Chủ nhật | 24/11/2024

Quách Thị Sinh
Trung tâm Văn hoá – Điện ảnh Phú Thọ

     Mỗi dân tộc trên đất nước ta đều có những loại nhạc cụ mang bản sắc văn hoá đặc trưng riêng, nhiều loại nhac cụ còn được gắn với các truyền thuyết, thần thoại xa xưa, khoác lên mình một màu sắc riêng biệt và là biểu trưng trong đời sống tinh thần của người dân. Người Mường Phú Thọ thường được biết đến với cồng chiêng, đâm đuống hay những điệu hát ví, hát rang vang vọng núi rừng, nhưng ít ai được thưởng thức tiếng trống đất độc đáo hiện chỉ được diễn tấu trong các lễ hội làng.
     Trống đất theo tiếng Mường là “Toòng Tửng”. Tương truyền Vua Hùng thứ 6 khi thắng giặc về ngang địa bàn huyện Thanh Sơn thì cho quân sĩ hạ trại nghỉ ngơi và tổ chức ăn mừng chiến thắng. Trong quá trình quân sĩ đào đất chôn cọc dựng trại, nhà vua nằm nghỉ vô tình áp tai xuống mặt đất thì nghe được âm thanh thình thịch dội lại thật lạ tai, nhà vua đã nảy ra ý định làm trống đất. Từ đó trống đất đã trở thành nhạc cụ cho ngày hội ăn mừng khao quân thắng trận và trở thành nhạc cụ dân gian truyền thống của người Mường Thanh Sơn, Phú Thọ.
     Xã Hương Cần là một trong những nơi còn lưu giữ truyền thống diễn tấu trống đất. Khi đến vùng đất này với mong muốn tìm hiểu về kỹ thuật làm trống, chúng tôi được biết cả xã hiện còn khoảng 5 người biết làm và biểu diễn trống đất, nhưng người có thể biểu diễn thành thạo và truyền dạy được nhạc cụ truyền thống độc đáo này có lẽ chỉ còn ông Hà Ngọc Bảo 65 tuổi ở khu Khoang. Ông là một trong những người đã chơi trống đất gần 50 năm nay và hiện đang truyền dạy cho 2 học trò. Trong đó có anh Đinh Xuân Bảy – người thường xuyên tham gia biểu diễn trống đất cùng ông Bảo.

Nghệ nhân Hà Ngọc Bảo và anh Đinh Xuân Bảy bên cạnh cây dây leo – vật liệu đầu tiên cần tìm để làm trống đất

     Vật liệu làm trống đất không phức tạp như các loại trống khác. Tất cả đều là những vật liệu sẵn có của núi rừng. Nhưng quan trọng là phải chọn được vật liệu đủ kích thước và tiêu chuẩn để làm trống. Bởi vậy mỗi lần làm trống, ông Bảo đều tự mình vào rừng tìm kiếm. Vật liệu đầu tiên ông cần tìm một loại cây dây leo sống tầm gửi trên các thân cây to. Trong vật liệu làm trống nhất thiết phải có cây dây leo. Bởi chỉ loại dây rừng này mới đạt độ dẻo, độ dai cần thiết. Khi chặt dây leo xuống, thân vẫn còn tươi, phải vặn dây cho mềm rồi quấn thành vòng tròn cho đến khi khô dây vẫn dai. Vật liệu tiếp theo cần phải có là vài ống nứa, thanh tre, cọc ghim tre và những chiếc mo cau già, to bản, đủ dày để giúp cho âm thanh của trống đất hay hơn. Để sẵn sàng cho việc làm trống, dây leo phải được phơi khô. Mo cau cũng phơi khô và ép phẳng. Tuy nhiên đó mới chỉ là phụ liệu. Yếu tố chính để làm trống đất đó là khoảng đất để đào hố làm bầu trống.
     Nhạc cụ này được gọi là trống đất bởi nó có điểm đặc biệt, bộ phận chính của trống là bầu trống được đào dưới lòng đất chứ không phải làm bằng gỗ như các loại trống khác. Vì vậy, theo phong tục của người Mường, nghi lễ quan trọng trước khi làm trống đất đó là làm lễ cúng thần đất để xin phép được đào đất làm trống. Cụ Đinh Văn Đào – một trong hai thủ từ trông coi đình Khoang, nơi sẽ diễn ra nghi lễ Tết cơm mới, cũng là người thầy dạy trống đất của ông Hà Ngọc Bảo cẩn thận sắp xếp và trịnh trọng đọc bài cúng bằng tiếng Mường. Cụ cho biết nội dung chính của bài cúng là mong thần đất bốn phương làm cho đất rắn hơn, tiếng trống vang hơn, điệu hát vui hơn, cầu mong tiếng trống mang lại mùa màng tươi tốt. Việc làm này không chỉ mang ý nghĩa tôn vinh các vị thần bảo vệ đất đai, mà còn thể hiện mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa con người với thiên nhiên và môi trường sống.

