Lễ hội cổ truyền của người Việt ở Bắc Bộ nói chung, của vùng Đất Tổ nói riêng rất phong phú, khá nhiều lễ hội có nguồn cội lịch sử từ xa xưa. Lễ hội được tổ chức tập trung vào mùa xuân. Lễ hội ở đây phần lớn là hội làng song nhiều lễ hội mà phần nhiều ảnh hưởng của nó lan tỏa trong một vùng rộng lớn, lễ hội Đền Hùng mang tính cả nước.
Về cội nguồn lễ hội ở đây là lễ hội nông nghiệp tuy nhiên trong tiến trình lịch sử, lễ hội dần mang ý nghĩa xã hội lịch sử và văn hóa phong phú. Nó giữ một vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng đặc biệt ở vùng nông thôn. Khảo cứu lễ hội ở vùng Đất Tổ Phú Thọ ta có thể tìm thấy một lễ hội nông nghiệp thuần túy mà trong lễ hội chung lễ thức tục lệ gắn với nghề nông. Trước hết phải kể đến lễ thức trình nghề mà mỗi nơi có có tên gọi riêng như trò Tứ dân, trò Bách nghệ khôi hài thường được tổ chức vào mùa xuân, cầu phúc, cầu may cho nghề nghiệp.
Hội làng Tứ Xã ở xóm Trám trong lễ thức trình nghề dân làng tổ chức rước “lúa thần”. “Lúa thần” là một cụm lúa giống hạt mập căng có đoàn người đi rước với các vai người vác cày, người dệt vải, thợ mộc, thầy đồ, học trò, người đi buôn… vừa đi vừa làm các động tác nghề nghiệp hát những câu hát về nghề và làm các động tác để gây cười.
Ý niệm phồn thực rất phổ biến trong nghi lễ và phong tục của các dân tộc xuất phát từ quan niệm giao hòa âm- dương/đực - cái ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lúa, mùa màng. Hội vào mùa xuân thường trình diễn các lễ nghi trò diễn mang tính phồn thực. Đó là trò cướp kén (kén làm theo hình dương vật và âm hộ gắn vào nhau) của dân làng giữa cửa sân đình, ai cướp được tin rằng năm đó mình được may mắn, được mùa, sinh con đẻ cái (trò cướp kén ở xã Dị nậu, huyện Tam Nông).
Ai cướp được kén chày kình
Ấy thực nam đinh công hầu bá tước
Ai mà cướp được con kén mo đài
Ấy thực nữ tai cung phi hoàng hậu
Con con cháu cháu Tử thịnh tôn đa
Ấy là dân ta thịnh người thịnh vật
Trò hú tùng dí vừa rước bó lúa, nắm xôi vừa làm động tác múa dí dương vật – âm vật vào nhau theo nhịp trống “tùng”. Trò nam nữ, già trẻ trong ngày hội xô đẩy, đùa cợt nhau gọi là “hội chen” với mong ước “già mạnh khỏe, trẻ dẻo dai, của đồng làm ra, của nhà làm nên” trò “ Bắt chạch trong chum” xã Tiên Du, huyện Phù Ninh nam nữ một tay quàng vai, một tay bắt chạch trong chum vừa đùa nghịch nhau vừa hát huê tình.
Phổ biến nhất trong hội xuân là hát giao duyên trai gái: hát Xoan ở Kim Đức An Thái, hát Ghẹo ở Thanh Uyên, Nam Cường, Thục Luyện, Hùng Nhĩ…Ở làng quê Phú Thọ nhiều hội làng truyền thống khá đặc sắc trong đó có phần nghi thức lễ được đặc biệt chú trọng; Lễ rước tiếng hú ở Chu Hóa, lễ cúng Cung tên ở Phú Lộc, lễ đánh cá thờ ở Đào Xá, lễ gọi vía lúa ở Thanh Uyên, Đồng Lạc; lễ rước cầu ở Bạch Hạc, lễ cúng củ mài cùng mật ong ở Hương Nộn… đã phản ánh khá rõ đặc trưng tín ngưỡng từng địa phương với hoàn cảnh địa lý và điều kiện sinh hoạt của mình. Đây là bóng dáng còn lại của thời kỳ Hùng Vương (săn bắt hái lượm).
