Thứ 4 | 21/08/2024

     Dân tộc học là một trong những mảng trưng bày độc đáo mang nhiều sắc màu văn hóa tại Bảo tàng Hùng Vương. Các dân tộc được trưng bày tại đây gồm: Kinh, Mường, Dao, Cao Lan và Hmông. Đây là 5 tộc người chiếm số đông, chiếm 99,32% dân số[1], đã cư trú lâu đời, tạo thành nhiều cộng đồng lớn, có thực hành và trao truyền văn hóa truyền thống qua các thế hệ trên vùng Đất Tổ.
     Trưng bày về các dân tộc tại đây không chỉ là một cách để giới thiệu về lịch sử hình thành, văn hóa miền đất, mà còn là cửa sổ mở ra văn hóa, lịch sử và bản sắc của từng cộng đồng, từng tộc người trong bức tranh văn hóa chung của cả dân tộc Việt Nam. Đây là không gian sống động phản ánh cuộc sống, tín ngưỡng, phong tục tập quán của người dân Phú Thọ trong các thời kỳ, các môi trường sống khác nhau.

Không gian trưng bày văn hóa dân tộc tại Bảo tàng Hùng Vương

Không gian trưng bày các dân tộc là một phần trưng bày thường xuyên, trên diện tích khoảng 60m2 ở Bảo tàng Hùng Vương. Đây là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể, cũng là cầu nối giúp mọi người hiểu hơn về đời sống tinh thần, phong tục tập quán và những câu chuyện lịch sử của các tộc người gắn với lịch sử hình thành vùng đất. Tham quan không gian này là cơ hội để du khách khám phá sự đa dạng văn hóa của Việt Nam thông qua những hiện vật dân tộc được sắp đặt có chủ đích và trưng bày thường xuyên ở đây.
* Người Kinh
Nội dung trưng bày văn hóa dân tộc học tại Bảo tàng Hùng Vương bắt đầu là không gian thờ truyền thống của người Kinh. Theo số liệu năm 2019, người Kinh là dân tộc có số dân nhiều nhất ở Phú Thọ, chiếm 82,95%. Họ sinh sống, làm việc ở 13 huyện, thị, thành của tỉnh. Lịch sử hình thành và phát triển của họ đã tạo ra nhiều giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc trong đó có tục thờ cúng tổ tiên. Thờ cúng tổ tiên và thần linh là một phần quan trọng trong đời sống tâm linh, nên không gian thờ là phần không thể thiếu của ngôi nhà, là nơi chủ nhà và các thành viên làm nghi lễ thờ cúng, cầu nguyện cho sự bình an, may mắn, phúc lộc cho gia đình, dòng tộc và cộng đồng.

Không gian thờ truyền thống của người Kinh

     Người Kinh trên đất Phú Thọ cũng có truyền thống thờ cúng tổ tiên và thần linh. Tùy vào vai trò của người chủ nhà trong dòng tộc và cộng đồng mà việc thờ tự và cúng tế có sự khác biệt. Tuy nhiên, việc bài trí ban thờ cơ bản giống nhau. Tại Bảo tàng Hùng Vương, không gian thờ truyền thống của người Kinh được bài trí mô phỏng như gian chính của ngôi nhà với mái ở phía trên, hai bên hai hàng cột tượng trưng cho bước gian, đồ thờ chủ yếu bằng gỗ. Đặt chính giữa gian là sập thờ và bàn thờ, cùng với nền nhà tạo thành 3 cấp. Trên cao nhất là bàn thờ. Đây là nơi đặt đồ thờ gồm, ở vị trí chính giữa là ngai thờ, tiếp ra là bát hương, xung quanh sắp xếp hài hòa các đồ thờ: bình hoa, chân nến, ống hương, hạc, đài nước, đài rượu. Văn tự thờ là bức hoành phi có 3 chữ  “Đức lưu quang” và đôi câu đối “Thủy mộc bản nguyên tư tổ đức; Càn khôn cửu đại tụng tông công” có ý nghĩa ca tụng công đức của tổ tiên, thể hiện đạo lý Uống nước nhớ nguồn của dân tộc.

     Trong mỗi ngôi nhà, không gian thờ truyền thống này là nơi tập trung của các thành viên gia đình trong các dịp lễ cúng, giỗ chạp, tạo sự đoàn kết và gắn bó, là nơi lưu giữ và truyền bá các giá trị văn hóa, phong tục, tập quán của thế hệ trước cho thế hệ sau. Đây cũng là nơi mà những câu chuyện, truyền thuyết về tổ tiên, các vị thần linh và các anh hùng dân tộc được kể lại và gìn giữ qua thời gian. Bởi thế, bàn thờ của người Kinh chứa đựng nhiều giá trị truyền thống đặc biệt. Nổi bật là giá trị đoàn kết dân tộc, là biểu trưng văn hóa gắn kết gia đình, dòng họ, cộng đồng, là cội nguồn sức mạnh dân tộc để vượt qua mọi khó khăn.