Hai nghệ nhân đang đào đất làm bầu trống

     Sau khi cúng xin phép thần đất, ông Bảo bắt tay vào việc đào đất làm trống. Đầu tiên ông định hình miệng hố với đường kính khoảng 25cm, sâu 40cm và đường kính đáy khoảng 35cm. Trống đất sẽ có hình dáng gần như một chiếc trống đồng lật ngược. Sau đó, ông Bảo bắt đầu đào mở rộng ra xung quanh. Công đoạn này là khó nhất, cần sự cẩn thận tuyệt đối. Ông Bảo cẩn trọng từng nhát thuổng vừa đủ lực, vừa thật chính xác. Sau gần 1 tiếng đồng hồ, bầu trống được hoàn thiện với bề mặt đường kính đảm bảo, mặt bên trong chắc mịn.
     Các loại trống thường sử dụng da trâu để tạo độ vang, nhưng riêng mặt trống đất lại được làm từ mo cau. Mo cau khô sau khi được phơi và ép phẳng sẽ được cắt thành hình chữ nhật, đục một lỗ ở chính giữa, sau đó luồn dây qua lỗ này, gắn một miếng cao su cứng ở đầu dây và thắt nút lại để khi kéo căng lỗ đục không bị rách và kín hơi.
      Ông Bảo nhẹ nhàng đặt miếng mo cau lên miệng hố đất rồi luồn dây sao cho thật chính xác, đây là công đoạn quan trọng ảnh hưởng đến âm thanh phát ra của trống. Tiếp theo sẽ dùng thanh tre nẹp bốn cạnh của mặt trống rồi ghim thật khít để mo cau được phẳng. Cũng giống như các loại trống khác, trống phải thật kín thì âm thanh mới chuẩn. Sau đó, ông cắm cọc tre ở hai bên, cách tâm mặt trống bên trái khoảng 80cm, bên phải khoảng 120cm. Cọc tre được gắn hai bên, độ dài của hai cọc tre phải khác nhau, một bên dày, một bên mỏng, bởi nó liên quan tới việc tạo ra các âm vực khác nhau. Một đoạn dây dài chừng 2m được buộc chặt vào hai cọc tre làm sợi ngang. Sợi dây chia thành hai khoảng có độ dài không đều nhau. Vậy là chiếc trống đất được hoàn thành. Trống đất đặc biệt bởi bầu trống được đào dưới đất vậy nên âm thanh của trống khi phát ra cũng vô cùng độc đáo. Không phải dùng dùi gõ lên mặt trống, lại càng không thể đánh vào bầu trống dưới đất. Khi biểu diễn nghệ nhân dùng một  chiếc đũa dài gõ lên sợi dây được căng trên mặt trống, đồng thời một chiếc dùng để gõ phách tạo ra những âm thanh trầm, bổng vui tai.
     Nghệ nhân Hà Ngọc Bảo chia sẻ: “Tôi học làm trống đất từ thời còn chăn trâu. Ngày nào đi thả trâu cũng học làm và đánh trống rất say sưa. Hiện nay không còn lại văn bản nào hướng dẫn cách làm trống đất mà chủ yếu là kinh nghiệm truyền miệng lại cho đời sau. Những người nghệ nhân như chúng tôi rất trân trọng bản sắc văn hóa dân tộc nhưng tuổi đã cao nên rất muốn có điều kiện để truyền dạy cách làm và trình diễn trống đất cho thế hệ sau để những vốn quý của cha ông ta được giữ gìn và phát huy”.
     Sự nhiệt huyết của ông Bảo khi chơi trống đất thể hiện rõ qua từng động tác, từng nhịp trống đầy cảm xúc. Ánh mắt của người nghệ nhân sáng lên niềm đam mê, tay vung đều đặn nhưng chắc chắn, như hòa quyện với âm thanh vang vọng của trống đất. Mỗi nhịp trống không chỉ là sự gõ nhịp đơn thuần mà là cả một câu chuyện được kể bằng âm thanh, sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa con người với đất đai và trời cao.

