Thứ 6 | 05/01/2024

     Phú Thọ là vùng đất Tổ nơi lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa dân gian mang đậm dấu ấn của người Việt. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, mảnh đất Phú Thọ đã sản sinh và lưu giữ nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc như: Ca trù, hát Xoan, hát Ghẹo và hát Chèo.
     Chèo là loại hình nghệ thuật tổng hợp của dân ca, dân vũ, dân nhạc được người Việt ở vùng đồng bằng Bắc Bộ sáng tạo ra từ hàng trăm năm nay, được biểu hiện qua hình thức kể chuyện bằng sân khấu, lấy sân khấu và diễn viên làm phương tiện giao lưu với công chúng. Nghệ thuật hát chèo được biểu diễn ngẫu hứng, các nghệ nhân thường trải chiếu hát ở sân đình, sân chùa, nơi diễn ra những sinh hoạt tín ngưỡng chung của cộng đồng, nên dân gian thường gọi là chiếu chèo.
Thực hiện công văn số 3403/BVHTTDL-DSVH ngày 16 tháng 8 năm 2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc xây dựng hồ sơ Nghệ thuật Chèo trình UNESCO đảm bảo sự tham gia đầy đủ của cộng đồng chủ thể; công văn số 3757/UBND-KGVX ngày 27 tháng 9 năm 2023 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc phối hợp xây dựng hồ sơ Nghệ thuật Chèo đệ trình UNESCO. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành Kiểm kê, khảo sát, thu thập tư liệu nhằm phục vụ phối hợp xây dựng hồ sơ Nghệ thuật Chèo đệ trình UNESCO ghi danh trong danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và xây dựng hồ sơ khoa học “Nghệ thuật Chèo tỉnh Phú Thọ” đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
     Kết quả khảo sát, kiểm kê thực trạng di sản Nghệ thuật Chèo tỉnh Phú Thọ cho thấy: Hiện nay Nghệ thuật hát Chèo được thực hành, lan tỏa trên địa bàn của các huyện: Huyện Hạ Hòa (xã Minh Côi), huyện Tam Nông (xã Vạn Xuân), huyện Lâm Thao (xã Cao Xá), huyện Thanh Thủy (xã Bảo Yên, xã Đoan Hạ, xã Đào Xá, xã Đồng Trung, thị trấn Thanh Thủy) và thành phố Việt Trì (phường Dữu Lâu, phường Bạch Hạc). Những người thực hành hát chèo là những người làm ruộng, lao động tự do, công nhân, công chức, cán bộ hưu trí… Họ tập hợp nhau lại tại các xã/phường để duy trì, gìn giữ và truyền dạy, biểu diễn hát chèo trong cộng đồng.
     Trước Cách mạng Tháng Tám (1945) làn điệu Chèo ở Phú Thọ thường xuyên được cất lên trong các đêm hội làng, các kỳ tiệc lệ tại đình làng. Người dân tổ chức hát chèo, diễn chèo theo lối “tự biên, tự diễn”. Xưa kia mỗi xã thường có 01 đội văn nghệ được thành lập bao gồm nhiều thể loại khác nhau như chèo, hát, múa, nhạc, kịch…biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cổ vũ, động viên tinh thần cho bà con hăng say lao động sản xuất, tiếp sức cho tiền tuyến. Sau khi đất nước được giải phóng, di sản nghệ thuật Chèo vẫn được duy trì tại một số địa phương trong tỉnh nhưng số lượng người thực hành thưa dần, cụ thể:
     * Về người truyền dạy: Tỉnh Phú Thọ hiện có 11 người đang thường xuyên truyền dạy nghệ thuật Chèo trong cộng đồng, trong đó: Huyện Hạ Hòa (04 người); huyện Thanh Thủy (04 người) và thành phố Việt Trì (03 người).
    * Số lượng người thực hành: 65 người, trong đó, nam 24 người, nữ: 41 người với nhiều khác nhau: 80 tuổi trở lên: 02 người; 60 - 80 tuổi: 41 người; 50 - 60 tuổi: 10 người; Dưới 50 tuổi: 12 người; người trẻ nhất là 41 tuổi.
     Về nghệ nhân: Hiện nay tỉnh Phú Thọ có ông Nguyễn Quốc Giới đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú” năm 2010.
     * Câu lạc bộ: Hiện nay trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có duy nhất 01 CLB hát Xoan và hát Chèo ở xã Minh Côi với tổng số thành viên gồm 35 người, trong đó có 17 người sinh hoạt thường xuyên gồm 5 nam, 12 nữ. Họ sinh hoạt định kỳ hàng tháng, biểu diễn vào các ngày lễ, tết, ngày hội làng và biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Câu lạc bộ có đủ trang thiết bị như loa, micro, các loại nhạc cụ (trống đế, trống cơm, sáo, đàn nguyệt, đàn tam, mõ, phách, nhị, lứu...).
    * Về các tư liệu liên quan đến nghệ thuật Chèo: Hiện có 03 người truyền dạy có tư liệu là ông Trần Đăng Lưu ở thị trấn Thanh Thủy, huyện Thanh Thủy; bà Phạm Thị Tuyết Chinh, xã Minh Côi, huyện Hạ Hòa và Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Quốc Giới (phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì).
    * Các làn điệu hát Chèo: Tại các địa phương đang thực hành di sản nghệ thuật Chèo còn duy trì được khoảng gần 20 làn điệu như: Đào liễu, Lới lơ, Luyện năm cung, Đường trường thu không, Đường trường bắn thước, Đường trường trong rừng, Quân tử vu dịch, Sa lệch chênh, Tứ quý, Sắp qua cầu, Tình thư hạ vị, Du xuân, Hát cách…

