Chủ nhật | 22/09/2024

baophutho.vnCuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Với nhiều giải pháp đồng bộ, CVĐ đã thu hút sự tham gia, hưởng ứng tích cực của nhiều tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân... Qua đó, đã tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường, đánh thức tiềm năng, lợi thế của các địa phương, thúc đẩy người dân sử dụng hàng Việt, mở ra những triển vọng mới trong phát triển kinh tế - xã hội.

Sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của huyện Hạ Hòa được trưng bày ở các hội chợ thương mại nhằm giao thương hàng hóa, quảng bá sản phẩm đến với người dân.

Khẳng định vị thế

Là một trong những doanh nghiệp (DN) sản xuất và chế biến chè đồng hành cùng CVĐ từ nhiều năm nay, bà Lê Thị Hồng Phương - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Trà UT (khu 1, xã Vân Lĩnh, huyện Thanh Ba) chia sẻ: “Để có thể thay đổi tâm lý, tư duy của người tiêu dùng Việt, cách hiệu quả nhất đối với các DN là đem đến những sản phẩm chất lượng tốt, giá cạnh tranh. Muốn vậy, DN phải không ngừng đổi mới, sáng tạo, làm ra sản phẩm an toàn, có chất lượng, tạo sự tin yêu cho người tiêu dùng bằng chính thái độ phục vụ”.

Chính từ lẽ đó, những năm qua, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Trà UT đã không ngừng đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo dựng uy tín trên thị trường. Hiện nay, Công ty đã phát triển các sản phẩm chè có thương hiệu nổi tiếng: Chè búp tím túi lọc, chè búp tím 75g; chè búp tím cao cấp và chè xanh đặc sản, với tổng sản lượng trên 1.500 tấn chè thành phẩm/năm. Để sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng, Công ty đã thực hiện mô hình sản xuất chè theo chuỗi giá trị, từ trồng, chăm sóc, thu hái đến thu gom chế biến và phân phối tiêu thụ đều được kiểm soát theo hợp đồng, có truy xuất nguồn gốc...

Luôn chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Trà UT đã tạo được vị thế và uy tín trên thị trường

Đặc biệt, sản phẩm chè búp tím được sản xuất theo hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 22000, sử dụng phương pháp sao sấy chè theo bí quyết riêng nên giữ được các hoạt chất quý chỉ có trong chè búp tím và tạo nên hương vị đặc biệt, độc đáo. Nhờ vậy, sản phẩm chè búp tím cao cấp đang đề nghị công nhận sản phẩm OCOP 5 sao, các sản phẩm còn lại đã đạt OCOP 4 sao. Sản phẩm không chỉ được phủ sóng ở thị trường trong nước và còn vươn xa đến một số nước Nam Á và một số nước Châu Âu. Sản xuất phát triển, Công ty hiện tạo việc làm cho 25 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 7- 10 triệu đồng/người/tháng.

Cùng với Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Trà UT, thời gian qua, các nhà sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh luôn tích cực hưởng ứng CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, coi đây là cơ hội tốt để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển. Nhiều nhà sản xuất, doanh nghiệp đã tích cực chủ động chuyển đổi số, đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ, đổi mới mẫu mã và chất lượng sản phẩm, tăng cường quản lý giảm chi phí phát sinh để hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, đồng thời xây dựng cơ chế và công khai ưu đãi đặc biệt, điển hình như: Công ty CP Hóa chất Việt Trì, Công ty CP Giấy Việt Trì, Công ty CP Bia rượu - NGK Viger, Công ty CP Giống - Vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam, HTX Mỳ gạo Hùng Lô... Nhờ đó, hầu hết các nhà sản xuất, các doanh nghiệp trên địa bàn đã tạo ra sức cạnh tranh mạnh mẽ, đứng vững trên thị trường.

Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm gỗ ván ép trên địa bàn tỉnh đều chú trọng chất lượng, có thị trường tiêu thụ bền vững.

Lan tỏa mạnh mẽ

Nhằm phát huy sức mạnh cộng đồng trong xã hội, ý thức tự lực, tự cường của người Việt Nam trong sản xuất, phân phối và tiêu dùng hàng hóa Việt, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của đất nước cũng như của tỉnh, hằng năm, Ban chỉ đạo CVĐ tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt triển khai thực hiện hiệu quả CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo các văn bản của Trung ương và của tỉnh; đồng thời, triển khai kế hoạch thực hiện CVĐ trên địa bàn toàn tỉnh. Với chức năng và nhiệm vụ được giao, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị đã lồng ghép nội dung của CVĐ vào nhiệm vụ chính trị của đơn vị, trong đó quan tâm đến công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người sản xuất, người tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt.

Đặc biệt để đưa hàng hoá có sức cạnh tranh trên thị trường, Ban chỉ đạo CVĐ các cấp phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động tăng cường công tác xúc tiến thương mại trên địa bàn, quảng bá các sản phẩm chất lượng cao do địa phương sản xuất tới người tiêu dùng một cách tích cực.
Đẩy mạnh công tác khuyến công như: Hỗ trợ các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh trong công tác đào tạo nghề, nhân cấy nghề mới, áp dụng công nghệ mới, thân thiện với môi trường. Tập trung quảng bá các sản phẩm OCOP, đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn như: VietGAP, GlobalGAP...

Các cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà sản xuất về thủ tục pháp lý, xây dựng nhãn mác, chỉ dẫn địa lý của các sản phẩm địa phương. Đưa các sản phẩm chất lượng vào hệ thống các siêu thị lớn, hệ thống các cửa hàng tiện ích, hệ thống phân phối trong và ngoài tỉnh.

Đồng chí Đặng Thế Kiên - Trưởng Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương cho biết: Là một trong những ngành chức năng của tỉnh thực hiện hiệu quả CVĐ, hằng năm, Sở Công Thương xây dựng kế hoạch tổ chức và tham gia các hội chợ ở trong và ngoài tỉnh giới thiệu hàng Việt; tăng cường công tác xúc tiến thương mại; hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh kết nối các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản vào siêu thị và các chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị.

Đặc biệt, để giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với những sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng, hàng đặc trưng của tỉnh, Sở Công Thương đã xây dựng các điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam - Tinh hoa hàng Việt Nam” tại nhiều địa phương.

Thông qua hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm CN-TTCN, nông sản tiêu biểu, sản phẩm đạt tiêu chí OCOP và sản phẩm có tiềm năng tiêu thụ lớn, thế mạnh các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh đã được đông đảo doanh nghiệp, người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến như: Giấy, phân bón, hóa chất, dệt may, các sản phẩm chè; các sản phẩm gỗ ván, mỳ gạo Hùng Lô, thịt chua Thanh Sơn, bưởi Đoan Hùng, đồ thủ công mỹ nghệ...”.

Thực tế đã khẳng định, việc tổ chức triển khai CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần từng bước làm thay đổi nhận thức và hành vi của nhà sản xuất, người tiêu dùng, tạo sự chuyển biến nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớn Nhân dân khi ưu tiên sử dụng các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt. Chiếm trên 90% hàng hóa bày bán tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích là hàng Việt Nam.

Nhiều sản phẩm của doanh nghiệp đã khẳng định thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu đem lại nguồn ngoại tệ mạnh. Điển hình là các sản phẩm: Gốm sứ vệ sinh cao cấp, gạch men Tasa, hóa chất, giấy, bia, các sản phẩm dệt may...
Anh Thơ
Dẫn nguồn: 
Nâng tầm hàng Việt (baophutho.vn)

 

 

Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com