Thứ 4 | 20/02/2019
Xuân Thủy là một trong những xã có người Dao Quần Chẹt sinh sống lâu đời của huyện Yên Lập. Người Dao Quần Chẹt xã Xuân Thủy vẫn giữ gìn được nhiều phong tục, tập quán truyền thống, đặc biệt là các nghi lễ chu kỳ đời người, trong đó có Lễ cấp sắc (tiếng của địa phương gọi là Lập khởi thánh danh). Lễ cấp sắc là nghi lễ quan trọng, công nhận sự trưởng thành đối với tất cả đàn ông ở tất cả các ngành Dao; là sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người Dao, thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan và những giá trị văn hóa dân gian đặc sắc của cộng đồng.
Lễ cấp sắc của người Dao Quần Chẹt là sự tổng hợp các loại hình nghệ thuật, diễn xướng dân gian như: Nghệ thuật sử dụng ngôn từ, nghệ thuật trình diễn qua các bài múa nghi lễ, bài hát; nghệ thuật trang trí ban thờ, trang trí trên trang phục của các thầy cúng; âm nhạc dân gian... đều mang đậm nét văn hóa truyền thống của người Dao. Một trong những đặc điểm nổi bật nhất trong Lễ cấp sắc của người Dao Quần Chẹt xã Xuân Thủy là có mối quan hệ mật thiết với việc lập, tách bàn thờ tổ tiên của gia đình, dòng họ; được gia chủ thực hiện theo đúng trình tự, tập tục.


Lễ cấp sắc của người Dao Quần Chẹt kéo dài trong hai ngày, hai đêm với nhiều nghi lễ phức tạp được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: Đọc, hát, múa, trò diễn xướng dân gian, lên đồng, bắt khuyết trấn trạch. Các nghi lễ được tổ chức ở nhiều thời điểm, địa điểm và không gian khác nhau, có những nghi lễ được tổ chức vào ban ngày, có những nghi lễ được tổ chức vào ban đêm, một số nghi thức được tổ chức trong nhà, có những nghi thức được tổ chức ngoài sân... các nghi lễ vừa mang tính độc lập lại vừa đan xen lẫn nhau theo một trình tự thống nhất, không thể bỏ qua một nghi thức nào. Mỗi lễ cúng đều có ý nghĩa khác nhau, nhưng về mặt kết cấu, nội dung và các thức thể hiện giữa các lễ cúng tương đối giống nhau. Lễ cấp sắc của người Dao Quần Chẹt xã Xuân Thủy gồm những nghi lễ chính sau:
Lễ mời tổ tiên“Tổng thần hương hỏa” là lễ mời nội thần, nghi lễ mở đầu cho tất cả các lễ cúng xin phép, báo cáo với tổ tiên về việc gia đình làm lễ cấp sắc và cầu mong tổ tiên phù hộ, giúp đỡ gia đình tổ chức lễ cúng được tốt đẹp. Lễ đón thầy vào nhà thực hiện các nghi lễ chính, theo tập quán của người Dao ngoài thầy cúng, gia đình còn phải mời hai, ba dòng họ khác trong làng về dự và chứng kiến cho gia đình tổ chức cấp sắc. Lễ khai đàn“treo tranh” là nghi lễ treo tranh với 15 tờ tranh loại to gồm bức Thánh Thượng Lão Quân, ba bức Tam Thanh và các bức tranh khác. Lễ nhập đồng, thầy cúng thực hiện nghi lễ nhập đồng vào tổ tiên để báo cho con cháu biết những điều còn thiếu sót, làm chưa đúng để con cháu chỉnh sửa, đồng thời trong đám ai muốn hỏi điều gì về gia đình, tổ tiên, thầy đồng sẽ nói cho biết. Lễ đặt tên có ý nghĩa là lập một cái tên để các thần thánh biết đến. Theo quan niệm của người Dao Quần Chẹt, chỉ những người đã làm Lễ cấp sắc thì mới chính thức được tổ tiên, các vị thần linh chứng nhận, để sau này được tham gia vào các lễ cúng, có đủ tư cách để nói chuyện với các vị thần linh, và sau này khi mất đi