Thứ 5 | 27/10/2016
Ngày 26/10, tại trung tâm Hội nghị tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ phối hợp Cục Văn hóa cơ sở thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tổ chức Hội thảo, tọa đàm “Văn hóa ứng xử trong lễ hội”. Hội thảo có các chuyên gia, các nhà khoa học thuộc lĩnh vực văn hóa, văn nghệ dân gian và đại diện lãnh đạo một số Sở VH,TT&DL các tỉnh, thành phố tham gia.
Hội thảo Văn hóa ứng xử trong lễ hội được tổ chức nhằm làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn trên cơ sở đánh giá thực trạng và nhận diện những bất cập trong hoạt động lễ hội, đề xuất các giải pháp để hoạt động lễ hội đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân, đồng thời nâng cao ý thức thực hiện nếp sống văn minh trong lễ  hội.
Theo đánh giá của Cục Văn hóa cơ sở, trong những năm gần đây, công tác quản lý và tổ chức lễ hội cơ bản đã thực hiện nghiêm các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội của Đảng và Nhà nước. Hầu hết các địa phương đã xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội, thành lập Ban tổ chức, phân công trách nhiệm cho từng thành viên. Nhiều lễ hội được tổ chức ngày càng tốt hơn.
 
Ông Nguyễn Ngọc Ân – TUV, Giám đốc Sở VH,TT&DL Phú Thọ phát biểu tại Hội thảo.

Ban tổ chức các lễ hội đã xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trong lễ hội, tập trung chỉ đạo các ngành chức năng kiên quyết xử lý các hành vi phản cảm trong lễ hội, lợi dụng lễ hội để trục lợi. Vấn đề an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường đã từng bước được chấn chỉnh. Tuy nhiên, việc quản lý, tổ chức lễ hội thời gian qua vẫn còn một số vấn đề cần khắc phục, điển hình là tình trạng chen lấn, giẫm đạp mang tính bạo lực để “cướp lộc”; những hành vi ứng xử thiếu văn hóa, phản cảm với thần linh; xả rác không đúng nơi quy định; chèo kéo du khách; hiện tượng ăn xin, ăn mày, mua bán thực phẩm tươi sống, động vật hoang dã trong không gian lễ hội…
Tại Hội thảo, tọa đàm hơn 30 tham luận của các nhà khoa học, quản lý văn hóa, các chuyên gia đã đánh giá thực trạng hoạt động lễ hội hiện nay, những tác động đến đời sống xã hội; nêu rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa thông qua hoạt động lễ hội; cách nhìn nhận và ứng xử trong lễ hội hiện nay, việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội từ phía Ban tổ chức và người tham gia lễ hội; vai trò của truyền thông trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân tham gia lễ hội; chia sẻ những kinh nghiệm để nâng cao nhận thức, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội của các ngành, các địa phương… Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp để nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội.
Kết quả của Hội thảo, tọa đàm “Văn hóa ứng xử trong lễ hội” sẽ là căn cứ để từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý nhà nước về hoạt động lễ hội, để việc quản lý, tổ chức lễ hội thực sự góp phần tích cực trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, như tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW Hội nghị lần thứ Chín Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”./.

Quách Thị Sinh 
Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com