Nghệ nhân Hà Ngọc Bảo và anh Đinh Xuân Bảy đang biểu diễn tại Tết cơm mới năm 2024

     Anh Đinh Xuân Bảy – người thường xuyên tham gia biểu diễn trống đất cùng nghệ nhân Bảo chia sẻ:Tôi rất thích các loại nhạc cụ dân tộc nên thường đi theo ông Bảo học làm và trình diễn trống đất. Đầu tiên chỉ nghĩ là chơi cho vui thôi nhưng càng chơi thì càng đam mê. Tôi mong muốn sẽ ghi nhận lại được hết những kỹ thuật ông Bảo truyền dạy để mình có thể truyền lại cho đời sau”.
     Thật kỳ diệu từ những vật liệu vô cùng đơn sơ, với sự tìm tòi, khám phá cùng niềm đam mê âm nhạc của ông cha ta từ xa xưa, trống đất đã ra đời đem tới cho con người nơi đây những âm thanh đầy màu sắc giản dị, mộc mạc. Thể hiện cho những tâm hồn phong phú, lạc quan và yêu đời.
Trải qua thời gian, trống đất gắn với đời sống tinh thần của người dân tộc Mường, trở thành một phần không thể thiếu của dàn nhạc cụ đệm cho màn hát ví trong các lễ hội.Tuy nhiên, hiện nay trống đất ngày càng ít được xuất hiện, nghề làm trống cũng dần bị mai một. Vậy nên nếu không có những nỗ lực bảo tồn kịp thời trống đất có thể sẽ trở thành một nét văn hóa truyền thống chỉ còn trong ký ức.
     Ông Đinh Quang Vận, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐND xã Hương Cần cho biết: “Trống đất có vai trò rất lớn đối với văn hóa dân tộc Mường. Xưa kia chưa có nhạc cụ hiện đại như bây giờ thì ông cha ta đã dùng trống đất để hòa khí cùng với các nhạc cụ dân tộc như dàn cồng, chiêng để tạo nên âm hưởng rất tốt. Bây giờ trống đất thường chỉ được trình diễn trong các dịp lễ hội truyền thống như lễ hội Đình Khoang, Tết cơm mới. Lớp trẻ chưa nhìn thấy trống đất bao giờ thì rất háo hức vì chỉ nghe thấy trống đất trong truyền thuyết nên muốn xem trống đất được thể hiện như thế nào và tìm hiểu cội nguồn xa xưa. Còn đối với những người cao tuổi thì họ rất thích thú bởi vì lâu lắm rồi người ta mới có dịp được xem nghệ nhân trình diễn. Tuy nhiên số nghệ nhân còn lại ở xã Hương Cần nói riêng và huyện Thanh Sơn còn rất ít”.
     Nhà nghiên cứu Văn hoá dân gian Phạm Bá Khiêm - Nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Phú Thọ cho biết:Phải chăng trống quân là một dạng của trống đất và trống đất là tiền thân của trống quân. Để bảo tồn và phát huy được trống đất, theo tôi đầu tiên là cần phải tổ chức kiểm kê để có kế hoạch bảo tồn cụ thể; thứ hai là sau khi có được kết quả kiểm kê thì phải mời gọi các nhạc sĩ nghiên cứu xem ý nghĩa lịch sử và cách sử dụng trống như thế nào; thứ ba là các cấp chính quyền địa phương có được đặc sản đó, cần thấy được lợi ích trong việc đưa di sản và phát triển kinh tế địa phương và quan tâm tạo điều kiện để cho các nghệ nhân sống được với nghề, thông qua việc tổ chức các buổi giao lưu, hội diễn có sử dụng trống đất; thứ tư là phải làm tốt công tác tuyên truyền mọi người trong và ngoài tỉnh biết đến trống đất và cuối cùng là bản thân người nghệ nhân phải được tôn vinh một cách xứng đáng để họ yên tâm gìn giữ bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc”.
     Trong đời sống văn hóa nói chung và nền âm nhạc của các dân tộc Việt Nam nói riêng, mỗi nghệ nhân dù ở các lĩnh vực khác nhau đều nỗ lực vươn lên khẳng định bản thân từ niềm đam mê và sự bền bỉ.
     Trong không gian nghi lễ Tết cơm mới tại Đình Khoang, được gặp gỡ, trò chuyện cùng nghệ nhân Hà Ngọc Bảo và truyền nhân của ông, chúng tôi như hiểu thêm về con người nơi đây và bộ môn nghệ thuật trống đất. Niềm vui càng được nhân lên khi bắt gặp ánh mắt tò mò xen lẫn niềm vui thích của các em nhỏ. Sự hứng thú của các em hôm nay sẽ là ngọn lửa lan tỏa, thắp sáng đam mê với văn hóa truyền thống của dân tộc và tình yêu quê hương, đất nước mai sau./.

Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com