Nằm ở phía Tây của tỉnh Phú Thọ, Yên Lập là vùng đất được bao bọc bởi những dãy núi trập trùng, địa hình bán sơn địa tạo nên cảnh quan sơn thủy hữu tình, mang đến cảm giác thanh bình và thư thái cho du khách. Thiên nhiên nơi đây hài hòa giữa núi rừng xanh ngát với những dòng thác tuôn chảy giữa đại ngàn. Người dân còn lưu giữ được nét nguyên sơ với những phong tục tập quán lâu đời, lễ hội truyền thống đặc sắc, các làn điệu dân ca cùng với ẩm thực phong phú, hấp dẫn, mang đậm hương vị núi rừng… Tất cả hòa quyện tạo nên một điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích khám phá thiên nhiên và trải nghiệm văn hóa bản địa.
Sở hữu tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn cùng nền văn hóa bản địa đa dạng, Yên Lập hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa cộng đồng và du lịch trải nghiệm. Trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam đang chuyển hướng mạnh mẽ sang phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững và lấy trải nghiệm làm trung tâm, Yên Lập nổi lên như một “viên ngọc thô” cần được đánh thức và khai thác hiệu quả.
Hồ Ngòi Giành, xã Trung Sơn, huyện Yên Lập
Một trong những thế mạnh nổi bật của Yên Lập chính là hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, ít bị tác động bởi quá trình đô thị hóa. Các điểm đến như thác Quạt, thác Đác, thác Hóp, núi Đù, hồ Ngòi Giành, hồ Ly, đập tràn Ngòi Lao, rừng bảo tồn lòng chảo Minh Hòa… Cảnh quan đẹp, nguyên sơ là những tài nguyên quý để quy hoạch phát triển các khu du lịch sinh thái gắn với hoạt động trải nghiệm leo núi, đi bộ đường dài, cắm trại, chụp ảnh, nghỉ dưỡng thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, với khí hậu ôn hòa, hệ động, thực vật phong phú cùng nguồn nước suối, khe, hồ tự nhiên là điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần và các mô hình “du lịch chậm” đang ngày càng được ưa chuộng.
Cùng với tài nguyên thiên nhiên, Yên Lập hiện có nhiều di tích lịch sử văn hóa, cách mạng lâu đời như: Khu di tích Tôn Sơn - Mộ Xuân (Xã Xuân An), nơi thờ vị tướng tài ba Nguyễn Quang Bích, người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của phong trào Cần Vương; Khu căn cứ chiến khu Phục Cổ (xã Minh Hòa) - di tích gắn liền với những năm tháng kháng chiến hào hùng của dân tộc; công trình kiến trúc văn hóa tâm linh tiêu biểu đình Phục Cổ được xây dựng từ lâu đời với lối kiến trúc mang đậm giá trị nghệ thuật truyền thống… là những điểm đến mang đậm dấu ấn lịch sử, hấp dẫn du khách muốn tìm hiểu lịch sử, văn hóa tín ngưỡng và nét đẹp kiến trúc cổ kính.
Di tích Tôn Sơn - Mộ Xuân, xã Xuân An, huyện Yên Lập
Với diện tích tự nhiên trên 400 km², dân số hơn 90.000 người, trong đó hơn 80% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Mường, Dao… Yên Lập đang là một không gian văn hóa đầy sắc màu với hệ thống lễ hội, tín ngưỡng dân gian và phong tục tập quán đặc sắc. Lễ Mở cửa rừng của người Mường xã Minh Hòa, Lễ hội Hạ điền của người Mường xã Mỹ Lung, các nghi lễ truyền thống như lễ Cấp Sắc, lễ Tết Nhảy của người Dao, cùng với những nếp nhà, trang phục truyền thống của bà con; nghệ thuật hát ru, hát ví, múa, trò chơi dân gian và các nghề thủ công truyền thống… là nguồn tài nguyên cần được bảo tồn và khai thác phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa cộng đồng.
Điểm đáng chú ý là nhiều nét văn hóa tại Yên Lập vẫn còn được gìn giữ nguyên bản trong đời sống thường nhật của người dân, mang lại giá trị trải nghiệm chân thực cho du khách, điều mà các sản phẩm du lịch nhân tạo khó có thể thay thế. Các giá trị ẩm thực truyền thống và sản vật địa phương đặc sắc của người Mường vẫn đang hiện hữu ở Yên Lập như xôi ngũ sắc làm từ gạo nếp Gà Gáy Mỹ Lung, cá sỉnh ngòi lao nướng than củi, cơm lam, thịt chua, thịt nướng mắc khén, rượu cần, rau rừng...; làng nghề thủ công đan lát, thổ cẩm, đánh bắt cá, trồng dược liệu... có thể phát triển thành các sản phẩm, dịch vụ du lịch, gắn kết hình thành các tour trải nghiệm, mua sắm cho du khách.
