Thứ 6 | 08/12/2017
Ca trù là một loại hình nghệ thuật có từ lâu đời, độc đáo và có ý nghĩa đặc biệt trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, văn chương, âm nhạc, tư tưởng, triết lý sống của người Việt.
Theo các nhà nghiên cứu khảo cổ, lịch sử, mỹ thuật, âm nhạc, vào thế kỷ XV, Ca trù đã có mặt trong văn hóa Việt Nam. Trải qua quá trình phát triển lâu dài, Ca trù đã ngày càng xâm nhập vào hầu hết các mặt của đời sống quá khứ và khẳng định tư cách độc lập và độc đáo của nó trong bức tranh chung của văn hóa dân tộc. Nghệ thuật Ca trù diễn ra trong các không gian ở đình làng, đền thờ thần, nhà thờ tổ nghề, dinh thự và ca quán thính phòng. Cùng với đó là các hình thức hát thờ, hát thi, hát tế tiên sư, hát chơi, không những đóng góp vào sinh hoạt của cộng đồng làng xã, của giới trí thức mà còn góp phần vào các hoạt động lễ tiết của nhà nước trong khuôn khổ của việc đón tiếp ngoại giao. Quá trình này gắn liền vớihoạt động của tổ chức giáo phường (sinh hoạt và tổ chức giáo phường), cũng như các nét đẹp trong sinh hoạt và quan hệ trong các giáo phường Ca trù. Kết quả điều tra, nghiên cứu do Viện Âm nhạc thực hiện năm 2005, cho thấy Ca trù hiện có ở 17 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đóng góp của Ca trù vào văn hóa Việt Nam thật lớn. Từ Ca trù, một thể thơ hết sức độc đáo ra đời và trở nên có vị trí sáng giá trong dòng văn hoặc chữ Nôm của dân tộc. Đó là thể thơ hát nói, được ưa chuộng qua nhiều thế kỷ. Về mặt âm nhạc, có hai loại nhạc khí là đàn Đáy và Phách, trải qua quá trình sử dụng lâu dài đã trở thành những nhạc khí đặc trưng của Ca trù, góp phần đưa Ca trù trở nên một thể loại thanh nhạc kinh điển của Việt Nam. (Nguồn Cục Di sản văn hóa - Bộ VHTTDL).
Ca trù được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại năm 2009. Phú Thọ nằm trong 17 tỉnh, thành vùng lan tỏa của Ca trù. Phú Thọ là một trong những vùng sớm được tiếp thu và sử dụng lối Hát Ca Trù trong các dịp lễ hội, đình đám, vui chơi giải trí và là một sản phẩm tinh thần trong đời sống sinh hoạt văn nghệ dân gian của cộng đồng, tồn tại song hành với các làn điệu Hát Xoan, Hát Ghẹo vùng trung du đất Tổ.
Năm 2013 - 2015, tỉnh Phú Thọ thực hiện Kiểm kê di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, trong đó có kiểm kê đối với di sản Ca trù. Kết quả kiểm kê cho thấy di sản văn hóa phi vật thể Ca trù đang được nắm giữ, thực hành ở thôn Trinh Nữ, xã Bình Bộ, huyện Phù Ninh và một số Câu lạc bộ hát dân ca.
Giai đoạn 2014 - 2017, do nhiều nguyên nhân, việc thực hành, truyền dạy Ca trù ở một số Câu lạc bộ, nhóm hát tuy không hoạt động thường xuyên, sôi nổi, rộng khắp như trước đó, nhưng Ca trù vẫn được duy trì, thực hành di sản. Năm 2014, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ đã cử nhóm Hát Ca Trù gồm một số ca nương, kép đàn, kép trống là diễn viên Đoàn nghệ thuật Chèo, xã Phượng Lâu tham gia Liên hoan Ca trù toàn quốc, ca nương Nguyễn Thị Minh Luân đã đạt giải B, ca nương Nguyễn Thị Hồng Nhung đạt giải khuyến khích.
Năm 2015, tại Liên hoan Hát Xoan và dân ca Phú Thọ tổ chức phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, ca nương Nguyễn Thị Hồng Nhung của thành phố Việt Trì đã đạt giải B cho tiết mục Hát Ca trù.
Câu lạc bộ Lạc Hồng của Trung tâm văn hoá thông tin (nay là Trung tâm văn hóa và chiếu phim - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ) do Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Quốc Giới làm chủ nhiệm. Thời gian trước năm 2014, Câu lạc bộ hoạt động tương đối đều đặn, các hoạt động trình diễn, truyền dạy Ca trù được duy trì tổ chức ở Câu lạc bộ và tham gia trình diễn ở một số sự kiện văn hóa ở địa phương. Đến nay, một số ca nương, kép đàn đã nghỉ hưu theo chế độ nên việc hoạt động của câu lạc bộ bị gián đoạn, không duy trì thường xuyên.
Câu lạc bộ Dân ca của thành phố Việt Trì do ông Điền Ngọc Phách, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật thành phố Việt Trì làm chủ nhiệm. Giai đoạn 2012 - 2014, Câu lạc bộ hoạt động tương đối sôi nổi, tham gia một số hoạt động văn hóa tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng trong thời gian tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, thu hút rất đông lượng khán giả. Năm 2014, ông Điền Ngọc Phách bị bệnh nặng, Câu lạc bộ hoạt động không thường xuyên, có nguy cơ ngừng hoạt động.
Nhóm Hát Ca Trù gia đình nghệ nhân Phạm Thị Bang, thôn Trinh Nữ, xã Bình Bộ, huyện Phù Ninh duy trì hoạt động truyền dạy, thực hành di sản tương đối ổn định trước năm 2012. Năm 2013, cụ Phạm Thị Bang qua đời, nhóm Hát Ca Trù gia đình cụ Bang không duy trì hoạt động thường xuyên. Hiện vẫn còn một số thành viên Câu lạc bộ trong dòng họ và ở thôn Trinh Nữ.
Tuy các câu lạc bộ không duy trì hoạt động thường xuyên, nhưng một số ca nương, kép đàn là cán bộ Trung tâm Văn hóa và Chiếu phim, Đoàn nghệ thuật Chèo, Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ca nương của xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì vẫn tiếp tục tham gia các hoạt động trình diễn Hát Ca trù trong và ngoài tỉnh, vẫn tiếp tục trình diễn, thực hành di sản tại một số sự kiện văn hóa của địa phương và tham gia trình diễn Ca trù tại một số địa phương khác. Đó là:
Ca nương Nguyễn Thị Hạnh, thành viên Câu lạc bộ Lạc Hồng. Từ năm 2016 đến nay, chị Hạnh vẫn tham gia trình diễn Hát Ca trù tại phố đi bộ Hồ Gươm theo lời mời của Câu lạc bộ Ca trù Thái Hà, Hà Nội. Chị Hạnh còn tự theo học Hát Ca trù bằng kinh phí của cá nhân do nghệ sỹ ưu tú Trần Thị Yên của Câu lạc bộ Ca Trù Thái Hà truyền dạy.
 

