Thứ 5 | 23/04/2015
1. Vua Hùng trong tòa chính sử đầu tiên của dân tộc Việt Nam.
          Vua Hùng là Tổ của dân ta - Thủy tổ của người Việt. Ông Vua đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, “Thánh Vương ngàn đời của Cổ Việt”. Các thế hệ người Việt Nam đương đại mặc nhiên thừa nhận và tự hào là con Lạc Hồng - dòng giống Rồng Tiên. Hàng năm ngày 10 tháng 3 âm lịch lại cùng nhau nô nức hành hương về miền đất Tổ để viếng mộ thăm đền, thắp hương thờ cúng Tổ Tiên.
          Với ý thức tìm lại những dòng lạc khoản đầu tiên của các sứ thần Việt Nam ghi chép về Hùng Vương và chính thức hóa đưa vào tòa Chính sử Việt Nam để dựng lại ý nghĩa của việc đồng bào Việt Nam, trăm cành một gốc, trăm họ một nhà, cùng tôn vinh Vua Tổ.
          Sách “Lĩnh Nam chích quái” của Trần Thế Pháp thế kỷ XIII là một tập sách ghi chép về những chuyện cổ tích và truyền thuyết của nước ta. Ở đó những chuyện “Họ Hồng Bàng”, “Truyện Ngư Tinh”, “Truyện Hồ Tinh”, “Truyện Đổng Thiên Vương”, “Truyện Nhất dạ trạch”, “Truyện Mộc Tinh”, “Truyện trầu cau”, “Truyện dưa hấu”, “Truyện Lý Ông Trọng” đã phản ánh về thời các vua Hùng nhưng chủ yếu tập trung giải thích về nguồn gốc “đồng bào” Việt Nam, về ý thức lao động của con người để chinh phục thiên nhiên, cải tạo thiên nhiên, làm ra của cải vật chất phục vụ cuộc sống cho chính mình: Chử Đồng Tử khai phá đầm lầy; Mai An Tiêm cải tạo đảo hoang, trồng nhiều dưa hấu, buôn bán trao đổi sản vật; Tản Viên Sơn đắp đê chống lụt; Mẫu Âu Cơ dạy dân cấy lúa, làm bánh, trồng dâu, chăn tằm, dệt vải…
          Cũng trong thời gian này, sách “Việt Sử Lược” (biên soạn năm 1377) đã chép về Hùng Vương dựng nước Văn Lang nhưng Vua với tư cách là 1 pháp sư tài giỏi thâu tóm được quyền lực của các bộ tộc để trở thành một vị thủ lĩnh tối cao của bộ lạc.
          Năm 1372, Hàn lâm viện học sĩ Hồ Tông Thốc với sách “Việt Nam Thế Chí”, ông là người đầu tiên đưa vào chính sử các vị Hùng Vương vừa như một nhân vật lịch sử, lại vừa như là tinh thần dân tộc để nhắc nhở, răn dạy con cháu theo quan niệm trung hiếu của Nho giáo với những người có công mở nước.
          Năm 1435, trong sách “Dư địa chí”, Nguyễn Trãi đã nhắc đến Hùng Vương theo thư tịch thời Trần như một niềm tự hào dân tộc.
          Năm 1470, vua Lê Thánh Tông - niên hiệu Hồng Đức (1470 - 1497) đã cho Hàn lâm viện Trực học sĩ Nguyễn Cố lập Ngọc phả Hùng Vương với tên gọi đầy đủ là “Ngọc phả cổ truyền về 18 chi đời Thánh Vương triều Hùng” (Hùng đồ thập bát diệp thánh vương Ngọc phả cổ truyền). Với sự ra đời của bản ngọc phả này, Hùng Vương đã được chính thức hóa trong tòa chính sử Việt Nam và từ đây vua Hùng đã có tông phả ở giữa thế gian. Cũng nhờ có tông phả đó mà triều đình Hậu Lê mới có đủ điều kiện để làm lễ “tế giao” như các vua phương Bắc, để xác nhận quyền độc lập quốc gia và quyền lực chuyên chế của ông vua nước Đại Việt:
“Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
 Phong tục Bắc Nam cũng khác”
                       (Bình ngô đại cáo - Nguyễn Trãi)
          Năm 1497, trong “Đại Việt sử ký toàn thư”, nhà sử học Ngô Sĩ Liên đã có đầy đủ yếu tố thuận lợi để đưa họ Hồng Bàng vào chính sử Việt Nam. Đó là bước phát triển vượt bậc trong ý thức hệ và tư duy của Nho giáo phong kiến Việt Nam xưa luôn hạ mình là hàng “phiên thần” trong ý thức tự ti, chia sẻ văn hóa theo thứ bậc để vượt lên ý thức tự tôn dân tộc, văn hóa bác học ngang hàng với nước lớn Bắc phương.
