Thứ 3 | 26/02/2019
Thực hiện kế hoạch, chương trình hành động và triển khai chương trình công tác năm 2019, ngày 22/02/2019 tại Trường cao đẳng Du lịch Huế, thành phố Huế, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban chấp hành lần thứ 3 gặp mặt giao lưu và mừng Xuân mới - Kỷ Hợi 2019.
 

Toàn cảnh Hội nghị

Tham dự buổi lễ có đại diện Lãnh đạo các Bộ, Ban ngành: Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện Lãnh đạo các tỉnh thành: Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Nam Định, Phú Thọ, Phú Yên; đại diện Lãnh đạo các Hiệp hội, trường: Khoa học công nghệ thực phẩm, Đại học STU,CĐDL  Huế…,thành viên Ban chấp hành, Ban Tư vấn, CLB Nghệ nhân Dân gian và Đương đại, CLB Bếp chuyên nghiệp; Ban chủ nhiệm CLB Bếp tỉnh Quảng Trị, Ban vận động thành lập Hội Văn hóa Ẩm thực các tỉnh Nam sông Hồng…cùng các nhà nghiên cứu văn hóa, chuyên gia ẩm thực Việt Nam; đại diện các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương trên cả nước.
Nhằm tôn vinh giá trị văn hóa ẩm thực; lưu giữ và phát triển văn hóa ẩm thực Việt trong nhân dân; tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về bản sắc văn hóa ẩm thực Việt, góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc đồng thời quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam ra thế giới, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam đã được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 9/2018 với nhiều kết quả đáng ghi nhận. Với thành viên là những nhà nghiên cứu, chuyên gia ẩm thực, nghệ nhân, doanh nhân, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực ẩm thực, dịch vụ du lịch, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam đã cùng nhau xây dựng và tổ chức nhiều hoạt động sự kiện thiết thực nhằm cụ thể hóa tôn chỉ đã đề ra. Cụ thể Hiệp hội đã luôn chú trọng tới công tác phát triển hội viên; xúc tiến thành lập các Hội trực thuộc tại các tỉnh,thành phố; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ban ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa ẩm thực Việt; hỗ trợ tổ chức Ẩm thực tại các Lễ hội và các sự kiện văn hóa du lịch tiêu biểu tại các địa phương trên cả nước…
 

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc công ty Vietravel, Chủ tịch Hiệp Hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam 
phát biểu tại Hội nghị
Phát huy những kết quả đạt được, năm 2019 Hiệp hội sẽ tiếp tục chú trọng thực hiện các kế hoạch trọng tâm để xây dựng các hoạt động có chiều sâu, lan tỏa trong cộng đồng nhằm thu hút thêm hội viên cũng như nâng tầm vai trò Văn hóa Ẩm thực của Việt Nam, tiến tới mục tiêu đưa văn hóa ẩm thực trở thành tài sản quốc gia vào năm 2030, xây dựng các kinh đô, thủ phủ và bảo tàng ẩm thực.
Ngành Du lịch Việt Nam tự hào về nền văn hóa ẩm thực đã có từ hàng nghìn năm qua với hơn 3.000 món ăn trải dài khắp các vùng miền cả nước. Ẩm thực chuyên chở giá trị của quá khứ - hiện tại - tương lai và pha trộn hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Ngay cả những món ăn nước ngoài khi du nhập sẽ biến tấu cho hợp với khẩu vị, mang đậm bản sắc Việt. Điều làm nên nét khác biệt chính sự cân bằng âm - dương, chua - cay - mặn - ngọt hài hòa, truyền tải trọn vẹn hương vị tự nhiên lại cân bằng giá trị dinh dưỡng. Mỗi vùng miền lại có những món ăn khác nhau, mang ý nghĩa riêng biệt tạo nên bản sắc của từng địa phương.  Đây chính là “vũ khí” lợi hại nhất để phát triển du lịch. Đưa ẩm thực, văn hóa người Việt đến với du khách quốc tế ngay trên đất nước của họ thông qua tất cả các chuỗi sự kiện, hoạt động liên kết văn hóa sẽ là kênh quảng bá tốt nhất kéo du khách tới Việt Nam vì con đường ngắn nhất dẫn đến trái tim là đi qua dạ dày. Vì vậy, việc chọn và xây dựng ẩm thực trở thành thương hiệu nhằm quảng bá cho du lịch là điều khả thi với sự chuẩn bị công phu, bài bản, khai thác nhiều giá trị văn hóa ẩm thực bền vững có chiều sâu, chắc chắn trong thời gian tới Văn hóa ẩm thực Việt sẽ vươn lên những tầm cao mới và một nền du lịch lấy ẩm thực là chủ đạo chắc chắn luôn thành công. 
Phú Thọ vừa là đất Tổ, vừa là vùng đất cổ, cái nôi của nền văn hoá Lạc Việt, kinh đô đầu tiên của Việt Nam. Trên mảnh đất này còn tồn tại và lưu giữ rất nhiều di sản văn hoá, bao gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể gắn với thời đại các Vua Hùng, tạo nên diện mạo văn hoá đặc biệt riêng có của vùng đất Tổ. Trong đó, có nhiều di tích có giá trị lớn về mặt văn hóa, lịch sử gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, một trong số đó chính là  Đền thờ Lang Liêu - Hùng Chiêu Vương, vị Vua Hùng thứ 7 của thời đại Hùng Vương, người đã có công lao sáng tạo ra bánh Chưng, bánh Dày  tượng trưng cho trời - đất để dâng lên ngày mừng thọ của cha. Từ đó, bánh Chưng, bánh Dày cũng như tài năng trong ẩm thực của Hùng Chiêu Vương đã được nhân dân lưu truyền và tôn vinh. 
 

Đồng chí Nguyễn Đắc Thủy – Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Phú Thọ phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ bày tỏ nhất trí cao và ủng hộ, phối hợp tốt nhất với đề nghị của Hội Văn hóa Ẩm thực tôn vinh Lang Liêu là Tổ nghề Văn hóa Ẩm thực Việt Nam đồng thời vận động xây dựng Miếu thờ Lang Liêu tại phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì; Phối hợp tổ chức Lễ hội văn hóa ẩm thực Việt Nam trong dịp Quốc lễ - Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng năm 2020; Đồng chí cũng đề nghị các doanh nghiệp mở thêm chi nhánh và công ty chuyên kinh doanh ẩm thực, đưa bánh Chưng Việt Nam ra thế giới cũng như đề nghị sự phối hợp của Hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam thành lập Chi hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam tại tỉnh Phú Thọ.
Cũng tại buổi lễ đã diễn ra lễ ra mắt các CLB Nghệ nhân Ẩm thực Dân gian và Đương đại, CLB Nghệ nhân Bếp chuyên nghiệp; Lễ ký kết hợp tác “Phát triển Văn hóa ẩm thực Việt Nam”; ra mắt Ban vận động Hội văn hóa ẩm thực Việt Nam tại Huế…
 

Vinh danh tri ân các Nhà tài trợ, đơn vị hỗ trợ.

 

Ra mắt Câu lạc bộ Nghệ nhân Bếp chuyên nghiệp.

 Ảnh: Lê Khanh; Bài: Phạm Anh - Trung tâm TTXT Du lịch
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com