Thứ 4 | 03/01/2018
Trở lại Đoàn Kịch nói Phú Thọ vào những ngày cuối Đông, trong không khí hân hoan chào đón một mùa Xuân mới, các diễn viên của đoàn đang tập luyện chương trình nghệ thuật chào đón Xuân 2018. Ông Nguyễn Duy Phượng- Trưởng đoàn cho biết “Tất cả các cán bộ, diễn viên, công nhân viên của đoàn rất vui mừng và hân hoan chuẩn bị chương trình Chào đón năm mới 2018, với mục đích mang văn hóa nghệ thuật cũng như một món quà tinh thần đầy ý nghĩa đến nhân dân tỉnh Phú Thọ”. Nhiều ngày liền, các tiết mục ca múa được dàn dựng công phu và chỉnh sửa theo yêu cầu chỉ đạo của đạo diễn chương trình. Trang phục và đạo cụ được đầu tư khá đầy đủ, các nghệ sỹ, diễn viên tập luyện hết mình như đốt cháy cả không gian nhỏ hẹp của hội trường Đoàn Kịch nói Phú Thọ.
          Tâm sự với các nghệ sỹ trong đoàn, chúng tôi được biết thêm về những khó khăn, vất vả bấy lâu của đoàn. Để có được những tiết mục hay, các vai diễn hấp dẫn phục vụ khán giả mỗi diễn viên trong đoàn phải chịu khó tập luyện, tập đi tập lại nhiều lần, hầu như họ không có ngày nghỉ. Những giọt mồ hôi rơi xuống vẫn không hề làm giảm đi sự nhiệt tình, đam mê của các nghệ sỹ diễn viên. Ông Nguyễn Duy Phượng- Trưởng đoàn- Chỉ đạo nghệ thuật chương trình cho biết: “Được cống hiến cho công chúng những tiết mục, vở diễn hay và độc đáo là niềm vui của các nghệ sỹ chúng tôi. Chính vì vậy mỗi tiết mục phải đòi hỏi dày công luyện tập và có trách nhiệm với chính nó”.
Đoàn Kịch nói Phú Thọ tiền thân là Đoàn Kịch nói Vĩnh Phú, được thành lập tháng 5 năm 1981, đến năm 1997 mới chính thức đổi tên là Đoàn Kịch nói Phú Thọ. Theo như ông Nguyễn Duy Phượng, Truởng đoàn: “Vì nhu cầu thưởng thức của quần chúng, Phú Thọ lại mang hơi thở của vùng Trung du Bắc Bộ nên chúng tôi muốn công chúng cảm nhận hơi thở ấy qua nhiều vở diễn  và các tiết mục ca múa nhạc mang đậm chất dân gian của các dân tộc tỉnh Phú Thọ do Đoàn dàn dựng như: Những tiết mục Xoan Phú Thọ, hoạt cảnh dân ca Xoan Ghẹo “Dải lụa xanh”,  và những  tiết  mục  múa: “Xuân về trên bản”, “Múa Khơ mú”, “Ngày hội bản H'Mông”… Qua đó, khán giả sẽ cảm nhận về lịch sử vùng đất và con người Phú Thọ”. Nhớ lại, những năm tháng mới thành lập, đoàn còn gặp vô vàn khó khăn về cơ sở vật chất, yếu tố con người; những vở diễn và nhiều tiết mục ngắn không có kinh phí nên không được đầu tư, trang phục diễn cho các diễn viên còn thiếu. Cả đoàn chỉ vẻn vẹn vài diễn viên, những buổi biểu diễn rời rạc, nghèo nàn… không thu hút khán giả đến xem biểu diễn.
Đến năm 2007, khi Đoàn Kịch nói Phú Thọ xây dựng thêm loại hình nghệ thuật ca múa nhạc, cùng với sự quan tâm của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, đặc biệt Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của Đoàn khang trang, to đẹp, các trang thiết bị được mua sắm phục vụ đắc lực cho hoạt động biểu diễn…. Hiện nay, đoàn có gần 40 cán bộ, diễn viên, công nhân viên, trong đó có gần 30 diễn viên. Đoàn đã dựng được nhiều vở diễn hay và thu hút khán giả như các vở: “Thầy Khóa làng tôi”, “Hoàng hôn mong manh”, “Những điều đọng lại sau chiến tranh”, “Chặng đường thưở ấy”, “Nắng quái chiều hôm”, “Phương thuốc thần kỳ”, “Đường đua trong bóng tối” … Nhiều vở diễn được đầu tư kinh phí; Diễn viên ca, múa, nhạc công cũng được đầu tư về nhạc cụ, trang phục… Nhiều vở diễn và tiết mục đã đoạt giải cao qua các kỳ Liên hoan, Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc.
Và đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu thưởng thức và thị hiếu nghệ thuật của khán giả, Đoàn đã cho dàn dựng các chùm hài kịch như: “Đời cười”, “Giao thông quốc nạn”, “Bến Ô sin”, “Xuân cười vui” và những vở kịch chủ đề về gia đình, biển đảo Việt Nam … được khán giả đón nhận và nhiệt tình hưởng ứng.
  

Tiết mục múa “Vui được mùa” trong chương trình biểu diễn phục vụ nhân dân miền núi
 
Mỗi năm trên 125 buổi biểu diễn, trong đó có 62 buổi phục vụ nhân dân các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa; trên 30 buổi phục vụ các ngày lễ lớn;  và trên 30 buổi biểu diễn tuyên truyền, ủng hộ các quỹ nhân đạo từ thiện và cộng tác với các đơn vị trong tỉnh. Số lượt người xem khoảng 200.000 lượt người trên năm, các vở diễn, tiết mục của đoàn không chỉ phục vụ vùng đô thị mà còn đặc biệt trú trọng đến phục vụ nhân dân miền núi vùng sâu, vùng xa đồng thời đã đón nhận được nhiều tình cảm của người dân. Bên cạnh đó phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị   xã hội góp phần phát triển kinh tế - văn hóa toàn diện, tạo ra diện mạo mới trên quê hương  đất Tổ./.
Thùy Linh
Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com