     Không gian thờ truyền thống của người Kinh được trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương vì thế mà mang biểu trưng ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Thông qua tham quan không gian thờ, thế hệ trẻ được giáo dục về đạo đức, lối sống, tinh thần tôn trọng và biết ơn tổ tiên của họ. Cũng trân trọng và biết ơn người cha, người mẹ xứ sở, biết tri ân công đức các vua Hùng - Tổ tiên chung của dân tộc Việt Nam.
* Người Mường

Không gian trưng bày văn hóa Mường

     Người Mường ở Phú Thọ chiếm 14,92% dân số. Hiện vật gắn với văn hóa Mường ở Bảo tàng khá phong phú về chủng loại và chất liệu, gồm trang phục truyền thống, công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt, nhạc cụ, tư liệu ghi chép. Văn hóa của người Mường ở Phú Thọ được thể hiện qua trưng bày các hiện vật kết hợp với mô hình và thông tin tư liệu trên diện tường. Các hiện vật bài trí trong diện tích góc nhỏ của nhà trưng bày, nhưng việc quan sát hiện vật kết hợp với lời dẫn của các thuyết minh viên sẽ để lại trong lòng du khách về một không gian văn hóa sống động, bởi đó là hiện vật gắn với sinh hoạt đời thường của các cộng đồng bản Mường. Những chiếc ghế tre nhỏ xếp xung quanh bếp với hong xôi gợi lên một mái ấm quây quần mỗi chiều tối bên bếp lửa bập bùng, những chiếc bụng đói và lòng háo hức mong chờ xôi chín của những đứa trẻ. Khung dệt cửi khiến ta như thấy dưới bàn tay thoăn thoắt lồng con thoi của các cô gái, tấm vải từng chút từng chút hiện hữu, dần đủ dài để may váy, áo, thắt lưng,…Bộ chiêng dài cùng đuống là âm thanh mừng năm mới rộn ràng khắp chiềng xóm. Đây cũng là góc tương tác để khách tham quan trực tiếp trải nghiệm công cụ truyền thống - tiếp xúc trực tiếp và thực hành hoạt động đâm đuống trong sinh hoạt văn hóa của người Mường.

Tương tác, trải nghiệm công cụ truyền thống của các bé Trường mầm non Hải Hà 

     Không gian trưng bày cơ bản tái hiện cuộc sống của người Mường trong sinh hoạt hàng ngày, trong lao động sản xuất và trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, giúp khách tham quan hiểu rõ thêm một nét văn hóa, lịch sử và phong tục tập quán tộc người Mường trên đất nước Việt Nam, từ đó trân trọng các hiện vật biểu trưng cho văn hóa tộc người ở cả quá khứ và tương lai, đồng thời cũng giúp nâng cao ý thức của công chúng về việc bảo tồn di sản văn hóa của các cộng đồng địa phương.
* Người Dao

Trưng bày văn hóa người Dao tại Bảo tàng Hùng Vương

     Người Dao ở Việt Nam, còn có tên gọi khác là Dìu Miền, họ có nhiều phân hệ như Đại bản, Tiểu bản, Sơn Đầu,…. Trong mỗi phân hệ lại chia những nhóm nhỏ khác nhau. Tỉnh Phú Thọ có 02 nhóm Dao là Dao quần chẹt (thuộc phân hệ Đại bản) và nhóm Dao tiền (thuộc phân hệ Tiểu bản)[2]. Người Dao ở Phú Thọ chiếm 1,07%[3] dân số, cư trú chủ yếu tại địa bàn các huyện miền núi của Phú Thọ là Thanh Sơn, Tân Sơn và Yên Lập.
      
Mỗi nhóm Dao có những nét văn hóa, phong tục tập quán khác nhau, sự khác nhau ấy biểu hiện đặc trưng nhất là trên trang phục. Tên gọi 2 nhóm Dao ở Phú Thọ cũng xuất phát từ đặc điểm trang phục: người Dao Tiền trang phục chủ yếu là màu tràm, có trang trí hoa văn bằng sáp ong nhã nhặn, đồng thời họ sử dụng những đồng tiền kim loại kết trang trí sau gáy áo; tên gọi của người Dao quần chẹt bắt nguồn từ tục mặc trang phục cuốn xà cạp từ bắp chân đến đầu gối, gọi là quần chẹt. Hiện vật văn hóa tộc Dao trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương gồm có trang phục, vật dụng từ mây tre đan và tranh thờ. Những hiện vật vật dụng hàng ngày cho thấy người Dao rất am hiểu tri thức tự nhiên, họ khai thác tự nhiên, kết hợp với nhau để tạo ra vật dụng hàng ngày, tạo ra màu sắc sặc sỡ tô điểm trong cuộc sống như trang phục, bem, các loại giỏ, giấy,…
      
