Thứ 3 | 28/11/2023

baophutho.vnNgày 28/11, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản liên quan, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường chủ trì hội nghị. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối đến 63 điểm cầu địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Trọng Tấn chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Phú Thọ

Tại điểm cầu tỉnh Phú Thọ, đồng chí Phan Trọng Tấn - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng tham dự có lãnh đạo sở, ban, ngành phụ trách công tác dân chủ tại đơn vị; hội nghị được kết nối đến điểm cầu cấp huyện trong tỉnh.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo viên của Bộ Nội vụ quán triệt, phổ biến những nội dung chính, trọng tâm của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; Nghị định số 61/2023/NĐ-CP của Chính phủ: Về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư; Nghị định số 59/2023/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Lãnh đạo một số sở, ban, ngành tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Phú Thọ

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở số 10/2022/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 10/11/2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. Với 6 chương và 91 Điều, Luật quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Luật quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền kiểm tra, giám sát, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với các quyết định, hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền thụ hưởng của công dân về thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nghĩa vụ kịp thời phản ánh, kiến nghị, báo cáo cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Luật cũng quy định phạm vi thực hiện dân chủ đối với từng loại hình cơ sở; hình thức chế tài xử lý vi phạm đối với từng nhóm chủ thể và hành vi vi phạm. Quy định cơ chế bảo đảm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã, Ban công tác MTTQ ở thôn, tổ dân phố; vai trò, trách nhiệm của công đoàn, tổ chức đại diện người lao động ở cơ quan, tổ chức, đơn vị trong từng việc, từng bước, từng khâu thực hiện dân chủ một cách thống nhất, xuyên suốt...
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là nền tảng chính trị, pháp lý quan trọng để Đảng và Nhà nước tiếp tục hoàn thiện đường lối, chính sách, pháp luật về dân chủ nói chung, dân chủ ở cơ sở nói riêng, từ đó góp phần hoàn thiện các thiết chế về dân chủ. Yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân đòi hỏi tuân thủ tính tối cao của Hiến pháp và Pháp luật. Việc thực hiện pháp luật về dân chủ trên tất cả các lĩnh vực diễn ra ở cơ sở không chỉ giúp cho pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, Nhân dân tự mình làm chủ trong quản lý Nhà nước, quản lý xã hội mà còn là nơi giám sát và phản ánh chất lượng, tính khoa học, khả thi, gần dân đối với các đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta.

Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com