đặc trưng của tỉnh Phú Thọ.
Từ thực trạng du lịch và nhu cầu của du khách, rất cần thiết phải đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu rộng rãi hệ thống sản phẩm lưu niệm, sản phẩm làng nghề, sản vật và nông sản đặc trưng của tỉnh Phú Thọ đến với khách du lịch, thông qua việc xây dựng các khu trưng bày giới thiệu sản phẩm tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, địa bàn thành phố Việt Trì, huyện Thanh Thủy, Khu DT Đền Mẫu Âu Cơ Hạ Hòa, VQG Xuân Sơn. Với lượng du khách lớn thuộc top đầu của du lịch cả nước, trong điều kiện hiện tại của ngành du lịch Phú Thọ, việc kích thích chi tiêu của khách du lịch thông qua thưởng thức ẩm thực, mua sắm sản phẩm lưu niệm, sản vật đặc trưng của tỉnh nhằm kích cầu tiêu thụ, tăng động lực sản xuất và thu nhập xã hội từ du lịch là bài toán đã có điều kiện cần và đủ để đưa ra lời giải.
  1. Vấn đề đặt ra: sản phẩm lưu niệm du lịch, sản phẩm làng nghề, sản vật và nông sản đặc trưng lấy từ đâu?
Hiện tại, trong hệ thống sản phẩm lưu niệm du lịch của tỉnh Phú Thọ đã có một số cơ sở sản xuất cung cấp tại các Khu du lịch như: trống đồng và các sản phẩm từ đúc đồng, rượu đặc sản, trang phục may mặc, các loại bánh đóng hộp…song chủ yếu là sản phẩm của các cơ sở sản xuất ngoài tỉnh. Nhằm khai thác giá trị các biểu tượng văn hóa Hùng Vương phục vụ cho sản xuất xản phẩm lưu niệm du lịch Phú Thọ, trường ĐH Hùng Vương tổ chức nghiên cứu đề tài “ Giải pháp phát triển, quảng bá sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng văn hóa Hùng Vương” đây là công trình nghiên cứu có giá trị khoa học và thực tiễn giúp cho các doanh nghiệp sản xuất nhiều sản phẩm lưu niệm du lịch mang nét đặc trưng văn hóa của tỉnh Phú Thọ.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 72 làng nghề được công nhận, trong đó 51 làng nghề và 12 làng có nghề sản xuất sản phẩm có thể phục vụ khách du lịch như: Bánh chưng – bánh dày, mì miến, hương trầm  Hùng Lô; rau an toàn Tân Đức… thuộc TP. Việt Trì; các loại bánh làng Dòng, ấm ủ Sơn Vi, tương Dục Mỹ… thuộc huyện Lâm Thao; Thịt chua, chè xanh… thuộc huyện Thanh Sơn; sản phẩm nón lá Sai Nga, mây tre đan… thuộc huyện Cẩm Khê; bưởi Diễn, chè xanh, các loại bánh từ sắn,  nón lá Gia Thanh …(Phù Ninh); Tương làng Bợ, nấm khô Đồng Luận, các loại bánh, bột nghệ, gốm sứ, cá sông… thuộc huyện Thanh Thủy; chè xanh, bánh kẹo ngọt… của thị xã Phú Thọ; chè xanh, sản phẩm dệt làng Chiềng …thuộc huyện Tân Sơn… đây là nguồn tài nguyên dồi dào của sản phẩm lưu niệm đặc trưng du lịch Phú Thọ. Qua các năm phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng, sản phẩm làng nghề của tỉnh Phú Thọ được hầu hết đồng bào và du khách quan tâm, lượng tiêu thụ đều tăng qua các năm. Rất cần thiết phải hướng dẫn và hỗ trợ người sản xuất trong khâu thiết kế bao bì, mẫu mã và trang trí thêm hoa văn, họa tiết văn hóa Hùng Vương từ kết quả của Đề tài nghiên cứu.
  1. Thực trạng công tác tổ chức giới thiệu, quảng bá sản phẩm lưu niệm, sản phẩm làng nghề và sản vật đặc trưng như thế nào?
Qua quá trình khảo sát, nghiên cứu thực trạng kinh doanh các mặt hàng lưu niệm tại Khu DTLS Đền Hùng và Đền Mẫu Âu Cơ Hạ Hòa cho thấy, hầu hết các quầy kinh doanh giao khoán cho hộ cá thể thực hiện, các mặt hàng không có sự khác biệt so với các tỉnh lân cận và thiếu sự đổi mới qua các năm, chủ yếu là sản phẩm do Trung quốc sản xuất, một số mặt hàng như bánh ngọt, trang phục may mặc từ cơ sở sản xuất ngoài tỉnh.  Tỉ lệ sản phẩm có nguồn gốc từ tỉnh Phú Thọ hoặc sản phẩm mang nét văn hóa Hùng Vương trong hệ thống sản phẩm lưu niệm rất thấp và hầu như không có trong một số quầy kinh doanh sản phẩm lưu niệm. Tại địa bàn thành phố Việt Trì và VQG Xuân Sơn du khách rất khó khăn để tìm được sản phẩm lưu niệm du lịch, sản phẩm đặc trưng của tỉnh Phú Thọ, hiện tại chưa có doanh nghiệp, hay cá nhân, tổ chức kinh doanh loại sản phẩm này phục vụ du khách. Tại khu vực Thị trấn Thanh Thủy và Khu du lịch Vườn Vua ( Thanh Thủy) có hoạt động kinh doanh, giới thiệu sản phẩm lưu niệm, nông sản đặc trưng của vùng, song chưa thực hiện thường xuyên và chưa phong phú về chủng loại sản phẩm, địa điểm tổ chức xa khu du lịch nên chưa thu hút được nhiều du khách mua sắm…
