baophutho.vnNhững năm gần đây, phong trào văn hóa-văn nghệ quần chúng của huyện Tân Sơn diễn ra sôi nổi với nhiều câu lạc bộ (CLB), đội, nhóm được thành lập. Mô hình này không chỉ góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân mà còn lan tỏa, tiếp lửa đam mê các giá trị văn hoá dân tộc của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Các thành viên CLB văn hoá văn nghệ dân gian xã Kim Thượng tập luyện các điệu hát múa truyền thống của dân tộc Mường.
Mỗi khi có sự kiện lớn của địa phương hay vào mỗi dịp lễ, Tết, tại Nhà sinh hoạt cộng đồng xã Kim Thượng lại vang lên điệu hát, điệu múa như: Hát Ví, hát Rang, múa mỡi, múa xoè, múa Sinh Tiền, đâm đuống, chạm ống, cồng chiêng... của các thành viên CLB văn hoá văn nghệ dân gian của xã.
Bà Sa Thị Tâm - Chủ tịch Hội Người cao tuổi, Chủ nhiệm CLB văn hoá văn nghệ dân gian xã Kim Thượng cho biết: “CLB được thành lập từ năm 2019, lúc đầu có 40 thành viên, hiện nay lên 60 thành viên. Sau khi được thành lập, chúng tôi đã tìm tòi, sưu tầm những đặc trưng văn hoá của người Mường để đưa vào tập luyện và biểu diễn. Để hoạt động hiệu quả, CLB chia thành 4 tổ sinh hoạt, đề ra quy chế cụ thể, nhờ đó đã tạo ý thức, trách nhiệm cho các thành viên. Điểm nổi bật trong hoạt động của CLB là đã khôi phục lại được được diễn xướng cồng chiêng - đây là một trong những loại hình nghệ thuật truyền thống rất lâu đời của người Mường. Ngoài ra, CLB còn chủ động tiên phong khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm, truyền dạy cho nhiều lớp trẻ là phụ nữ và thanh niên, được các cấp uỷ, chính quyền và Nhân dân đánh giá cao”.
Chị Hà Thị Thảo - 35 tuổi, thành viên CLB cho biết: Điệu hát Ví, hát Rang và âm thanh của các nhạc cụ dân tộc đã thấm đẫm vào tâm hồn của tôi từ khi còn nhỏ. Được gia đình và bà Sa Thị Tâm động viên nên tôi đã tham gia CLB khi 18 tuổi. Qua sinh hoạt, tôi có nhiều cơ hội được học tập và thể hiện năng khiếu của mình, có sự hiểu biết sâu sắc về ý nghĩa của từng loại hình nghệ thuật. Giờ đây, mỗi khi đi giao lưu, biểu diễn cho đồng bào hoặc trước du khách thập phương, tôi luôn tự tin, tự hào, mong muốn mang tiếng hát, điệu múa - bản sắc quê hương quảng bá khắp mọi miền.
Bà Hà Thị Tiên là người Mường ở xã Kiệt Sơn luôn đam mê văn nghệ từ thuở nhỏ nên đã quyết tâm học bằng được những làn điệu hát Ví, hát Rang cổ... Với vai trò là chủ nhiệm CLB dân gian xã, bà thường xuyên kết nối với các CLB văn nghệ của các xã trên địa bàn huyện Tân Sơn, Thanh Sơn và một số xã vùng cao của các tỉnh như: Tuyên Quang, Sơn La, Hoà Bình để học hỏi giao lưu kinh nghiệm, sưu tầm những giá trị văn hoá truyền thống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, bà còn là hạt nhân đi đầu trong việc tham gia các lớp tập huấn để hướng dẫn, thực hành di sản văn hóa truyền thống như hát Ví, hát Rang, chàm đuống... cho hàng nghìn lượt học viên trong và ngoài địa bàn huyện Tân Sơn.
Bà Hà Thị Tiên cho biết: “CLB hiện có 40 thành viên, với các độ tuổi khác nhau từ 32 đến 70 tuổi. Các thành viên trong CLB luôn sẵn sàng và tự nguyện dành cả buổi để luyện tập và quay các video quảng bá trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. CLB không chỉ biểu diễn phục vụ các sự kiện lớn ở địa phương, mà còn tham gia biểu diễn tại Lễ hội Đền Hùng và một số lễ hội ở các địa phương ngoài tỉnh. Mỗi khi đi biểu diễn, chúng tôi đều rất kỹ lưỡng trong việc chọn bài, trang phục, đạo cụ để tăng sức hấp dẫn cho khán giả”.
Đồng chí Cù Thị Thu Hằng - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tân Sơn cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện có 183 CLB văn hóa, văn nghệ dân gian với trên 3.000 thành viên ở các loại hình: Chàm Đuống, hát Ví, hát Rang, múa Chuông, múa ống, múa khăn Mường, múa kẹp, múa Sinh Tiền; lập tĩnh, múa khèn, cồng chiêng, hát Xoan... Đây là lực lượng nòng cốt phát triển văn hoá, văn nghệ dân gian ở cơ sở. Các CLB không chỉ lưu giữ những giá trị văn hóa các dân tộc, trong đó có dân tộc Mường mà còn là hoạt động ý nghĩa, góp phần thu hút, tạo ấn tượng tốt đẹp với Nhân dân, du khách thập phương về con người, vùng đất giàu bản sắc, văn hoá truyền thống Tân Sơn.
Anh Thơ
Dẫn nguồn: Lan tỏa đam mê văn hóa dân tộc