baophutho.vnPhú Thọ có mạng lưới giao thông đường thủy nội địa thuận lợi, liên thông giữa các tỉnh khu vực Tây Bắc, Đông Bắc và đồng bằng sông Hồng. Vì vậy, để phát huy vai trò quan trọng của giao thông đường thủy đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác quản lý, thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) các tuyến đường thủy nội địa (ĐTNĐ) trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trong mùa mưa bão.
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra bến khách ngang sông của ông Đới Duy Long, xã Hùng Long, huyện Đoan Hùng.
Trên địa bàn tỉnh có năm sông chảy qua: Sông Hồng, sông Lô, sông Đà, sông Bứa và sông Chảy với tổng chiều dài 316,5km, trong đó có ba tuyến ĐTNĐ Quốc gia đạt cấp kỹ thuật cấp II và cấp III, hai tuyến sông địa phương. Những năm gần đây, giao thông ĐTNĐ không chỉ được khai thác hoạt động vận tải, hành khách mà còn phục vụ cho các ngành thủy lợi, thủy sản, xây dựng, du lịch... Tuy nhiên, thời gian qua, ý thức chấp hành Luật Giao thông ĐTNĐ của một số chủ phương tiện, chủ bến và người dân còn hạn chế, tình trạng vi phạm trật tự ATGT đường thủy... vẫn còn xảy ra. Cùng với đó, vào mùa khô do mực nước cạn, một số vị trí trên các tuyến sông còn tồn tại các bãi đá ngầm, ảnh hưởng đến lưu thông của phương tiện, trong khi số lượng phương tiện đăng ký mới ngày càng gia tăng... Đặc biệt, vào mùa mưa bão, lưu lượng dòng chảy trên các tuyến sông tăng cao, nhiều điểm có gió lớn, xoáy nước, phức tạp về luồng lạch... làm gia tăng nguy cơ TNGT.
Để phục vụ tốt cho việc đi lại của người dân, góp phần bảo đảm TTATGT đường thuỷ, mới đây, Ban ATGT tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các bến hành khách, bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh năm 2023. Theo đó, đoàn đã tập trung kiểm tra việc thực hiện các quy định về pháp luật đảm bảo an toàn ĐTNĐ các chủ bến, phương tiện vận chuyển hành khách của 40 bến hành khách, bến khách ngang sông tại thành phố Việt Trì và các huyện: Phù Ninh, Thanh Sơn, Đoan Hùng, Hạ Hòa, Cẩm Khê, Thanh Ba. Đoàn kiểm tra đã đề nghị tạm dừng hoạt động chín bến và xử lý vi phạm một bến. Cùng với công tác kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, Đoàn kiểm tra tuyên truyền cho các chủ phương tiện, chủ bến, bãi ký cam kết chấp hành Luật Giao thông ĐTNĐ, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa TNGT đường thủy, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Hiện nay, các ngành chức năng của tỉnh tiếp tục tăng cường tuyên truyền cho các chủ phương tiện, chủ bến, bãi thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa TNGT đường thủy, đồng thời siết chặt công tác quản lý phương tiện hoạt động trên tuyến ĐTNĐ. Đặc biệt, để góp phần giảm thiểu va chạm TNGT và những thiệt hại đáng tiếc do TNGT đường thủy gây ra, Đội CSGT đường thủy, Công an tỉnh đã bám sát chỉ đạo của Bộ Công an, UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh chủ động tham mưu lãnh đạo ban hành kế hoạch mở các đợt cao điểm và các kế hoạch chuyên đề bảo đảm TTATGT đường thủy trên địa bàn, phối hợp với các cơ quan chức năng, đơn vị trên địa bàn thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền cho các chủ bến, chủ phương tiện về các nguy cơ tiềm ẩn mất ATGT; phân công lực lượng CSGT đường thủy tăng cường kiểm tra, kiểm soát, tập trung xử lý bến, bãi, phương tiện vi phạm Luật Giao thông ĐTNĐ.
Trong bảy tháng đầu năm, toàn tỉnh không xảy ra TNGT đường thủy. Qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng chức năng đã lập biên bản gần 400 trường hợp vi phạm TTATGT đường thuỷ, xử phạt trên 600 triệu đồng. Đặc biệt, thực hiện chuyên đề “Xử lý vi phạm trên đường thủy mà trong cơ thể có chất ma túy, nồng độ cồn” đã kiểm tra trên 350 lượt người điều khiển phương tiện, phát hiện, lập biên bản bốn người lái phương tiện có nồng độ cồn, phạt tiền trên 40 triệu đồng, tước ba giấy chứng nhận khả năng chuyên môn ba tháng.
Ông Ngô Văn Tân - Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: Để tăng cường hơn nữa công tác bảo đảm TTATGT đường thuỷ nội địa, Ban ATGT tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện những quy định của pháp luật về giao thông ĐTNĐ, thực hiện cuộc vận động xây dựng Phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” trên tất cả các tuyến, địa bàn đường thủy trọng điểm; tăng cường báo hiệu hướng dẫn giao thông tại những vị trí nguy hiểm, tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nhằm thiết lập, duy trì TTATGT, kiềm chế TNGT trên các tuyến ĐTNĐ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.