Thứ 2 | 11/04/2016
    Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch phải dựa trên rất nhiều công cụ hữu hiệu khác nhau với mục đích truyền đi thông tin các khu điểm du lịch, sản phẩm du lịch đến với du khách. Một trong các hoạt động xúc tiến đó là đẩy mạnh tuyên truyền thông tin du lịch đến với các tổ chức có sức ảnh hưởng về nghiên cứu giá trị Di sản Văn hóa du lịch. Trong thời gian qua, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch đã phối hợp với rất nhiều đơn vị, tổ chức trong việc tuyên truyền, quảng bá du lịch để du khách ngày càng hiểu sâu hơn về du lịch Phú Thọ.
Hội đình làng Việt được biết đến là một tổ chức nghiên cứu văn hóa Đình làng với hơn 5.000 thành viên, là những người yêu di sản, yêu văn hóa làng của người Việt. Thông qua hoạt động tìm hiểu những ngôi đình cổ, bằng việc thường xuyên tổ chức các chuyến điền dã “Đình làng Việt”, các thành viên của hội được gặp gỡ, trao đổi, nghiên cứu về giá trị văn hóa, kiến trúc di sản đình làng. Đó cũng là một trong những hoạt động tuyên truyền, quảng bá phục vụ công tác bảo tồn, gìn giữ giá trị di tích, đồng thời đưa những hình ảnh đẹp về làng quê Việt nam đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước.
Từ khi thành lập đến nay, hội đã có 11 chuyến điền dã nghiên cứu đình làng ở nhiều tỉnh thành vùng Bắc Bộ. Trong đó chuyến điền dã lần thứ 5, hội đến với đình làng Hùng Lô và Lâu Thượng tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Sau chuyến điền dã, hình ảnh những ngôi đình cổ, đặc biệt gắn liền với hát Xoan Phú Thọ đã được các thành viên chia sẻ rộng khắp mọi miền đất nước.
Nối tiếp thành công của chuyến điền dã lần thứ nhất đến Phú Thọ, chuyến điền dã lần thứ 2 đã được Hội Mỹ thuật Việt Nam, phối hợp với Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Phú Thọ tổ chức với chủ đề “Trở về Phú Thọ”. Chuyến đi có sự góp mặt của hơn 90 thành viên là các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, các nhà nhiếp ảnh và phóng viên các cơ quan truyền thông Trung ương và địa phương. Điểm đến của đoàn là đình Đào Xá (huyện Thanh Thủy) và đình Do Nghĩa, làng nghề tương Dục Mỹ (huyện Lâm Thao).
     

Các thành viên chụp ảnh lưu niệm tại Đình Đào Xá, huyện Thanh Thủy

 
Ngôi đình đầu tiên trong chuyến điền dã là đình Đào Xá, thuộc xã Đào Xá,  huyện Thanh Thủy. Tại đây, các thành viên đã làm lễ cầu bình an và tìm hiểu về ngôi đình thiêng thờ Hùng Hải Công, người con thứ 19 của Lạc Long Quân. Ngôi đình có niên đại cách ngày nay trên 300 năm với các mảng chạm khắc trong đình khá công phu tinh tế với các thanh kẻ, ván dong chạm trổ nhiều nội dung phong phú như: long mã phụng đồ, lá sen, người cưỡi ngựa, mẫu long huấn tử... Ngôi đình còn gắn liền với lễ hội nổi tiếng Rước voi Đào Xá được tổ chức vào ngày 27,28,29 tháng Giêng hàng năm. Lễ hội được tổ chức phỏng theo tích Vua Hùng ban cho Hùng Hải Công hai thớt voi chiến trước khi ông về trông coi vùng đất sông Nhị (Hải Dương) vì có công lớn trong việc khai thiên lập địa vùng Tam Giang.
Ngôi đình thứ hai trong chương trình nghiên cứu của hội là đình Do Nghĩa, xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao. Ngôi đình là nơi thờ Đại Hải Long Vương, một vị tướng phụng sự dưới thời đại Hùng Vương. Ngôi đình được xây dựng vào cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18 với kiến trúc nghệ thuật độc đáo, một hình ảnh mẫu mực của phong cách kiến trúc cổ truyền dân tộc. Tại không gian đình, các thành viên cùng với đông đảo người dân địa phương đã được thưởng thức các tiết mục biểu diễn hát Xoan cổ do phường Xoan An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì biểu diễn. Các tiết mục đã đem đến sự trải nghiệm độc đáo cho tất cả các thành viên, đặc biệt là màn hát “ Giã cá”. Đây là tiết mục hấp dẫn nhất trong phần hát hội, lôi cuốn hầu hết các thành viên tham gia. Bạn Như Mai, một thành viên trong Hội đình làng Việt chia sẻ: “ Đây là lần đầu tiên em được đến Phú Thọ, cũng là lần đầu tiên được xem hát Xoan, em không nghĩ hát Xoan lại hay đến thế. Các em nhí trong phường Xoan múa hát rất hay và hồn nhiên, em sẽ quay trở lại Phú Thọ vào một ngày gần nhất”.
                    
Thưởng thức các làn điệu Xoan độc đáo.
 
Cũng tại đình Do Nghĩa, người dân địa phương còn mang đến bày bán các sản phẩm đặc sản của làng quê như: bánh chè lam, ấm ủ... đã tạo nên không gian sinh hoạt đậm nét làng Việt. Đó chính là cái hồn của đình làng Việt gắn liền với cuộc sống của người dân từ bao đời nay.
Trong chương trình kết nối di sản với các hoạt động du lịch làng nghề truyền thống tại địa phương, các thành viên còn được tham quan làng tương truyền thống thôn Dục Mỹ, xã Cao Xá, huyện Lâm Thao. Tại đây, các thành viên đã nghe giới thiệu về quy trình làm tương và được nếm thử món đặc sản địa phương thơm ngon nổi tiếng của vùng.
 

Các thành viên Hội đình làng Việt tham quan làng tương truyền thống thôn Dục Mỹ,
 xã Cao Xá, huyện Lâm Thao.
 
Chương trình đã để lại ấn tượng đối với các thành viên trong đoàn, qua đó nhận thấy rằng với các giá trị di sản độc đáo đó có thể xây dựng thành sản phẩm du lịch thu hút du khách trong các hành trình trải nghiệm di sản văn hóa vùng Đất Tổ. Chúng ta tin tưởng rằng, các giá trị văn hóa sẽ luôn giữ được vẹn nguyên sức hấp dẫn, lôi cuốn trong lòng mỗi du khách. Bởi không chỉ với các thành viên trong Hội Đình làng Việt, mà bất kỳ du khách nào về đây cũng đều mang theo nỗi nhớ về một miền quê Đất Tổ vua Hùng.
 
Nguyễn Đức Hòa 
 
 
 
 
 
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com