Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến tới trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các điểm cầu tại trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cùng dự và điều hành Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan; lãnh đạo các hội, hiệp hội, tổ chức; đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến công nghiệp văn hóa; cùng các chuyên gia, nghệ sĩ hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam được tổ chức hôm nay là Hội nghị đầu tiên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Theo Thủ tướng, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa.
Thủ tướng nhận định: Với sự đặc biệt quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, thời gian qua các ngành công nghiệp văn hóa dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng; sự đầu tư nguồn vốn vào các ngành công nghiệp văn hóa đã thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hóa có những bước tiến mới, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, so với một số ngành khác thì các ngành công nghiệp văn hóa nước ta vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế.
Tại Hội nghị hôm nay, Thủ tướng đề nghị các đại biểu trao đổi, thảo luận, chia sẻ với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, tập trung vào một số nội dung chính:
Thứ nhất, đánh giá, phân tích kỹ lưỡng những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa thời gian qua (cố gắng nêu rõ số liệu minh chứng cụ thể); nêu rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Nhận diện thời cơ, thách thức của công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời gian tới. Chúng ta có thể học tập được gì từ những quốc gia đã thành công trong phát triển công nghiệp văn hóa?
Thứ hai, đề xuất những giải pháp cụ thể, khả thi, đột phá, trong đó: Giải pháp, lộ trình tháo gỡ những bất cập hiện nay, nhất là trong cơ chế, chính sách; Những sản phẩm, dịch vụ nào cần tập trung đầu tư để tạo hiệu quả và sức lan tỏa cao? Phát triển thương hiệu quốc gia trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa như thế nào?; Giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp văn hóa cả về số lượng và chất lượng?; Có cần xây dựng một Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa cho giai đoạn mới với tầm nhìn dài hạn, giải pháp đồng bộ hơn?
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị các đại biểu cho ý kiến về đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành, quy định phù hợp sau Hội nghị.
Báo cáo trung tâm tại Hội nghị, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, cho biết: Trong 5 năm qua, bình quân tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa đạt 7,21%/năm. Chỉ tính riêng năm 2022, thống kê có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến ngành công nghiệp văn hóa và bình quân lực lượng lao động thu hút khoảng 1,7 triệu đến 2,3 triệu người, tăng 7,44%/năm.
Công nghiệp văn hóa cũng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế; góp phần quảng bá hình ảnh, bản sắc và gia tăng sức hấp dẫn, thuyết phục của sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam.
Theo Bộ trưởng, công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức đã được chú trọng. Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đã được thực hiện theo hướng chuyên nghiệp, bài bản. Việc ứng dụng khoa học và công nghệ đã được các bộ, ngành, địa phương xây dựng, hoàn thiện.
Nhiều địa phương đã xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất để phục vụ hoạt động liên quan đến công nghiệp văn hóa tại các điểm có di sản, di tích quốc gia đặc biệt, các bảo tàng, nhà văn hóa, làng nghề thủ công truyền thống, khu vui chơi giải trí…
Các hoạt động ngoại giao văn hóa, chương trình, đề án về kết nối, giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa được tổ chức thường niên đã thúc đẩy các hoạt động giới thiệu, xúc tiến, quảng bá sản phẩm công nghiệp văn hóa, thu hút sự quan và nguồn đầu tư cho các ngành công nghiệp văn hóa, từ đó tăng cường sự liên kết, hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác, doanh nghiệp nước ngoài.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị
Bộ trưởng cũng nêu một số bất cập và thách thức đặt ra như chưa có văn bản pháp luật (luật, nghị định) quy định thực hiện nội dung quản lý nhà nước về công nghiệp văn hoá. Đồng thời, còn thiếu các cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp về thu hút nguồn vốn, phát triển nguồn lực để hỗ trợ, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển toàn diện trên cả nước nói chung và ở từng địa phương nói riêng; Nguồn lực đầu tư mang tính dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa tập trung phát triển một số lĩnh vực chuyên ngành có lợi thế, tiềm năng nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng tâm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; Nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp văn hóa còn thiếu về số lượng và chất lượng. Chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp văn hóa còn chưa thực sự khuyến khích và thu hút nhân lực vào lĩnh vực này… Đồng thời, chưa có Chỉ số thống kê về ngành công nghiệp văn hóa trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; Nội dung, hình thức các sản phẩm, dịch vụ trong các ngành công nghiệp văn hóa (phần mềm, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, kiến trúc, thời trang…) chưa thực sự khai thác được hết các đặc trưng văn hóa bản địa để tạo sự độc đáo, riêng có trong các sản phẩm; vẫn còn tình trạng vi phạm bản quyền; Cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa chưa thường xuyên, chặt chẽ, đồng bộ…
Bộ trưởng cũng chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế trên đồng thời đề xuất một số mục tiêu trọng tâm: Một là, Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trở thành ngành kinh tế quan trọng, trong đó tập trung phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế nhằm đạt mục tiêu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Hai là, Xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đa dạng, chất lượng cao dựa trên yếu tố đổi mới, sáng tạo, văn hóa truyền thống và tôn trọng bản quyền; nâng cao giá trị của các sản phẩm, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa.
Ba là, Xác định lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm phát triển công nghiệp văn hóa dựa trên lợi thế sẵn có của Việt Nam, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.
Bộ trưởng nêu một số giải pháp gồm: Thứ nhất, cần quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương và toàn xã hội về vai trò, vị trí của công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung khổ pháp lý để tạo cơ sở pháp lý, "khơi thông" nguồn lực thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế như chính sách ưu đãi về vốn, khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sĩ, các doanh nghiệp khởi nghiệp…
Thứ ba, phát triển công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới thông qua hoạt động giao lưu, hợp tác, liên doanh, liên kết với các quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…
Thứ tư, tập trung xây dựng mạng lưới các doanh nghiệp sáng tạo, có thương hiệu, đủ sức cạnh tranh ở những lĩnh vực Việt Nam có tiềm năng, thế mạnh như phần mềm, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn…tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa có chất lượng cao tham gia thị trường văn hóa trong nước và quốc tế.
Thứ năm, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thông qua các Trường, thông qua liên kết với các doanh nghiệp, chương trình hợp tác với các đối tác quốc tế.
Thứ sáu, bổ sung Chỉ số thống kê về ngành công nghiệp văn hóa vào hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, để trên cơ sở dữ liệu này, có chính sách đầu tư, lộ trình phát triển phù hợp đối với toàn ngành công nghiệp văn hóa nói chung và từng ngành công nghiệp văn hóa nói riêng.
Theo Bộ trưởng, tại Hội nghị, Bộ VHTTDL xin được lắng nghe những ý kiến đề xuất, trao đổi thẳng thắn và tích cực của các quý vị đại biểu, cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề trọng tâm, cốt yếu để Bộ VHTTDL cùng các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện, phát huy tối đa vai trò, vị trí và sứ mệnh của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển đất nước.
Bà Trương Uyên Ly (trái) và bà Ngô Thị Bích Hạnh phát biểu tại Hội nghị
Tại phiên thảo luận của các hiệp hội, doanh nghiệp và chuyên gia, các đại biểu bày tỏ mong muốn có những chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế, bảo hộ quyền tác giả trong sáng tạo, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa.
Ông Đoàn Thanh Nô- Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đề nghị cần sớm hoàn thiện các chính sách thúc đẩy nguồn lực xã hội đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hỗ trợ tài chính cho văn học nghệ thuật, các văn nghệ sĩ ở mức cần thiết. Điều này sẽ tạo nên môi trường để sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị cao tham gia vào môi trường công nghiệp văn hóa. Cho phép tiếp cận cầu nối giữa Liên hiệp với các tổ chức thành viên trong nước và quốc tế, thúc đẩy phát triển công nghiệp sáng tạo để phát huy vai trò của các văn nghệ sĩ.
Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Giám đốc Công ty BHD đề nghị cần có chính sách để hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa. Cùng với đó là chính sách ưu đãi về vay vốn, giảm thuế.
Đồng quan điểm này, bà Trương Uyên Ly, Giám đốc Không gian sáng tạo trực tuyến Hanoi Grapevine cho rằng, cần có chính sách giảm thuế, miễn thuế thu nhập trong vài năm đầu cho doanh nghiệp, đồng thời kiến nghị Thủ tướng thành lập Ban hành động về công nghiệp văn hóa liên bộ ngành để đẩy mạnh sự kết nối trong thực hiện công nghiệp văn hóa.
Đạo diễn Hoàng Nhật Nam, Công ty Sen Vàng mong muốn các thủ tục cấp phép và việc kiểm soát giúp phân định chất lượng hoạt động của các công ty, như vậy sẽ hỗ trợ tốt hơn cho những doanh nghiệp làm tốt.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thái Hoài Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group đề xuất Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các chính quyền địa phương để xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ.
Còn ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam mong muốn, các cơ quan quản lý cần quan tâm hơn nữa thông qua các hoạt động quảng cáo để hình thành ý thức cộng đồng, làm cơ sở pháp lý xây dựng các chủ trương, chính sách. Về chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa: Hiệp hội Quảng cáo đã lập đề án đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cùng phối hợp tổ chức thường niên Triển lãm 12 ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hy vọng mỗi năm đều có sự tổng kết này và Hiệp hội tham gia với nguồn kinh phí xã hội hóa.
KTS Hoàng Thúc Hào, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, công nghiệp văn hóa cần một nền móng góp phần khơi dậy niềm tự hào về văn hóa và con người Việt Nam thì công nghiệp văn hóa Việt Nam mới cất cánh được. Nhà nước, cấp quản lý là "bà đỡ" bao dung, quan trọng nhất là "đầu tư" niềm tin lớn vào văn nghệ sĩ, trí thức, nhất là văn nghệ sĩ tiêu biểu.
Mở đầu phiên thảo luận của các bộ, ngành, địa phương, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, hiện nay các chính sách về thuế GTGT, thuế TNDN cũng như các chính sách khác, Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng những ưu đãi cho lĩnh vực văn hóa cũng như các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Riêng những kiến nghị mà các đại biểu phát biểu đang vượt quá những chính sách, quy định hiện hành, Bộ Tài chính xin được ghi nhận để nghiên cứu, tổng hợp lại trong các chương trình, kế hoạch sửa các quy định pháp luật thuế liên quan đến lĩnh vực phát triển công nghiệp văn hóa như kiến nghị của các đại biểu. Chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp có thẩm quyền để có những điều chỉnh phù hợp, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa như sáng tạo nội dung số, không gian sáng tạo, các hoạt động công nghiệp văn hóa khác như điện ảnh… tận dụng được cơ hội để, trên cơ sở đó phát triển công nghiệp văn hóa.
Quang cảnh Hội nghị
Về kiến nghị thuế chồng thuế, hiện nay chính sách thuế không có việc thuế chồng thuế đối với hoạt động văn hóa, chỉ có những ưu đãi chưa đạt được mức mong muốn của từng trường hợp cụ thể và có thể có những sự chưa đồng nhất giữa các loại hình văn hóa khác nhau. Điều này chúng tôi ghi nhận, sẽ có tổng hợp, đánh giá, kiến nghị, báo cáo cấp có thẩm quyền hỗ trợ tối đa cho hoạt động này.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan lấy dẫn chứng từ Hàn Quốc và cho rằng, phim Hàn Quốc đi tới đâu thì các sản phẩm của Hàn Quốc đi ra thế giới tới đó. Quảng cáo từ phim đã cộng hưởng để tạo ra nguồn kinh phí lớn, hiệu ứng tốt.
