Thứ 2 | 20/01/2020
Đền Tam Giang tọa lạc tại vùng đất ngã ba Hạc - nơi hợp lưu của ba dòng sông: Sông Thao - sông Đà - sông Lô thuộc phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì. Đền Tam Giang nằm trong cụm di tích lịch sử văn hóa đền Tam Giang và chùa Đại Bi. Đền Tam Giang thờ các nhân vật lịch sử huyền thoại thời kỳ Hùng Vương dựng nước là Vũ Phụ Trung Dực Uy Hiển Vương (húy là Thổ Lệnh); Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật và thờ Mẫu... Trải qua những thăng trầm của lịch sử, đền Tam Giang trải qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được lối kiến trúc cổ truyền “Tiền thần, hậu Phật”, cùng hệ thống các công trình kiến trúc, tượng thờ, hiện vật mạng đậm nét văn hóa truyền thống của vùng đất kinh đô Văn Lang xưa. Quần thể công trình kiến trúc đền Tam Giang được xây dựng theo lối kiến trúc “Tiền thần, hậu phật”, trên một khu đất rộng, thoáng, phía sau dựa vào núi Tam Đảo, mặt tiền nhìn ra sông Lô. Đền được thiết kế theo hình chữ đinh, gồm 2 tòa: Tiền tế và hậu tế.
Cũng giống như rất nhiều lễ hội truyền thống khác, Lễ hội Bạch Hạc có xuất xứ từ hội làng, gắn với tín ngưỡng thờ Thần hoàng làng Thổ Lệnh, anh hùng dân tộc Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật và Thánh Mẫu Quách A Nương là những người có nhiều công lao đóng góp cho dân tộc và nhân dân vùng Bạch Hạc xưa. Để tưởng nhớ đến công lao của các vị thần chủ, những người có công với đất nước, dân tộc, hằng năm dân Bạch Hạc tổ chức 3 kỳ tiệc lệ: Kỳ tiệc thứ nhất tổ chức vào dịp đầu xuân từ ngày mùng 3 đến mùng 5 tháng Giêng; kỳ tiệc thứ hai tổ chức vào ngày 10 tháng 3 âm lịch (ngày thánh sinh) và kỳ thứ ba tổ chức vào ngày 25 tháng chín âm lịch (ngày thánh hóa). Lễ hội được tổ chức tại đền Tam Giang và khu vực phụ cận. Phần lễ với các nghi thức rước, tế, lễ được tổ chức trang trọng theo truyền thống; Phần hội có các trò chơi dân gian truyền thống như: Thi bơi trải, cờ người, thi nấu ăn, kéo co, đẩy gậy...
 
 
 
 
Một trong 3 chiếc thuyền ra sông thực hiện nghi lễ rước nước.
 
 Nét đặc trưng, độc đáo nhất của phần lễ là nghi lễ rước nước tại ngã ba Hạc -  nơi giao lưu bởi ba dòng sông lớn: Sông Thao, sông Lô và sông Đà. Nghi lễ rước nước diễn ra vào lúc 12 giờ, đây là khoảng thời gian giao hòa của trời đất để bước sang một chu kỳ mới, gắn với chu kỳ sản xuất của cư dân nông nghiệp. Đây cũng là điểm khác biệt trong nghi lễ rước nước của lễ hội Bạch Hạc với các nghi lễ rước nước truyền thống khác. Đoàn tham gia lễ rước nước gồm cụ tiên chỉ, các bô lão, đội tế và đại diện các ban ngành, đoàn thể chính quyền phường Bạch Hạc. Đoàn rước trong trang phục chỉnh tề theo nghi lễ truyền thống. Cụ tiên chỉ mặc áo dài đỏ, đầu đội mũ cánh chuồn, chân đi hài; đội tế nam mặc trang phục áo dài màu xanh, chân đi hài, đầu đội mũ quan không có cánh chuồn; đội tế nữ mặc áo dài màu vàng, chân đi hài, đầu đội khăn thể hiện sự trang nghiêm, tôn kính trước các vị thần linh và nét đẹp trong lễ hội của người dân Bạch Hạc. Tiếp đó, là đội kèn, phường bát âm làm nhiệm vụ tấu nhạc, đánh trống theo hiệu lệnh của cụ tiên chỉ trong quá trình hành lễ. Tiếp sau là đội rước long đình, trên đặt một bát hương, một chiếc chóe sứ đựng nước được thắt nơ đỏ; một chiếc gáo múc nước bằng đồng, cán tre màu đỏ; một lọ hoa cùng cung mâm ngũ quả được trang trí lộng lẫy. Đi bên cạnh long đình là hai người phụ nữ mặc áo dài, đầu đội khăn, tay cầm lọng che cho long đình. Đi sau là đội chấp kích, bát bửu cầm các loại vũ khí để bảo vệ cho đoàn rước. Tiếp đến là đội tế nữ mặc áo dài sắc màu rực rỡ, rồi đến đội tế nam và người dân trong làng cùng tham gia lễ rước.
Đến giờ hoàng đạo, cụ tiên chỉ (chủ lễ) phát hiệu lệnh xuất phát, tiếng chiêng, trống bắt đầu nổi lên, mọi người xếp ngay ngắn theo hàng như đã được sắp xếp cùng xuất phát, rước kiệu từ trong đền xuống bến thuyền đi đến địa điểm lấy nước. Đoàn rước nước được bố trí lên ba chiếc thuyền rồng. Chiếc thuyền đầu tiên gồm các cụ tiên chỉ, chức sắc trong đội tế, phường bát âm và đội rước kiệu long đình. Thuyền thứ hai và thứ ba trở những người trong đội tế nam, tế nữ và đại diện các khu dân cư trong phường. Trên thuyền chủ tế, ban tổ chức đã chuẩn bị một mâm lễ vật, gồm: 1 một chiếc thủ lợn có khấu đuôi cài ngang miệng đặt trên mâm xôi; 1 mâm đặt các món ăn; 1 mâm ngũ quả cùng hương hoa, rượu để chủ tế làm lễ cúng các vị thần linh. Các thuyền rước được trang trí, cờ, hoa lộng lẫy, oai phong tiến về ngã ba Hạc để làm lễ.
Đoàn rước bắt đầu từ bến sông bên trái của đền Tam Giang chạy ngược dòng sông Lô về hướng cầu Việt Trì, qua đền thờ Nữ tướng Quách A Nương rồi quay ngược lại xuôi về ngã ba Hạc. Theo như các bô lão trong làng cho biết, đoàn rước phải chạy ngược dòng sông Lô một đoạn về phía chân núi Tam Đảo mang ý nghĩa diễn tả lại cảnh đưa tiễn Tản Viên Sơn Thánh trước đây ghé qua thăm đền và chào nữ tướng Quách A Nương sau đó mới đến địa điểm lấy nước. Đoàn rước qua đền thờ Nữ tướng Quách A Nương còn mang ý nghĩa biểu tượng cho Mẫu (âm). Ở một số lễ rước nước của người Việt, thường có một ông đồng, bà đồng cùng đi, họ ra đó lên đồng theo lối hầu vo thánh thần như ở khu vực đền Sòng (Thanh Hóa), có ông đồng đền hầu vo gắn với các giá của thủy thần.
Để lấy được nước thiêng, đoàn rước phải ra ngã ba sông, nơi hợp lưu của ba dòng sông Đà, sông Lô và sông Thao tạo nên một bên trong, bên đục. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, thì ngã ba Bạch Hạc là nơi giao phối của các dòng sông từ phía trên tạo nên dòng sông chứa đầy sinh khí. Lấy nước ở chỗ giao thoa ngã ba sông về làm lễ mộc dục, cúng thánh thể hiện ước mong sinh sôi, nảy nở. Theo các cụ trong làng kể lại, để lấy được nước thiêng, ngoài việc phải chọn đúng vị trí, người lấy phải là người có kinh nghiệm và cơ duyên mới chọn được đúng chỗ nước tốt nhất có đủ âm, đủ dương. Để biết được chỗ nước đó có đủ âm, dương, người lấy phải đưa tay xuống dòng nước, cảm nhận được độ ấm của nước, điều này hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm của người lấy.
 
