Thứ 3 | 28/05/2024

(Ths Nguyễn Tiến Khôi – Chủ tịch hội KHLS tỉnh Phú Thọ)

 
     Mỗi một dân tộc trên thế giới đều có bề dày lịch sử và văn hóa của dân tộc mình. Chính điều đó đã quyết định sức sống, sự phát triển và bản sắc văn hóa của từng dân tộc trên hành tinh này .
     Dân tộc Việt Nam có bề dày hàng ngàn năm lịch sử. Trong tâm linh và tình cảm của những người dân đất Việt đều tin rằng cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ là khởi nguồn của dân tộc và các vua Hùng là những người có công dựng nước.          
      Biết ơn những bậc tiền nhân đã có công khai sơn phá thạch để xây dựng nước non này, cộng đồng dân tộc Việt Nam đã tôn vinh Hùng Vương là ông Tổ của mình để đời đời thờ phụng. Từ thờ cúng tổ tiên của từng gia đình đến thờ cúng, ông Tổ chung của cả dân tộc là nét đẹp văn hóa - tín ngưỡng, biểu hiện tính cách rất riêng và đạo lý, lòng biết ơn của người Việt Đối với các bậc tiền nhân có công dựng nước.
     Ở Việt Nam, hầu như gia đình nào cũng có bàn thờ Tổ, được đặt ở những nơi trang trọng nhất trong nhà; rồi đến tổ tiên một chi họ, một họ ( nhà thờ chi, nhà thờ họ)  đến nhà thờ tổ tiên của một làng được thờ ở các đình, đền, miếu… và cao hơn cả là thờ tổ tiên chung của cộng đồng dân tộc.
Là một đất nước phải chịu đựng nhiều hy sinh mất mát do thiên tai địch họa để có được độc lập, tự do và có được cơm no áo ấm, những người dân đất Việt đã phải đánh đổi điều đó bằng cả sự nỗ lực, máu và nước mắt của những người thân yêu nhất trong gia đình và dòng họ. Vì thế sự biết ơn và lòng thủy chung đã trở thành đạo lý và truyền thống của dân tộc Việt Nam “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”. Từ thực tế đó cho chúng ta hiểu vì sao trong mỗi gia đình Việt Nam đều có bàn thờ gia tiên, trong các làng xã có bàn thờ Thành Hoàng làng và cả nước có chung việc thờ cúng ông Tổ vua Hùng.
     Ngày giỗ của ông bà, cha mẹ hay tổ chi, tổ họ con cháu đều tụ họp đông đủ, chuẩn bị lễ vật để dâng lên bàn thờ kính lễ. Dân tộc Việt Nam đã chọn ngày mùng 10/ 3 âm lịch hàng năm làm ngày giỗ Tổ. Từ xưa đến nay vào những ngày đầu tháng 3 âm lịch, mọi người dân đất Việt đều hướng về cội nguồn dân tộc, có rất nhiều người ở các địa phương về với vùng đất linh thiêng để tham gia lễ hội Đền Hùng. Trong những ngày hội mở, các làng xã quanh khu vực có đền thờ Tổ Hùng Vương tham gia rước kiệu và các hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ lễ hội. Đến ngày 10/3 âm lịch hàng năm Nhà nước và nhân dân thực hiện các nghi lễ giỗ Tổ Hùng Vương. Chính vì vậy, trong dân gian đã truyền tụng câu ca có từ bao đời nay:

Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm.

