Thứ 5 | 02/03/2017
Tour đường sông là một loại hình du lịch mới ở Phú Thọ, cảm giác thư giãn và mang tới những trải nghiệm khó quên cho du khách. Trong suốt hành trình tới vùng Đất Tổ, khách du lịch có thêm cơ hội giao lưu và tương tác trong các hoạt động văn hóa - văn nghệ trên tàu và tại mỗi điểm dừng chân làm chuyến đi thêm phần thi vị, chiêm ngưỡng được cảnh đẹp làng quê trù phú, yên bình mà thân thuộc dọc theo bờ sông... Nhằm giúp độc giả có thêm thông tin về loại hình du lịch đường sông ở Đất Tổ, phóng viên Báo Phú Thọ đã có cuộc trò chuyện với bà Phùng Thị Hoa Lê - Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Phú Thọ.
 

Khách du lịch đến Phú Thọ theo đường sông.

 
- Du lịch đường sông là xu hướng đang được thịnh hành. Là người gắn bó và trực tiếp tổ chức các chương trình du lịch trên địa bàn tỉnh, bà có thể cho biết các tour du lịch đường sông hiện nay trên địa bàn tỉnh diễn ra như thế nào?

- Từ tháng 6-2015 được sự đồng ý của UBND tỉnh, cho phép Công ty Du lịch trải nghiệm Châu Á khai thác tuyến đường sông đón khách du lịch quốc tế đến Phú Thọ (du khách từ các nước thuộc Châu Âu, Mỹ, Úc …), lịch trình xuất phát từ Quảng Ninh theo đường sông đến Hòa Bình, tỉnh Phú Thọ là điểm đón trả khách và neo đậu của con tàu du lịch. Theo cam kết của doanh nghiệp, trung bình  từ 3 - 4 chuyến/tháng, lịch khách đặt trước kéo dài đến hết năm 2018 và tiếp tục triển khai các năm tiếp theo. Đến thời điểm hiện tại, Du lịch Phú Thọ trực tiếp hỗ trợ đón đoàn là Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch, đã đón gần 60 đoàn khách quốc tế với gần 2.000 lượt khách tham quan theo chương trình: Đình cổ, Nhà cổ, làng nghề truyền thống Hùng Lô; thực hành nghi lễ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”, thưởng thức “Hát Xoan Phú Thọ” tại đình Hùng Lô; tham quan, trải nghiệm tại làng nghề Nón lá Gia Thanh ( Phù Ninh), sử dụng dịch vụ ăn uống tại thành phố Việt Trì. Qua kết quả khảo sát cho thấy sản phẩm du lịch Hùng Lô, Gia Thanh và dịch vụ tại tỉnh Phú Thọ được du khách khen ngợi và hài lòng.

- Được biết Phú Thọ đã phối hợp với tỉnh Yên Bái, Lào Cai xây dựng sản phẩm du lịch dọc sông Hồng nhằm kết nối giá trị văn hóa 3 tỉnh?

- Xác định rõ lợi thế các giá trị văn hóa, di tích lịch sử, lễ hội, làng nghề dọc sông Hồng, Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ phối hợp với tỉnh Yên Bái, Lào Cai đã liên kết  xây dựng sản phẩm du lịch dọc sông Hồng kết nối các giá trị văn hóa giữa 3 tỉnh để phục vụ khách du lịch với chương trình du lịch: Đình, chùa Tam Giang (Việt Trì) - Đền Du Yến (Thanh Ba) - Đền Mẫu Âu Cơ (Hạ Hòa) - Đền Đông Cuông (Yên Bái) - Đền Tuần Quán (Yên Bái) - Đền Bảo Hà (Lào Cai) hiện đang quảng bá và tổ chức các đoàn khách tham quan đẩy mạnh thành sản phẩm du lịch hấp dẫn. Qua đó thấy được tiềm năng và hiệu quả rất lớn từ việc phát triển các sản phẩm du lịch đường sông.

Tuy nhiên, với doanh nghiệp đang đón khách du lịch quốc tế về Phú Thọ đang gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu bến tàu du lịch, giao thông kết nối từ bến sông đến điểm tham quan chưa được đầu tư, điểm tham quan du lịch chưa nhiều dịch vụ… vì vậy công tác xúc tiến tăng thêm tàu du lịch, mở rộng thị trường bị hạn chế, khó thu hút thêm các doanh nghiệp đưa khách về Phú Thọ.

