Thứ 6 | 03/05/2024

Dương Nhị Hà – Trưởng phòng Phát triển tài nguyên du lịch
 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ

     Phú Thọ được nhân dân và du khách trong và ngoài nước biết đến là vùng Đất Tổ cội nguồn của dân tộc Việt Nam với các sản phẩm du lịch Văn hóa – tâm linh gắn với các Lễ hội truyền thống về cội nguồn và hệ thống các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc còn lưu giữ đậm đặc trên địa bàn tỉnh. Năm 2023, du lịch Phú Thọ cùng với cả nước bước sang thời kỳ chuyển mình phục hồi và bắt đầu tăng tốc phát triển sau những năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid -19; bên cạnh những điều kiện thuận lợi có được sau khi cả nước mở cửa đón khách du lịch trở lại, ngành du lịch Phú Thọ cũng còn nhiều khó khăn cần khắc phục để vươn mình phát triển như: sản phẩm du lịch còn thiếu sự đa dạng, chất lượng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch xuống cấp, lực lượng lao động trong ngành bị tổn thất cần được đào tạo và đào tạo lại, hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao quốc gia, quốc tế còn hạn chế…
     Trước những khó khăn thách thức đặt ra trong thời kỳ mới, du lịch Phú Thọ cùng với du lịch cả nước được Đảng, Nhà nước và các cấp Chính quyền hết sức quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để phục hồi và phát triển. Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, tỉnh Phú Thọ cũng đã ban hành Kế hoạch số 2681/KH-UBND ngày 18 tháng 7 năm 2023 để triển khai thực hiện Nghị quyết đảm bảo thống nhất, đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX với 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp chính để triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh.

Đ/c Nguyễn Đắc Thủy – TUV – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ tặng hoa chúc mừng và trao Quyết định công nhận Điểm du lịch văn hóa Bạch Hạc, thành phố Việt Trì (Ảnh: PTTNDL)

     Ngành Văn hóa thể thao và Du lịch cùng với các Sở, Ban, ngành, địa phương trong tỉnh đã vào cuộc ngay, chung tay và tích cực triển khai nhiệm vụ bằng các hoạt động thiết thực. Toàn ngành, toàn tỉnh đã tập trung định hướng, hỗ trợ và tập trung nguồn lực cho phát triển du lịch, hỗ trợ phát triển đa dạng hóa hình thức, sản phẩm du lịch, chú trọng liên kết giữa du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, gắn với phát triển xanh, bền vững và phương châm “lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”; xây dựng Phú Thọ trở thành điểm đến du lịch cội nguồn “an toàn, xanh, sạch đẹp, thân thiện, hấp dẫn”...
     Năm 2023, sản phẩm du lịch văn hóa tiếp tục được khai thác trên cơ sở phát huy các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể trong đó tập trung khai thác phát huy giá trị 02 di sản văn hóa phi vật đại diện của nhân loại được UNESCO ghi danh là Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, phát triển thương hiệu du lịch về cội nguồn gắn với lịch sử truyền thống bản sắc văn hóa dân tộc Đất Tổ Hùng Vương; sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, văn hóa cộng đồng, du lịch đường sông được quan tâm hỗ trợ phát triển, đổi mới và nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp. Các sản phẩm du lịch trải nghiệm, du lịch học đường, du lịch nông nghiệp mới được đưa vào khai thác đã làm đa dạng các loại hình dịch vụ đáp ứng yêu cầu của khách du lịch;
     Ngành du lịch đã phối hợp với Hiệp hội du lịch và các địa phương tổ chức các đoàn farm trip, press trip, chương trình kích cầu du lịch Phú Thọ nhằm thu hút các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành mở các tour, tuyến du lịch tới các khu, điểm du lịch trong tỉnh; gắn kết với các tour, tuyến du lịch của các tỉnh bạn. Hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch với 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và thành phố Hồ Chí Minh,  liên kết với thành phố Hà Nội, các tỉnh miền Trung và miền Đông Nam Bộ trong xây dựng các sản phẩm du lịch mới đến Phú Thọ và các tỉnh tây Bắc được triển khai tích cực, hiệu quả. Công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá du lịch Phú Thọ được tăng cường qua các trang thông tin điện tử, qua các chuyên mục, các kênh của Đài truyền hình Việt Nam VTV, VTC... các ấn phẩm truyền thông, tuyên truyền du lịch, các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại và mạng xã hội như zalo, facebook, youtube; đồng thời, đa dạng hóa các hình thức truyền tải thông tin tuyên truyền từ thông tin, bài viết, ảnh đẹp đến video clip, khoảnh khắc 3D... Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch được chú trọng và mở rộng, ngành du lịch tích cực bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý trong lĩnh vực du lịch; tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch của tỉnh; Hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp tổ chức đào tạo tại chỗ nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đội ngũ quản lý, nhân viên và người lao động trong lĩnh vực du lịch.  
     Song song với tăng cường các hoạt động du lịch, tỉnh Phú Thọ tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực du lịch trong tình hình mới, bảo đảm môi trường an ninh, an toàn, thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhà nước theo hướng đơn giản hóa, khoa học, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, lành mạnh, minh bạch. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chú trọng cải cách hành chính, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư. Hỗ trợ cung cấp thông tin cho các tổ chức, doanh nghiệp nhà đầu tư tiếp cận, tìm hiểu cơ hội đầu tư; Tạo điều kiện thuận lợi cho Nhà đầu tư triển khai các dự án lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh… Với những nỗ lực của các cấp, các ngành, năm 2023, du lịch Phú Thọ đã có bước phát triển khá, đạt được một số kết quả đáng khích lệ: Doanh thu du lịch dịch vụ năm 2023 ước đạt 3.365 tỷ đồng, đạt 108,5% kế hoạch, tăng 27% so với năm 2022; Khách lưu trú: 776.000 lượt khách, đạt 103,5% kế hoạch, tăng 13,3% so với năm 2022; Năm 2023, tỉnh Phú Thọ đã công nhận mới 5 điểm du lịch cấp tỉnh là Điểm du lịch văn hóa cộng đồng Bạch Hạc, thành phố Việt Trì; Điểm du lịch văn hóa Khu di tích Đền Mẫu Âu Cơ, huyện Hạ Hòa; Điểm du lịch cộng đồng Bản Dù, Điểm du lịch sinh thái Thác Ngọc, Điểm du lịch sinh thái cộng đồng Bản Cỏi, Vườn quốc gia Xuân Sơn, huyện Tân Sơn góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh.