Ca nương Nguyễn Thị Hạnh - cán bộ Trung tâm Văn hóa và Chiếu phim

 
Số thành viên Câu lạc bộ Dân ca của thành phố Việt Trì trước kia, hiện nay do Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Lịch là Trùm phường Xoan An Thái, xã Phượng Lâu vẫn sinh hoạt, tuy nhiên không thường xuyên. Ca nương Nguyễn Thị Hồng Nhung, kép đàn Nguyễn Như Quỳnh, kép trống Nguyễn Anh Tuấn vẫn tham gia trình diễn Hát Ca trù tại địa phương và trong một số hoạt động văn hóa của thành phố, của tỉnh. Nguyện vọng của Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch và các thành viên Câu lạc bộ mong muốn được nhà nước quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện được kiện toàn thành Câu lạc bộ Ca Trù xã Phượng Lâu để tiếp tục thực hành, truyền dạy, bảo tồn di sản Hát Ca trù.
Hàng năm, trong nội dung tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có tổ chức Liên hoan hát Xoan và dân ca Phú Thọ. Một số địa phương trong tỉnh đã tham gia Liên hoan với các tiết mục trình diễn Ca Trù, như thành phố Việt Trì.
Hiện nay di sản Ca trù đang đối mặt với những thách thức lớn về bảo tồn và phát huy trong đời sống đương đại. Ca Trù vốn là một loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống rất kén người nghe, với những kỹ năng phức tạp, đòi hỏi người học phải rất tốn công sức khổ luyện mới có thể thành thục trong nghề nên không nhiều người có thể theo học được. Ca nương nổi tiếng ở Phú Thọ như nghệ nhân Phạm Thị Bang không còn. Số nghệ nhân có khả năng truyền dạy rất ít và đang có nguy cơ mai một theo thời gian mà chưa thể truyền hết các kỹ thuật, kỹ năng hát Ca trù cho thế hệ trẻ. Hơn nữa trong điều kiện kinh tế xã hội hiện nay, giới trẻ đang có xu hướng ít quan tâm tới các giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc, trong đó có nghệ thuật biểu diễn truyền thống. Đây là một khó khăn trong việc phát triển đội ngũ kế cận.
Nguồn nhân lực thực hiện việc truyền dạy, thực hành di sản Ca trù ở các địa phương, các Câu lạc bộ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ vừa thiếu, vừa yếu chưa đáp ứng được yêu cầu cần thiết của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Ca trù. Các câu lạc bộ, nhóm Hát Ca trù trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hoạt động không thường xuyên do những khó khăn về con người, kinh phí, trang thiết bị… Hiện chỉ còn một số cá nhân là ca nương, kép đàn tiếp tục tham gia học và trình diễn Hát Ca trù.
Kế hoạch các năm tiếp theo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ có các biện pháp củng cố các Câu lạc bộ Hát Ca trù, nhóm Hát Ca trù ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh: Huyện Phù Ninh, thành phố Việt Trì và Trung tâm Văn hóa và Chiếu phim thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đặc biệt là Câu lạc bộ Dân ca do Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch là Trùm phường Xoan An Thái tổ chức theo nguyện vọng của các thành viên được kiện toàn thành Câu lạc bộ Ca Trù xã Phượng Lâu để tiếp tục thực hành, truyền dạy, bảo tồn di sản Hát Ca trù.
Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có cơ chế, chính sách cụ thể đầu tư, hỗ trợ cho việc truyền dạy di sản, cho các Câu lạc bộ, nhóm Hát Ca trù, cá nhân tâm huyết đối với di sản Hát Ca trù có điều kiện thực hành, truyền dạy thường xuyên. Ca trù hiện nay vẫn chỉ truyền dạy bằng phương pháp truyền miệng, vì vậy cần sớm tư liệu hóa một cách hệ thống để khi các nghệ nhân cao niên mất đi rồi, vẫn có thể dùng tư liệu này để truyền dạy.
                                                                                    Lê Thoa
TP. QL di sản văn hóa - SVHTTDL
 
Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com