Phú Thọ - vùng đất cội nguồn dân tộc Việt Nam - không chỉ nổi tiếng bởi nhiều di tích lịch sử thiêng liêng mà còn bởi hệ thống lễ hội truyền thống phong phú, đậm đà bản sắc văn hóa. Những lễ hội được tổ chức đã và đang là “chìa khóa vàng” để thúc đẩy phát triển du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao đời sống người dân địa phương.
Hiện nay, tỉnh Phú Thọ có 315 lễ hội bao gồm lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội cấp Quốc gia, lễ hội cấp huyện.
Khai mạc Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hoá - Du lịch Đất Tổ năm 2025
Công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh diễn ra an toàn, lành mạnh, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc. Các nghi thức dân gian truyền thống được tổ chức trang nghiêm cùng với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân. Đa phần các lễ hội được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền, thu hút đông đảo Nhân dân và du khách tham gia như: Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ, lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ (huyện Hạ Hòa), lễ hội Đền Lăng Sương, lễ hội đình Đào Xá (huyện Thanh Thủy), lễ hội đền Du Yến (huyện Thanh Ba), lễ hội Trò Trám (huyện Lâm Thao), lễ hội đình Hùng Lô (thành phố Việt Trì). Thông qua lễ hội, các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, thuần phong mỹ tục được phát huy, góp phần duy trì thực hành, truyền dạy và trình diễn di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương, củng cố tinh thần đoàn kết, giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc. Lễ hội được tổ chức đã tạo điều kiện cho công tác bảo tồn di tích, đồng thời phát huy được vai trò, giá trị của di tích trong đời sống Nhân dân địa phương.
Để các lễ hội tại tỉnh Phú Thọ phát huy vai trò là động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương, việc tổ chức các hoạt động lễ hội bên cạnh công tác bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống, cần quan tâm triển khai theo hướng gắn kết chặt chẽ với các sản phẩm du lịch đặc trưng, khuyến khích doanh nghiệp và người dân tham gia sáng tạo sản phẩm địa phương, phát triển dịch vụ du lịch phục vụ du khách trong dịp lễ hội, từ đó tăng sức tiêu thụ, tăng mức chi tiêu của du khách về dự lễ hội.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục phát triển Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ thành sự kiện tầm vóc Quốc gia, quảng bá tới bạn bè quốc tế. Phần Lễ đã tổ chức trang nghiêm tưởng nhớ các Vua Hùng, phần Hội cần mở rộng thêm nhiều hoạt động trải nghiệm như: Tái hiện không gian văn hóa thời đại Hùng Vương, tổ chức các chương trình giáo dục lịch sử cho học sinh - sinh viên, lễ hội đường phố, các không gian giới thiệu văn hóa ẩm thực, trò chơi dân gian, hội chợ sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền; tổ chức các giải thể thao dành cho khách du lịch tham gia, kéo dài thời gian lễ hội...
Tổ chức Lễ hội gắn với việc khai thác giá trị hát Xoan Phú Thọ - Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cần được khai thác với quy mô mở rộng, trở thành lễ hội thường niên nhằm tôn vinh giá trị văn hóa hát Xoan và thu hút khách du lịch trải nghiệm lễ hội hát Xoan, xây dựng trở thành Sản phẩm du lịch đặc sắc riêng có của vùng Đất Tổ. Việc hình thành các không gian diễn xướng định kỳ, có tổ chức tại các đình cổ như Hùng Lô, Kim Đức, Phượng Lâu... sẽ giúp du khách có thể thưởng thức hát Xoan như một sản phẩm du lịch nghệ thuật đặc sắc. Không chỉ dừng lại ở việc xem - nghe, nghiên cứu mở rộng thêm các mô hình lớp học hát Xoan cho du khách, quảng bá thu hút gia tăng lượng khách trải nghiệm hát Xoan gắn với các tour du lịch văn hóa địa phương.
Với bề dày truyền thống văn hóa lịch sử dựng nước và giữ nước, Phú Thọ còn có các ngôi đền thờ danh nhân, danh tướng nổi tiếng, có thể nghiên cứu tổ chức các sự kiện, lễ hội thường niên gắn với giáo dục truyền thống và tôn vinh giá trị di sản như: Lễ hội bánh chưng bánh giầy gắn với tri ân Hoàng tử Lang Liêu tại thành phố Việt Trì, Tuần lễ tôn vinh học sinh hiếu học và học sinh tài năng gắn với báo công và tri ân Thầy giáo Vũ Thê Lang tại thành phố Việt Trì, lễ hội trình diễn võ thuật truyền thống gắn với tri ân Tướng quân Ngô Quang Bích tại Yên Lập... Các sự kiện sẽ thu hút đồng bào và du khách trong và ngoài tỉnh tham gia, từ đó phát triển du lịch địa phương.
