Thứ 5 | 20/06/2024

Ngày 19/6, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Việc phát triển văn hóa có những yếu tố đặc thù, đòi hỏi quá trình lâu dài

Tham gia đóng góp ý kiến, đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An bày tỏ sự nhất trí cao về sự cần thiết ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá. Đây là sự tiếp nối, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới, khẳng định vị trí quan trọng của văn hóa đối với quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Đại biểu cũng nhất trí với nhiều nội dung trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa Giáo dục, trong đó có đề nghị cần xem xét, thông qua Chương trình theo quy trình 2 kỳ họp để bảo đảm chất lượng của nội dung Chương trình.

Nâng cao nhận thức của xã hội về việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản tư liệu, cổ vật, bảo vật quốc gia - Ảnh 1.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Đặc biệt, ngoài các quan điểm, nguyên tắc xây dựng chương trình được nêu trong Báo cáo thẩm tra, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho rằng, cần bổ sung quan điểm xem việc phát triển văn hóa có những yếu tố đặc thù, đòi hỏi quá trình lâu dài, cần thu hút sự tham gia rộng rãi, chủ động và tích cực của người dân, do văn hóa là những giá trị do người dân sáng tạo và tích lũy qua quá trình sinh hoạt và lao động lâu dài.

Trên cơ sở quan điểm đó, đại biểu đóng góp ý kiến vào 2 nội dung cụ thể trong dự thảo nội dung Chương trình.

Thứ nhất, về mục tiêu phát triển văn hóa đọc, đại biểu Hoàng Minh Hiếu nhất trí với việc xem phát triển văn hóa đọc là một trong những mục tiêu quan trọng. Lịch sử của nhiều quốc gia đã cho thấy rõ vai trò của văn hóa đọc đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia nói chung và phát triển văn hóa của dân tộc đó nói riêng.

Đặc biệt, trong bối cảnh khối lượng kiến thức được bổ sung rất lớn và nhanh chóng như hiện nay thì văn hóa đọc là cơ sở để người dân có thể tự bổ sung kiến thức, thực hiện mục tiêu học tập suốt đời.

Theo đại biểu, thực tế cho thấy việc phát triển hệ thống thư viện không phải lúc nào cũng đi kèm với sự phát triển văn hóa đọc. Theo thống kê hiện nay, Việt Nam đang đứng đầu khu vực Đông Nam Á về số thư viện công cộng với hơn 6.000 thư viện trong khi quốc gia đứng thứ hai là Thái Lan có khoảng 2000 thư viện công cộng. Trong khi đó, tỷ lệ số người có thói quen đọc sách ở Việt Nam chỉ khoảng 20%, còn ở Thái Lan là khoảng 86%, Singapore là khoảng 80%; trung bình mỗi năm người Việt chỉ đọc khoảng 4 cuốn sách thì số lượng này ở Singapore, Malaysia, Thái Lan là từ 10 đến 15 quyển sách.

Vì vậy, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho rằng, để phát triển văn hóa đọc thì không chỉ cần phát triển hệ thống thư viện mà cần có những chương trình khuyến đọc hiệu quả, khuyến khích văn hóa đọc sách của từng cá nhân, từng gia đình, từng cộng đồng.

Nâng cao nhận thức của xã hội về việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản tư liệu, cổ vật, bảo vật quốc gia - Ảnh 2.

Quang cảnh Phiên họp

Đại biểu đề nghị Chương trình bổ sung các mục tiêu cụ thể đến năm 2035 để đánh giá chính xác hơn về việc phát triển văn hóa đọc như tỷ lệ người dân có thói quen đọc sách; số lượng trung bình số sách mỗi người dân đã đọc hàng năm; mức tăng số lượng sách được xuất bản hàng năm…

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để bổ sung vào Chương trình mục tiêu quốc gia một số chương trình khuyến đọc hiệu quả. Hiện nay chúng ta đã có những chương trình như Ngày sách quốc gia, Tuần lễ đọc sách nhưng tác động của các chương trình này chưa tạo ra kết quả lâu dài, bền vững.

Ngoài ra, cần nghiên cứu xây dựng thể chế về khuyến khích văn hóa đọc. "Ví dụ như ở Nhật Bản, nước này đã xây dựng Luật Khuyến khích trẻ em đọc sách; Luật Chấn hưng văn hóa đọc để phát triển văn hóa đọc của toàn dân trong đó xác định rõ văn hóa đọc là một lĩnh vực văn hóa tinh thần, có vai trò quan trọng trong nâng cao dân trí, xây dựng nhân cách con người", đại biểu nêu ví dụ.

Khuyến khích sự tham gia của người dân vào việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản tư liệu, cổ vật, bảo vật quốc gia

Góp ý về mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị di sản tư liệu, cổ vật, bảo vật quốc gia, đại biểu Hoàng Minh Hiếu nhận thấy, các di sản tư liệu, cổ vật, bảo vật quốc gia là sự kết tinh của văn hóa dân tộc, có giá trị rất to lớn đối với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, chúng ta đã chứng kiến việc có nhiều cổ vật, di sản tư liệu trong nước được đưa trái phép ra nước ngoài.

Nâng cao nhận thức của xã hội về việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản tư liệu, cổ vật, bảo vật quốc gia - Ảnh 3.

