Nguyễn Hương - Phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình
Tổ chức các lớp tập huấn xây dựng câu lạc bộ văn hóa dân gian cho đồng bào dân tộc thiếu số là một trong những nội dung thực hiện kế hoạch triển khai các nhiệm vụ Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Phú Thọ.
Thực hiện Kế hoạch số 33/KH-SVHTTDL ngày 29/02/2024 về việc triển khai thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển Kinh tế - Xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 tỉnh Phú Thọ của Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch; Hướng dẫn số 1684/HDBVHTTDL ngày 28/4/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch số 97/KH-SVHTTDL ngày 20 tháng 11 năm 2024 về triển khai xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Phú Thọ năm 2024. Nhằm khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số rất ít người.
Với mục đích phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của nhà nước, xã hội và cộng đồng trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Mường, dân tộc Cao Lan... đồng thời, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cộng đồng về giá trị của văn hóa truyền thống, đề cao vai trò chủ thể văn hóa của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín và đồng bào dân tộc thiểu số; động viên đồng bào chủ động bảo vệ và phát huy giá trị di sản góp phần xây dựng, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Mường và đồng bào dân tộc Cao Lan. Năm 2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lựa chọn và tổ chức được 05 lớp tập huấn, học viên là thành viên CLB sinh hoạt văn hóa dân gian và các nghệ nhân địa phương, già làng, trưởng bản, người có uy tín trên địa bàn các huyện: Thanh Thủy, Tân Sơn, Thanh Sơn, Đoan Hùng với tổng số: 361 học viên và nghệ nhân của 07 Câu lạc bộ Văn hóa dân gian gồm: Huyện Thanh Sơn (02 Câu lạc bộ): Câu lạc bộ văn hóa dân tộc Mường Khu Đồng Phong xã Thạch Khoán; Câu lạc bộ văn hóa dân tộc Mường Xã Thục Luyện; Huyện Tân Sơn (02 Câu lạc bộ): Câu lạc bộ bảo tồn & phát triển văn hóa dân tộc xã Xuân Đài; Câu lạc bộ văn hóa dân gian dân tộc Mường, Khu 10A, xã Tân Phú; Huyện Đoan Hùng (01 Câu lạc bộ): Câu lạc bộ dân gian Bãi Cầu, Khu 3, xã Minh Phú; Huyện Thanh Thủy (02 Câu lạc bộ): Câu lạc bộ Cồng Chiêng & Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Mường khu 15 và khu 18, xã Tu Vũ.
Đ/c Nguyễn Thị Bạch Tuyết – P.Trưởng phòng QLVH&GĐ, Sở VHTTDL khai mạc lớp tập huấn tại xã Thạch Khoán – huyện Thanh Sơn
Trong thời gian tổ chức lớp tập huấn học viên được các nghệ nhân trao đổi, truyền dạy, học tập và bổ sung các kiến thức, kỹ năng cơ bản về tổ chức, hoạt động, duy trì sinh hoạt câu lạc bộ; các kỹ năng dàn dựng, xây dựng chương trình văn nghệ, viết lời giời thiệu, dẫn chương trình, kỹ năng trình diễn...từ những loại hình diễn xướng dân gian của dân tộc Mường như hát rang, hát ví, cồng chiêng, đâm đuống...; Hát Sình ca, vèo ca, múa chim gâu, xúc tép... của đồng bào dân tộc Cao Lan huyện Đoan Hùng. Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả tổ chức các lớp tập huấn, ngoài các nghệ nhân của các CLB, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có mời (Nghệ nhân ưu tú Bùi Thanh Bình - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Mường - Giám đốc Bảo tàng Di sản Văn hóa Mường) tập huấn về kỹ thuật sử dụng chiêng Mường cho các lớp học. Chiêng Mường là loại hình văn hóa đặc sắc chứa đựng những nét linh thiêng huyền diệu đầy sức hấp dẫn trong văn hóa dân gian và trong đời sống của người Mường. Văn hóa cồng chiêng đã được sáng tạo và lưu truyền trong đời sống cộng đồng người Mường hàng nghìn năm đã góp phần quan trọng làm nên đời sống văn hóa riêng của người Mường. Trong sinh hoạt văn hóa dân gian, chiêng Mường được sử dụng với tư cách là nhạc cụ thuộc bộ gõ và được trình tấu trong các dịp lễ Tết, hội hè, đình đám...
Nghệ nhân ưu tú Bùi Thanh Bình - nhà nghiên cứu VHDG Mường, Giám đốc Bảo tàng Di sản Văn hóa Mường truyền dạy tại lớp tập huấn, xã Tu Vũ – huyện Thanh Thủy
Trong thời gian 07 ngày do các Nghệ nhân truyền dạy cho một lớp tập huấn về xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Mường và dân tộc Cao Lan năm 2024, tuy thời gian không nhiều nhưng học viên cũng đã nắm bắt được những kỹ năng cơ bản, có điều kiện để nghệ nhân và học viên là người dân tộc Mường, dân tộc Cao Lan được trao đổi, truyền dạy, học tập và bổ sung các kiến thức, kỹ năng trong tổ chức, hoạt động, duy trì sinh hoạt câu lạc bộ…để từ đó học viên ứng dụng trong hoạt động tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ tại địa phương, góp phần giữ gìn, phổ biến, trao truyền và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc của đồng bào dân tộc mình.
Tiết mục trình diễn của CLB VHDG dân tộc Mường, xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn trong buổi Bế mạc lớp tập huấn
Các nghệ nhân và học viên đồng bào dân tộc Cao Lan huyện Đoan Hùng chụp ảnh cùng BTC tại buổi bế mạc lớp tập huấn
Việc tổ chức các lớp tập huấn xây dựng CLB sinh hoạt văn hoá dân gian nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, Pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch tại địa phương. Phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số; đồng thời đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ, nâng cao đời sống tinh thần, động viên, khích lệ đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia vào hoạt động bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc mình./.