          Từ đây về sau vua Hùng được gọi là Thánh tổ và được chính quyền Trung ương công nhận; nhân dân ta trên khắp mọi miền đất nước xây đền thờ phụng. Đền Hùng thuộc xã Hy Cương, TP. Việt Trì được lưu giữ Ngọc phả Hùng Vương và nhân dân xã Hy Cương được vinh danh là dân trưởng tạo lệ hương hỏa ngàn thu.
2. Vua Hùng trong ảnh xạ văn hóa tâm linh của người Việt.
          Trải qua hàng trăm năm, từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XV, từ ngữ danh xưng Hùng Vương đã được tích tụ dần trở thành chính thống bằng việc soạn dựng “Ngọc phả cổ truyền về 18 chi đời Thánh Vương triều Hùng”. Năm 1470, triều đại Hậu Lê đã khẳng định vị trí độc tôn dựng nước, sinh dân tộc thuộc về các Vua Hùng. Vấn đề “Quốc Tổ” đã được gắn với “Hùng Vương” thay vì chữ nghĩa “Lạc Vương” trong tâm thức vương quyền vay mượn của một dân tộc chưa khẳng định nền quốc gia độc lập. Từ đây trong ảnh xạ văn hóa tâm linh của người Việt - Vua Hùng hiển hiện như bình diện của ý thức tự cường của một quốc gia hùng mạnh:
          “Trải Triệu - Đinh - Lý - Trần bao đời xây nền độc lập  
          Cùng Hán - Đường - Tống - Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương”
          Cố giáo sư sử học Trần Quốc Vượng đã giải thích rẳng “Vua Hùng” là phiên âm của một từ Việt cổ: Vua -> Bua - > Bô -> Pô = (bố); Hùng -> Khun = Cun = Thủ lĩnh. Vua Hùng = Bố của các thủ lĩnh = Thủ lĩnh tối cao. Danh hiệu Hùng Vương chỉ là một sự lắp ghép danh hiệu Bố Cái Đại Vương (Bố Cái = Vua lớn = Đại Vương) để chỉ vua Phùng Hưng sau này.
          Sách “Việt sử lược” đời Trần chép: “Đến đời Trang Vương nhà Chu (696 - 682 TCN), ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, phong tục thuần hậu, chất phác, chính sự dùng lối kết nút, truyền được 18 đời đều gọi là Hùng Vương”.
          Như vậy, trong ký ức văn hóa của nhân dân, hình ảnh Vua Hùng được khắc họa là ông vua mở nước dựng làng; để rồi ở các thế kỷ sau chính ông vua ấy lại trở thành ông Tổ của người Việt, sinh ra một bọc trăm trứng, nở ra 100 người con trai - hình thành nên nghĩa “đồng bào”.
          “Ngọc phả cổ truyền về 18 chi đời Thánh Vương triều Hùng” đã viết “Đến giờ Ngọ ngày 28 tháng Chạp, hương lạ đầy nhà, hào quang khắp phòng, bà Âu Cơ sinh một bọc…; đến giờ Ngọ ngày Rằm tháng Giêng, trăm trứng vỡ ra đều thành điềm trăm người con trai”.
          Các sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” năm 1840; “Việt Nam sử học” năm 1919; “Việt Nam văn hóa sử cương” năm 1938; “Thần linh đất Việt” - 2002; “Truyền thuyết Hùng Vương” (1971 - 2003)… đều ghi chép lại việc bà Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng  nở thành 100 người con trai hình thành nên hai tiếng “đồng bào”.
          Nhiều thế kỷ nay với người Việt Nam, “đồng bào” đã trở thành ý thức bình diện của ý thức dân tộc, niềm tự hào dân tộc; điểm hội tụ của tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, điểm hội tụ ấy đã trở thành động lực tinh thần của dân tộc Việt Nam.