Quang cảnh Phiên họp

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng đại biểu cho rằng, một trong những nguyên nhân cơ bản là chúng ta chưa có các chương trình hiệu quả để huy động sự tham gia của người dân vào việc bảo tồn và phát huy giá trị của cổ vật, trong đó có việc nhiều người dân chưa hiểu được thấu đáo giá trị của những tư liệu, cổ vật mà họ đang sở hữu.

"Ví dụ như hiện nay đang có những gia đình sở hữu những quyển sách cổ được lưu truyền từ đời này đến đời khác, trong đó có những cuốn sách được cho là của các danh y nổi tiếng từ thời Trần. Tuy nhiên, những di sản tư liệu, cổ vật này chưa được đánh giá một cách khoa học và cụ thể để bảo tồn và phát huy", đại biểu Hoàng Minh Hiếu nêu dẫn chứng.

Vì vậy, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị cần nghiên cứu bổ sung giải pháp khuyến khích sự tham gia của người dân và nâng cao nhận thức của xã hội về việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản tư liệu, cổ vật, bảo vật quốc gia. Trong đó, có thể nghiên cứu để thiết kế Chương trình để Nhà nước để ghi nhận và đánh giá các di sản tư liệu, cổ vật do người dân đang sở hữu.

Ở một số nước có những chương trình tương tự đang rất thành công như Chương trình Khám phá Cổ vật ở Trung Quốc hoặc Chương trình Đường dây Cổ vật ở Anh, Hoa Kỳ và một số quốc gia khác. Trong chương trình này, những cổ vật của người dân được đánh giá một cách miễn phí về giá trị vật chất và giá trị văn hóa để họ hiểu hơn về những cổ vật mình đang sở hữu, còn cơ quan nhà nước có được thông tin về các cổ vật này. Chương trình có sự tham gia của các cơ quan truyền thông nên vừa góp phần chia sẻ, giảm thiểu ngân sách nhà nước, vừa giáo dục cho công chúng về giá trị văn hóa của các cổ vật.

"Chẳng hạn, Chương trình Đường Dây Cổ Vật ở Anh đã thu hút được lượng lớn người xem bởi sự hấp dẫn của những cổ vật độc đáo và những câu chuyện lịch sử thú vị đằng sau chúng. Chương trình cũng góp phần giáo dục công chúng về giá trị của di sản văn hóa và tầm quan trọng của việc bảo tồn cổ vật", đại biểu nêu ví dụ.

Theo đại biểu, đây là những kinh nghiệm quý giá mà Ban soạn thảo cần nghiên cứu để hoàn thiện hơn các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng này.

Phát huy giá trị của hệ thống bảo tàng quốc gia và các di tích lịch sử quốc gia

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc bày tỏ đồng tình, nhất trí cao với báo cáo đề xuất của Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Đóng góp ý kiến vào các nhóm giải pháp trong Chương trình, đại biểu cho rằng, chúng ta cần cụ thể hóa một nhóm giải pháp để chuẩn hóa, giữ gìn và phát huy giá trị đạo đức truyền thống, tình yêu quê hương, đất nước, tự hào, tự tôn dân tộc, tình làng nghĩa xóm, tình cảm gia đình và giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc.

Nâng cao nhận thức của xã hội về việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản tư liệu, cổ vật, bảo vật quốc gia - Ảnh 4.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc.

Thứ hai, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề nghị nghiên cứu hệ thống giải pháp đồng bộ giữa việc đầu tư, hoàn thiện, hiện đại và gắn với việc khai thác, sử dụng và phát huy giá trị của hệ thống bảo tàng quốc gia và các di tích lịch sử quốc gia.

Trong những năm qua, nước ta đã dành nguồn lực để ưu tiên đáng kể cho việc xây dựng hệ thống bảo tàng quốc gia khá lớn, tính đến năm 2023 đã có 194 bảo tàng, trong đó có 128 bảo tàng công lập và 66 bảo tàng ngoài công lập. Tuy nhiên đại biểu cho rằng, không gian trưng bày còn nghèo nàn, các hiện vật, cổ vật và báu vật quốc gia chưa được quan tâm bảo vệ và phát huy hết giá trị.

Bên cạnh đó, cả nước có trên 3.600 di tích được xếp hạng, bảo tàng và di tích là những nơi lưu giữ phản ánh toàn diện về thiên nhiên, đất nước, lịch sử con người Việt Nam trong trường kỳ lịch sử, tuy nhiên các thiết chế này chưa phát huy hết vai trò, giá trị trong việc giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc và quảng bá văn hóa Việt Nam cho Nhân dân và du khách nước ngoài. Đại biểu đề nghị cần có giải pháp để phát huy nội dung này.

Thứ ba, đại biểu đề nghị bổ sung thêm trong thiết chế văn hóa một thiết chế "rất cần thiết" hiện nay đó là bể bơi.

"Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hằng năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em chết đuối dưới 16 tuổi, trong đó từ 4 đến 14 tuổi là đứng thứ hai Đông Nam Á và đứng đầu thế giới, cao gấp 10 lần so với các nước phát triển, vì vậy tôi đề nghị chúng ta cần bổ sung nội dung này để phát triển tầm vóc của người Việt Nam", đại biểu đề nghị.
Xuân Trường - Thế Công
Dẫn nguồn: 
Nâng cao nhận thức của xã hội về việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản tư liệu, cổ vật, bảo vật quốc gia (bvhttdl.gov.vn)

 
 
Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com