Ở Việt Nam, gần đây, tỉnh Phú Yên đã sử dụng phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" để làm thương hiệu du lịch cho tỉnh và tương đối thành công. Đây chính là sức mạnh của văn hoá. Tại Bắc Giang vừa qua, có sự kiện văn hóa – thời trang kết hợp với nông nghiệp trong mùa vải Lục Ngạn để kết nối bán hàng đã tạo ra sự lan tỏa tốt, thu hút được sự quan tâm và rất hiệu quả. Sự sáng tạo trong văn hoá, nông nghiệp – nông thôn còn vô vàn dư địa dành cho các nhà sáng tạo nội dung. Chúng ta có thể áp dụng và phát huy sức mạnh này tại nhiều địa phương với đa dạng các sản phẩm làng nghề thông qua chuyển đổi số, các nền tảng. Chúng ta không nên xem nhẹ yếu tố giải trí mà phải coi đó tiềm lực quan trọng.
"Nhìn rộng ra, công nghiệp văn hóa không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà là giá trị sâu xa trong quảng bá hình ảnh đất nước, địa phương và các sản phẩm mang đậm bản sắc. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cần khai phá ra những không gian phát triển mới"- Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Các địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng chia sẻ về thành tựu, khó khăn và bài học kinh nghiệm trong phát triển công nghiệp văn hóa.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đồng thời giao: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan: Tập trung hoàn thiện, trình dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó đề cập nhiệm vụ ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn mới.
Xây dựng sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đặc trưng gắn với vùng miền, địa phương, đồng thời tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng của hoạt động du lịch văn hóa.
Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ, khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phát triển công nghiệp văn hóa, tham gia sáng tạo sản phẩm văn hóa (như về thuế, đất đai, đầu tư, tiếp cận tín dụng…), nhất là cho những lĩnh vực ưu tiên (như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa…) và các doanh nghiệp vừa và nhỏ; nghiên cứu thành lập các quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển sáng tạo.
Hỗ trợ và khuyến khích liên kết, hình thành mạng lưới các trung tâm công nghiệp văn hóa, các không gian sáng tạo trên cả nước và kết nối với quốc tế. Hỗ trợ địa phương xây dựng hồ sơ và đăng ký tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Tăng cường kết nối thị trường cho các sản phẩm sân khấu, âm nhạc, chương trình biểu diễn nghệ thuật tại các thành phố lớn, khu vực trung tâm ở trong nước và quốc tế. Có phương án phát triển thiết kế mỹ thuật ứng dụng, mỹ thuật công nghiệp, thiết kế đồ hoạ; khuyến khích các sáng tạo đột phá khai thác giá trị văn hóa Việt Nam trong thiết kế bao bì sản phẩm, giao diện, quảng cáo và truyền thông, trang trí, thiết kế thời trang và may mặc.
Xây dựng cơ sở dữ liệu và hình thành bản đồ số về các ngành công nghiệp văn hóa. Tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan trên không gian mạng và môi trường kỹ thuật số. Xây dựng Bộ chỉ tiêu thống kê về các ngành công nghiệp văn hóa.
Đề xuất xây dựng kế hoạch đổi mới hoạt động đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp văn hóa.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về công nghiệp văn hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng và nền tảng kỹ thuật số. Tổ chức thường niên các sự kiện ở cấp quốc gia và quốc tế để kết nối, giao lưu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và dịch vụ công nghiệp văn hóa, lồng ghép trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch. Công bố, giới thiệu, vinh danh kịp thời các cá nhân, đơn vị và doanh nghiệp có nhiều đóng góp hiệu quả.
Đối với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, các chính sách liên quan, trong đó chính sách ưu đãi đầu tư, hợp tác công - tư, quản lý tài sản công, thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng, tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là trong những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tính toán dành gói tín dụng ưu đãi (trước mắt khoảng 20-30 nghìn tỷ đồng) cho ngành công nghiệp văn hóa.