linh hồn sẽ được về với tổ tiên, đặc biệt khi chết linh hồn sẽ được nhập vào bàn thờ tổ tiên. Lễ dâng đèn“quá tăng” được thực hiện theo thứ tự từ lễ ba đèn sau đó đến lễ bảy đèn. Lễ lên đồng hương hỏa gồm nhiều nghi thức khác nhau, trong đó chủ yếu là các bài múa, bài hát kể về tổ tiên hương hỏa. Lễ thỉnh Ngọc Hoàng, các thầy cúng phải làm lễ mời Ngọc Hoàng về chứng giám. Lễ cúng trừ các loại sâu bệnh cho cây trồng thực hiện cùng một lúc với lễ trình Ngọc Hoàng với ý nghĩa nhờ các thần linh xua đuổi, diệt trừ các loại ôn dịch, nhờ Thần Nông gọi hồn lúa, hồn cây trồng vật nuôi về cho gia đình. Lễ khao quân với các nghi thức mời các vị thần linh ở ba miếu, mời Tam Thanh uống rượu, sau đó biểu diễn các bài múa nghi lễ mua vui cho các vị thần linh, cầu các vị thần linh ủng hộ.
Lễ cấp sắc là một nghi lễ đặc biệt quan trọng; sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng gắn bó mật thiết với đời sống cộng đồng người Dao Quần Chẹt, được các thế hệ gìn giữ duy trì tổ chức thường xuyên. Khác với các ngành Dao khác, Lễ cấp sắc của người Dao Quần Chẹt chỉ làm Lễ cấp sắc cho một người và được tổ chức ở phạm vi gia đình nhưrg có sự lan tỏa trở thành sinh hoạt văn hóa chung của cộng đồng. Lễ cấp sắc không chỉ là công việc trọng đại đối với cuộc đời người nam giới, của gia đình mà còn là công việc chung của cả dòng họ, cộng đồng, luôn có sự tham gia, giúp đỡ của các thành viên trong cộng đồng, từ việc chuẩn bị đồ lễ, sắm sửa lễ vật, tham gia vào thực hành các nghi lễ. Các hoạt động trong lễ cúng, đặc biệt là thực hành các nghi lễ đều phải làm theo phong tục tập quán truyền thống, trước sự giám sát của các thần linh, của các thầy cúng và các dòng họ khác trong cộng đồng. Ngày nay, không gian làng bản, kiến trúc nhà, phong tục tập quán của người Dao Quần Chẹt đã có nhiều thay đổi, nhưng Lễ cấp sắc vẫn là hoạt động văn hóa, tín ngưỡng quan trọng trong đời sống của đồng bào Dao Quần Chẹt.
Lễ cấp sắc đã tạo ra những giá trị về vật chất, tinh thần mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của người Dao Quần Chẹt, đó là: Về giá trị vật chất là hệ thống các đạo cụ, đồ vật, đồ dùng, như: Trống, chiêng, sáo, tranh ảnh, giấy, trang phục của các thầy cúng, các món ăn đều là những sản phẩm không chỉ có giá trị về mặt kinh tế mà còn mang đậm giá trị văn văn hóa  được gia đình, cộng đồng gìn giữ. Về mặt tinh thần, Lễ cấp sắc có ý nghĩa rất lớn trong đời sống sinh hoạt văn hóa của người Dao Quần Chẹt. Trước hết đối với người trực tiếp được thụ hưởng Lễ cấp sắc đó là người nam giới. Theo quan niệm của người Dao Quần Chẹt nói riêng, người Dao nói chung, người nam giới sau khi được cấp sắc mới là người đàn ông trưởng thành, được cộng đồng tôn trọng. Về mặt tâm linh, sau khi làm Lễ cấp sắc, người nam giới được thầy cúng đặt cho tên âm, được tổ tiên và các vị thần chứng giám, sau này khi qua đời linh hồn sẽ được nhập vào tổ tiên. Đồng thời, sau khi được làm Lễ cấp sắc, người nam giới đã được thầy pháp sư truyền cho âm binh, phép thuật để bảo vệ cơ thể, đi đâu, làm gì họ cũng tin tưởng, vững vàng hơn, và đặc biệt là họ có thể trở thành thầy cúng để giúp đỡ cộng đồng.
