Thứ 5 | 10/12/2015
1. Hương ước làng - dấu ấn đặc trưng của văn hóa nông thôn trong lịch sử. Đó là một di sản văn hóa truyền thồng Việt Nam, là biểu hiện tập trung nhất hệ giá trị và chuẩn mực xã hội của văn hóa làng xã Việt Nam.
Dưới thời phong kiến, làng được coi là đơn vị cơ sở. Nhà nước chỉ quản lý tới làng, còn làng trực tiếp quản lý tới từng người dân. Nhà nước không biết đến mỗi con người cụ thể mà chỉ biết tới làng của họ mà thôi. Làng là khâu trung gian nối liền giữa Nhà nước với từng cá nhân. Trên thực tế làng tồn tại như một thực thể tương đối độc lập. Đó là một tổ chức mang tính tự quản rõ nét. Cơ cấu tổ chức của làng xã với các thiết chế chính trị, kinh tế, văn hóa mang những nét đặc sắc, kết tinh kinh nghiệm, bản lĩnh sống cũng như nhân tố nền tảng văn hóa làng xã Việt Nam. Giữa làng này và làng kia không có mối quan hệ ràng buộc mà có sự cách biệt cả về ranh giới lãnh thổ cũng như về quan hệ xã hội, vì mỗi người dân trong làng đều có những giao ước riêng với nhau và được gọi là hương ước.
          2. Mỗi làng có một bản hương ước riêng, nội dung của nó thể hiện trình độ phát triển và bản sắc đặc trưng của làng đó. Hiểu theo cách tổng quát thì hương ước được xem như lệ làng.
Những qui định của hương ước đã chi phối và ảnh hưởng tới cả hoạt động, cả giao tiếp, cả hành vi của từng cá nhân trong làng, làm cho họ không chỉ tuân theo phép vua mà còn bị qui định chặt chẽ và trực tiếp bởi các “lệ làng”. Làng là đơn vị tự quản tác động trước nhất và trực tiếp nhất đến người nông dân, do đó trong dân gian thường nói, thường nghĩ, thường làm theo phương thức ứng xử “phép vua thua lệ làng”.
          Qua hệ thống những hương ước đã sưu tầm được, có thể nói gọn lại, từ khi hình thành cho đến đầu thế kỷ XX, hương ước các làng luôn được soạn thảo lại và bổ sung thêm; có làng làm đi làm lại hương ước tới trên mười lần. Điều này nói lên rằng, bên trong một nhà nước tập quyền mỗi làng còn có một mảnh đất riêng, một bầu trời riêng mà nhà nước không với tới được.
Hương ước là một loại hình văn bản, do một số người hiểu biết soạn thảo và được toàn thể nhân dân trong làng chấp thuận. Số lượng điều khoản và cách phân chia các chương mục trong từng bản hương ước của các làng không giống nhau. Làng nào có hương ước ngắn nhất cũng tới 12 – 15 điều, dài nhất cũng trên dưới 40 điều.
Từ sự trình bày về các lĩnh vực được xác định thành các điều khoản trong hương ước cho thấy, việc tự quản của làng đã bao trùm lên tất cả các khía cạnh kinh tế, chính trị, văn hóa, đạo đức, lối sống. Việc ghi thành các điều khoản trong hương ước bắt nguồn từ nhu cầu phải trật tự hóa, ổn định hóa mọi mặt hoạt động và giao tiếp trong nội bộ mỗi làng, từ nhu cầu của mỗi người nông dân với tư cách là một thành viên của làng. Mặc dù có thể thấy rõ tính chất bắt buộc và đòi hỏi cao của hương ước đối với hành vi cá nhân mỗi người, yêu cầu họ phải thực hiện nghiêm túc mọi điều, khoản phải biết đặt lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân, nhưng mỗi người dân trong làng đều tự nguyện làm đúng các qui định đã được ghi thành văn bản. Ở đây, có thể nói tới một sự thống nhất tương đối về lối sống, về giá trị giữa một bên là chủ thể làng với một bên là những thành viên của nó. Với tư cách là các chuẩn mực đạo đức được cộng đồng đề ra, những qui ước của làng, thông qua hoạt động và giao tiếp đã được chuyển dịch vào đầu óc mỗi người, biến thành tính kỷ cương, tính tổ chức. Và đến lượt nó, các chuẩn mực đó đã tác động trở lại, điều hòa hành vi của mọi cá nhân, tạo thành một nếp sống trên dưới hòa thuận vui cùng chia, buồn cùng sẻ trong một bầu không khí tâm lý đoàn kết và thân ái.
