Thứ 2 | 28/11/2016
Sau 20 năm tái lập tỉnh, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ đã không ngừng phát triển, làm tốt công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, khẳng định vị trí và vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Những ngày đầu tái lập tỉnh với những bộn bề, đời sống kinh tế, xã hội khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, cơ sở vật chất thiếu thốn, các lĩnh vực của đời sống văn hóa tồn tại không ít thách thức. Tuy nhiên, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ đã không ngừng đổi mới, tăng cường công tác quản lý Nhà nước bằng việc tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các quy hoạch, chương trình, dự án, đề án và tổ chức triển khai thực hiện để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ngành trên các lĩnh vực. Ở lĩnh vực văn hóa, ngành đã thực hiện tốt chức năng quản lý, hướng dẫn và kiểm tra các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa; góp phần tạo lập môi trường văn hóa lành mạnh trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan, tuyên truyền lưu động, chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật, trưng bày, triển lãm thông qua ấn phẩm sách báo… phục vụ nhiệm vụ chính trị và kỷ niệm các ngày lễ lớn đã được nâng cao về chất lượng và không ngừng đổi mới về nội dung, hình thức, đem lại hiệu quả tích cực, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chính trị, góp phần tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới đông đảo các tầng lớp nhân dân. Hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao kỷ niệm các ngày lễ lớn được tổ chức sôi nổi, rộng khắp, bảo đảm chất lượng nghệ thuật, nội dung tư tưởng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ tinh thần của nhân dân. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, phát hành phim và chiếu bóng đã phục vụ tốt nhân dân vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội cơ bản đạt yêu cầu, ý thức thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội và kinh doanh dịch vụ văn hóa, du lịch của người dân đã chuyển biến tích cực. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc được thực hiện tốt, điển hình với 2 di sản văn hóa phi vật thể “Hát Xoan Phú Thọ” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” đã được UNESCO   công nhận và vinh danh; 2 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu được Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Lễ hội Trò Trám, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao và Lễ hội đình Đào Xá, xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy. Các di tích trên địa bàn tỉnh được quan tâm tu bổ, phục hồi đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh đã có 307 di tích được Nhà nước xếp hạng, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 73 di tích quốc gia, 233 di tích cấp tỉnh. Phong trào văn nghệ quần chúng ở Phú Thọ có bước phát triển với 885 đội văn nghệ quần chúng và 327 CLB các cấp.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và công tác gia đình có nhiều chuyển biến tích cực. Phú Thọ là một trong những tỉnh đi đầu cả nước đạt chỉ tiêu 100% các xã có quỹ đất xây dựng nhà văn hóa khu dân cư và 100% khu dân cư có nhà văn hóa. Tỷ lệ gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa được tăng lên qua từng năm; tính đến năm 2016 đã có 87,5% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 87% khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa.
Là tỉnh miền núi, những năm đầu mới tái lập tỉnh, thể thao Phú Thọ còn có nhiều khó khăn về: Cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ làm công tác TDTT, công tác chuyên môn phát triển thể thao quần chúng, đào tạo VĐV năng khiếu, thể thao thành tích cao nên kết quả đạt được còn ở mức độ khiêm tốn. Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo từ tỉnh đến địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, đoàn thể, cùng với sự nỗ lực, tích cực của đội ngũ cán bộ làm công tác TDTT đến nay thể thao Phú Thọ đã có những sự chuyển biến tích cực. Phong trào TDTT quần chúng góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa, đẩy mạnh sự nghiệp TDTT phát triển toàn diện. Việc triển khai và tổ chức thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” đạt kết quả cao. Đến nay, tỷ lệ người tập luyện TDTT trên toàn tỉnh đạt 33%, số gia đình thể thao đạt 26,5%, số CLB TDTT đạt 1.650 CLB.
Các thiết chế văn hoá, thể thao phục vụ cho hoạt động TDTT từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm. Toàn tỉnh có 13/13 huyện, thị, thành đã hoàn thành quy hoạch đất cho các hoạt động TDTT (đạt 100%). Hiện tỉnh có 32 sân vận động (1 sân vận động đạt tiêu chuẩn Quốc gia), 515 sân bóng đá, 17 bể bơi (có 1 bể bơi đạt tiêu chuẩn thi đấu Quốc gia), 1.679 sân bóng chuyền, 79 sân quần vợt, 37 nhà luyện tập TDTT, 1 sân tập golf, 1.670 sân cầu lông, đá cầu. Cở sở vật chất đồng bộ cùng với công tác tổ chức tốt, hàng năm Phú Thọ vinh dự được đăng cai tổ chức thi đấu nhiều giải thể thao toàn quốc và khu vực. Đặc biệt, năm 2003 tỉnh Phú Thọ đăng cai tổ chức thi đấu thành công môn Bóng ném trong chương trình thi đấu Seagame 22 được tổ chức tại Việt Nam.
