Quách Thị Sinh
Trung tâm Văn hoá – Điện ảnh
Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, dân tộc Dao có dân số đứng thứ ba, sau dân tộc Kinh và dân tộc Mường, sống tập trung thành bản tại các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn và Yên Lập. Đồng bào Dao duy trì thực hành văn hóa truyền thống của mình với 2 nhánh Dao: Nhánh Dao Quần Chẹt (quần chít) và Nhánh Dao Tiền (Dao váy xòe). Văn hóa của đồng bào Dao là sự kết tinh trong quá trình lao động sáng tạo. Đời sống văn hóa, tinh thần của người Dao vô cùng phong phú với phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa, văn nghệ dân gian đã và đang được lưu truyền qua nhiều thế hệ, tiêu biểu như nghi lễ cúng Bàn Vương, Lễ cấp sắc, Lễ hội Tết nhảy... Trong lao động sản xuất, người Dao có kỹ thuật làm nương rẫy, có nghề trồng bông, dệt vải nhuộm chàm, tạo ra những bộ trang phục thêu hoa văn độc đáo.
Để bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao, vừa qua, tỉnh Phú Thọ đã tham gia thành công Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II, năm 2022 do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức tại thành phố Thái Nguyên - tỉnh Thái Nguyên với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Dao. Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển”. Qua Ngày hội, nhằm giới thiệu, tôn vinh và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc Dao tỉnh Phú Thọ trong nền văn hóa thống nhất mà đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là dịp để các nghệ nhân, diễn viên quần chúng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Dao trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Phú Thọ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực phối hợp với 3 huyện Thanh Sơn, Tân Sơn và Yên Lập tổ chức tham gia đầy đủ các hoạt động trong chương trình Ngày hội gồm: Trưng bày, giới thiệu quảng bá văn hóa truyền thống địa phương; Liên hoan văn nghệ quần chúng; Trình diễn trang phục nữ truyền thống dân tộc Dao; Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc Dao; Trưng bày, chế biến, giới thiệu ẩm thực dân tộc Dao; Trưng bày giới thiệu các ấn phẩm về du lịch Phú Thọ, các chương trình tour tham quan, giới thiệu điểm đến tỉnh Phú Thọ. Thi đấu các môn thể thao: Bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co.
Ở nội dung trưng bày, giới thiệu quảng bá văn hóa truyền thống địa phương, Phú Thọ đã tham gia trưng bày 40 ảnh tư liệu, 57 hiện vật, 10 loại sản phẩm, nông sản người Dao và cử nghệ nhân tham gia trình diễn nghề truyền thống nhuộm chàm, in sáp ong, nghề thêu và chế biến mâm cơm truyền thống trong các ngày lễ tết của người Dao… Qua đó, phản ánh khái quát đặc trưng văn hóa, tín ngưỡng dân gian của dân tộc Dao tỉnh Phú Thọ; những thành tựu trong sản xuất, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và xây dựng đời sống văn hóa; sản phẩm du lịch, điểm đến tiêu biểu của tỉnh Phú Thọ.
Trưng bày “ Không gian sắc màu văn hóa dân tộc Dao tỉnh Phú Thọ” đạt giải A tại Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II, năm 2022 Ảnh: Bảo tàng Hùng Vương
Trong phần thi liên hoan văn nghệ quần chúng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh phối hợp với 2 huyện Yên Lập và Tân Sơn chuẩn bị chu đáo các tiết mục mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc Dao gồm: Múa Lập tỉnh, hòa tấu nhạc cụ dân tộc Dao, hát giao duyên “đồng bào Dao ơn Đảng - Bác Hồ” của các nghệ nhân người Dao Tiền, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn; Múa rùa của các nghệ nhân người Dao xã Nga Hoàng, huyện Yên Lập.
Tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc Dao của các nghệ nhân người Dao Tiền, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn Ảnh: Nguyễn Thị Hồng Vân
Ở nội dung trình diễn trang phục nữ truyền thống dân tộc Dao, Phú Thọ cử 5 thí sinh tham gia trình diễn trang phục nữ truyền thống dân tộc Dao quần chẹt và Dao tiền cho 3 nội dung: ngày thường, lễ hội và lễ cưới.
Trong phần thi trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc Dao, Phú Thọ tham gia trích đoạn “Lễ Tết nhảy của người Dao quần chẹt” của người Dao, xã Nga Hoàng, huyện Yên Lập. Tết nhảy là lễ tu bổ bàn thờ định kỳ, nghi lễ tạ ơn tổ tiên và các vị thần được tổ chức vào tháng 12 âm lịch, mỗi chu kỳ Tết nhảy từ 15 đến 20 năm, với mong ước con người sẽ vượt qua mọi gian khổ, đoàn kết chống lại các thế lực làm hại đến đời sống yên lành và cầu cho mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh. Tết Nhảy là một trong những nghi lễ quan trọng bậc nhất của người Dao nhóm quần Chẹt.
Ở nội dung trưng bày, chế biến, giới thiệu ẩm thực dân tộc Dao, Phú Thọ tham gia trưng bày, giới thiệu 01 mâm cơm trong văn hóa ẩm thực truyền thống dân tộc Dao; giới thiệu bản sắc văn hóa, sinh hoạt ẩm thực của đồng bào Dao thông qua các món ăn như: Thịt chua ống nứa, mâm xôi, cá thính, thịt lợn hun khói, măng rừng…
Tham gia hoạt động thể thao quần chúng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tuyển chọn lực lượng vận động viên trên địa bàn các xã: Địch Quả, Văn Miếu của huyện Thanh Sơn tổ chức tập huấn, thành lập đoàn tham gia thi đấu 03 môn: Bắn nỏ; đẩy gậy và kéo co.
Vận động viên Phú Thọ tham gia nội dung Kéo co nữ đạt Huy chương Đồng Ảnh: Phòng Quản lý TDTT
Với sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của lãnh đạo UBND tỉnh, tinh thần trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ của các đơn vị, đặc biệt sự nỗ lực của tập thể đoàn cán bộ, nghệ nhân, diễn viên, vận động viên, chương trình tham gia Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc của tỉnh Phú Thọ đã thành công tốt đẹp, đảm bảo mục đích, yêu cầu kế hoạch đề ra. Kết quả, tỉnh Phú Thọ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen; các nội dung: Trưng bày giới thiệu quảng bá văn hóa địa phương đạt giải A; trình diễn trích đoạn Lễ Tết nhảy của dân tộc Dao Quần chẹt đạt giải A; Liên hoan văn nghệ quần chúng đạt 01 giải A, 03 giải C; trình diễn, giới thiệu trang phục dân tộc Dao đạt giải C; trưng bày chế biến ẩm thực đạt giải B; Tham gia thi đấu các môn thể thao đạt 7 Huy chương các loại (trong đó 01 Huy chương Bạc và 6 Huy chương Đồng) xếp thứ 8 toàn đoàn. Cùng với các hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch của 14 tỉnh tham gia Ngày hội, đoàn Phú Thọ đã được Ban Tổ chức đánh giá cao và góp phần tạo nên thành công của Ngày hội.
Ngày hội văn dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II, năm 2022 thực sự là hoạt động bổ ích, thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời, có ý nghĩa to lớn, thiết thực nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của các cấp, các ngành, các địa phương đến đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Dao. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Dao nói chung và góp phần tôn vinh các giá trị bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc Dao tỉnh Phú Thọ nói riêng, gắn công tác phát triển văn hóa, thể thao và du lịch với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra./.
Q.T.S