          Phần mở đầu hương ước làng Hùng Nhĩ - tổng Cự Thắng, châu Thanh Sơn đã nêu rõ mục đích: “ Làng có hương ước - khoán ước cũng như nước có luật lệ. Luật lệ giữ được sự ổn định cho nước; hương ước giữ được nền trật tự cho làng. Cho nên đã có nước phải có luật lệ, đã có làng phải có hương ước”.  
          Hương ước gồm các điều quy ước về nhiều mặt của đời sống làng xã: sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường, cơ cấu tổ chức và quan hệ xã hội, bảo vệ an ninh, thờ cúng, khuyến học, đảm bảo nghĩa vụ với nhà nước...Những quy ước đó được tuân thủ qua nhiều thế hệ trở thành những " Thông lệ pháp lý", " Luật tục" của từng cộng đồng cư dân ở nông thôn. Hương ước đã trở thành " Bản hiến pháp" của làng khi nó tạo ra sự ràng buộc, áp đặt và cưỡng chế của cộng đồng làng xã đối với mỗi cá nhân, nắm cá nhân để nắm tổ chức buộc nó phải vận hành thống nhất. 
          Hương ước là quy định của nhân dân trong làng xã xưa, là thể chế cụ thể của lệ làng, có rất nhiều yếu tố tích cực, tiến bộ, mang đậm nét nhân văn, không chỉ quy định nghĩa vụ của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng mà còn định rõ trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong đời sống thường nhật; hương ước khuyên răn mọi người ăn ở hòa thuận theo đúng đạo hiếu gia đình, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn, túng thiếu hay gặp công to việc lớn trong nhà.
          Từng làng phải đảm bảo đầy đủ các nghĩa vụ với nhà nước về sưu thuế, binh dịch. Mặt khác từng làng phải tự đảm nhiệm các công việc liên quan như thủy lợi, giao thông, đê điều, xây dựng các công trình bảo vệ xóm làng như : hàng rào, cổng làng, tổ chức thờ cúng. Vì vậy người nông dân có trách nhiệm  tham gia đầy đủ các công việc với ý thức trách nhiệm cao, đồng thời họ cũng đòi hỏi những thành viên khác phải thực hiện như thế. Làm trái hương ước nhất là những việc hệ trọng như chiếm ruộng đất công, sử dụng quỹ nghĩa thương, đê điều, cầu cống, đường làng vv... sẽ bị làng xử phạt nặng. Điều này đã hạn chế được một phần những tiêu cực của các chức dịch cường hào, giúp cho cuộc sống ở  làng quê có được một thế thăng bằng dù chỉ là tương đối, đó là sức mạnh của truyền thống làng xã.
          Hương ước cũng quy định rất cụ thể nhiều lúc đến ngặt nghèo, để ngăn chặn các tệ nạn xã hội như trộm cắp, rượu chè, cờ bạc, nam nữ quan hệ bất chính. Hay như các quy định về chế độ canh phòng bảo vệ trật tự trị an trong làng xóm, bảo vệ hoa màu ngoài ruộng đồng. Điều này đã phát huy được tinh thần tự quản, tinh thần đoàn kết và sự cố kết của người nông dân với làng xã làm cho cuộc sống ở đây có trật tự, làm cho làng trở thành pháo đài kiên cố ngăn chặn được giặc ngoại xâm, trộm cướp, việc tu bổ đền miếu, đình chùa, việc biện lễ, phục vụ lễ tết rước sách thờ thần, thờ phật...
