Thứ 4 | 10/04/2024

baophutho.vnThời gian qua, nhóm liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Tây Bắc mở rộng (TBMR) và thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động đẩy mạnh liên kết quảng bá, xúc tiến du lịch, tạo ra những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn du khách, qua đó tạo động lực cho du lịch tăng trưởng, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương.

Đoàn khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch Tây Bắc mở rộng năm 2023, tại Phú Thọ.

Khai thác tiềm năng sẵn có

Tám tỉnh vùng Tây Bắc mở rộng gồm: Phú Thọ, Hà Giang, Điện Biên, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng vẻ đẹp hùng vĩ, riêng có về địa hình, khí hậu, cảnh quan, hệ sinh thái cùng với nét văn hóa truyền thống, những phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục, các làn điệu dân ca, dân vũ độc đáo là những điểm nổi bật có sức hấp dẫn đặc biệt, níu chân du khách.

Với Phú Thọ, vùng đất của những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đa dạng, phong phú, mang đậm văn hóa cội nguồn dân tộc, đặc biệt, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận là: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan Phú Thọ” tạo điểm nhấn để Phú Thọ xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù. Bên cạnh đó, Phú Thọ còn được thiên nhiên ban tặng nguồn nước khoáng nóng quý giá, phù hợp với du lịch nghỉ dưỡng tại huyện Thanh Thủy, những cảnh đẹp riêng có của đồi chè Long Cốc, Vườn Quốc gia Xuân Sơn - huyện Tân Sơn... đã tạo nên nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, giúp Phú Thọ xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong nước và quốc tế.

Đồng chí Hà Thị Hiền - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn cho biết: “Du khách đến với Xuân Sơn, ngoài trải nghiệm khám phá thiên nhiên còn được hoà mình vào các hoạt động văn hoá cộng đồng của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Vì thế, việc liên kết phát triển du lịch giúp địa phương có cơ hội quảng bá hình ảnh, đời sống văn hóa, con người tới đông đảo doanh nghiệp lữ hành cũng như du khách trong nước và quốc tế”.

Đồng chí Nguyễn Đắc Thủy - TUV, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch các tỉnh, thành phố, nhóm hợp tác đã xác định rõ sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương để tập trung nguồn lực xây dựng và nâng cao chất lượng điểm đến, tạo sức hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp lữ hành và du khách đến thăm quan, trải nghiệm và nghiên cứu phát triển thị trường với một số sản phẩm du lịch nổi bật của từng địa phương. Bên cạnh đó, nhóm thường xuyên tổ chức chương trình khảo sát du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tám tỉnh Tây Bắc mở rộng. Từ các hoạt động khảo sát, thành viên các đoàn đã phân tích, xác định những điểm lợi thế và hạn chế ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch của địa phương, trên cơ sở đó, doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước cùng trao đổi tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất để phát triển sản phẩm du lịch của vùng.

Du khách trải nghiệm giã bánh giầy tại điểm du lịch văn hóa cộng đồng Bạch Hạc, thành phố Việt Trì.

Liên kết đổi mới các sản phẩm du lịch

Với việc đầu tư, nâng cấp sản phẩm du lịch đặc thù và tiếp tục phát triển sản phẩm du lịch mới dựa trên thế mạnh, sự khác biệt của các tỉnh trong nhóm hợp tác, đến nay, một số tour, tuyến đã được khai thác hiệu quả như: Về miền Đất Tổ - Cội nguồn dân tộc với cung đường thành phố Hồ Chí Minh - Hà Nội - Phú Thọ- Lai Châu - Sa Pa, Bảo Yên (Lào Cai) - Quang Bình, Đồng Văn (Hà Giang); tour Bản Hùng ca Tây Bắc với cung đường thành phố Hồ Chí Minh - Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên - Lai Châu - Sa Pa (Lào Cai) - Hà Giang... Năm 2023, nhóm hợp tác đã đưa vào hoạt động một số sản phẩm du lịch mới trên tuyến “Vòng cung Tây Bắc” như: “Hành trình kết nối vùng di sản ruộng bậc thang quốc gia Tây Bắc” - câu chuyện người dệt thổ cẩm giữa đất trời Tây Bắc và “Hùng vĩ Tây Bắc”- ngược dòng sông Đà về miền ký ức, tạo nên sức hấp dẫn mới, làm phong phú lịch trình các điểm đến, giúp cho du khách, doanh nghiệp lữ hành có thêm nhiều lựa chọn trong hành trình khám phá Tây Bắc.

