Thứ 2 | 11/04/2016
Với niềm tin, thành kính tri ân công đức các bậc tiền nhân, hàng ngàn năm nay, từ thế hệ này qua thế hệ khác, người dân Phú Thọ nói riêng và nhân dân trên khắp mọi miền của đất nước, cùng đông đảo người Việt Nam ở nước ngoài đã sáng tạo, thực hành, vun đắp và lưu truyền Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương để thể hiện sự biết ơn công lao dựng nước của các Vua Hùng và cầu mong các Vua Hùng phù hộ cho quốc thái dân an, nhân khang, vật thịnh, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Chính vì vậy người dân đất Việt đều nhớ đến câu ca:
"Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mồng 10 tháng ba.
Khắp miền truyền mãi câu ca,
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm.”
Câu ca dao đậm đà tình nghĩa ấy đã nhắc nhở các thế hệ con cháu Lạc Hồng nhớ về nguồn cội, hành hương về miền đất Tổ để tri ân công đức tổ tiên. Nét đẹp văn hoá ấy bắt nguồn từ một dân tộc có truyền thống lâu đời và bền vững luôn ăn sâu trong tâm thức cộng đồng người Việt như một lẽ sống dù họ đang cư trú ở trong nước hay nước ngoài.
          Năm nào cũng vậy, từ ngày 1-3 đến ngày 10-3 âm lịch, Phú Thọ - nơi quê cha đất Tổ lại được đón hàng triệu lượt khách hành hương về cội nguồn. Đặc biệt trong những năm gần đây, lượng khách đến Đền Hùng rất đông và đến từ rất sớm. Đền Hùng trở thành niềm thương nỗi nhớ da diết của triệu triệu trái tim người dân đất Việt. Trên khắp mọi nẻo đường từ Ngã ba hàng vào cổng Đền Hùng đã tấp nập người đi. Quang cảnh Khu Di tích lịch sử Đền Hùng rất nhộn nhịp, tưng bừng. Du khách đến đây đều cảm nhận về sự đổi thay đến ngỡ ngàng của khu di tích. Mọi thứ trông thật đẹp, hoành tráng, đường đi lối lại phong quang sạch đẹp. Các đôi nam thanh, nữ tú cười nói vui vẻ, các cụ già đang rảo bước đi nhanh khoẻ khoắn như thời trai trẻ. Mấy hôm nay, không khí lạnh tràn về, nhưng tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng không khí ấy dường như tan biến bởi sự nhộn nhịp, đông vui của dòng người trẩy hội.
          Mặc dù đã có rất nhiều dịp lên Đền Hùng, song lần nào đến đây, lòng tôi cũng dâng lên một niềm xao xuyến bâng khuâng với những cảm xúc khó tả khi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ thú của thiên nhiên nơi đây. Những lớp sương bồng bềnh như dải lụa trắng mềm mại, thanh khiết trải ngang dãy núi, rừng cây làm cho khung cảnh Đền Hùng trở nên kỳ ảo như giữa cõi Bồng lai.
          Hòa vào dòng người đông vui, náo nhiệt, tôi đứng nhìn dòng người đi như thác nước đổ, tiếp nối nhau không dứt đang bước lên cổng Đền. Trong lòng tôi cảm thấy rất tự hào khi mình là người dân đất Tổ, cũng đang cố gắng góp sức mình xây dựng quê hương Phú Thọ ngày càng giàu đẹp, văn minh hơn.
Khi lên hết Đền Hạ, tôi ngạc nhiên trước dáng người cựu chiến binh chân tập tễnh, đang chống gậy lên Đền. Người lính ấy chính là bác Nguyễn Văn Minh năm nay đã ngoài 70 tuổi, quê ở Cao Bằng. Bác không giấu được những giọt nước mắt vui mừng cho biết: “Năm xưa bác đã từng tham gia kháng chiến chống Mỹ với tâm nguyện mong sao gìn giữ được non sông bờ cõi, thực hiện được lời dạy của Bác Hồ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Hôm nay được đến thắp nén hương lên Mộ Tổ, bác rất vui và tự hào khi mình đã đóng góp một phần xương máu để bảo vệ tổ quốc”.
Nhìn bác chống gậy bước lên từng bậc đá với nét mặt vui tươi, tôi vô cùng cảm động trước nghị lực của người lính cụ Hồ và thầm cảm ơn những người như bác ấy đã cho chúng tôi có được cuộc sống yên bình, hạnh phúc như hôm nay.
Đi tiếp lên đền Trung, tôi bắt gặp ánh mắt say mê chăm chú xem các bức hoành phi treo trong đền. Tương truyền đền Trung là nơi các Vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng du ngoạn Nghĩa Lĩnh ngắm cảnh và họp bàn việc nước. Nơi đây, Vua Hùng thứ 6 đã nhường ngôi cho Lang Liêu, người con hiếu thảo sáng tạo ra bánh chưng, bánh giầy tượng trưng cho trời đất. Em Ma Thị Tuyết đến từ tỉnh Hà Giang, hiện đang là sinh viên khoa Lịch sử của trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn tâm sự: “Em rất thích nghiên cứu lịch sử, đặc biệt là lịch sử cội nguồn của dân tộc. Vì vậy, một năm em đến Đền Hùng vài lần và như một thói quen, mỗi lần đến em lại tìm mua một cuốn sách mới liên quan đến Khu Di tích lịch sử Đền Hùng để tìm hiểu thêm”. Những lời tâm sự của Tuyết đã thể hiện được lòng đam mê của cô sinh viên vùng cao hướng về miền Đất Tổ - nơi hội tụ tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
 