3. Vua Hùng trong tín ngưỡng nguồn cội của nhân dân.
          Vua là Tổ của dân. Dân là gốc của một nước. Nước muốn vững bền nhờ dân luôn thịnh trị, dân được thịnh trị trông ơn mưa móc Tổ Tiên.

Hàng ngàn du khách về thăm Đền Hùng năm 2014

          Trong sự thăng tiến phẩm trật của thần linh, vua Hùng từ quan niệm ban đầu là thần núi với các mĩ tự: “Đột Ngột Cao Sơn; Viễn Sơn; Ất Sơn” dần trở thành tín niệm trong tâm thức dân gian. Tín niệm ấy được lan tỏa rộng ra và trở thành niềm tin thiêng liêng của mỗi người dân đất Việt - niềm tin vào Tổ tiên và sức mạnh thiêng liêng tiềm ẩn của các thế lực siêu nhiên tuy không cùng sống, cùng sinh hoạt song đang đồng hành trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của nhân dân: tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng - thờ cúng Tổ tiên.
          Trong tâm thức của nhân dân ta từ bao đời nay, Vua Hùng là vị vua Thủy tổ dựng nước, là Tổ tiên của dân tộc Việt Nam, của con người Việt Nam. Ghi nhớ và tôn vinh công lao dựng nước của Tổ tiên là một hành vi văn hóa, ý thức đạo đức và bổn phận mỗi người. Dân tôn thờ vua là Thánh: Thánh Tổ Hùng Vương. Dựa vào uy linh của Thánh, ý thức cộng đồng đã được hình thành và phát triển, từ trong gia đình đến gia tộc, hàng xóm láng giềng ra cả nước theo quan hệ huyết thống: dòng máu Lạc Hồng, con cháu Lạc Hồng,…
          Người Việt Nam luôn sống với nhau có nghĩa có tình, có thủy có chung, có trên có dưới, có xóm có làng, có sau có trước, co nước có nhà, có tổ có tông,… sống có văn hóa - văn hóa cộng đồng. Văn hóa ấy là tấm gương phản chiếu sự hiểu biết những niềm tin và phong tục cổ truyền của một dân tộc. Trong sâu thẳm tâm hồn người Việt Nam ai cũng luôn quan niệm rằng: chúng ta là người sinh ra cùng một bọc (đồng bào) là con cháu Lạc Hồng - dân cả nước đều là anh em một nhà.
“Con người có Tổ có tông
Như cây có gốc, như sông có nguồn”
          Ngày nay quan niệm đó càng được nhân lên gấp bội. Con cháu ở đâu, ông bà - Tổ tiên ở đó. Quan niệm đó dần trở thành ý thức hệ được hun đúc trong từn người và trong cả cộng đồng. Vua Hùng đã hiển nhiên tồn tại và ngự trị trên bình diện ý thức tâm linh của người Việt. Tín ngưỡng thờ Tổ phát triển không chỉ trên vùng đất Tổ mà xuyên cả quốc gia, vươn tới các cộng đồng người Việt đang sống xa Tổ quốc ở các quốc gia khác. Người Việt lập làng ở đâu sẽ xây đền thờ Tổ Hùng ở đó; cúng giỗ Tổ ở đó để cùng nhau “uống nước nhớ nguồn”, tri ân công đức Tổ tiên.
          Lịch sử Việt Nam đã chứng minh rằng dù trong lúc đất nước thái bình hay trong những khi vận mệnh cam go nhất, Vua Hùng vẫn hiển diện như một nguồn lực vô tận xuyên suốt cả thời gian lẫn không gian đến với từng người dân Việt Nam, từng gia đình người Việt Nam ở bất cứ nơi đâu trong nước hay ngoài biên giới Tổ quốc, như một động lực tinh thần cổ vũ niềm tin và sức mạnh cho toàn dân tộc tiến lên phía trước, phát triển và hội nhập toàn cầu.
          Vua Hùng trong tín ngưỡng nguồn cội của nhân dân đã trở thành niềm tin thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Vật chất có thể sẽ thay đổi, thậm chí sẽ mất đi song niềm tin thiêng liêng đó sẽ còn lại mãi mãi với thời gian, trường tồn cùng lịch sử trong kí ức của mỗi con người.

Phạm Bá Khiêm
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com