Thứ 6 | 02/12/2016
Thực hiện Kế hoạch số 4399/KH-UBND ngày 23/10/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc Lập hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu tỉnh Phú Thọ đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2015 – 2016. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ đã phối hợp với các huyện Lâm Thao, Thanh Thủy triển khai lập hồ sơ khoa học 02 Lễ hội truyền thống: Lễ hội Trò Trám, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao và Lễ hội đình Đào Xá, xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy. Tại Quyết định số 4036/QĐ-BVHTTDL ngày 21/11/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tỉnh Phú Thọ đã vinh dự có 02 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2016 (cả nước có 17 di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh). Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Trò Trám, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao và Lễ hội đình Đào Xá, xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy:
1.Lễ hội Trò Trám, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao:
 Lễ hội Trò Trám được tổ chức vào hai ngày 11 và 12 tháng Giêng tại xóm Trám, xã Tứ Xã và không gian văn hóa thu nhỏ là miếu Trám và điếm Trám. Lễ hội Trò Trám là lễ hội đặc sắc của người Việt ở vùng Trung du Bắc bộ, mang đậm giá trị văn hoá cổ truyền và dấu ấn của nền văn minh sông hồng, văn minh lúa nước, nó gắn kết chặt chẽ và là sinh hoạt văn hoá tinh thần không thể thiếu của cư dân nông nghiệp. Lễ hội Trò Trám với những nghi lễ, tập tục và ý niệm mang đậm tín ngưỡng phồn thực, đặc biệt được thể hiện trong “Lễ mật”, mang một màu sắc linh thiêng với tâm nguyện của con người cầu mong cho sự bình an, sự sinh sôi nảy nở cho con người, cây trồng, vật nuôi và cầu cho mùa màng tươi tốt, bội thu.  Lễ hội Trò Trám được lưu truyền, kế thừa và ngày càng phong phú qua nhiều thế kỷ với những lễ nghi, tập tục, trò diễn, tất cả đều thể hiện những quan niệm về cuộc sống, nòi giống, sự sinh tồn, các phong tục tập quán sinh hoạt hàng ngày. Lễ hội Trò Trám đã bảo lưu được giá trị văn hóa truyền thống, nền văn minh thôn dã, ý thức về cội nguồn, về tài năng văn hóa nghệ thuật...; đã được các thế hệ gìn giữ và trao truyền những tinh hoa văn hóa truyền thống giầu bản sắc địa phương, vùng miền vốn có từ ngàn xưa mà ông cha đã để lại cho con cháu muôn đời về sau. Lễ hội được tổ chức thường niên đã có tác dụng giáo dục truyền thống rất cao, giúp cho thế hệ trẻ nhớ về cội nguồn lịch sử dân tộc, củng cố khối đoàn kết cộng đồng làng xã, tăng thêm lòng yêu quê hương đất nước, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” đã in đậm trong tâm thức người Việt.
  
Diễn trò “tứ dân chi nghiệp” trong Lễ hội Trò Trám
 
2. Lễ hội đình Đào Xá, xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy:
 Lễ hội truyền thống đình Đào Xá tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 27 đến ngày 29 tháng Giêng, chính tiệc là ngày 28 tại làng Đào Xá, xã Đào Xá và thu nhỏ dần là không gian văn hóa đình Đào Xá và đền Đào Xá. Làng Đào Xá, xã Đào Xá là một trong 129 làng đang thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Húng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, có liên quan trực tiếp đến sinh hoạt văn hóa lễ hội gắn với sinh hoạt văn hóa Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam kiểm kê, đưa vào Báo cáo kiểm kê và Danh mục kiểm kê thuộc Hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2012. Lễ hội đình Đào Xá có giá trị lịch sử sâu sắc, gắn liền với lịch sử thờ tự Hùng Hải Công - nhân vật huyền thoại thời kỳ Hùng Vương dựng nước; là lễ hội bao hàm, phản ánh nhiều tín ngưỡng truyền thống của người dân đất Việt: Tín ngưỡng nông nghiệp lúa nước, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ thủy thần gắn với không gian văn hóa Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; có giá trị bảo lưu truyền thống một cách sâu đậm, mạnh mẽ. Là loại hình lễ hội truyền thống, Lễ hội đình Đào Xá chứa đựng những giá trị: Giá trị cố kết và biểu dương sức mạnh cộng đồng; giá trị hướng về cội nguồn; giá trị cân bằng đời sống tâm linh; giá trị sáng tạo và hưởng thụ văn hóa; giá trị bảo tồn và trao truyền văn hóa. Lễ hội truyền thống đình Đào Xá chính là môi trường bền vững để nuôi dưỡng, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp; để thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng, đời sống tâm linh, nhu cầu giải trí tinh thần của các thế hệ người dân Đào Xá cùng cộng đồng gần xa. Sự gắn bó cộng đồng trên cơ sở các giá trị văn hóa truyền thống luôn bền vững, là cội nguồn sức mạnh đoàn kết đã được minh chứng qua lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
 
Rước Voi trong Lễ hội đình Đào Xá
 
Lê Công Luận
                                                                       Phó trưởng phòng Di sản Văn hóa
 
 
 
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com