Thứ 6 | 22/05/2020
PTĐT - Những ngày tháng Tư lịch sử cách đây 45 năm, trong khí thế hào hùng của đoàn quân tiến vào giải phóng miền Nam, chấp hành chỉ thị của quân ủy Trung ương, quân chủng Hải quân đã khẩn trương chuẩn bị lực lượng bám sát tình hình, tranh thủ thời cơ, táo bạo, bất ngờ tấn công giải phóng quần đảo Trường Sa.

 

Ngày ấy, bộ đội ta phương tiện nhỏ và ít. Khi đối mặt với tàu chiến lớn của địch và đại dương mênh mông, quân ta đánh theo kiểu chiến thuật: Bí mật tiếp cận, nhanh chóng đổ bộ, bất ngờ đánh chiếm mục tiêu. Đúng 4 giờ 30 phút sáng ngày 14/4, sau hơn 1 giờ tổ chức đổ bộ, ta nổ súng tiến công, nhanh chóng tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, giải phóng đảo Song Tử Tây, kéo lá cờ Tổ quốc lên đỉnh cột cờ trên đảo. Tiếp đó, ngày 25/4, quân ta tiến công giải phóng đảo Sơn Ca. Ngày 27/4, ta giải phóng đảo Nam Yết và đảo Sinh Tồn. Ngày 28/4, quân ta giải phóng đảo Trường Sa, đảo An Bang, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong vòng nửa tháng với những cố gắng lớn nhất.


Có thể nói, việc giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo trên Biển Đông là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của toàn dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Việc giải phóng các đảo, quần đảo trên Biển Đông đã tiếp thêm sức mạnh thần tốc và tinh thần phấn chấn cho các cánh quân tiến về Sài Gòn, đập tan dinh lũy cuối cùng của chế độ ngụy quyền. Thắng lợi của mũi tiến công thần tốc giải phóng Trường Sa không chỉ thể hiện tinh thần chiến đấu kiên cường anh dũng, mà còn là khát vọng hòa bình của bộ đội hải quân Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.


45 năm trôi qua kể từ ngày được giải phóng, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa vẫn luôn vững vàng bám biển, bám đảo để chung tay xây dựng nơi đây thực sự là địa đầu của Tổ quốc, chỗ dựa tin cậy và vững chắc cho ngư dân của ta vươn khơi, bám biển, khai thác thủy hải sản xa bờ.




Được tham gia đoàn công tác của Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân ra thăm quân và dân quần đảo Trường Sa, trong tôi lắng đọng nhiều cảm xúc, đặc biệt là ý chí của những chàng trai Phù Đổng nơi đầu sóng cả. Ai cũng nhắc nhở nhau rằng, đi là để sẻ chia, động viên các chiến sỹ. Nhưng ra đây rồi thì chính họ, những con người đang sống nơi đầu sóng, ngọn gió lại truyền cho chúng tôi niềm tin và nhân thêm tình yêu với Tổ quốc.  Những hình ảnh quân, dân trên đảo kiên trung, bất khuất nơi “đầu sóng, ngọn gió” âm thầm, lặng lẽ xây đắp hạnh phúc và bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc là bằng chứng về sức sống mãnh liệt của đất nước, con người Việt Nam.


Trường Sa, trước kia toàn nắng và gió biển, nay được bao phủ bởi một màu xanh tươi mát. Không chỉ có màu xanh của trời, màu xanh của cây, của rau, còn có những vườn hoa thanh niên đủ màu khoe sắc, rực rỡ. 

Những khó khăn của cán bộ chiến sỹ và người dân trên huyện đảo cũng đã vơi đi khi nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các địa phương, các bộ ban ngành và kiều bào từ khắp nơi trên thế giới. Các đảo đều đã được trang bị máy lọc nước biển thành nước ngọt, máy tập thể thao đa năng, máy tính… cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho cán bộ chiến sỹ. Những tua-bin điện gió, những tấm pin năng lượng mặt trời đã cơ bản cung cấp điện sinh hoạt cho quân và dân trên huyện đảo và Nhà giàn trên thềm lục địa của Việt Nam.

Luyện tập võ thuật, sẵn sàng chiến đấu là một trong những nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu của cán bộ, chiến sĩ
làm nhiệm vụ tại đảo Nam Yết
 
Đi dưới những hàng cây xanh mướt ở đảo Sơn Ca hay Song Tử Tây, Nam Yết; trên xuồng CQ cao tốc vào thăm, động viên cán bộ, chiến sỹ ở đảo chìm Đá Nam, Đá Thị... mỗi chúng tôi đều thấu hiểu rằng, để có những cột mốc chủ quyền sừng sững hiên ngang và trường tồn mãi mãi như hiện nay, nhiều sĩ quan, binh nhất, binh nhì đã anh dũng hy sinh. Có người mãi mãi nằm lại dưới tầng tầng san hô biển mặn, thi thể hòa lẫn biển khơi, hòa vào sóng gió, thành khúc quân ca Trường Sa…
Nội dung: Đinh Vũ
Đồ họa: Ngọc Tùng
(Dẫn nguồn: http://baophutho.vn/)
Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com