Với các đầm, hồ sinh thái lớn trên địa bàn tỉnh hiện nay đã có dịch vụ du lịch của người dân hoạt động tự phát, song lượng du khách sử dụng chưa nhiều, chưa thường xuyên, chưa có doanh nghiệp quan tâm đầu tư tàu du lịch chất lượng do vậy mà du lịch chưa phát triển mạnh.

- Như vậy, du lịch đường sông ở tỉnh ta chưa tương xứng với tiềm năng và đâu là nguyên nhân thưa bà?

- Phú Thọ với nền văn minh sông Hồng, được thiên nhiên ưu đãi đa dạng về tài nguyên thiên nhiên, hệ thống sông ngòi xen kẽ với nhiều con sông lớn, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử với gần 370 lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa cội nguồn dân tộc, trong đó có nhiều di sản ở gần các con sông lớn. Tuy nhiên, du khách đến Phú Thọ theo các tour đường sông còn hạn chế. Chúng ta đều thấy rằng, một số địa phương đã triển khai sản phẩm du lịch đường sông rất mạnh như đồng bằng Sông Cửu Long gắn với du lịch miệt vườn, Huế gắn với ca Huế trên sông Hương, TP Hồ Chí Minh  với việc khai thác du thuyền trên sông Sài Gòn… qua đó cho thấy để du lịch đường sông phát triển cần một quá trình lâu dài, không thể một sớm, một chiều mà có thể mạnh ngay được. Cần chuẩn bị rất nhiều các điều kiện cho sản phẩm du lịch đường sông như: Xây dựng và cấp phép hoạt động bến tàu du lịch đường sông; sản phẩm du lịch và dịch vụ phục vụ tuyến du lịch đường sông; quy hoạch và đầu tư giao thông kết nối điểm đón từ đường sông lên đường bộ theo lịch trình… Bên cạnh đó, công tác xúc tiến, quảng bá cho sản phẩm du lịch đường sông tại các thị trường trọng điểm để khách du lịch dễ tiếp cận; sự vào cuộc của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế đầu tư tàu du lịch chở khách, mở các văn phòng đại diện tại nước ngoài… Tỉnh Phú Thọ có chủ trương phát triển du lịch đường sông, tuy nhiên đây mới là giai đoạn bắt đầu có doanh nghiệp khai thác nên bộc lộ hạn chế do thiếu nhiều điều kiện về hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ, chưa có nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư tàu du lịch, chưa có điều kiện xúc tiến quảng bá đến các thị trường trọng điểm.

- Như bà đã nói ở trên,  khai thác tiềm năng phát triển du lịch đường sông là hướng đi đúng đắn để thu hút khách du lịch đến Phú Thọ. Vậy chúng ta cần phải làm gì để tiềm năng về du lịch đường sông không còn bỏ ngỏ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh?

- Để phát triển sản phẩm du lịch đường sông, trong điều kiện cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách, cần có quá trình khai thác ban đầu, thông qua các kênh quảng bá, xúc tiến đến các thị trường trọng điểm như Châu Âu, Mỹ, Úc... nhằm thu hút du khách khám phá, trải nghiệm. Các doanh nghiệp trong quá trình phục vụ, nghiên cứu mở rộng dịch vụ và thị trường, thu hút tăng dần lượng du khách, tăng thêm các doanh nghiệp khai thác sản phẩm du lịch đường sông.

Về phía tỉnh, căn cứ nhu cầu doanh nghiệp và tình hình phát triển du lịch đường sông, xây dựng kế hoạch, cơ chế khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư tàu du lịch; đầu tư xây dựng bến tàu du lịch, đường giao thông nối bến sông đến các điểm tham quan du lịch theo lịch trình và khuyến khích phát triển dịch vụ tại các điểm du lịch.

Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Phú Thọ trong quá trình triển khai nhiệm vụ, tận dụng các kênh quảng bá, liên kết với các Trung tâm xúc tiến như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch đẩy mạnh xúc tiến sản phẩm du lịch của Phú Thọ đến các thị trường trọng điểm, nhất là sản phẩm thị trường Châu Âu, Mỹ...  Tư vấn, hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp du lịch khai thác tuyến du lịch đường sông đón khách về Phú Thọ. Thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình phát triển của sản phẩm du lịch đường sông để các cấp lãnh đạo nắm được, triển khai tập trung đầu tư cơ sở hạng tầng; đa dạng, phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn khách du lịch đường sông; xúc tiến mời gọi đầu tư của các doanh nghiệp du lịch thực hiện du lịch đường sông vào cuộc; đào tạo nâng cao nhận thức người dân phục vụ khách du lịch quốc tế.

Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!
 
Nguồn: baophutho.vn
Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com