Hát giao duyên trong hội Xuân. (Ảnh: st)
Lễ hội liên quan đến tín ngưỡng và tôn giáo. Do nhận thức còn hạn chế người nông dân xưa rất tin vào Trời, Đất, Sông, Núi. Ở các làng đều có miếu thờ Thiên thần, Nhân thần, Thủy thần, Sơn thần và một số làng đã tôn các vị thần ấy làm thành hoàng làng. Lễ hội cổ truyền ở Phú Thọ đã phản ánh hiện tượng đó khá sâu sắc.Lễ tế Thần Nông, lễ Hạ điền (xuống đồng) … được dân chúng quan tâm và họ tin rằng trời, đất, sông, núi đã che chở cho mọi sự tồn tại, phát triển của họ. Người làm nghề nông rất cần nước, cần nắng để làm ăn. Lễ rước nước mở đầu các ngày hội với mục đích để tắm tượng thần và rửa đồ tế khí nhưng đây cũng là hình thức cầu mùa của cư dân trồng lúa nước. Lễ gọi Vía lúa, lễ khai cung, mở cửa rừng… xuất phát từ ý thức cầu nguyện mùa màng tốt tươi, cầu mong làm ăn thuận lợi.
Tín ngưỡng thờ cúng Tổ Tiên “Uống nước nhớ nguồn” là một truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc. Lễ hội Đền Hùng vào mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm biểu hiện đầy đủ truyền thống đó. Vào dịp lễ hội hàng chục vạn đồng bào cả nước nô nức hành hương về Đền Hùng, thắp nén hương thơm tưởng nhớ công ơn dựng nước của các Vua Hùng, tổ tiên cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Lễ hội là hoạt động của một tập thể người. Không có con người tham gia tổ chức thì không thành hội được. Ngoài ra còn phải kể đến sự đóng góp ngưỡng mộ của người xem thì hội mới đông, mới vui. Nếu như lễ được tổ chức có tính quy phạm nghiêm ngặt ở chốn đình chung thì trái lại hội là nơi sinh hoạt dân dã phóng khoáng diễn ra trên bãi sân để dân làng cùng bình đẳng vui chơi với hàng loạt trò diễn do mình chủ động tham gia.
Đến hội mọi người dân được vui chơi thỏa thích không bị ràng buộc bởi lễ nghi, tôn giáo, đẳng cấp và tuổi tác. Sau những ngày làm ăn vất vả lam lũ người dân chờ đón ngày hội như chờ đón một niềm vui cộng đồng. Đến hội họ được tắm mình trong bầu không khí cộng cảm, hồ hởi, sảng khoái và tự nguyện. Ngoài phần vui chơi giải trí, gặp gỡ bạn bè, anh em, người về dự hội còn cảm thấy mình còn được “may” được “phúc” được “lộc thánh, lộc thần”. Điều này chỉ có trong ngày hội và ai muốn được phải đến tận nơi, vì vậy hội rất đông. Nhịp sống ở làng xã ngày có lễ hội tưng bừng nhộn nhịp hẳn lên. Những bộ quần áo đẹp được dịp mặc để khoe với thiên hạ. Ứng xử với nhau trong ngày hội giữa người dân với người dân, làng trên xóm dưới mềm mại, chân tình có văn hóa hơn ngày thường. Chính vì thế mà hội làng trở thành một sinh hoạt văn hóa cộng đồng luôn cuốn hút mọi tầng lớp trong xã hội tham gia.
(Ảnh: st)
Hội hè thường đi đôi với đình đám. Xưa kia việc ăn uống trong ngày hội là điều không thể thiếu vì nó không phải là bữa tiệc thông thường mà là sự hưởng thụ lễ vật của hội. Chỉ sau khi mọi nghi thức tế lễ, mọi cuộc trình diễn đã xong thì người ta mới hạ cỗ để ăn và chia phần. Đây là hành động nghi lễ văn hóa và hưởng vật phẩm tế lễ là hưởng “lộc thánh” và bữa ăn tại chốn đình chung là biểu hiện của tinh thần bình đẳng và dân chủ theo “lệ làng”. Khẩu phần thực tế có thể là ít ỏi nhỏ bé song ý nghĩa là rất lớn. Nó thể hiện công bằng trong lối ứng xử cộng đồng trong làng chạ xưa. Từng con người được cố kết với nhau mà tạo nên một cộng đồng lớn với tinh thần đoàn kết keo sơn.