Giá trị lịch sử: Lễ cấp sắc của người Dao Quần Chẹt là sự tổng hợp các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, từ thơ ca, âm nhạc, biểu diễn, tạo hình... gắn liền với câu chuyện, nguồn gốc lịch sử góp phần minh chứng hơn về nguồn gốc, lịch sử hình thành và phát triển của người Dao Quần Chẹt, quá trình di cư của người Dao Quần Chẹt vào Việt Nam. Đây là nguồn tư liệu rất quý giá cho các nhà nghiên cứu, nhà khoa học về người Dao nói chung và người Dao ở Việt Nam nói riêng. Lễ cấp sắc phản ánh sinh động về những phong tục, tập quán, đời sống kinh tế của người Dao Quần Chẹt trước đây, đó là nền kinh tế nông nghiệp với các nghi lễ cúng cầu mùa, cúng gọi hồn các loại giống cây trồng, vật nuôi, đến các bài múa, bài hát kể về quá trình lao động, sản xuất đến việc làm các vật phẩm dâng cúng các vị thần linh...
Giá trị văn hóa: Lễ cấp sắc của người Dao Quần Chẹt mang đậm giá trị nghệ thuật. Ở mỗi nghi lễ, mỗi hành động đều mang tính biểu tượng cao và nghệ thuật diễn xướng khá phong phú. Chỉ riêng trong Lễ cấp sắc của người Dao Quần Chẹt xuất hiện 11 điệu múa, 36 làn điệu hát khác nhau… Các điệu múa này được diễn ra ở hầu hết các nghi lễ trong quá trình cấp sắc.  Âm nhạc được sử dụng trong Lễ cấp sắc của người Dao Quần Chẹt là khá phong phú và đa dạng về mặt nội dung và hình thức. Người Dao Quần Chẹt đón thầy cúng bằng đội nhạc (trống, chiên, kèn) và học trò thì mang nạo bạt tất cả hòa tấu thành một bản nhạc vang khắp thôn bản, xua đi những cái xấu, tà ma để đón thầy đến làm lễ cấp sắc. Trong quá trình hành lễ, trống, chiêng lại tấu lên những bản nhạc để phụ họa thêm cho các thầy khi làm cúng, tiếng trống, tiếng kèn và lời cúng hòa quyện làm một tạo lên một bài nhạc đưa dẫn các học trò vào thế giới thần tiên, làm say đắm lòng người. Nghệ thuật tạo hình: Tranh cắt giấy là một loại hình nghệ thuật đặc sắc của người Dao Quần Chẹt, vừa mang tính nghệ thuật, vừa mang đậm giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng. Trong Lễ cấp sắc của người Dao Quần Chẹt xử dụng 15 bức tranh lớn, ngoài ra còn các bức tranh nhỏ. Các bức tranh được kết hợp với nhau theo từng chủ đề, nội dung của từng lễ cúng tạo nên nét đặc riêng mà các dân tộc khác không có được.