Bên cạnh những giá trị tài nguyên du lịch sinh thái, văn hóa khá nổi bật, với vị trí tự nhiên, Yên Lập có khả năng kết nối với các khu, điểm du lịch đang khai thác của tỉnh Phú Thọ như Khu du lịch Quốc gia Đền Hùng, Vườn Quốc gia Xuân Sơn, Đầm Ao Châu, Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy và kết nối với các điểm đến tại các tỉnh lân cận như Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La tạo thành các tuyến du lịch, các sản phẩm du lịch liên vùng, liên tuyến, tăng tính cạnh tranh, tạo sản phẩm mới hấp dẫn cho du lịch Phú Thọ.
Mặc dù sở hữu tiềm năng to lớn về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, nhưng du lịch Yên Lập vẫn đang ở giai đoạn khởi phát, phát triển nhỏ lẻ, manh mún; hạ tầng giao thông và cơ sở du lịch còn yếu kém; hệ thống nhà nghỉ, homestay, cơ sở lưu trú chất lượng còn rất hạn chế; chưa có nhiều sản phẩm du lịch được xây dựng một cách chuyên nghiệp… Điều này cho thấy, việc "đánh thức" tiềm năng du lịch Yên Lập cần một chiến lược phát triển bài bản, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự chủ động từ cộng đồng dân cư.
Mâm cơm truyền thống dân tộc Mường, xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập
Nhận thấy được điều đó, ngành du lịch tỉnh Phú Thọ đã xác định Yên Lập là một trong những vùng du lịch tiềm năng cần được ưu tiên đầu tư. Đặc biệt, trong bối cảnh phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa và sinh kế bền vững cho cộng đồng dân tộc miền núi, ngành du lịch đã phối hợp với UBND huyện Yên Lập tham mưu cho UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt Quy hoạch Khu du lịch sinh thái Hồ Ngòi Giành, xã Trung Sơn, huyện Yên Lập; triển khai các dự án tại Minh Hòa, điểm đến du lịch cộng đồng khu Đâng…; đưa nội dung xây dựng các điểm du lịch tại Yên Lập vào các Kế hoạch dài hạn của tỉnh để làm cơ sở kêu gọi, tập trung thu hút mọi nguồn lực đầu tư phát triển du lịch Yên Lập; đồng thời, tham mưu cho tỉnh Phú Thọ tăng cường đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông đến các điểm du lịch tiềm năng, đặc biệt là các tuyến liên xã, liên huyện góp phần kết nối các điểm có tiềm năng phát triển du lịch tại Yên Lập với các trung tâm du lịch trong tỉnh.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch bước đầu đã thực hiện một số giải pháp hỗ trợ kêu gọi đầu tư xây dựng, phát triển điểm đến du lịch tại huyện Yên Lập nhằm hỗ trợ công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch như: Tổ chức xây dựng các video, clip, ảnh chụp và ấn phẩm quảng bá du lịch Yên Lập; phối hợp phát sóng và đăng tải các sản phẩm truyền thông này trên Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Thọ, các kênh Youtube, fanpage du lịch chính thức của tỉnh; tổ chức các đoàn Presstrip đưa phóng viên báo chí, nghệ sỹ nhiếp ảnh và các đơn vị truyền thông trong và ngoài tỉnh về khảo sát, trải nghiệm nhằm lan tỏa hình ảnh du lịch Yên Lập đến công chúng. Bên cạnh đó, Sở cũng thực hiện một số giải pháp nhằm tăng cường phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch: Hỗ trợ lắp đặt hệ thống biển bảng pano quảng bá, biển chỉ dẫn, biển nội quy tại một số điểm đến tiêu biểu như Hồ Ngòi Giành, Khu căn cứ Tôn Sơn - Mộ Xuân, điểm đến du lịch sinh thái, cộng đồng xã Mỹ Lung...; định hướng, khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng các homestay, nhà sàn cộng đồng, không gian văn hóa truyền thống, tạo điều kiện để người dân địa phương trực tiếp tham gia vào hoạt động du lịch, từ đó vừa gìn giữ văn hóa, vừa tạo sinh kế bền vững.