Chủ tế làm lễ trước khi thực hiện nghi lễ lấy nước tại ngã ba Hạc.
 
Sau khi đoàn thuyền đi đến ngã ba Hạc, họ dừng thuyền, thả neo để đoàn rước làm lễ xin phép thần linh được lấy nước về cúng thánh. Mọi người đứng trang nghiêm, chủ tế, thủ từ và các bô lão trong làng đứng trước ban thờ. Chủ tế thắp hương cắm vào bát hương, sau đó quỳ trước ban thờ đọc văn khấn xin phép thần. Sau khi khấn xong, chủ tế đốt văn khấn, tiền giấy rồi mọi người trong đội tế thả xuống sông mang ý nghĩa giao cho các vị thần rồi mới tiến hành lấy nước. Trước khi lấy nước, họ thả một vòng tròn quấn vải sắc màu xung quanh để định vị vị trí lấy nước và để ngăn những gì không sạch sẽ vào trong. Thông thường trước đây người ta thường lấy nước trong vòng tròn có quấn vải ngũ sắc hoặc vải đỏ thậm chí họ làm cái lưới ở giữa vòng, múc nước chỉ múc trong vòng đỏ thì mới được linh thiêng. Đổ nước vào chóe cũng qua một lần linh thiêng nữa bằng vải đỏ trên chóe.
 
Chủ tế là người đầu tiên thực hiện nghi lễ lấy nước
 
          Chủ tế là người thực hiện nghi lễ lấy nước đầu tiên, tiếp theo là những người trong đội tế lần lượt lấy gáo múc nước đổ vào trong chóe, đến khi đầy thì đóng nắp lại. Sau khi nghi lễ kết thúc, đoàn người rước chóe nước thiêng về đặt tại đền để làm lễ tế.
 
Đoàn rước trở về đền sau khi thực hiện nghi lễ rước nước trên sông.
 
          Mở đầu các lễ hội truyền thống ở nước ta đều có nghi thức rước nước thiêng về làm lễ mộc dục (tắm tượng) hoặc lấy nước để dâng cúng các vị thần linh. Ở mỗi vùng miền, mỗi dân tộc nghi lễ này được thực hiện một cách khác nhau về thời gian, địa điểm, dụng cụ, các nghi thức và những tục hèm trong quá trình lấy nước... Trong lễ hội Bạch Hạc, rước nước là tục lệ cổ xưa, một nghi lễ linh thiêng, thể hiện hồn cốt, nét văn hóa đặc trưng riêng của vùng đất Tổ. Rước nước ngoài mục đích lấy nước về thắp hương thờ cúng các vị thần linh, còn thể hiện ước nguyện của con người về sự sinh sôi nảy nở của vạn vật thiên nhiên và con người.
                      Bài và ảnh: Thanh Thủy - Phòng Quản lý Di sản văn hóa.
Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com