Ngày hội là biểu thị sức mạnh cộng đồng cũng là thể hiện mối giao tiếp ứng xử tốt đẹp giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với cộng đồng và cộng đồng với cá nhân. Hội làng là điểm sáng hội tụ các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật tôn giáo, tín ngưỡng của dân làng. Người dân tham gia một cách tự nguyện và lòng cảm thấy rất tự hào về điều này. Tâm lý coi hội làng là “ hội của mình” ở mọi người dân trong làng xã là một thực tế không thể phủ nhận. Hội làng cũng là cơ hội tốt để trình bày những tinh hoa văn hóa làng xã của các tầng lớp nhất là của người nông dân.
Thời phong kiến nhiều làng quê ở Phú Thọ như một cái vỏ bọc gần như khép kín với đặc thù nông nghiệp độc canh tự cung tự cấp; cấu trúc ngoại hình của làng cũng hàm ý ấy; lũy tre bao bọc quanh làng, có cổng làng, cổng xóm. Sự khép kín ấy là cần thiết cho bản sắc làng, song cuộc sống tiếp diễn luôn uyển chuyển và có quy luật. Làng vẫn phải nối tiếp và cởi mở với các làng lân cận. Trước hết là hệ thống thủy lợi của nghề nông trồng lúa nước: Chung thửa ruộng, chung cánh đồng, tất yếu các làng phải chung dòng chảy. Mạng lưới chợ quê để tiêu thụ nông sản thừa của làng cũng là một hình thức giao lưu khác. Trong một hoặc nhiều hoàn cảnh đó sinh ra tục kết chạ trong mối quan hệ tinh thần nhiều khi rất thiêng liêng. Tục kết chạ đã trở thành sinh hoạt văn hóa, một đạo lý truyền thống trong khá nhiều làng quê trung du Phú Thọ. Tục kết chạ đề cao lễ, nghĩa, đức. Dân hai làng đều suy tôn nhau là dân anh, tự nhận mình là dân em. Khi có khó khăn trong cuộc sống hai làng giúp nhau hết mình khi tổ chức hội làng mời nhau sang dự. Ở xã Cao Mại - Hy Cương kết nghĩa với nhau do thờ Vua Hùng (Hy Cương), thờ con gái và con rể Vua Hùng (Cao Mại).
Kết nghĩa để tương trợ nhau trong sản xuất: Nha Môn và Tiên Du có ruộng xâm canh, bảo vệ mùa màng cho nhau gọi là “giao lưu chi nghĩa” (tình nghĩa láng giềng). Kết nghĩa để tăng sức chống giặc cướp bảo vệ an ninh chung cho hai làng Cao Mại – Nam Cường chống giặc Cờ đen.
Kết nghĩa trong các làng Xoan, làng Ghẹo ở vùng Đất Tổ ví dụ: làng Nam Cường kết nghĩa với Hùng Nhĩ, Thục Luyện, phường Xoan An Thái xã Phượng Lâu kết nghĩa với làng Xoan Đức Bác, huyện Lập Thạch (nay là huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc). Tục kết chạ đã xây dựng lên mối dây liên hệ vững vàng giữa các làng với nhau để cuối cùng hình thành nên sự cố kết truyền thống làng nước, đây cũng là điều kiện để cha ông ta giữ gìn được bản sắc dân tộc.
Lễ hội truyền thống đã bảo lưu được nét đẹp văn hóa truyền thống, văn minh, văn hiến làng xã vùng Đất Tổ, biểu hiện ở nếp sống với những ý thức cơ bản: Ý thức về cội nguồn dân tộc, đồng loại, ý thức về mỹ tục (trong ứng xử kết chạ, tinh thần trọng lão, tinh thần dân chủ, công bằng) ý thức về tài năng văn hóa, nghệ thuật thể thao, kỹ thuật cổ truyền. Tóm lại, lễ hội cổ truyền đã mang giá trị xã hội nhân văn to lớn và bền vững, đồng thời với giá trị thẩm mỹ mà tác dụng rõ rệt và cụ thể là nội dung và nghệ thuật của hội làng được coi như lý tưởng cao đẹp của cuộc sống mà người dân ngày thường cần noi theo, hướng tới./.
Trần Văn Quang