Thứ 6 | 01/12/2023

baophutho.vnThời gian gần đây, du lịch Tân Sơn dần trở thành điểm dừng chân quen thuộc trên bản đồ du lịch của vùng Đất Tổ. Không chỉ có điểm đến lý tưởng, giao thông kết nối thuận lợi mà hơn hết, những sản phẩm du lịch do chính người dân bản địa tạo nên đã làm nên thương hiệu riêng, để lại dấu ấn trong lòng du khách.

Tiết mục văn nghệ múa cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường phục vụ khách du lịch đến Vườn Quốc gia Xuân Sơn.

Thu hút du khách bằng văn hóa bản địa đặc trưng
Làn điệu Ví, Rang mượt mà, đằm thắm, điệu múa Mỡi uyển chuyển cùng tiếng chàm đuống rộn ràng, những âm thanh vui nhộn hòa cùng với các động tác khéo léo của đồng bào dân tộc Mường, Dao ở xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn khiến du khách chìm vào không gian ngập tràn sắc màu văn hóa của người dân địa phương. Bên cạnh đó, du khách còn được tham gia các hoạt động như dệt thổ cẩm, bắt cá suối, múa xòe, nhảy sạp... Đây là một trong những điểm nhấn văn hoá tại các tour, tuyến du lịch, khám phá, trải nghiệm Vườn Quốc gia Xuân Sơn, huyện Tân Sơn.

Là người cao tuổi nhất của Câu lạc bộ (CLB) dân gian khu Lấp, xã Xuân Sơn, gần 70 tuổi nhưng bà Hà Thị Chờ vẫn uyển chuyển thực hiện các động tác đâm đuống nhịp nhàng, tiết tấu và các điệu múa Mỡi khéo léo.

Bà Chờ chia sẻ: Trước đây các điệu múa của người Mường, người Dao chỉ được biểu diễn vào các dịp lễ hội lớn, nhưng giờ đây, nhờ du lịch phát triển mà chúng tôi có điều kiện giới thiệu một cách thường xuyên hơn nét đẹp văn hóa của địa phương tới du khách trong nước và quốc tế.

Tại xã Xuân Sơn, hiện đang có ba CLB dân gian của ba khu: Lạng, Lấp, Cỏi. Mỗi CLB có từ 6 đến 12 thành viên thuộc hội người cao tuổi, phụ nữ và đoàn thành niên. Việc tổ chức, biểu diễn phục vụ khách du lịch giúp bảo tồn, giới thiệu văn hóa bản địa và giúp các thành viên có thêm nguồn thu nhập”.

Chị Tà Thị Hải là người trẻ nhất trong đội văn nghệ của khu Lấp, mặc dù là người dân tộc Thái, nhưng khi về Xuân Sơn làm dâu, chị Hải thành thạo các động tác múa của người Mường, Dao nơi đây. Chị cũng là một trong những thanh niên tích cực của khu trong việc bảo tồn và lưu giữ các giá trị văn hóa dân tộc. Đảm nhận vai trò hướng dẫn viên kiêm người dẫn chương trình các buổi biểu diễn văn hóa tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn, chị Hải luôn học hỏi, trau dồi các kiến thức văn hóa dân gian để giới thiệu với du khách.

Chị Hải cho biết: “Tôi rất vui mừng khi nhiều nét văn hóa của người Dao, Mường đang thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Nếu như trước đây, người dân Xuân Sơn chỉ biết sống nhờ rừng, nhờ suối, thì hiện nay thanh niên trong thôn, bản đã có thể phát triển kinh tế nhờ dịch vụ và du lịch cộng đồng”.

Lớp tập huấn xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Mường tại xã Lai Đồng, huyện Tân Sơn.

Để du lịch vùng cao phát triển bền vững

Năm 2023, lượng khách đến tham quan du lịch đồi chè Long Cốc và Vườn Quốc gia Xuân Sơn- huyện Tân Sơn ước đạt trên 20 nghìn lượt người (tăng 0,4% so với năm 2022); khách lưu trú ước đạt trên 3,5 nghìn lượt người; doanh thu từ du lịch dịch vụ ước đạt 15,9 tỷ đồng.

Huyện Tân Sơn đã triển khai thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển du lịch năm 2023” cùng các hoạt động như: Hỗ trợ tuyên truyền quảng bá rộng rãi các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể nghề dệt thổ cẩm dân tộc Mường trên địa bàn huyện; tổ chức lớp tập huấn các loại hình diễn xướng dân gian của dân tộc Mường, Dao cho các thành viên CLB sinh hoạt văn hóa dân gian; tổ chức lớp tập huấn cho các chủ homestay về công tác lễ tân đón tiếp khách, thực hiện nghiệp vụ buồng, phòng...

Nhằm khai thác tối đa các giá trị di sản văn hóa vùng dân tộc thiểu số để phục vụ du lịch, Phú Thọ đưa vào các tour tuyến, như một cách giới thiệu đến du khách những giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương như tour Phú Thọ liên kết Tây Bắc, photo tour Đồi chè Long Cốc,... du lịch cộng đồng Xuân Sơn kết nối tour du lịch gắn với các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tổ chức nhiều chương trình Famtrip, Presstrip, phối hợp với Nhóm hợp tác phát triển du lịch tám tỉnh Tây Bắc mở rộng và thành phố Hồ Chí Minh đưa các doanh nghiệp lữ hành, công ty truyền thông, nhà báo, nhiếp ảnh gia trên toàn quốc đến tham gia khảo sát điểm đến, trải nghiệm các sản phẩm dịch vụ, du lịch đặc trưng trên địa bàn tỉnh, trong đó có du lịch Tân Sơn; tổ chức các buổi hội thảo trao đổi với lãnh đạo địa phương nhằm đánh giá tiềm năng, những hạn chế và hướng đi phát triển các sản phẩm du lịch của Xuân Sơn cũng như của các địa phương khác trên địa bàn tỉnh...
Ông Nguyễn Đức Hòa - Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch, Sở VH-TT&DL cho biết: “Phát triển du lịch theo hướng bền vững đòi hỏi cộng đồng các DTTS ở các điểm du lịch phải bảo vệ được bản sắc văn hoá dân tộc, tạo sức hấp dẫn du khách một cách đặc trưng, riêng có. Nhưng muốn giữ gìn phát huy được bản sắc văn hoá dân tộc đòi hỏi phải có hệ thống chính sách đồng bộ, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm du lịch phát triển, chính sách đào tạo trao truyền di sản văn hoá dân tộc qua các thế hệ. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở VH-TT&DL, Trung tâm tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam kết hợp triển khai các hoạt động, sự kiện kích cầu du lịch, phát triển thị trường, dịch vụ, sản phẩm du lịch; hướng dẫn các đơn vị, địa phương, các đơn vị lữ hành xây dựng chương trình phát triển sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn, giữ gìn, quảng bá văn hóa dân tộc...”.
Công tác bảo tồn di sản văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch là Dự án số 6 thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Phú Thọ đã bố trí kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025, để triển khai thực hiện nhiều dự án bảo tồn di tích văn hóa, lịch sử phục vụ phát triển du lịch tại các huyện miền núi. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung bố trí vốn ngân sách Trung ương và vốn đối ứng ngân sách địa phương thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch.
Phát triển du lịch vùng cao đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo nguồn sinh kế mới cho người dân Tân Sơn nói riêng và người DTTS trên địa bàn tỉnh nói chung. Vì vậy, cần có những chiến lược phát triển lâu dài và hiệu quả, nhằm đảm bảo môi trường sinh thái du lịch và bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc của địa phương.

 
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com