Thứ 5 | 06/08/2015
Ngày 3 tháng 8 năm 2015, tại Trường PTCS Dữu Lâu, thành phố Việt Trì, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Sở Giáo dục và đào tạo phối hợp với Cục biểu diễn nghệ thuật (Bộ VH,TT&DL) tổ chức khai mạc triển khai dự án “Sân khấu học đường” năm 2015 nhằm đưa âm nhạc dân gian vào học đường là một trong những biện pháp cơ bản và quan trọng để truyền bá và giáo dục lòng yêu mến tự hào, ý thức bảo tồn phát huy những di sản âm nhạc dân gian nói riêng, văn hóa dân gian nói chung trong thế hệ trẻ. Đánh giá được tầm quan trọng đó, từ năm 2001 đến năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố trên cả nước thực hiện dự án "Sân khấu học đường" tại hơn 100 trường Trung học cơ sở với các loại hình nghệ thuật Tuồng, Chèo, Cải lương và Dân ca kịch. Đối với tỉnh Phú Thọ, trong những năm vừa qua không chỉ triển khai dự án "Sân khấu học đường" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo mà còn tích cực triển khai dự án giáo dục Hát Xoan trong trường học, Sở Giáo dục và đào tạo đã có kế hoạch giao cho các trường trung học cơ sở triển khai cụ thể, đến nay đã có 73 trường triển khai thực hiện dự án có hiểu quả, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại- Hát Xoan Phú Thọ.


Các diễn viên Đoàn NT Chèo trình diễn các tiết mục Chèo truyền thống phục vụ dự án sân khấu học đường

Thông qua các hình tượng nghệ thuật được truyền dạy, dự án đã góp phần giáo dục đạo đức, lối sống, truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam trong quá trình hình thành nhân cách của học sinh phổ thông cơ sở; giúp các em cảm thụ được các giá trị của nghệ thuật sân khấu truyền thống, rèn luyện ý thức trân trọng, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa dân tộc; tạo ra đội ngũ khán giả trẻ và tạo nguồn diễn viên cho các loại hình nghệ thuật sân khấu dân tộc trong hiện tại cũng như trong tương lai. Dự án "Sân khấu học đường" đã được cơ quan quản lý Nhà nước các cấp, dư luận báo chí, các chuyên gia, nhân dân và đặc biệt là thầy cô các trường Trung học cơ sở và phụ huynh học sinh đánh giá cao. Để tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh: Phú Thọ, Thành phố Hà Nội, Thành phố Cần Thơ, Kiên Giang tiếp tục triển khai dự án "Sân khấu học đường" năm 2015.
Theo kế hoạch tại tỉnh Phú Thọ; dự án sẽ triển khai truyền dạy loại hình nghệ thuật Chèo. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ đã chọn 03 trường Trung học cơ sở có phong trào văn nghệ tốt để thực hiện dự án, gồm: Trường THCS Dữu Lâu, Trường THCS Phượng Lâu, thành phố Việt Trì và Trường THCS Cao Xá, huyện Lâm Thao với sự tham gia của 60 em học sinh có nhân tố, năng khiếu nghệ thuật tập luyện các trích đoạn: “Thị mầu lên chùa”, trong vở chèo “Quan âm thị kính”; “Thầy đồ dạy học”, trong vở chèo “Tôn Mạnh – Tôn Trọng”; “Xuý Vân giả dại”, trong vở chèo “Xuý Vân; “Việc làng”, trong vở chèo “Quan âm thị kính”;  “Hề phòng”, trong vở chèo “Lưu Bình – Dương Lễ; “Xã trưởng mẹ đốp”, trong vở chèo “Quan âm thị kính”;“Phù thuỷ”, trong vở chèo “Xuý vân”; “Chinh phụ”; “Luyện năm cung” và Các làn điệu chèo cổ “Đào liễu”; “Quân tử”.
Sau khoảng thời gian 02 tháng trong dịp hè, các em học sinh được các nghệ sĩ, diễn viên có nhiều kinh nghiệm đến từ Đoàn nghệ thuật Chèo tỉnh Phú Thọ trực tiếp truyền dạy, giúp các em tiếp cận, học, thực hành biểu diễn bộ môn nghệ thuật sân khấu Chèo truyền thống. Dự kiến  tháng 9/2015, Ban Điều hành, Ban Tổ chức thực hiện dự án, các nghệ sĩ trực tiếp truyền dạy, đội văn nghệ xây dựng chương trình diễn báo cáo tổng kết dự án vào trung tuần tháng 9 năm 2015.

Lãnh đạo Sở VHTT& DL và Sở GD & ĐT trao phương tiện nghe nhìn cho các trường trong dự án sân khấu học đường

Với việc triển khai thực hiện dự án này, hy vọng trong thời gian tới, Phú Thọ có những cơ chế và điều kiện thuận lợi cho các em học sinh tiến hành biểu diễn giao lưu với các bạn cùng trang lứa trong những tiết sinh hoạt ngoại khóa ở các trường học trên địa bàn; tới những thôn, xóm, khu dân cư biểu diễn phục vụ cộng đồng dân cư, góp phần tạo nên sức sống mạnh mẽ cho nghệ thuật Chèo, góp phần làm giàu thêm đời sống văn hóa, tinh thần phong phú cho nhân dân địa phương.
Dự án hỗ trợ một phần kinh phí cho các nghệ sỹ truyền dạy, mua phục trang đạo cụ cho các tiết mục, hỗ trợ tập luyện cho học sinh. Các nghệ sĩ đoàn nghệ thuật Chèo, các thầy cô giáo, các em học sinh đã hưởng ứng và tham gia với tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt tình, hăng say tập luyện, để dự án thực hiện đảm bảo theo kế hoạch đề ra.
         
                                      Phòng Nghiệp vụ Văn hóa.
Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com