     Từ ý nghĩa và vị trí quan trọng của ngày giỗ Tổ trong tâm linh người dân đất Việt nên trong cuộc đời của mỗi người, dù làm gì và sống ở nơi đâu, ai cũng muốn một lần trong cuộc đời hành hương về vùng đất cội nguồn, thắp một nén tâm nhang để tưởng nhớ công ơn của các Vua Hùng. Có lẽ trên thế giới ít có nơi nào lại có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên chung như dân tộc Việt Nam.
     Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thuộc văn hoá tín ngưỡng thờ Tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Các vua Hùng được nhân dân lập đền thờ chính tại núi Nghĩa Lĩnh - xã Hy Cương - thành phố Việt Trì - tỉnh Phú Thọ. Ngoài ra còn vô số các đền miếu thờ cúng Hùng Vương và tướng lĩnh dưới thời các Vua Hùng ở Phú Thọ và nhiều địa phương trong cả nước. Người Việt Nam có quan niệm: Sự tử là để sự sinh, sự vong là để sự tồn, vì thế Hùng Vương trong tâm khảm của người Việt là người khai sáng ra đất nước và dân tộc. Cho nên tín ngưỡng Hùng Vương trong tiến trình lịch sử luôn là yếu tố nội lực của văn hóa dân tộc, góp phần hun đúc lòng tự hào, tạo nên tinh thần đoàn kết yêu nước thương nòi của người Việt Nam: “ Cây có cội, nước có nguồn”, “ Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Người Việt thờ cúng các vua Hùng chính là để tôn vinh dân tộc mình. Đền Hùng không phải là gốc của một tôn giáo, các Vua Hùng không phải là giáo chủ, người Việt thờ Hùng Vương không có học thuyết và cũng không hề có giáo hội truyền bá, nhưng từ bao đời nay, người Việt vẫn hành hương về Đền Hùng để tri ân Quốc Tổ - những người đã có công dựng nước. Lòng biết ơn, thành kính tổ tiên đã được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát biểu trong ngày giỗ Tổ Hùng Vương năm 1969: “Từ lòng biết ơn đến sự tôn kính các thế hệ tiền nhân và tổ tiên gia đình, dòng họ, dân tộc ta đã phát triển hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần ấy thành một đạo lý và tín ngưỡng dân tộc độc đáo, là tín ngưỡng và phụng thờ một Tổ tiên chung của toàn dân tộc - các vua Hùng”.
     Ở Việt Nam tuy có nhiều tín ngưỡng và tôn giáo sống đan xen và dung hòa trong cuộc sống văn hóa tâm linh thường nhật của người Việt, nhưng những tín ngưỡng văn hóa dân gian hầu hết đều mang yếu tố nội sinh, trong đó có tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Cùng với sự phát triển của đất nước qua mấy nghìn năm lịch sử,  tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành một loại hình sinh hoạt văn hóa đặc sắc trong đời sống tâm linh của dân tộc Việt. Chính vì thế mà tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tồn tại và phát triển theo dọc chiều dài lịch sử Việt Nam. Xuất phát từ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong dân gian đến các triều đại phong kiến độc lập tự chủ trước đây và cả thời hiện tại, Nhà nước rất quan tâm đến việc tôn thờ, tôn vinh các vua Hùng, vì thế mà Đền Hùng được quan tâm đầu tư xây dựng để là nơi thờ tự Quốc Tổ của dân tộc.
     Giỗ Tổ Hùng Vương lễ hội Đền Hùng từ ngàn đời nay đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân đất Việt. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - tổ tiên chung của dân tộc sẽ mãi mãi trường tồn. Các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau ngày càng biết trân trọng và giữ gìn những thành quả mà ông cha ta để lại, tự hào về quá khứ của dân tộc mình.
     Về nơi thờ tổ tiên của dân tộc không chỉ là về với cội nguồn mà còn là cuộc hành hương về với đức tin truyền thống, vào sự linh thiêng huyền diệu của tổ tiên, của hồn thiêng sông núi. Cũng chính nhờ có đức tin và sự tôn thờ bất diệt trong tâm thức của mỗi người con đất Việt đối với tổ tiên ông bà, cha mẹ đến các Vua Hùng, mà trong các thời kỳ lịch sử sức mạnh của dân tộc đã được nhân lên gấp bội, vượt qua mọi khó khăn thử thách để tồn tại và không ngừng phát triển.
     Do có đức tin vào tín ngưỡng Hùng Vương, nên hàng năm có hàng triệu lượt người về tri ân công đức tổ tiên tại Đền Hùng, không phân biệt già trẻ, tôn giáo, vùng miền và cả những người con xa Tổ quốc, tất cả mọi người Việt Nam mang trong mình dòng máu Lạc Hồng không bao giờ quên cội nguồn dân tộc./.

Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com