Thứ 6 | 15/04/2016

Ngày 14/4 (tức mùng 8/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, 6 xã, phường, thị trấn vùng ven Khu Di tích: xã Hùng Lô, Chu Hóa, Kim Đức, phường Vân Phú (thành phố Việt Trì); xã Tiên Kiên, thị thấn Hùng Sơn (huyện Lâm Thao) đã tổ chức rước kiệu về Đền Hùng để tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước. Đây là hoạt động nhằm tôn vinh giá trị Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; đồng thời phản ánh những nghi lễ truyền thống được duy trì và bảo tồn từ hằng nghìn năm nay, có ý nghĩa giao lưu văn hóa, gắn kết cộng đồng, được nhân dân các địa phương truyền đời gìn giữ.

 
 

 

Tới dự lễ rước kiệu có đồng chí Hà Kế San - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm Bính Thân 2016; các đồng chí thành viên Ban Tổ chức chức giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm Bính Thân 2016…

 

Đúng 8 giờ sáng, trong tiếng nhạc lễ âm vang, 6 đoàn rước kiệu đã đồng loạt rước kiệu từ đình, đền ở các xã, phường về Đền Hùng. Đi đầu đoàn rước là kiệu của thị trấn Hùng Sơn, tiếp đó là đoàn kiệu của các xã: Tiên Kiên, Chu Hóa, Hùng Lô, Kim Đức và cuối cùng là đoàn kiệu của phường Vân Phú. Các kiệu rước được sơn son thếp vàng, chạm trổ tinh vi, được rước đi trong không khí vừa trang nghiêm vừa rộn rã với sự tham gia của các thành phần chức sắc và dân chúng. 

 

Đoàn rước kiệu đã thực hiện nghi thức rước kiệu và dâng lễ vật lên các Vua Hùng. Đi đầu là đội múa sư tử, theo sau là đoàn rước Quốc kỳ và cờ hội, đoàn người đánh chiêng, trống, rước biểu dấu và bát bửu, đội bát âm múa sinh tiền, rước tàn lọng và đội kiệu, cuối cùng là quan viên và nhân dân. Tiếp đó là đội diễn trò trám với những màn diễn hài hước, hóm hỉnh thể hiện cuộc sống bình dị, vui tươi của người nông dân diễn ra trong suốt hành trình rước kiệu, thu hút đông đảo du khách thập phương đến xem. Tham gia đoàn rước còn có các thiếu nữ đội hương hoa, lễ vật gồm bánh chưng, bánh giầy và các sản vật địa phương do công sức người dân lao động vất vả mới có được.

 

Ông Nguyễn Trung Kiên - Trưởng kiệu xã Chu Hóa cho biết: “Chúng tôi rất tự hào và phấn khởi vì hằng năm được rước kiệu dâng hương tưởng niệm, tri ân công đức các Vua Hùng, nên công tác chuẩn bị được người dân trong xã chuẩn bị rất công phu và chu đáo từ trước. Từ tháng 2 âm lịch, dân làng đã họp để bầu và cắt cử Chủ tế. Các công việc khác từ chuẩn bị lễ vật, trang phục, tập thật thuần thục các nghi thức trong lễ rước kiệu cho đến việc sắp lễ, nấu bánh chưng bánh giầy, bánh ngũ sắc, chuẩn bị mâm ngũ quả và chọn người khiêng kiệu đều được bà con háo hức chuẩn bị. Năm Bính Thân 2016, xã Chu Hóa tổ chức đoàn rước kiệu gồm trên 100 người. Đây cũng là dịp để chúng tôi giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của địa phương".

 

Đi sau đoàn rước kiệu của xã Chu Hóa là đội kiệu của xã Hùng Lô. Năm nay, xã Chu Hóa rước kiệu văn có tuổi đời 319 năm (có từ năm 1697) về Đền Hùng. Ông Nguyễn Văn Thìn – Trưởng tế cho biết: “Nghi lễ rước kiệu của xã từ nhiều năm nay đều được xã hội hóa, xã khuyến khích động viên đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Xã đã lựa chọn trên 50 nam, nữ có sức khỏe tốt, độ tuổi từ 18 đến 50 tuổi tham gia vào các đội hình như: rước kiệu Bát Cống, chấp kính, cờ nhỏ, trống, chiêng, đội cờ đại, tàn, quan viên. Người dân trong xã cũng tham gia đóng góp công sức nhỏ nhoi của mình bằng nhiều hình thức từ việc cổ vũ đến tu sửa, lau dọn các vật dụng trong lễ rước kiệu. Các cụ già tuổi cao không tham gia rước kiệu cũng đóng góp ý kiến cho xã chuẩn bị lễ vật phục vụ rước kiệu sao cho đúng với nghi thức truyền thống của cha ông để lại. Điều đó khẳng định sự cố gắng, nỗ lực của xã trong việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa trên quê hương Đất Tổ, nhất là di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”.

