Thứ 5 | 30/07/2020
Nếu có dịp, mời bạn về với Hùng Lô - vùng đất giàu truyền thống văn hoá của người Việt cổ xưa. Nơi đây còn lưu giữ được nhiều nét đẹp văn hoá, lưu giữ được nhiều nghề truyền thống như: Làm mỳ gạo, làm bánh chưng, bánh đa, kẹo vừng, kẹo lạc... Ngoài ngôi đình cổ kính hơn 300 năm tuổi với nhiều nét đẹp kiến trúc tinh xảo đậm dấu ấn thời Hậu Lê thì xã Hùng Lô còn lưu giữ nhiều nếp nhà cổ có niên đại trên dưới 100 năm tuổi.

Tại làng cổ xã Hùng Lô, hiện nay có khoảng 50 ngôi nhà gỗ cổ có niên đại khoảng trên 100 năm, trong đó có một số ngôi nhà được chính quyền và các cấp quản lý tìm hiểu để phục vụ phát triển du lịch. Các ngôi nhà trên do chủ sở hữu ngôi nhà đang sử dụng làm nhà ở, sinh hoạt gia đình hoặc làm nhà thờ họ. Cùng với những di tích lịch sử, làng nghề truyền thống của làng cổ Hùng Lô thì nhà gỗ cổ đã trở thành một điểm đến hấp dẫn của khách du lịch, chủ yếu là khách nội địa, và  một số đoàn khách nước ngoài như Anh, Úc, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ...

Nhà cổ Hùng Lô cũng mang những nét kiến trúc nhà ở truyền thống của người Việt vùng Bắc Bộ. Nhà thường được xây theo hướng Nam hoặc Đông Nam, hướng của sự phát triển, phát đạt, điều đó cũng nằm trong tư duy quan niệm truyền thống của người Việt xưa: “Lấy vợ hiền hòa, chọn nhà hướng Nam” - sẽ tránh được nắng chiều hướng Tây, gió lạnh từ phương Bắc và bão về từ phía Đông. Người Việt còn chọn lựa đất xây nhà với thế lưng tựa vào núi, mặt nhìn ra sông, đất tụ linh, tụ phúc phù hợp với vận mệnh của gia chủ. Những ngôi nhà cổ tại Hùng Lô vẫn còn lưu giữ được gần như nguyên vẹn những giá trị kiến trúc, chạm trổ khéo léo và tinh tế.Trên những chồng, bồn, kẻ, bảy, câu đầu của những ngôi nhà cổ này đều được chạm khắc những biểu tượng lân, ly, quy, phượng, tùng, trúc, cúc, mai. Đây thực sự là những tác phẩm điêu khắc đặc sắc được tạo nên từ những bàn tay thợ tài hoa và thông qua đó họ gửi gắm một triết lý sống phương đông, đó là sự hòa đồng giữa con người với thiên nhiên trong một tâm thế khoan dung tự tại. Hệ thống kiến trúc, cùng với nhiều đồ dùng trong nhà thực sự đã trở thành bảo tàng sống của các gia đình, dòng họ. Ngôi nhà cổ không chỉ bởi kiến trúc cổ mà ngay cả nền nếp sinh sống của những con người nơi đây dường như vẫn mang đậm nét truyền thống Á Đông: nhiều thế hệ cùng chung sống, gia đình duy trì nghề truyền thống từ nhiều đời.
  
Gian thờ tại ngôi nhà cổ của gia đình Bà Hà tại khu 4, xã Hùng Lô
 
Du khách  khi đến thăm đình cổ Hùng Lô, thưởng thức di sản Hát Xoan -  di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại tại đình cổ, sau đó sẽ được tham quan ngôi nhà cổ tiêu biểu, được trò chuyện giao lưu với chủ căn nhà cổ để tìm hiểu về nguồn gốc cũng như lắng nghe các câu chuyện gợi về những kỷ niệm gắn với ngôi nhà, khám phá nét đẹp cổ kính và tinh xảo của kiến trúc căn nhà, được chụp những tấm ảnh lưu niệm bên ngôi nhà cổ. Du khách còn được xem và trải nghiệm cách gói bánh chưng, được nếm thử bánh chưng đất Xốm dẻo thơm. Đó thực sự là một trải nghiệm bổ ích với rất nhiều đoàn khách, đặc biệt là những đoàn khách học sinh, sinh viên. Đây chính một cơ hội để các bạn trẻ tìm hiểu về nghề truyền thống làm bánh chưng tại địa phương, hình dung được quy trình để gói một chiếc bánh chưng như thế nào, hiểu được tiêu chuẩn của một chiếc bánh chưng đẹp và ngon, đạt yêu cầu.

Du khách người Ý tham gia trải nghiệm gói bánh chưng tại nhà cổ
 
Đoàn khách học sinh tham gia trải nghiệm gói bánh chưng tại nhà cổ

Thăm nhà cổ, nghỉ chân uống chén nước chè xanh, nếm thử hương vị bánh chưng mềm dẻo, quyện lẫn mùi thơm bùi bùi của đậu xanh,  nhân đậm đà, có chút vị cay nhẹ của hạt tiêu, nhiều du khách đã có những cảm xúc, cảm nhận rất riêng, dễ dàng nhớ lại không khí những ngày lễ, ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Du khách khi đến đây đã thực sự rất bất ngờ về những ngôi nhà gỗ cổ, không chỉ vì nó giá trị bởi với những kỷ vật như sập gụ, tủ chè, án gian, hoành phi, câu đối… có tuổi đời cả trăm năm gắn bó với cả thăng trầm của cuộc đời cha ông họ, mà còn bởi những ngôi nhà cổ ở Hùng Lô đã thể hiện được những giá trị lịch sử, văn hóa của một làng quê ở thời kỳ xã hội Việt Nam - thuộc địa nửa phong kiến. Qua đó, hoạt động tham quan tại nhà cổ cũng giúp mỗi du khách dường như tìm thấy một phần ký ức của chính mình, cũng như được tiếp xúc với văn hoá truyền thống của cha ông, bồi dưỡng tâm hồn của mỗi người thêm những điều tốt đẹp.
 
Nhiều chương trình truyền hình chọn nhà cổ Hùng Lô để tái hiện lại khung cảnh đón Xuân ấm cúng đầu năm  (Ảnh Phương Thảo)
 
Nhà cổ tại Hùng Lô là một điểm nhấn quan trọng trong hành trình khám phá văn hoá miền đất Tổ, thoả mãn nhu cầu trải nghiệm, tìm hiểu những giá trị văn hoá truyền thống của du khách trong xã hội hiện đại. Cùng với đình cổ Hùng Lô hơn 300 năm tuổi, các cơ sở sản xuất nghề thủ công truyền thống tại địa phương, nhà cổ Hùng Lô đã góp phần khiến điểm du lịch cộng đồng xã Hùng Lô trở thành điểm du lịchvăn hoá cộng đồng  nổi bật của tỉnh Phú Thọ. Mong rằng những ngôi nhà cổ ở Hùng Lô sẽ được các cấp chính quyền cùng nhân dân địa phương bảo tồn, giữ gìn tốt hơn nữa. Bởi đó chính là kho tàng tài nguyên văn hóa, lịch sử dồi dào, góp phần đưa làng cổ Hùng Lô trở thành điểm đến ngày càng được nhiều du khách trong, ngoài nước biết đến.
Bài và ảnh: Nguyễn Hà Phương Thảo - Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Phú Thọ
Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com