Giá trị khoa học: Lễ cấp sắc của người Dao Quần Chẹt là một biểu tượng văn hóa tổng hợp và phức tạp có giá trị trong việc nghiên cứu văn hóa, lịch sử tộc người; như một bức tranh nhiều mặt phản ánh nhiều khía cạnh cuộc sống. Những quan niệm về Lễ cấp sắc, bộ tranh thờ cúng và hệ thống thần linh cùng với các tập tục, truyện kể liên quan đến các tình tiết diễn ra trong Lễ cấp sắc rất có giá trị cho việc nghiên cứu các sắc thái tín ngưỡng tôn giáo của người Dao Quần Chẹt. Qua nghiên cứu về Lễ cấp sắc sẽ góp phần giải mã về nguồn gốc lịch sử, đời sống kinh tế của người Dao ở Việt Nam cũng như người Dao ở các nước trên thế giới.
Thông qua các nghi lễ, loại hình diễn xướng dân gian trong Lễ cấp sắc từ trang phục, nghệ thuật trang trí, các bài múa, bài hát, âm nhạc, ẩm thực... đều có nguồn gốc, lịch sử lâu đời được cộng đồng gìn giữ và phát triển đến ngày nay. Đây là những tư liệu thực tiễn quan trọng giúp các nhà nghiên cứu đánh giá một cách khách quan, chân thực về đời sống sinh hoạt văn hóa, các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian của người Dao Quần Chẹt. Qua đó, cũng cho thấy sự ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa bên ngoài, đặc biệt là Đạo giáo vào đời sống sinh hoạt văn hóa của người Dao Quần Chẹt, và người Dao Quần Chẹt đã tiếp nhận những yếu tố văn hóa đó theo cách riêng của mình. Ngoài ra trong Lễ cấp sắc còn xuất hiện yếu tố Nho giáo thể hiện trong mối quan hệ giữa cha và con, thầy cúng đến làm lễ và người thụ lễ (quan hệ thầy - trò). Như vậy, chỉ thông qua Lễ cấp sắc có thể nhận diện đặc điểm tín ngưỡng tôn giáo truyền thống của người Dao Quần Chẹt chịu ảnh hưởng từ nhiều hình thái tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau.
Lễ cấp sắc từ xưa tới nay vẫn đóng một vai trò hết sức quan trọng trong cộng đồng người Dao Quần Chẹt nói riêng, cộng đồng người Dao nói chung. Với bất kỳ nhóm ngành Dao nào, người đàn ông cũng phải trải qua Lễ cấp sắc mới có được sự thừa nhận của xã hội. Chỉ khi trải qua Lễ cấp sắc họ mới được cộng đồng công nhận là người trưởng thành, là thành viên của xã hội và được tôn trọng, được hưởng mọi đặc quyền đặc lợi như các thành viên khác. Lễ cấp sắc của người Dao là hiện tượng văn hóa phức tạp, có sự tổng hợp của các loại hình văn hóa dân gian, từ nghệ thuật tạo hình, âm nhạc, ẩm thực, nghệ thuật trình diễn... luôn thu hút đông đảo mọi người tham gia. Ngoài thầy cúng, người học trò, người dân biết hát, biết múa cũng có thể tham gia vào các bài hát, bài múa để giải tỏa những khó khăn, vất vả trong cuộc sống. Lễ cấp sắc trở thành môi trường gìn giữ, trao truyền những những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng. Thông qua Lễ cấp sắc, nhiều loại hình trình diễn dân gian được bảo tồn và phát huy giá trị. Lễ cấp sắc luôn đóng vai trò là cầu nối, tăng cường tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái giúp đỡ nhau giữa các thành viên trong cộng đồng; là sự thống nhất, đoàn kết về mặt văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh tạo ra một sợi dây vững chắc, tạo ra sự cố kết vững chắc trong đời sống sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người Dao Quần Chẹt.
Ghi nhận giá trị tiêu biểu của di sản, Lễ cấp sắc của người Dao Quần Chẹt xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 446/QĐ-BVHTTDL ngày 29/01/2019.
 
      Lê Thoa
                                                                                           TP. QL Di sản văn hóa
 
Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com