 

Tham gia rước kiệu về Đền Hùng, đoàn rước kiệu của xã Kim Đức cuốn hút người xem còn ở xe đẩy người đóng vai Mạnh Bái (là con trưởng của Vua Hùng được rước về trình Vua Cha. Cụ Hoàng Thái Khanh, 80 tuổi được chọn đóng vai Mạnh Bái cho biết: “Theo lệ làng, tiêu chí để sắm vai này cũng rất quan trọng, phải là người có gia đình song toàn, con cháu đề huề và được dân làng bình chọn”. Đi ngay sau cỗ kiệu là phường Xoan hát thờ Vua của xã Kim Đức. Đây là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể về thời đại Hùng Vương dựng nước. Đây cũng là một trong những cái nôi Hát Xoan của tỉnh Phú Thọ, chính vì thế, từ hàng ngàn năm nay, ở Kim Đức, trong các nghi lễ thờ Vua bao giờ cũng có phường Xoan thực hiện nghi lễ hát thờ. Trong lễ rước kiệu, cũng phải có hát mời Vua và hát hộ giá trong suốt hành trình rước kiệu.

 

Trong không khí tưng bừng, náo nhiệt, hương trầm ngạt ngào, trống hội âm vang cùng với tiếng nhạc xênh tiền uyển chuyển, những chàng trai, cô gái khệ nệ trên vai những chiếc kiệu nặng và nhiều mâm ngũ quả đầy, tuy vất vả mà nét mặt vẫn tươi vui, háo hức. Các bô lão và dân làng xúng xính trong những bộ áo dài, quần the, khăn xếp, rất nghiêm trang xếp thành hàng dài xuất phát từ dưới chân núi về sân Trung tâm lễ hội, lên cổng Đền Hùng để bái vọng lên núi Hùng, theo đường xuống ngã 5 Đền Giếng, chia thành 2 hướng về đình Cổ Tích và cổng ngã ba Hàng. Nhân dân và du khách thập phương xung quanh các ngả đường cùng hòa chung trong không khí linh thiêng, mà cũng rất gần gũi, đời thường.

 

Chị Nguyễn Hoàng Yến (Tuyên Quang) thích thú cho biết: “Được theo dõi đám rước kiệu với nhiều màu sắc rực rỡ, lộng lẫy cờ, hoa, lọng, kiệu và trang phục truyền thống khiến tôi như được tìm về với lịch sử dân tộc và bản sắc văn hóa được lưu truyền từ thời cha ông ta, từ đó cảm thấy thêm yêu quê hương đất nước, tạo niềm phấn khởi, động lực trong cuộc sống, công việc và có thêm những việc làm thiết thực, góp phần nhỏ bé để gìn giữ những giá trị văn hóa đặc sắc như thế này”.

 

Có thể thấy rằng, mỗi hoạt động trong nghi lễ thờ cúng Hùng Vương đều là sự chung tay, góp sức của mọi người dân, thể hiện rõ tính cộng đồng trong tín ngưỡng và rước kiệu của các xã vùng ven Đền Hùng là một trong những hoạt động như vậy. Đây là năm thứ 5 tỉnh Phú Thọ mở rộng quy mô rước kiệu ở các xã vùng ven. Qua hoạt động ý nghĩa này nhằm tôn vinh giá trị “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, tạo sự giao lưu văn hóa của các xã, phương, thị trấn ven Đền Hùng, đồng thời góp phần nâng cao truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và lòng tôn kính đối với tổ tiên của dân tộc Việt Nam.

Dưới đây là một số hình ảnh tại Lễ rước kiệu

Các đoàn rước kiệu lên cổng Đền Hùng

 

Dẫn đầu các đội rước kiệu là đội múa sư tử
 

Các đoàn rước kiệu qua các ngả đường Khu Di tích lịch sử Đền Hùng

 

Tái hiện nghi thức “Rước vua về làng”

 

Lễ rước kiệu các xã vùng ven luôn thu hút sự theo dõi của đông đảo du khách thập phương 

Nguồn: phutho.gov.vn

Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com