Hội nghị được kết nối trực tuyến đến Bộ VHTTDL và 63 tỉnh, thành
Bộ Công Thương: Xây dựng các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa gắn với thực hiện chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nghiên cứu sản xuất các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa có tiềm năng xuất khẩu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Triển khai thực hiện tốt Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trong đó tập trung đầu tư, khai thác, hỗ trợ phát triển nghề thủ công mỹ nghệ, bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP.
Thủ tướng giao Bộ Xây dựng: Tập trung đầu tư, khai thác các sáng tạo đột phá trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc, xây dựng và thiết kế nội thất, đặc biệt đối với quy hoạch đô thị.
Bộ Khoa học và Công nghệ: Triển khai thực hiện hiệu quả Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để tăng cường bảo vệ tài sản sáng tạo trong các ngành công nghiệp văn hoá. Xây dựng cơ chế hợp tác, liên kết để đảm bảo lợi ích hợp pháp của các chủ thể sáng tạo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo: Nghiên cứu xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục và bổ sung nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đối với lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Ưu tiên chỉ tiêu bồi dưỡng, đào tạo tại các cơ sở đào tạo giảng viên cho các ngành công nghiệp văn hóa.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Kết nối chặt chẽ giữa đơn vị đào tạo và tổ chức sử dụng lao động; nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ kịp thời (khi cần thiết) cho các doanh nghiệp, người lao động trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa gặp khó khăn.
Bộ Thông tin và Truyền thông: Tập trung đầu tư, khai thác, hỗ trợ phát triển ngành phần mềm và các trò chơi giải trí; đưa các giá trị văn hóa truyền thống, nghệ thuật, lịch sử Việt Nam vào phần mềm ứng dụng tương tác. Chuyển dịch từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số, từ gia công phần mềm sang sản xuất phần mềm thương hiệu Việt, từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số, từ thị trường trong nước sang thị trường quốc tế.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, hình thành hệ thống thông tin dữ liệu và phát triển hệ sinh thái trực tuyến cho các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.
Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ tướng yêu cầu: Căn cứ tình hình thực tế để xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, bố trí quỹ đất, cơ sở hạ tầng cho các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là phát triển các không gian sáng tạo, trung tâm hỗ trợ sáng tạo và người thực hành sáng tạo trên địa bàn; lựa chọn lĩnh vực công nghiệp văn hóa có tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh, bền vững
Đẩy mạnh liên kết vùng, địa phương trong phát triển, khai thác và kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa. Xây dựng các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đặc trưng của địa phương, gắn các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa với du lịch và đẩy mạnh phát triển kinh tế ban đêm. Tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá văn hóa, công nghiệp văn hóa.
Đối với các hiệp hội: Phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò kết nối cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Trong đó, tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động, làm giàu chính đáng, tuân thủ đúng pháp luật và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Kịp thời phát hiện, tổng hợp ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp để đề xuất, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết.
Đối với cộng đồng các doanh nghiệp: Phát huy tính năng động, sáng tạo và vai trò động lực của doanh nghiệp trong việc thúc đẩy và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Đẩy mạnh kết nối, hợp tác cùng phát triển. Đổi mới mô hình kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo; chủ động nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm dịch vụ. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nói không với tiêu cực. Đề cao ý thức, trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng; tham gia bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Đối với các chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo: Tiếp tục phát huy tâm huyết của mình trong việc nghiên cứu, sáng tạo những tác phẩm, sản phẩm công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan luôn đồng hành ủng hộ, tạo điều kiện cho các chuyên gia, nhà hoạt động văn hóa với đam mê sáng tạo không có giới hạn.
Thủ tướng cho rằng một Hội nghị không thể giải quyết được tất cả các vấn đề đặt ra, nhưng tin tưởng rằng sau Hội nghị này, chúng ta sẽ vững tin hơn, có khí thế mới, động lực mới để phát triển ngành công nghiệp văn hóa./.