Cùng với đó, các tỉnh, thành phố trong nhóm hợp tác đã chủ động xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch liên tỉnh, liên vùng, trong đó tỉnh Phú Thọ đã tổ chức đón đoàn doanh nghiệp lữ hành (Inbound và Landtour) Tây Bắc khảo sát, liên kết xây dựng tour du lịch Phú Thọ liên kết Tây Bắc; tổ chức đoàn khảo sát và truyền thông cho các hãng lữ hành và báo chí (Famtrip, Presstrip) và tổ chức hội thảo nghiên cứu xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch văn hóa cộng đồng Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, kết nối tour du lịch gắn với các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; phối hợp với tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức đoàn Famtrip “Sắc màu Trung du” gắn với hội thảo xây dựng sản phẩm du lịch thực hành nghi lễ rước nước ngã ba Bạch Hạc, thành phố Việt Trì; xây dựng tour du lịch Vĩnh Phúc - Phú Thọ kết nối liên vùng Tây Bắc...

Năm 2023, tổng lượng khách đến tám tỉnh Tây Bắc mở rộng ước đạt 27 triệu lượt khách. Tại Phú Thọ, khách lưu trú ước đạt 776 nghìn lượt, tăng trung bình 15% so với năm 2022, tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt 3.365 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2022. Năm 2024, du lịch Đất Tổ đặt mục tiêu đón 800 nghìn lượt khách đến lưu trú, trong đó tập trung vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa Du lịch Đất Tổ năm Giáp Thìn 2024.

Đặc biệt, với vai trò Trưởng nhóm liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh TBMR và thành phố Hồ Chí Minh năm 2024, Phú Thọ đã và đang bắt đầu triển khai các kế hoạch chương trình hợp tác, phát triển du lịch trong đó tập trung với các tỉnh trong nhóm hợp tác, dự kiến triển khai các hoạt động trong năm như: Tổ chức Famtrip xây dựng tour du lịch chuyên đề “Kết nối giá trị văn hóa dân tộc, lịch sử cách mạng Tây Bắc và các điểm du lịch cộng đồng”; xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn; điểm đến tham quan vùng chè các tỉnh Tây Bắc; chương trình Festival tinh hoa Tây Bắc năm 2024.

Phú Thọ đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, trong đó chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đẩy mạnh quảng bá, liên kết để phát triển du lịch, tạo điều kiện kết nối cho các đơn vị đến trải nghiệm và khảo sát tại tỉnh. Đặc biệt, duy trì mối liên kết chặt chẽ với các đối tác để xây dựng và phát triển các chương trình tour tuyến đưa khách đến Phú Thọ, tạo ra nhiều cơ hội để quảng bá, thu hút khách đến với Đất Tổ.

Với xu hướng du lịch hiện nay, khách hàng thường lựa chọn nhiều điểm đến trên một cung đường thay vì đơn thuần lựa chọn một điểm vì thế việc liên kết là xu thế tất yếu trong phát triển du lịch, hy vọng rằng mỗi điểm đến sẽ là một trải nghiệm thú vị, không lặp lại, có yếu tố khác biệt tạo nên hành trình đáng nhớ cho du khách khi đến với Phú Thọ nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung.

Thu Hương
Dẫn nguồn: 
Liên kết phát triển du lịch vùng Tây Bắc mở rộng (baophutho.vn)

 

Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com