Qua kết quả nghiên cứu cho thấy, chưa có nhiều tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các cấp, các ngành quan tâm đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm lưu niệm, sản phẩm làng nghề và sản vật, nông sản đặc trưng của tỉnh tại các khu du lịch.
  1. Giải pháp tổ chức giới thiệu, quảng bá sản phẩm lưu niệm, sản phẩm làng nghề và sản vật đặc trưng như thế nào?
Trước hết, về phía ngành du lịch: Cần tổ chức và tham gia các sự kiện hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm lưu niệm, sản phẩm làng nghề, sản vật đặc trưng của tỉnh, nhằm khuyến khích người sản xuất, tìm hướng đi mới, tìm đầu ra cho sản phẩm lưu niệm du lịch Phú Thọ. Xây dựng các khu trưng bày, quảng bá sản phẩm lưu niệm, sản vật đặc trưng của tỉnh trong dịp lễ hội và mùa cao điểm du lịch của tỉnh.
Tổ chức các cuộc thi thiết kế sản phẩm lưu niệm du lịch dựa trên các tài nguyên du lịch, nét văn hóa Hùng Vương…dành cho các hộ sản xuất, các làng nghề trên địa bàn tỉnh, hoặc tổ chức cá nhân sản xuất bằng nông sản, nguyên liệu của tỉnh, hoặc khai thác nét văn hóa Hùng Vương, văn hóa đặc sắc riêng có của tỉnh Phú Thọ.
 Cần tham mưu xây dựng chính sách khuyến khích các hộ sản xuất, các làng nghề nâng cao chất lượng, cải tiến bao bì, mẫu mã sản phẩm;  khuyến khích xây dựng các cơ sở trưng bày, giới thiệu, kinh doanh sản phẩm lưu niệm, sản phẩm làng nghề và sản vật, nông sản đặc trưng của tỉnh phục vụ du lịch tại Khu DTLS Đền Hùng, địa bàn TP. Việt Trì, huyện Thanh Thủy, Đền mẫu Âu Cơ Hạ Hòa, VQG Xuân Sơn, điểm dừng chân trên địa bàn huyện Thanh Sơn…
Về phía chính quyền địa phương: Cần quan tâm động viên, định hướng, khuyến khích, tổ chức cho người dân, các làng nghề tham gia các sự kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm lưu niệm, sản phẩm làng nghề trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ người sản xuất liên kết, tìm kiếm đầu ra, thị trường tiêu thụ cho sản phẩm…
Như vậy, nhằm đạt mục tiêu phát triển du lịch là một trong bốn khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bên cạnh việc thu hút các dự án đầu tư du lịch, xây dựng và kết nối các tour – tuyến du lịch, trong điều kiện hiện tại, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của hàng triệu lượt đồng bào và du khách hàng năm, thì việc khai thác giá trị tài nguyên du lịch là các làng nghề truyền thống, các sản phẩm đặc trưng của tỉnh nhằm kích thích tiêu thụ, tăng mức chi trả của du khách khi về tham quan tỉnh Phú Thọ là một giải pháp cần được tập trung thực hiện.
Sản phẩm làng nghề cần được hướng dẫn thiết kế sản xuất, đóng gói mẫu mã bao bì và trang trí hoa văn bằng các họa tiết mang nét văn hóa Hùng Vương từ kết quả nghiên cứu của Đề tài khoa học do trường ĐH Hùng Vương nghiên cứu.
Hệ thống sản vật, nông sản đặc trưng của tỉnh cần được khuyến khích nuôi trồng, tiêu thụ tại các khu du lịch trong và ngoài tỉnh.
Về phía ngành du lịch cần tổ chức các sự kiện xúc tiến quảng bá, các cuộc thi, xây dựng các điểm trưng bày, quảng bá và khuyến khích các làng nghề, các hộ sản xuất tham gia triển lãm, giới thiệu và bán sản phẩm tại các khu du lịch; đồng thời cần tham mưu chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm lưu niệm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Giới thiệu sản vật địa phương trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2017. Ảnh: Ngô Chí Thành

Nhu cầu mua sắm của du khách về tham quan tại tỉnh Phú Thọ là thực tế và rất lớn, sản phẩm lưu niệm, sản phẩm làng nghề, nông sản đặc trưng của tỉnh rất đa dạng và có năng lực sản xuất. Cần kết nối giao thương để kích thích cung và cầu tiêu thụ nhiều sản phẩm lưu niệm, sản phẩm đặc trưng của tỉnh, thông qua đó tạo thêm việc làm, tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống cho cộng đồng dân cư, tăng thêm thu nhập cho xã hội…góp phần hiện thực hóa Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch là một trong bốn khâu đột phá để phát triển kinh tế, xã hội.
                                                                                     
          ThS. PHÙNG THỊ HOA LÊ
GĐ Trung tâm TTXT Du lịch Phú Thọ
 
 
 
 
 
 
Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com