Đây là niềm vui mừng, phấn khởi không chỉ của mỗi người con trên quê hương Đất Tổ Hùng Vương mà còn là niềm vui mừng, phấn khởi chung của đồng bào cả nước trước một sự kiện văn hoá có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Mốc son này ghi dấu thành tích trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành di sản văn hoá của nhân loại.
Trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam hiện nay có 1417 địa điểm có di tích thờ cúng các Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Trên địa bàn Phú Thọ nói riêng và cả nước nói chung, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là đặc trưng trong tín ngưỡng dân gian của dân tộc Việt Nam. Tín ngưỡng ấy đã ăn sâu vào máu thịt của từng người con mang trong mình dòng máu Lạc- Hồng với truyền thuyết cùng sinh ra từ một bọc trăm trứng nặng sâu tình nghĩa "đồng bào". Ý thức thờ chung một vị Vua Tổ ấy, đã ngày một thấm sâu trong tâm thức dân gian và hun đúc thành truyền thống văn hoá mang đậm bản sắc của dân tộc Việt Nam được thử thách qua bao gian nan, khó khăn vất vả, qua bao thiên tai giặc dã và bao "biến cố thăng trầm" mà dân tộc ta đã phải đương đầu trong suốt tiến trình của lịch sử dựng nước và giữ nước của biết bao thế hệ người dân Đất Việt để luôn tiến lên phía trước. Truyền thống quý báu đó thấm sâu vào trong tâm khảm của mỗi người "Con dân Đất Việt", trở thành biểu tượng tâm linh, làm sáng lên đạo lý " Uống nước nhớ nguồn"; "Ăn quả nhớ người trồng cây" thuỷ chung son sắt của biết bao thế hệ hậu duệ con cháu các Vua Hùng hôm nay và cả mai sau. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trở thành nhu cầu về tâm linh và tình cảm không thể thiếu được và là phẩm chất đạo đức, là ý chí đoàn kết, cố kết cộng đồng thành một quốc gia- dân tộc Việt Nam hôm nay. Tín ngưỡng truyền thống thiêng liêng ấy tạo nên sức mạnh vật chất và động lực tinh thần vô song để dân tộc ta có đủ " sức mạnh và của cải, tinh thần và nghị lực" để vượt qua "muôn trùng sóng gió, phong ba", làm rạng rỡ " non sông gấm vóc Việt Nam".
Trong sâu thẳm tâm thức của mỗi người dân Việt Nam từ bao đời nay, Vua Hùng là vị Tổ đã có công dựng nên quốc gia Văn Lang- Nhà nước đầu tiên, sơ khai của dân tộc Việt Nam. Vua Hùng chính là nguồn gốc Tổ Tiên chung của cả dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, tín ngưỡng thờ cùng Hùng Vương có một vị trí rất quan trọng trong đời sống tâm linh và tình cảm của các thế hệ người dân Việt Nam, vừa thiêng liêng, vừa cụ thể thành điểm tựa tinh thần, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc cùng nhau dựng nước và giữ nước mà Bác Hồ đã tổng kết và khái quát thành chân lý của dân tộc và của thời đại:
" Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".
Đã thành truyền thống hàng năm cứ mỗi độ "Tết đến, xuân về", bất kể đất nước ta, dân tộc ta ở trong hoàn cảnh nào: Dù chiến tranh, hay thời bình, dù nghèo khó hay khá giả thì trên ngọn núi Nghĩa Lĩnh linh thiêng- Vua Hùng vẫn dang rộng vòng tay đón chào hàng triệu, hàng triệu cháu con từ khắp mọi miền đất nước, từ " một bọc trăm trứng" thuở nào từ những nơi " chân trời góc bể " trên khắp năm châu bốn biển như những dòng máu nhỏ chảy về tim- Trái tim lớn của toàn dân tộc đang hướng về hoặc đang hành hương về Đất Tổ để thắp nén tâm nhang tri ân công đức cao, dày của Đức quốc Tổ Hùng Vương. Truyền thống văn hoá đặc biệt Việt Nam này thể hiện lòng biết ơn sâu sắc và ý thức tôn vinh kính trọng công lao dựng nước của các Vua Hùng và các thế hệ cha ông đối với sự nghiệp cách mạng to lớn hôm nay mà chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã kế nghiệp xứng đáng công lao dựng nước của các Vua Hùng đã truyền lại. Để "núi sông ngút ngàn linh khí " trong sắc trời xanh cao lồng lộng và đất trời đầy hào khí linh thiêng, ta như thấy sâu thẳm trong mỗi tâm hồn người về dự Giỗ Tổ có ánh hào quang rực rỡ của Tổ tiên đang bay về trên những sải cánh chim Lạc trong ngày lễ trọng: Giỗ Tổ Hùng Vương "mùng mười tháng ba" để khắp mọi miền vẫn vang mãi câu ca đã đi vào lịch sử:
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba.
Khắp miền truyền mãi câu ca,
Nước non, vẫn nước non này ngàn năm!
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày nay đã trở thành bản sắc văn hoá đặc biệt Việt Nam- Là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó chính là “sợi chỉ đỏ tâm linh” là " động lực tinh thần" gắn kết toàn dân tộc thành cây một cội, thành con một nhà, làm nên nên sức mạnh của truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam đang trên đà "đổi mới và phát triển" hôm nay! Đó cũng là nền tảng tâm linh vững chắc để củng cố và phát triển phẩm chất, nhân cách của mỗi con người Việt Nam, góp phần giáo dục truyền thống "yêu nước, thương nòi" cho các thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mãi mãi mai sau, để dân tộc Việt Nam mãi mãi là khối sức mạnh đại đoàn kết vững chắc chống lại mọi thế lực thù địch để trường tồn tiến bước thực hiện lời dạy thiêng liêng của Bác Hồ: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết! Thành công thành công, đại thành công!.
Ngày nay, trên con đường đổi mới và hội nhập kinh tế thế giới, hơn lúc nào hết, dân tộc ta cần phải tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá quý báu của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong đời sống đương đại để tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, giữ vững chủ quyền và độc lập của quốc gia, dân tộc. Cũng vì những lẽ trên, mà tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã và đang được Đảng và Nhà nước cùng toàn thể nhân dân khắp mọi miền đất nước đặc biệt quan tâm. Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng hàng năm đã, đang và sẽ được tổ chức một cách trọng thể, trang nghiêm vì mục tiêu: "Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", xây dựng một xã hội có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh mang đậm ý nghĩa nhân văn sâu sắc biết ơn các Vua Hùng và những anh hùng dân tộc đã có công dựng nước và giữ nước trong lịch sử vẻ vang của dân tộc ta.
Hơn lúc nào hết, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đang tạo nên sức mạnh trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam vì mục tiêu: " Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh!" và góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, đoàn kết, hữu nghị với toàn thể nhân loại với vị trí là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại./.
Đ.Đ.T