Đoàn Presstrip tham quan, quay phim, chụp hình tại Hồ Ngòi Giành, xã Trung Sơn
Những giải pháp hỗ trợ này đã nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ, tham gia nhiệt tình từ chính quyền và Nhân dân địa phương, bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch bền vững tại Yên Lập, cần phải đưa ra các định hướng chiến lược và thực hiện một số giải pháp cụ thể.
Về tuyên truyền nâng cao nhận thức các cấp, các ngành và người dân: Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và tỉnh Phú Thọ về phát triển du lịch bền vững, vai trò của du lịch đối với phát triển kinh tế xã hội trên các kênh truyền thông như: Hệ thống truyền thanh cấp huyện và cấp xã, Cổng thông tin điện tử, bảng tin xã/thôn, các tài khoản mạng xã hội đảm bảo nội dung dễ hiểu, gần gũi, gắn liền với đời sống văn hóa và lợi ích thiết thực của người dân; tổ chức tập huấn, tọa đàm tại cơ sở, phát hành tài liệu hướng dẫn và hợp tác truyền thông - quảng bá… Từ đó, tạo sự đồng thuận và tham gia tích cực của cộng đồng trong quá trình phát triển du lịch huyện Yên Lập theo hướng bền vững và có bản sắc riêng.
Về quy hoạch và đầu tư hạ tầng: Lập quy hoạch xây dựng các điểm du lịch tiềm năng của Yên Lập; đưa vào Kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh giai đoạn 2025 - 2030, ưu tiên kết nối với tuyến du lịch phía Tây tỉnh Phú Thọ; đầu tư nâng cấp hệ thống đường giao thông liên xã, xây dựng hạ tầng du lịch thiết yếu (nhà vệ sinh, bãi đỗ xe, điểm dừng chân, biển chỉ dẫn); xây dựng mô hình thí điểm điểm du lịch cộng đồng kiểu mẫu tại 01 - 02 xã có điều kiện thuận lợi (Mỹ Lung, Hưng Long) làm cơ sở nhân rộng.
Về xây dựng, phát triển sản phẩm và dịch vụ du lịch: Yên Lập cần tập trung phát triển các dòng sản phẩm đặc trưng là du lịch sinh thái nghỉ dưỡng gắn với các thác nước, đồi núi, suối khe tự nhiên (như thác Quạt, hồ Ngòi Giành, hồ Ly…); du lịch cộng đồng gắn với văn hóa dân tộc Mường, Dao trải nghiệm văn hóa bản địa; hỗ trợ người dân phát triển các sản phẩm OCOP gắn với trải nghiệm du lịch và xây dựng các tour liên kết nội tỉnh; đẩy mạnh khai thác các lễ hội truyền thống như lễ hội Mở cửa rừng, lễ hội Hạ Điền, ngày hội văn hóa Mường, các hoạt động trình diễn dân gian thành sự kiện du lịch thường niên.
Về truyền thông và xây dựng thương hiệu du lịch: Xây dựng trang fanpage thông tin du lịch huyện Yên Lập, tích hợp bản đồ số, thông tin tuyến điểm, dịch vụ; tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch; các sự kiện kích cầu du lịch; tổ chức các chiến dịch quảng bá du lịch Yên Lập trên nền tảng số, kết hợp với các travels bloggers, kols, tiktokers và các chương trình truyền hình về du lịch - văn hóa; từng bước hình thành bộ nhận diện du lịch Yên Lập với slogan, logo, ấn phẩm truyền thông mang dấu ấn văn hóa Mường - Dao.
Về nâng cao năng lực cộng đồng và nhân lực du lịch: Tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ du lịch, kỹ năng làm du lịch cộng đồng, các lớp bảo tồn văn hóa dân tộc cho người dân địa phương; lồng ghép nội dung phát triển du lịch vào chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao; phát huy vai trò của hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp xã hội trong tổ chức sản phẩm dịch vụ du lịch; xây dựng chính sách thu hút, hỗ trợ khởi nghiệp du lịch đối với thanh niên tại địa phương.
Việc định hướng và đầu tư bài bản cho du lịch Yên Lập không chỉ góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch Phú Thọ, giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường, tăng sinh kế cho người dân địa phương mà còn là chìa khóa để nâng cao đời sống, giữ chân người trẻ ở lại quê hương và phát triển kinh tế xanh, hài hòa với môi trường và văn hóa, giúp Yên Lập thoát khỏi thế "ẩn mình", trở thành điểm đến mới mang đậm dấu ấn bản địa trong không gian du lịch phía Tây Phú Thọ./.
Thanh Hòa