             3. Gần 20 năm trở lại đây, quy ước văn hóa ở nông thôn được ra đời; xuất phát từ cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa, gia đình văn hóa do Bộ Văn hóa -Thông tin và UBTWMTTQ Việt Nam phát động. Ở Phú Thọ 100% KDC đã xây dựng và ban hành được quy ước văn hóa. Nhiều vùng nông thôn đã lồng ghép việc xây dựng quy ước văn hóa với nội dung các cuộc vận động trong phong trào xây dựng làng, bản, khu dân cư văn hóa với những nội dung cụ thể, thiết thực, đồng bộ. 
Tuy nhiên, các quy ước văn hóa hiện nay không cho phép tồn tại những lề thói khắc nghiệt, hủ lậu, phi lý của hương ước xưa: tư tưởng cục bộ, bè phái địa phương, chỉ quan tâm đến lợi ích của làng mình, ít quan tâm đến quyền lợi làng khác " Ăn cây nào, rào cây ấy', " Trống làng nào làng ấy đánh. Thánh làng nào làng ấy thờ"; là một trong những cơ sở để hình thành lối sống theo lệ làng không quen sống theo hiến pháp và pháp luật, thậm chí còn coi thường pháp luật “phép vua thua lệ làng”; góp phần gia tăng các hủ tục trong đám cưới, đám tang, khao vọng, lễ hội: đã tạo ra mê tín dị đoan, quá tin vào tôn thờ thế lực siêu nhiên; cưới xin chọn ngày chọn giờ, cô dâu chú rể phải so tuổi, tang ma cũng phải xem giờ để nhập quan mai táng, con cái báo hiếu cha mẹ phải coi trọng phần mộ ( mọi người đều xây mộ to lấn chiếm cả đất canh tác)... , song ai cũng mong muốn khơi dậy được tinh thần của hương ước để xây dựng cuộc sống mới ngày càng tốt đẹp: tình họ hàng; tình nghĩa xóm làng hướng vào các mục đích như hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh, xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc, trong êm ngoài ấm, kính già, thương trẻ, sắp xếp nhà cửa ngăn nắp, vệ sinh, góp phần xây dựng cảnh quan xóm làng sáng, xanh, sạch, đẹp, bảo vệ trật tự trị an tốt, góp phần xây dựng nông thôn mới... 
Hương ước xưa hay quy ước văn hóa nay không chỉ khác nhau về cách gọi, mà ở đây nội dung  về cơ bản đã hoàn toàn khác biệt nhau, song vẫn có sự kế thừa "gạn đục khơi trong". Những quy ước trong đời sống nông thôn mới hiện nay được xây dựng đều hướng vào mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh", do vậy hợp lòng dân, được dân chấp nhận, tự nguyện tuân thủ, làm theo và giành được nhiều kết quả tốt. Song dư luận chỉ mong, đối với các ban, ngành của cơ quan công quyền nhà nước trong công tác chỉ đạo, chớ có đánh trống bỏ dùi hay đánh trống khua chiêng hình thức; đối với cán bộ cơ sở, đừng từ quy ước lại sản sinh ra những định ước không thành văn gây phiền hà cho nhân dân, dẫn đến những vi phạm quy định, luật pháp của Nhà nước, làm biến tướng bản chất nội dung bản quy ước của dân.
 Hương ước xưa hay quy ước văn hóa nay có những điều lệ văn minh, thiết thực, gắn kết với cuộc sống trong tinh thần đoàn kết, mang lại tính nhân văn, tiến bộ, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc /.
 
Phạm Bá Khiêm
PGĐ Sở VHTT&DL Tỉnh Phú Thọ
Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com