Ngoài các lễ hội truyền thống mang yếu tố văn hóa dân gian, Phú Thọ còn có tiềm năng để tổ chức các lễ hội gắn với hoạt động thể thao - sinh thái - nghỉ dưỡng, đặc biệt tại địa bàn huyện Thanh Thủy và Tân Sơn. Cần duy trì tổ chức thường niên Tuần Du lịch Thanh Thủy; trong đó, lồng ghép các hoạt động trình diễn giao lưu văn hóa truyền thống, giới thiệu ẩm thực địa phương, các giải thể thao truyền thống và giải thể thao dành cho cộng đồng, du khách tham gia như marathon, đạp xe, chèo sup… nhằm tạo điểm nhấn mới cho du lịch nghỉ dưỡng. Đồng thời, tại khu vực đồi chè Long Cốc và Vườn Quốc gia Xuân Sơn, nghiên cứu tổ chức các hoạt động trình diễn văn hóa dân tộc, các giải thể thao mạo hiểm, trải nghiệm du lịch thiên nhiên gắn với bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, giới thiệu ẩm thực và sản phẩm đặc trưng. Việc kết hợp giữa thể thao, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và lễ hội văn hóa sẽ giúp thu hút lượng lớn du khách trẻ, yêu thích khám phá và các hoạt động ngoài trời.
Tuần Du lịch Thanh Thủy - Mùa thu năm 2024
Phát triển lễ hội gắn với nông nghiệp, giới thiệu sản phẩm OCOP và làng nghề truyền thống cũng là một hướng đi cần được quan tâm. Tại thành phố Việt Trì, huyện Tân Sơn, huyện Đoan Hùng... nghiên cứu tổ chức các lễ hội giới thiệu sản phẩm đặc trưng, nghề truyền thống như: Lễ hội Sản phẩm nông nghiệp, lễ hội Chè Đất Tổ, lễ hội Bưởi Đoan Hùng, Lễ hội bánh dân gian truyền thống, lễ hội văn hóa ẩm thực Đất Tổ... trong không gian lễ hội, bố trí các khu trưng bày sản phẩm OCOP, trình diễn nghề thủ công, chế biến ẩm thực đặc trưng… Đây không chỉ là hình thức quảng bá sản phẩm mà còn là cách để người dân địa phương trực tiếp hưởng lợi từ hoạt động lễ hội và phát triển du lịch.
Tất cả những đề xuất trên chỉ có thể đạt hiệu quả nếu đi kèm với các giải pháp đồng bộ về hạ tầng, nguồn nhân lực, truyền thông quảng bá và công tác phối hợp giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, các địa phương chủ trì tổ chức lễ hội tiếp tục làm tốt công tác bảo tồn di sản văn hóa, tạo điều kiện khuyến khích đầu tư sản phẩm dịch vụ du lịch, sản phẩm OCOP, phát triển làng nghề, bố trí lực lượng làm hướng dẫn viên du lịch am hiểu văn hóa địa phương, nâng cao kỹ năng đón tiếp và phục vụ du khách... là điều kiện then chốt để phát triển lễ hội theo hướng gắn với dịch vụ du lịch.
Lễ hội là di sản văn hóa vô giá của cộng đồng, là “chất liệu sống” để hình thành các sản phẩm du lịch đặc sắc. Khi được tổ chức và khai thác đúng hướng, lễ hội không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa mà còn mở ra những cơ hội phát triển du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao đời sống cho người dân địa phương, biến di sản thành tài sản.
Với lợi thế về lịch sử, văn hóa và thiên nhiên là những tài nguyên du lịch hấp dẫn, Phú Thọ có đầy đủ điều kiện trở thành trung tâm du lịch văn hóa - sinh thái - nghỉ dưỡng của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Để làm được điều đó, lễ hội cần được xác định vị trí, vai trò là một phần trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nói chung và du lịch nói riêng, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa, vừa mở rộng hội nhập và phát triển.
Hoa Lê - Thu Trang