Không gian trưng bày còn giới thiệu đến công chúng bộ tranh thờ của người Dao, gọi là bộ tranh Tam Thanh. Người Dao ở Phú Thọ có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và thờ Bàn Vương[4]. Bàn thờ trong gia đình người Dao thường treo bộ tranh Tam Thanh. Bức tranh treo ở giữa trên cùng là 3 vị Thái Thanh, Ngọc Thanh và Thượng Thanh, 7 hàng trở xuống thể hiện cõi thượng nguyên, bên trái là ông Văn Phạn, bên phải là ông Thái Tuế. Đây là những vị thánh có quyền lực tối cao chỉ đứng sau Ngọc Hoàng đại đế, là những người luôn đi theo bảo vệ và che chở cho người Dao. Người Dao thờ từ 3 - 5 đời gần mình nhất và việc thờ cúng tổ tiên chỉ được truyền cho con trai cả, những người con thứ muốn thờ phải tự bốc bát hương và lập bàn thờ. Bộ tranh thờ là một phần quan trọng trong tín ngưỡng và văn hóa của người Dao, đó không chỉ là một vật phẩm tôn giáo mà còn là một tài liệu chứa đựng văn hóa, lịch sử, giáo lí giáo dục quan trọng trong cộng đồng người Dao, giúp người xem hiểu sâu hơn về bản sắc và cuộc sống của người Dao trên vùng Đất Tổ.
*
Người Cao Lan
     
Cao Lan là một nhánh nhỏ thuộc dân tộc Sán Chay của Việt Nam. Người Cao Lan ở Phú Thọ có hơn 4000 người, khoảng 0,3% dân số, sống tập trung ở 8 làng của 6 xã là làng Cây Lai và làng Tân Long xã Tây Cốc, làng Ngọc Tân xã Ngọc Quan, làng Mản xã Yên Kiện, làng Đồng Bích xã Hùng Long, làng Khả Lang và làng Trâm Nhị xã Vân Đồn, làng Bãi Cẩu xã Minh Phú. Số lượng người Cao Lan ở Phú Thọ tuy ít nhưng họ hòa hợp tốt với môi trường sinh thái địa phương và có trao truyền văn hóa cộng đồng độc đáo. Họ có sinh hoạt văn hóa cộng đồng chung ở đình làng Ngọc Tân vào dịp lễ hội thường niên từ ngày mùng 1 đến mùng 2 tháng 2 âm lịch. Trong lễ hội có nhiều trình diễn như đi cà kheo, múa chim gâu, xúc tép, hát sình ca, vèo ca,…
     
Hiện vật văn hóa người Cao Lan được trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương gồm trang phục, vật dụng thường dùng trong đời sống và tín ngưỡng truyền thống. Kiểu dáng, màu sắc, chất liệu của hiện vật không chỉ phản ánh sự hòa hợp với thiên của người Cao Lan, mà còn cho thấy sự khéo léo, sáng tạo trong lao động, thể hiện sự gắn bó mật thiết với môi trường tự nhiên của họ.

Hiện vật trong văn hóa người Cao Lan

     Tham quan không gian văn hóa người Cao Lan, du khách được chia sẻ về nét độc đáo trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày và trong tín ngưỡng để hiểu thêm những giá trị văn hóa và tâm linh sâu sắc, thể hiện bản sắc và niềm tin của dân tộc họ với cộng đồng địa phương làm nên truyền thống của sự đoàn kết, gắn kết chặt chẽ với các cộng đồng trong toàn tỉnh.
Người Hmông
     
Người Hmông chiếm 0,1% dân số ở Phú Thọ, khoảng 1300 người, họ sinh sống tập trung ở bản Mỹ Á, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn và ở Khe Nhồi, khu Sáu Khe, xã Trung Sơn, huyện Yên Lập.

Trưng bày hiện vật văn hóa người Hmông

     Người Hmông ở Việt Nam chia thành các nhóm là Hmông Trắng, Hmông Đen, Hmông Xanh và Hmông Hoa, họ có nhiều nét văn hóa tương đồng nhưng trang phục lại có khác biệt. Người Hmông sinh sống ở Phú Thọ thuộc nhóm Hmông Hoa. Giống như các nhóm Hmông khác, họ sống trên núi đá cao, nhà thường làm ba gian hai chái, có hai hoặc 3 cửa vào, tường đất. Ngôn ngữ thường dùng là tiếng Mông - Dao. Trang phục của phụ nữ Hmông thường rất sặc sỡ nhưng có sự khác biệt giữa các nhóm. Phụ nữ Hmông Hoa mặc áo và váy màu chàm có thêu hoặc in hoa văn bằng sáp ong, áo xẻ nách, trên vai và ngực đắp vải màu và thêu. Tóc thường để rất dài, tết sam và vấn lên đầu, sau đó đội khăn. Trang phục của nam giới thường là quần áo màu đen, áo kiểu cánh ngắn, đầu có khăn cuốn, thắt trang trí bằng chiếc khăn xanh ngang lưng.
     