 Đội hát Chèo huyện Thanh Thủy biểu diễn tại đình La Phù, thị trấn Thanh Thủy

Câu lạc bộ Hát Chèo xã Minh Côi, huyện Hạ Hòa biểu diễn tại chùa Phúc Minh

     Ngày nay dưới tác động phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong thời đại bùng nổ về công nghệ thông tin, việc giao thoa, du nhập văn hóa của các quốc gia, dân tộc khác đã khiến cho di sản nghệ thuật Chèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ bị mai một, cụ thể:
     Số lượng người truyền dạy ít, chủ yếu là những người cao tuổi. Họ truyền dạy theo hình thức truyền miệng (thầy dạy, trò bắt chước), đối với những người chơi nhạc cụ cũng vậy, người này làm, người khác làm theo. Người thực hành và yêu thích nghệ thuật Chèo cũng ít, phần lớn là những người cao tuổi và thế hệ trung niên.
     Dàn nhạc dân gian trong sinh hoạt Chèo ít địa phương có đầy đủ người chơi nhạc cụ. Hiện tại chỉ có huyện Hạ Hòa và huyện Thanh Thủy có người chơi nhạc cụ, số lượng nhạc cụ cơ bản đủ để duy trì, biểu diễn (trống, sáo, nhị, mõ, đàn tam, đàn tứ, đàn bầu…). Còn lại các huyện Tam Nông, Lâm Thao và thành phố Việt Trì sử dụng nhạc thu âm sẵn có trên mạng internet để biểu diễn.
     Hiện nay, một số loại hình nghệ thuật như nhạc trẻ, phim ảnh, hài kịch… đang dần chiếm ưu thế, có lượng người xem đông đảo. Nhưng ngược lại, các loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo lại mất dần đi người xem, đặc biệt là các thế hệ trẻ.
    Người tham gia sinh hoạt loại hình nghệ thuật Chèo gặp nhiều khó khăn về kinh phí. Họ hoạt động theo hình thức xã hội hóa, tự trang trải kinh phí, tự mua sắm nhạc cụ, đạo cụ và trang phục biểu diễn. 
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản nghệ thuật Chèo tỉnh Phú Thọ, cần thực hiện một số giải pháp sau:
     Một là: Hàng năm triển khai thực hiện công tác nghiên cứu, kiểm kê, sưu tầm di sản Nghệ thuật Chèo trên địa bàn tỉnh. Sưu tầm các tư liệu, sách, bản chép tay về các làn điệu Chèo làm cơ sở để đề ra các giải pháp bảo tồn di sản.
    Hai là: Đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá di sản Nghệ thuật Chèo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn để tạo điều kiện cho di sản được thực hành thường xuyên. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân trong việc bảo vệ, phát huy các giá trị về loại hình nghệ thuật truyền thống.
   Ba là: Tiếp tục rà soát, đề nghị nhà nước vinh danh danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Chèo để tôn vinh và có đãi ngộ đối với những người có đóng góp lớn trong việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
   Bốn là: Nghiên cứu, sản xuất các chương trình nghe, nhìn, phát hành các DVD, video về nghệ thuật Chèo nhằm khơi dậy tình yêu đối với loại hình nghệ thuật truyền thống này, qua đó giúp cộng đồng nhận diện giá trị di sản, nâng cao nhận thức, năng lực, trách nhiệm của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Chèo.
    Năm là: Chính quyền các cấp cần quan tâm, hỗ trợ kinh phí cho người thực hành di sản để mua sắm trang phục, nhạc cụ, đạo cụ, âm thanh... Huy động các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nghệ thuật Chèo trên địa bàn tỉnh. 

Bài và ảnh: Thanh Thủy - Phòng Quản lý Di sản văn hóa
 

Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com