Du lịch văn hóa cộng đồng Long Cốc hấp dẫn khách du lịch quốc tế (Ảnh sưu tầm)

     Với mong muốn phát huy những kết quả đạt được, khai thác tiềm năng lợi thế vùng đất Tổ phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, trong thời gian tới, du lịch Phú Thọ cần triển khai thực hiện một số nhiệm vụ giải pháp cụ thể, thiết thực, đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững sau:
     Một là, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò, vị trí quan trọng của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cấp, các ngành tập trung triển khai các giải pháp đẩy nhanh phục hồi du lịch trong tình hình mới, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
     Hai là, triển khai thực hiện Phương án phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ trong Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo hiệu quả.
    Ba là, Tiếp tục tập trung nguồn lực hỗ trợ xây dựng và phát triển các khu, điểm, sản phẩm du lịch theo Kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025. Hướng dẫn UBND các huyện, thành, thị và các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tập trung nguồn lực xây dựng các khu, điểm du lịch và thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với du lịch.
    Bốn là, Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch dịch vụ tại các điểm đến, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn các đơn vị, địa phương, các đơn vị lữ hành xây dựng chương trình phát triển sản phẩm du lịch mới. Tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ du lịch, thi nghề du lịch… nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Tích cực triển khai các giải pháp thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, số hóa dữ liệu du lịch.
     Năm là, Tổ chức các chương trình, sự kiện mang tầm quốc gia, quốc tế trên địa bàn tỉnh nhằm kích cầu hoạt động du lịch, xây dựng thương hiệu Du lịch Đất Tổ; triển khai có hiệu quả chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 và các chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xúc tiến du lịch và  tham gia các hoạt động, sự kiện xúc tiến quảng bá du lịch trong và ngoài nước.
     Với phương châm quyết liệt, chủ động, thực chất và hiệu quả, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và người dân, tỉnh Phú Thọ đã và đang đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; tăng cường thu hút nguồn lực đầu tư phát triển; khai thác tiềm năng lợi thế vùng đất Tổ, phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm với phương châm “Sản phẩm đặc sắc, dịch vụ chuyên nghiệp, thủ tục thuận tiện, đơn giản, giá cả cạnh tranh, môi trường vệ sinh sạch đẹp, điểm đến an toàn – văn minh”, đẩy nhanh tốc độ phục hồi, phát triển du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh./.

Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com