Khèn và nỏ là hai vật dụng thường thấy của người đàn ông Hmông, tượng trưng cho sức mạnh và sự tài hoa của họ. Khèn, nỏ và các hiện vật trong không gian trưng bày văn hóa Hmông cho thấy lịch sử hình thành cộng đồng, quá trình chinh phục tự nhiên, thích nghi và hòa hợp với môi trường sống của họ khi di cư đến vùng đồi núi Phú Thọ từ nhiều thế kỷ trước. Không gian trưng bày nhỏ nhưng vẫn đưa đến du khách bức tranh sinh hoạt văn hóa sống động với những chàng trai, cô gái Hmông đầy sinh lực, khéo léo, nỗ lực vượt qua sự khó khăn, khắc nghiệt của vùng núi đá để gắn kết xây dựng làng bản hôm nay.
     
Bảo tàng Hùng Vương là bảo tàng địa phương của tỉnh Phú Thọ, có vai trò quan trọng trong bảo tồn và giới thiệu di sản văn hóa của các tộc người đến công chúng theo nhiều cách. Trong đó, tạo không gian trưng bày thường xuyên về dân tộc học là một trong những cách bảo tồn hữu hiệu.
     
Không chỉ bảo tồn di sản văn hóa, không gian trưng bày văn hóa về các dân tộc Kinh, Mường, Dao, Cao Lan và Hmông còn đóng vai trò quan trọng trong giáo dục cộng đồng thông qua việc cung cấp kiến thức, tạo ra các trải nghiệm tương tác, thúc đẩy sự tìm hiểu để hiểu biết và tôn trọng đa dạng văn hóa tại cộng đồng. Việc trải nghiệm, tham quan không gian trưng bày dân tộc học tại đây còn đồng thời còn giúp gắn kết và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương.
     
Không gian trưng bày dân tộc học tại Bảo tàng Hùng Vương là nơi thể hiện sự đa dạng và phong phú của các dân tộc, cùng với những giá trị lịch sử quan trọng mà họ đã đóng góp. Qua việc giới thiệu các nền văn hóa khác nhau thông qua trang phục, ngôn ngữ, phong tục tập quán, nghệ thuật và tín ngưỡng. Điều này giúp người xem nhận ra và hiểu rõ hơn về sự khác biệt, độc đáo của từng dân tộc, từ đó tôn trọng và đánh giá cao sự đa dạng văn hóa tại địa phương. Đây cũng là nơi giao thoa lịch sử bởi những hiện vật và câu chuyện trong không gian trưng bày dân tộc học không chỉ chuyển tải văn hóa, mà còn phản ánh những biến cố lịch sử, sự di cư, giao thoa và tương tác giữa các dân tộc ở các thời điểm, các địa điểm trên mảnh đất Phú Thọ. Qua đó, du khách có thể hiểu sâu hơn về sự phát triển của các cộng đồng tộc người và ảnh hưởng của các sự kiện lịch sử đến văn hóa và lối sống của họ. Không chỉ thế, việc trưng bày các hiện vật dân tộc học cũng nhấn mạnh sự liên kết giữa lịch sử và hiện tại, cho thấy cách mà các cộng đồng dân tộc sáng tạo tài sản văn hóa, thực hành và trao truyền thành truyền thống, cũng thấy được cách mà truyền thống được duy trì, biến đổi và tiếp tục ảnh hưởng đến cuộc sống hiện đại.
     
Bởi thế, tham quan không gian trưng bày dân tộc học tại Bảo tàng Hùng Vương chính là du khách trải nghiệm nơi giao thoa văn hóa và lịch sử nghìn năm của vùng trung du Đất Tổ cội nguồn./.

Bài và ảnh: Nguyễn Thị Xuân Ngàn
Hội Di sản văn hóa tỉnh Phú Thọ.

 


[1] Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.

[2] Tham khảo http://svhttdl.phutho.gov.vn/tin/tuc-cuoi-cua-nguoi-dao-o-phu-tho_557 

[3] Số liệu từ cuộc Tổng điều tra dân số năm 2019.

[4] Bàn Vương: người được tôn là ông tổ của người Dao.

 
Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com