Công tác giáo dục thể chất cũng như xây dựng cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động TDTT trong nhà trường được đẩy mạnh. Qua 6 kỳ Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc, thể thao học đường tỉnh Phú Thọ đã có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, năm 2008, tỉnh Phú Thọ vinh dự được đăng cai HKPĐ toàn quốc lần thứ VII, đoàn vận động viên của tỉnh Phú Thọ đã thi đấu thành công, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành, ngành tham gia.
Thể thao thành tích cao đã có những tiến bộ rõ nét; chất lượng công tác tuyển chọn, huấn luyện, đào tạo VĐV, đào tạo các đội tuyển trẻ và tuyển tỉnh ngày càng được nâng lên; chất lượng huy chương đạt được tại các giải khu vực, toàn quốc và thế giới dần được cải thiện. Năm 2007, tại Đại Hội thể thao Đông Nam Á lần thứ XXIV (SEAGAMES 24) tổ chức ở BangKok - Thái Lan, VĐV Nguyễn Chí Ba đạt 1 HCV đồng đội nội dung cung 3 dây nam. Tính đến tháng 11 năm 2016, thể thao thành tích cao tỉnh Phú Thọ đã tham gia thi đấu 29 giải toàn quốc, khu vực và thế giới, giành được 133 huy chương các loại, trong đó có 2 HCV ở giải Đá cầu Mông Cổ mở rộng và giải PencakSilat vô địch Đông Nam Á; 1 HCB giải PencakSilat vô địch trẻ thế giới; 1 HCĐ môn Wushu giải võ thuật thế giới.
Đối với lĩnh vực du lịch, nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và XVIII đã xác định đây là một trong những khâu đột phá nhằm phát triển KT-XH địa phương. Sau 20 năm tái lập tỉnh, du lịch Đất Tổ có sự phát triển, số lượng du khách đến với Phú Thọ tăng cao. Việc thu hút được các nguồn vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách và các thành phần kinh tế giai đoạn 2006 - 2015 đạt trên 4.600 tỷ đồng đã góp phần hình thành cơ bản kết cấu hạ tầng du lịch - thương mại thiết yếu và bước đầu đưa vào khai thác các dự án thành phần tại các khu du lịch trọng điểm của tỉnh, nổi bật có Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Trung tâm thương mại Vincom Việt Trì, BigC, quảng trường Hùng Vương, Bảo Tàng Hùng Vương, Công viên Văn Lang, Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, Khu Du lịch Vườn Vua... Các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư của tỉnh và công tác xúc tiến, quảng bá tiềm năng du lịch được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm đã thu hút được các doanh nghiệp đầu tư chiến lược vào tỉnh. Các khu, điểm du lịch hình thành rõ nét với các sản phẩm du lịch đặc trưng về du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái - danh thắng, đặc biệt đã gắn du lịch với việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của thế giới với chương trình du lịch “Hát Xoan làng cổ” đã thu hút được các đơn vị lữ hành đưa khách đến, trong đó có các đoàn khách du lịch Quốc tế đến từ nhiều nước trên thế giới. Để phát triển du lịch, ngành đã tập trung vào công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh đồng thời mở rộng các chương trình hợp tác phát triển du lịch và xây dựng, khai thác các sản phẩm thế mạnh vùng Đất Tổ nhằm tăng nhanh các chỉ tiêu về kinh doanh du lịch, dịch vụ, tăng số lượng khách du lịch đến với Phú Thọ.
 
Đồng chí Nguyễn Văn Huynh - Ủy viên TW Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức TW
trao huân chương Lao động hạng Nhất cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
                                                                      Ảnh: Trọng Bằng
 
Ghi nhận những thành tích đạt được, nhiều tập thể, cá nhân ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã được Đảng, Nhà nước; các bộ, ngành Trung ương tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Nhất cho tập thể Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 1 Huân chương Lao động hạng Nhất và 1 Huân chương Lao động hạng Ba cho các tập thể thuộc Sở; 1 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất; 1 cá nhân được nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, 2 cá nhân được nhân Huân chương Lao động hạng Ba; các giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật; phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú và nhiều hình thức khen thưởng khác.
Kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được, ngành VHTTDL tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 của BCH Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể Hát Xoan Phú Thọ và di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ. Tích cực đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực phát triển văn hóa, thể thao, du lịch để văn hóa thực sự trở thành “nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội”.

Nguyễn Ngọc Ân
Giám đốc Sở VH, TT&DL
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com