Trong những năm vừa qua lượng khách du lịch quốc tế đến với Phú Thọ có chiều hướng tăng mạnh, tập trung vào số lượng khách tham quan giá trị di sản văn hóa kết hợp với làng nghề truyền thống. Đặc biệt, thông qua tuyến du lịch đường sông là công cụ hữu hiệu để quảng bá nâng cao vị thế hình ảnh du lịch Phú Thọ đến với du khách quốc tế.
Tàu khách du lịch quốc tế Angkor Pandaw tại bến Tam Giang - Bạch Hạc
Đoàn khách du lịch quốc tế đầu tiên theo tuyến đường sông đến với Phú Thọ vào ngày 6/7/2015. Đến nay, 22 đoàn khách với trên 500 lượt khách quốc tế đến Phú Thọ qua tuyến đường sông với lịch trình tham quan thường xuyên: “Thăm đình cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống xã Hùng Lô - thưởng thức hát Xoan cổ - tham quan trải nghiệm tại làng nghề nón lá Gia Thanh”. So với những địa danh nổi tiếng có ưu thế thu hút khách du lịch quốc tế thì con số này rất khiêm tốn nhưng đó là một dấu hiệu đáng mừng cho thấy thị trường khách du lịch quốc tế đến Phú Thọ đã bắt đầu “nhen lửa” khi chúng ta biết lựa chọn sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu của khách du lịch quốc tế.
Về với Phú Thọ, mảnh đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam, trước câu chuyện về nguồn gốc Tiên Rồng của người Việt được kể trên chính vùng đất phát tích linh thiêng, du khách quốc tế thấy thú vị với ý nghĩa văn hóa riêng có của dân tộc Việt. Nhiều tháng qua, làng Hùng Lô (TP Việt Trì) vốn đã nhộn nhịp với những hoạt động sản xuất tại làng nghề và kinh doanh buôn bán truyền thống của bà con nơi đây càng thêm rộn ràng bởi sự có mặt của những du khách quốc tế đến từ nhiều quốc gia trên thế giới như: Anh, Mỹ, Úc, Hà Lan, Thụy Điển, Đức, Đài Loan, Niu-di-lân, Singapore… Tham quan phong cảnh, thưởng thức Hát Xoan cổ và tham gia biểu diễn cùng người dân địa phương là một trải nghiệm đáng ghi nhớ mãi đối với mỗi du khách.
Trong chương trình, du khách tiếp tục được trải nghiệm tại làng Rền - làng nghề làm nón lá Gia Thanh. Đoàn khách về, làm xôn xao con đường làng nhỏ. Làng nghề rộn tiếng cười vui và hình như mỗi mũi khâu thêm nhanh nhịp. Bà Robina đến từ Australia thán phục: “Không thể tin được là những mũi khâu đều đặn lại do bàn tay con người làm ra. Nếu không được tận mắt chứng kiến, tôi nghĩ rằng những chiếc nón này là do máy móc làm ra”.
Khách du lịch quốc tế tham quan phong cảnh làng quê, trải nghiệm các quy trình sản xuất tại các làng nghề đã mang lại thu nhập cho cộng đồng địa phương, tuy chưa cao nhưng góp phần là động lực để bà con duy trì, phát triển nghề thủ công truyền thống và bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa vùng đất Tổ, đặc biệt là hai di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan Phú Thọ”.
Khách du lịch quốc tế tham quan làng nghề nón lá Gia Thanh - Phù Ninh
Hiện nay loại hình du lịch tìm hiểu những nét văn hóa là bản sắc dân tộc đang được rất nhiều du khách ưa thích, đặc biệt là du khách quốc tế. Điều đó khẳng định vai trò, sức hút và sự hấp dẫn của các di sản đối với sự phát triển của ngành du lịch. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, có nhiều hơn nữa các hãng lữ hành khai thác sản phẩm giá trị văn hóa tâm linh đặc trưng vùng đất Tổ và Phú Thọ sẽ trở thành một trong những điểm đến du lịch mới hấp dẫn du khách trong và nước ngoài.
Phòng Dịch vụ - Trung tâm TTXTDL