Du khách thắp hương tại Đền Trung - Ảnh: Quách Sinh

 
Dừng chân ở đền Thượng, tôi được tiếp xúc với 2 du khách là người Việt kiều. Anh Trần Công Định – 35 tuổi quê ở An Giang hiện đang làm việc tại Hàn Quốc – cho biết: “Lần này mình xin về nước nghỉ phép 1 tháng mục đích chính là để đưa vợ con đi thăm viếng Đền Hùng, để được thắp nén hương thơm lên Mộ Tổ linh thiêng và để các cháu tự hào khi biết mình có nguồn gốc là con Rồng cháu Tiên. Ở bên Hàn, ngày nào mình cũng xem tin tức của Việt Nam”.
          Người Việt Nam vốn có truyền thống đạo lý sâu sắc về cách ứng xử với các bậc tiền nhân, với thế hệ đi trước bằng đạo lý “ uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”… Chính vì vậy mà các thế hệ nối tiếp nhau luôn tôn kính và biết ơn những người đã có công khai sinh ra đất nước, dân tộc.
Về với cội nguồn không chỉ có những người con dân đất Việt mà còn có rất nhiều người đến từ các quốc gia khác nhau. Tôi tình cờ gặp một nhóm du khách khác đến từ đất nước Nhật Bản đang mải ngắm tấm bia đá ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các vua Hùng đã có công dựng nước
                Bác Cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Anh Hyuga cho biết: “Đến Việt Nam, nhất là đến với Đền Hùng, tôi cảm nhận được sự tôn kính của các bạn đối với các bậc tiền nhân và sự đoàn kết của các bạn thật lớn. Đó cũng chính là lý do vì sao tôi yêu mến Việt Nam và muốn có những chuyến công tác dài ngày tại nơi đây”.
Tôi rất cảm động trước những tình cảm chân thành của một người ngoại quốc. Sự giao lưu giữa Việt Nam và các nước trên thế giới đang mở rộng và rồi sẽ còn có rất nhiều du khách từ khắp 5 châu, 4 bể đến với Việt Nam nói chung và Đền Hùng nói riêng.
          Có thể nói Đền Hùng là nơi hội tụ của mọi tầng lớp, mọi dân tộc Việt Nam. Dù ở phương trời nào họ cũng vẫn hướng về Đền Hùng với lòng thành kính, nhớ ơn công lao dựng nước của các vua Hùng. Về Đền Hùng, chúng ta có dịp được gặp những người anh em cùng “bọc trăm trứng”, được sống trong không khí hào hùng của dân tộc.
Một người bạn của tôi đang công tác tại Đài Loan vui mừng tâm sự: “Về quê hương đất Tổ vào những năm gần đây, những hình ảnh phản cảm hầu như không còn. Hệ thống hàng quán được quy hoạch gọn gàng, thức ăn chín để trong tủ kính, niêm yết giá công khai. Dọc các lối đi, từ sân trung tâm lễ hội lên đền Thượng, xuống đền Trung, đền Hạ rồi đền Giếng, đâu đâu du khách cũng gặp những tấm biển nhắc nhở người trẩy hội ứng xử văn minh. Đền Hùng khang trang, sạch đẹp hơn nhiều. Những người làm công việc phục vụ ở đây rất tận tình, hiếu khách. Đúng là một Đền Hùng mới mẻ, một Phú Thọ đang tiến mạnh trên con đường hội nhập. Cùng với hai di sản văn hóa “Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương” và “Hát Xoan Phú Thọ”, Đất Tổ luôn mở rộng vòng tay hân hoan chào đón du khách và bạn bè bốn phương về với cội nguồn trẩy hội mùa xuân giỗ Tổ Hùng Vương."
Phú Thọ - đất Tổ Hùng Vương, hiện còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa gắn với thời đại Hùng Vương, trong đó “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là một điểm sáng trong tâm linh người Việt. Việc tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng ngày càng khẳng định giá trị cao đẹp của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ. Ý nghĩa tâm linh của cuộc hành hương về với cội nguồn đã trở thành nếp sống, nét văn hoá truyền thống không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mỗi con người Việt Nam. Đó là truyền thống văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Tất cả mọi người dân đất Việt đều có quyền tự hào mỗi khi về dự Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng./.

Nguyễn Đức Hòa
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com